Lòng thương xót - Cốt lõi của Tin Mừng và Chìa khóa của đời sống Kitô hữu

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3321 | Cật nhập lần cuối: 5/20/2016 2:52:26 PM | RSS

Lòng thương xót - Cốt lõi của Tin Mừng và Chìa khóa của đời sống Kitô hữuHuấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước Kinh Truyền Tin hôm Chúa nhật ngày 17 tháng 3 năm 2013:

“Những ngày qua, tôi có dịp đọc một cuốn sách do một vị Hồng y viết về lòng thương xót – sách tựa Lòng thương xót của Đức Hồng y Kasper, một thần học gia khôn ngoan và tốt lành. Cuốn sách đó đã mang lại cho tôi nhiều điều thú vị, mà anh chị em đừng nghĩ tôi đang quảng bá sách cho các vị Hồng y của tôi nhé. Nhưng quả thật cuốn sách này mang lại cho tôi nhiều điều hay, rất nhiều điều hay… Đức Hồng y Kasper nói rằng cảm nghiệm lòng thương xót làm thay đổi mọi sự. Điều tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy và thương xót đang biến đổi thế giới. Chỉ một chút lòng thương xót sẽ làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và thêm công bằng. Chúng ta cần hiểu biết một cách rõ ràng về lòng thương xót của Thiên Chúa, Người Cha giàu lòng thương xót và thật nhẫn nại… Chúng ta hãy nhớ lại lời ngôn sứ Isaia nhắc nhở chúng ta rằng dù tội lỗi chúng ta có đỏ như son thì tình yêu Thiên Chúa cũng tẩy rửa và làm cho chúng ta trở nên trắng tinh như tuyết (Isaia 1, 18). Lòng thương xót như thế quả thật là tuyệt đẹp!”

Lời tựa

Tác phẩm mà quý vị đang cầm trên tay được dựa trên những ghi chép mà tôi đã soạn cho một cuộc tĩnh tâm. Dù đã nỗ lực hết mình tìm tòi trong các vấn đề Thần học, tôi đã không thành công trong việc hình thành nên các giáo huấn về Lòng Chúa Thương Xót. Sau thất bại đó, tôi trở lại chủ đề này nhiều lần và rồi lần nọ, trong trí tôi chợt nảy sinh những câu hỏi cơ bản về Thần học và về các thuộc tính của Thiên Chúa, cũng như về sự tồn tại của Kitô giáo. Tôi nhận thấy rằng lòng thương xót, dù rất quan trọng đối với Kinh Thánh, đã bị nền Thần học tín lý lãng quên hoặc chỉ được đề cập đến một cách rất hời hợt. Tuy nhiên, nền linh đạo và thần nghiệm Kitô giáo về vấn đề này và về nhiều vấn đề khác nữa lại tiến rất xa so với các trường phái Thần học khoa bảng. Do đó, cuốn sách này là một nỗ lực nhằm nối kết các suy tư thiêng liêng, mục vụ và xã hội trong bối cảnh của một nền văn hóa lòng thương xót.

Nhiều suy tư trong cuốn sách này chỉ là bước khởi đầu, nhưng tôi dám mơ ước rằng những gì tôi đề cập ở đây sẽ tạo nên một nguồn cảm hứng cho thế hệ các Thần học gia trẻ tuổi, để họ có những suy tư mới mẻ về Đức Tin cũng như có những phương thức thực hành xuất phát từ những suy tư đó, cũng như để mang lại sức sống cho những thay đổi cần thiết trong nhận thức về Thiên Chúa trong Thần học và trong đời sống Giáo hội. Trong tiến trình này chúng ta cần vượt qua sự chia rẽ giữa nền Thần học khoa bảng và nền Thần học thiêng liêng.

Tôi xin chân thành cảm ơn Viện Kardinal Walter Kasper tại Vallendar, Giáo sư George Augustin, ông Stefan Ley và ông Micheal Wieninger đã đọc và chỉnh sửa cẩn thận bản thảo.

Hồng Y Walter Kasper