Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (10)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2145 | Cật nhập lần cuối: 7/18/2016 2:34:38 PM | RSS

(tiếp theo)

CHƯƠNG V: PHẨM GIÁ CỦA VIỆC CỬ HÀNH THÁNH THỂ

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (10)47. Những ai đã đọc qua trình thuật về việc thành lập Bí Tích Thánh Thể trong Tin Mừng Nhất Lãm đều ngỡ ngàng vì, vào buổi chiều Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí Tích vĩ đại ấy với vẻ vừa đơn giản vừa “trang trọng”. Có một đoạn, theo một nghĩa nào đó, được xem như một khúc dạo đầu: Đó là việc xức dầu tại Bêthania. Một người nữ mà Thánh Gioan xác nhận là Maria, chị của Ladarô, đã đổ trên đầu Đức Giêsu một loại dầu thơm quý giá, khiến các môn đệ bất bình – đặc biệt là Giuđa (x. Mt 26, 8; Mc 14, 4; Ga 12, 4) - như thể hành vi đó là một “sự phí phạm” không thể chịu nỗi đối với người nghèo. Tuy nhiên Chúa Giêsu lại nghĩ khác. Không cất bỏ điều gì trong bổn phận bác ái của các môn đệ đối với ngưới nghèo – “Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em” (Mt 26, 11; Mc 14, 7; x. Ga 12, 8) – Chúa Giêsu nghĩ đến biến cố sắp đến là cái chết và việc mai táng Ngài, và Ngài nhìn thấy trong việc xức dầu mà người ta vừa làm, cho Ngài hưởng trước cái danh dự mà thân xác Ngài vẫn xứng đáng ngay cả sau khi chết, bởi vì nó được liên kết bền chặt với mầu nhiệm của bản thân Ngài.

Trong Tin Mừng Nhất Lãm, trình thuật tiếp tục với việc Đức Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ chuẩn bị kỷ lưỡng “căn phòng lớn” cần thiết cho bữa ăn vượt qua (x. Mt 14, 15; Lc 22, 12), và với trình thuật việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Phản ánh thoáng qua, ít nữa là một phần, khung cảnh nghi thức Do Thái được sắp đặt cho bữa ăn vượt qua cho đến thánh vịnh ngợi khen (x. Mt 26, 30; Mc 14, 26), trình thuật trình bày một cách vừa cô đọng vừa trang trọng, ngay cả trong những dị biệt của những truyền thống khác nhau, những lời Chúa Kitô nói trên bánh và rượu, mà Ngài dùng như những cách diễn tả cụ thể về thân xác Ngài bị trao nộp và máu Ngài đổ ra. Tất cả những chi tiết này được các Thánh Sử nhắc lại dưới ánh sáng của nghi thức “bẻ bánh” bấy giờ đã được củng cố trong Giáo Hội tiên khởi. Nhưng lẽ dĩ nhiên, từ lịch sử mà Chúa Giêsu đã sống, biến cố Thứ Năm Tuần Thánh rõ ràng có những nét “nhạy cảm” phụng vụ đã được nhào nắn theo truyền thống cựu ước và sẵn sàng để được nhào nắn lại trong cử hành Kitô giáo phù hợp với nội dung mới của Phục Sinh.

48. Như người nữ xức dầu tại Bêtania, Giáo Hội không ngần ngại “phung phí”, sử dụng những gì tốt đẹp nhất trong kho tàng của mình để nói lên sự thán phục và lòng tôn thờ của mình trước ân huệ vô bờ bến của Bí Tích Thánh Thể. Cũng như các tông đồ đầu tiên được uỷ thác lo chuẩn bị “căn phòng rộng lớn”, Giáo Hội cảm thấy được thúc đẩy cử hành Thánh Thể trong một bối cảnh xứng đáng với một Mầu Nhiệm vĩ đại như thế, qua các thế kỷ và trong sự tiếp nối của các nền văn hóa. Phụng vụ Kitô giáo được khai sinh dựa trên lời và hành động của Chúa Giêsu, phát triển thêm di sản phụng tự Do Thái giáo. Và vì thế, làm sao có thể diễn tả một cách thích hợp việc đón nhận sự tự hiến không ngừng của Phu Quân thần linh cho Giáo Hội - Hiền Thê, bằng cách đặt trong tầm tay những thế hệ tín hữu kế tiếp nhau, Hy Tế hiến dâng một lần là đủ trên Thập Giá và bằng cách tự hiến mình làm của ăn cho mọi tín hữu? Nếu lối suy luận về “bữa tiệc” có làm khơi dậy một tinh thần gia đình đi nữa, Giáo Hội vẫn không bao giờ nhượng bộ trước cám dỗ tầm thường hoá sự “thân thiện gia đình” này đối với Phu Quân mà quên đi Ngài còn là Chúa của mình nữa và “bữa tiệc” vẫn luôn luôn là bữa tiệc hy tế, được đánh dấu bằng việc máu đổ ra trên đồi Golgotha. Bữa Tiệc Thánh Thể vẫn thật sự là một bữa tiệc “thánh”, trong đó những dấu chỉ đơn sơ ẩn chứa chiều sâu khôn dò sự thánh thiện của Thiên Chúa: “Ôi Tiệc Thánh, trong đó Chúa Kitô trở nên lương thực!” (O Sacrum convivium, in quo Christus sumitur!). Tấm bánh được bẻ ra trên bàn thánh và hiến tặng cho chúng ta trong thân phận lữ hành trên những bước đường trần gian, là “panis angelorum”, bánh thiên thần, bánh đó chúng ta chỉ có thể tiếp cận với tấm lòng khiêm tốn của viên đại đội trưởng trong Tin Mừng: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi” (Mt 8, 8; Lc 7, 6).

49. Dựa vào ý nghĩa cao siêu ấy của mầu nhiệm, chúng ta hiểu rằng niềm tin của Giáo Hội vào Mầu Nhiệm Thánh Thể được diễn tả trong lịch sử không chỉ bằng đòi hỏi một thái độ sùng kính nội tâm, mà còn bằng một chuổi cách diễn tả bên ngoài, nhằm gợi lên và làm nổi bật sự cao trọng của biến cố được cử hành. Từ đó nảy sinh một tiến trình đưa dần đến việc ấn định một quy chế đặc biệt thành quy luật cho phụng vụ Thánh Thể, mà vẫn tôn trọng những truyền thống giáo hội khác nhau được thiết lập hợp pháp. Trên nền tảng đó, một di sản nghệ thuật phong phú cũng đã được phát triển. Kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, khi được hướng dẫn bởi mầu nhiệm Kitô giáo, đã tìm thấy một nguồn cảm hứng vô tận, cách trực tiếp hay gián tiếp trong Bí Tích Thánh Thể.

Cũng thế, về phương diện kiến trúc chẳng hạn, khi bối cảnh lịch sử cho phép, người ta chứng kiến nơi cử hành những Nghi Thức Thánh Thể đầu tiên đã được chuyển từ những “nhà” (domus) của những gia đình đến những vương cung thánh đường (basiliques) trang trọng vào những thế kỷ đầu rồi đến những đại thánh đường (cathédrales) uy nghi của thời Trung Cổ và cuối cùng đến những ngôi nhà thờ (églises) lớn nhỏ cứ dần dần mọc lên trên những phần đất mà Kitô giáo đã lan đến. Hình thức của những bàn thờ và của những nhà tạm cũng phát triển trong những không gian phụng vụ, không chỉ tuỳ theo những đà cảm hứng, mà còn theo những chỉ dẫn do thông hiểu chính xác về Mầu Nhiệm. Người ta cũng có thể nói như thế về thánh nhạc, khi chỉ cần nghĩ đến nguồn cảm hứng của những giai điệu bình ca, đến đông đảo các tác giả và thường là những tác giả thời danh, đã tự đo lường với những bản văn phụng vụ của Thánh Lễ. Và trong lãnh vực vật dụng, đồ trang trí dùng trong cử hành phụng vụ, ai lại không thấy một khối lượng quan trọng những sản phẩm nghệ thuật, đi từ những tác phẩm thủ công mỹ nghệ tốt đến những kiệt tác nghệ thuật?

Người ta có thể nói rằng, nếu Bí Tích Thánh Thể đã hun đúc Giáo Hội và con đường thiêng liêng, Bí Tích Thánh Thể cũng có ảnh hưởng rất quan trọng trên “văn hoá”, đặc biệt trong lãnh vực thẩm mỹ.

50. Những Kitô hữu Phương Tây và Phương Đông đã “tranh đua” trong nổ lực thờ phượng Mầu Nhiệm, dưới khía cạnh nghi lễ và thẩm mỹ. Làm sao không cảm tạ Thiên Chúa được, đặc biệt vì sự đóng góp đã đem lại cho nền nghệ thuật Kitô giáo những tác phẩm vĩ đại về kiến trúc và hội họa của truyền thống hy-lạp-byzantin và của cả vùng địa lý và văn hóa slave nữa? Ở Phương Đông, nghệ thuật thánh đã gìn giữ được một cảm thức đặc biệt mãnh liệt về mầu nhiệm, đã thúc đẩy các nghệ sĩ quan niệm rằng những cố gắng sáng tạo cái đẹp không chỉ là một sự biểu hiện thiên tài mà còn là một phục vụ trung thực cho đức tin. Vượt xa ngoài tài khéo léo về kỹ thuật, họ đã biết đón nhận trong vâng phục luồng gió của Thánh Thần Thiên Chúa.

Vẻ huy hoàng của nền kiến trúc và tranh mosaiques trong giới Kitô giáo Đông và Tây Phương là một di sản phổ quát của tín hữu và mang trong mình một hoài bão, tôi có thể nói, một bảo chứng cho hiệp thông trọn vẹn hằng ước mong trong đức tin và trong việc cử hành. Điều đó hàm ý và đòi buộc, như trong bức họa thời danh về Chúa Ba Ngôi của Roublev, một Giáo Hội “Thánh Thể ” sâu trầm, nơi đó việc chia sẻ mầu nhiệm của Chúa Kitô trong tấm bánh bẻ ra như được dìm trong sự hợp nhất khôn tả của Ba Ngôi Thiên Chúa, biến Giáo Hội thành một “bức họa” của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong viễn tượng của một nghệ thuật muốn diễn tả, xuyên qua tất cả những yếu tố của nó, ý nghĩa của Bí Tích Thánh Thể theo giáo huấn của Giáo Hội, cần phải chú tâm đến những quy định liên quan đến việc xây dựng và trang trí các thánh đường. Không gian sáng tạo mà Giáo Hội luôn dành cho các nghệ sĩ rất rộng, như lịch sử đã cho thấy, cũng như tôi đã nhấn mạnh trong Bức thư gởi các nghệ sĩ (100). Nhưng nghệ thuật thánh phải có đặc điểm là khả năng diễn tả cách phù hợp Mầu Nhiệm được đón nhận trong đức tin viên mãn của Giáo Hội, và theo những chỉ dẫn mục vụ đúng đắn do Bản Quyền chuyên trách. Điều đó có giá trị cho những nghệ thuật tượng hình cũng như cho thánh nhạc.

(còn tiếp)

Ban hành tại Roma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô,
ngày 17 tháng 04 năm 2003, thứ Năm Tuần Thánh,
trong năm thứ 25 triều Giáo Hoàng của tôi và trong năm Mân Côi.

GIOAN-PHAOLÔ

________________
Tham chiếu:

(100) x. AAS 91(1999), trang155-1172: La Documentation catholique 96 (1999), trang 451-458.

------------------------------------

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (1)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (2)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (3)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (4)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (5)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (6)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (7)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (8)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (9)