Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (7)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2173 | Cật nhập lần cuối: 6/29/2016 2:11:48 PM | RSS

(tiếp theo)

CHƯƠNG IV: THÁNH THỂ VÀ SỰ HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (7)34. Năm 1985, phiên họp khoáng đại đặc biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nhìn thấy trong “giáo hội học về hiệp thông” ý tưởng chủ đạo và cơ bản của những văn kiện Công Đồng Vaticanô II (67). Trong cuộc lữ hành trần thế, Giáo Hội được kêu mời gìn giữ và phát triển sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và giữa các tín hữu với nhau. Hướng về mục đích đó, Giáo Hội luôn có sẵn Lời Chúa và các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, nhờ đó mà Giáo Hội luôn “sống động và lớn mạnh” (68) và đồng thời trong đó Giáo hội tự diễn tả chính mình. Không phải ngẫu nhiên mà từ ngữ hiệp thông lại trở thành một trong những danh từ chuyên biệt của Bí Tích Rất cao cả này.

Do vậy, Bí Tích Thánh Thể được xem như chóp đỉnh của tất cả các bí tích, vì Bí Tích Thánh Thể luôn thể hiện một cách hoàn hảo nhất sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, nhờ sự đồng hình dạng với Chúa Con duy nhất bởi tác động của Chúa Thánh Thần. Với một niềm tin sâu sắc, một trong những tác giả thời danh của truyền thống byzantin, đã diễn tả chân lý này khi bàn đến Bí Tích Thánh Thể: “Như thế mầu nhiệm này thật hoàn hảo, khác với mọi nghi thức khác, và nó dẫn thẳng đến chóp đỉnh của mọi ơn ích, vì đó cũng là cứu cánh tuyệt đỉnh của mọi cố gắng con người. Bởi vì chúng ta gặp chính Thiên Chúa trong mầu nhiệm ấy, và chính Thiên Chúa kết hợp với chúng ta bằng một mối liên kết hoàn hảo nhất.” (69). Chính vì thế mà vun trồng trong các tâm hồn niềm ao ước Bí Tích Thánh Thể triền miên là điều rất thích hợp. Cũng chính vì thế đã khai sinh một cách thức “rước lễ thiêng liêng”, được phổ biến tốt đẹp từ nhiều thế kỷ trong Giáo Hội và rất được các bậc thầy thánh thiện về đời sống thiêng liêng khuyến khích. Thánh Têrêsa Giêsu đã viết: “Khi bạn không thể rước lễ trong thánh lễ được thì bạn hãy rước lễ thiêng liêng vậy, vì đó là một cách thức mang lại nhiều lợi ích [...]; bằng cách đó bạn ghi khắc trong lòng tình yêu sâu xa với Chúa chúng ta.” (70).

35. Tuy nhiên cử hành Bí Tích Thánh Thể không thể là khởi điểm cho sự hiệp thông được – vì sự hiệp thông đã được xem như hiện hữu rồi – và sau đó mới củng cố và đưa lên mức hoàn hảo. Chính Bí Tích diễn tả mối dây hiệp thông đó, một mặt trong chiều kích vô hình của nó, chiều kích nầy nối kết chúng ta với Chúa Cha và chúng ta với nhau trong Đức Kitô qua tác động của Chúa Thánh Thần, mặt khác, trong chiều kích hữu hình đòi hỏi sự hiệp thông trong giáo huấn của các Tông Đồ, trong các bí tích và trong phẩm trật. Tương quan chặt chẽ giữa yếu tố vô hình và yếu tố hữu hình của sự hiệp thông Giáo Hội cấu tạo nên Giáo Hội như Bí Tích cứu độ (71). Chỉ trong bối cảnh này mới có việc cử hành Bí Tích Thánh Thể hợp pháp và sự tham dự đích thực vào bí tích này. Hệ quả là có một đòi buộc nội tại đối với Bí Tích Thánh Thể: phải được cử hành trong sự hiệp thông và, cụ thể hơn, trong sự toàn vẹn của những điều kiện đòi hỏi.

36. Sự hiệp thông vô hình, dù tự bản chất luôn luôn tăng trưởng, đòi hỏi đời sống ân sủng, nhờ đó chúng ta trở thành “những người được tham dự vào bản tính Thiên Chúa” (2 P 1, 4), và việc thực hành những nhân đức, tin, cậy, mến. Quả thật, chỉ như thế mới thiết lập được sự hiệp thông đích thực với Chúa Cha, Chúa Con và ChúaThánh Thần. Đức tin không thể đủ; mà còn phải bền vững trong ơn thánh và trong đức ái bằng cách lưu lại “cả hồn””cả xác” trong lòng Giáo Hội (72); vì thế, nói như Thánh Phaolô “đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5, 6).

Sự tôn trọng toàn thể những mối liên kết vô hình là một nghĩa vụ đạo đức nghiêm nhặt đối với bất cứ ngưới Kitô hữu nào muốn tham dự hoàn toàn vào Bí Tích Thánh Thể khi rước Mình và Máu Đức Kitô. Cũng chính Tông Đồ Phaolô nhắc nhở tín hữu bổn phận này bằng lời cảnh cáo: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn bánh và uống chén này” (1Cr 11, 28). Với tất cả tài hùng biện của mình, thánh Gioan Kim Khẩu đã khuyến khích các tín hữu: “Tôi cũng thế, tôi lớn tiếng van nài, tôi xin và van nài anh em, đừng bước tới bàn thánh này với một tầm hồn ô uế và hư đốn. Một thái độ như thế không thể gọi là rước Chúa, ngay như nếu anh em có rước Chúa hàng ngàn lần đi nữa thì chỉ chuốc lấy án phạt, ray rức và sự gia tăng hình phạt mà thôi” (73).

Cũng trong viễn tượng ấy, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã xác định lại một cách đúng đắn rằng “Ai biết mình đang mắc tội trọng, phải lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải trước khi đến rước lễ” (74). Vì thế tôi ước muốn nói lại rằng quy luật nầy vẫn còn và sẽ còn giá trị mãi trong Giáo Hội, quy luật mà Công Đồng Triđentinô đã áp dụng cụ thể lời khuyến cáo nghiêm khắc của Tông Đồ Phaolô khi khẳng định rằng, để có thể rước lễ cách xứng đáng “nếu ai biết mình đang ở trong tình trạng tội trọng, thì phải đi xưng thú tội mình trước đã” (75).

37. Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Hòa Giải là hai bí tích được liên kết mật thiết với nhau. Nếu Thánh Thể hiện tại hóa Hy Tế cứu độ của Thập Giá, không ngừng lưu truyền bằng bí tích, thì điều đó có nghĩa là từ Bí Tích này phát xuất một đòi buộc hoán cải liên tục, đáp lại từ chính bản thân lời khuyến cáo mà Thánh Phaolô ngỏ với tín hữu thành Côrintô: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2 Cl 5, 20). Nếu người Kitô hữu mang trong tâm hồn gánh nặng của một tội trọng thì cuộc hành trình hối cải qua Bí Tích Hoà Giải, trở thành một bước đường bó buộc phải đi qua để tham dự hoàn toàn vào Hy Tế Thánh Thể.

Lẽ dĩ nhiên, phán quyết về tình trạng ân sủng thuộc quyền của chính đương sự, vì đó là một phán quyết của lương tâm. Tuy nhiên, trong trường hợp một hành vi bên ngoài vi phạm nghiêm trọng, công khai và liên tục luật luân lý, Giáo Hội trong sự lo lắng mục vụ về trật tự cộng đồng và vì lòng tôn kính Bí Tích, không thể không cảm thấy liên quan. Tình trạng mâu thuẫn luân lý công khai này đã được đề cập đến trong Giáo Luật về việc từ chối không cho rước lễ những ai “ngoan cố ở trong tội trọng tỏ tường” (76).

(còn tiếp)

Ban hành tại Roma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô,
ngày 17 tháng 04 năm 2003, thứ Năm Tuần Thánh,
trong năm thứ 25 triều Giáo Hoàng của tôi và trong năm Mân Côi.

GIOAN-PHAOLÔ

________________
Tham chiếu:

(67) Cf. Báo cáo cuối cùng, II,C,1:L’Osservatorum Romano. 10-12 1985, trang 7; La Documentation Catholique 83, (1986), trang 39.

(68) Cđ. Vat II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, số 26.

(69) Nicôlaô Cabasilas, Cuộc sống trong Chúa Kitô, IV, số 10: SCh,335, trang 271.

(70) Thánh Têrêxa Giêsu, Con đường trọn lành, chương 37: Oeuvres complètes, Paris (1948), trang 766.

(71) Cf. Thánh Bộ Giáo lý đức tin, Communionis notio (28-5-1992), số 4:AAS 85 (1993), trang 839-840; La Documentation catholique 89 ( 1992), trang 730.

(72) Cf. Cđ. Vat II, Hiến chế tín lý Lumen gentium số 14.

(73) Bài giảng về Isaia, 6,3: PG 56,139.

(74) Số 1385; x Giáo luật, khoản 916; giáo luật các Giáo Hội Đông Phương khoản 711.

( 75) Diễn từ cho những thành phần của Nhà giam tông tòa và cho những Cha giải tội các Đại Thánh Đường thành Rôma (30-1-1982).

( 76) Khoản 915; x. Giáo luật các Giáo Hội Đông phương, khoản 712.

------------------------------------

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (1)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (2)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (3)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (4)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (5)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (6)