Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (8)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1955 | Cật nhập lần cuối: 7/5/2016 2:40:05 PM | RSS

(tiếp theo)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (8)38. Như tôi đã nhắc đến, sự hiệp thông Gíáo Hội cũng hữu hình, và tự diễn tả qua những mối liên hệ được chính Công Đồng nêu lên trong giáo huấn của mình: “Những người được gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo Hội là những ai lãnh nhận Thánh Thần của Đức Kitô, chấp nhận trọn vẹn tổ chức và tất cả những phương thế cứu rỗi đã được Giáo Hội thiết lập, và nhờ những mối dây liên hệ do việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, việc cai quản và sự hiệp thông của Giáo Hội, họ liên kết với Chúa Kitô trong tổ chức hữu hình mà Người điều khiển nhờ Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục” (77).

Bí Tích Thánh Thể, vì là sự thể hiện bí tích cao quí nhất của sự hiệp thông trong Giáo Hội, đòi buộc phải được cử hành trong một bối cảnh tôn trọng những mối dây liên kết bên ngoài của sự hiệp thông. Một cách đặc biệt, vì Bí Tích Thánh Thể là “sự hoàn tất của đời sống thiêng liêng và là cứu cánh của mọi bí tích”, (78), đòi buộc những mối dây hiệp thông trong các bí tích phải có thực, nhất là Bí Tích Rửa Tội và Truyền Chức Thánh. Không thể nào cho một người chưa rửa tội hay chối từ toàn bộ chân lý đức tin về Mầu Nhiệm Thánh Thể được rước lễ. Đức Kitô là sự thật và Ngài làm chứng cho sự thật (x. Ga 14, 6; 18, 37); Bí Tích Mình và Máu Ngài không chấp nhận sự dối trá.

39. Mặt khác, vì chính đặc điểm của sự hiệp thông Giáo Hội và mối tương quan của sự hiệp thông ấy với Bí Tích Thánh Thể, phải nhắc lại rằng “Hy tế Thánh Thể, dù luôn được cử hành trong một cộng đoàn riêng biệt, không bao giờ là một cử hành của riêng cộng đoàn đó thôi: thật vậy, khi đón nhận sự hiện diện Thánh Thể của Chúa, cộng đoàn cũng đón nhận trọn vẹn ơn cứu độ và dù bề ngoài thường xuyên là đặc thù, cộng đoàn cũng tỏ lộ như là hình ảnh và là sự hiện diện thực sự của Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” (79). Từ đó phải nghĩ rằng một cộng đoàn thật sự là Thánh Thể không được khép mình lại, như tự đủ cho mình, nhưng phải hòa đồng với mọi cộng đoàn công giáo khác.

Sự hiệp thông Giáo Hội trong cộng đồng Thánh Thể là sự hiệp thông với Giám Mục của mình và với Đức Giáo Hoàng Rôma. Thật vậy, Giám mục là nguyên lý hữu hình và là nền tảng cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương của mình (80). Do đó không hợp lý chút nào nếu Bí Tích tuyệt hảo của sự hiệp nhất Giáo Hội lại được cử hành mà không có một sự hiệp thông đích thực với Giám Mục. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã viết: “Chớ gì việc cử hành Thánh Thể nầy chỉ được xem là hợp pháp khi được cử hành dưới sự chủ tọa của Giám Mục hay của vị được ngài chỉ định”. (81). Cùng một cách như thế, vì “Đức Giáo Hoàng Rôma, Đấng kế vị Thánh Phêrô, là nguyên lý và là nền tảng hữu hình và vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các Giám Mục cũng như toàn thể đông đảo tín hữu” (82), sự hiệp thông với Ngài là một đòi buộc nội tại của việc cử hành Hy Tế Thánh Thể. Từ đó xuất phát một chân lý sâu xa được phụng vụ diễn tả bằng nhiều cách: “Mọi cử hành Thánh Thể được thực hiện trong sự hiệp thông không những với Giám Mục mà còn với Đức Giáo Hoàng, với hàng Giám Mục, với toàn thể hàng giáo sĩ và giáo dân khắp nơi. Mọi cử hành Thánh Thể thành sự đều diễn tả sự hiệp thông toàn cầu này với Thánh Phêrô và với toàn thể Giáo Hội, hoặc đòi hỏi một cách khách quan mối hiệp thông này, như trong trường hợp các Giáo Hội Kitô giáo ly khai với Rôma” (83)

40. Bí Tích Thánh Thể tạo sự hiệp thông và giáo dục sự hiệp thông. Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu thành Côrintô, chỉ cho họ thấy những chia rẽ giữa họ biểu lộ trong cộng đoàn tham dự Thánh Thể, đi ngược lại với điều họ cử hành là Bữa Ăn Tối của Chúa. Vì vậy, vị Tông Đồ kêu mời họ suy nghĩ về thực tại đích thực của Bí Tích Thánh Thể để đưa họ trở về với tinh thần hiệp thông huynh đệ (x. 1Cr 11,17-34). Thánh Augustinô cũng đã đồng ý sự đòi buộc này. Ngài nhắc lại lời của vị Tông Đồ: “Anh em là thân thể Đức Kitô, và anh em là những chi thể của thân thể ấy” (1 Cr 12, 27), ngài lưu ý:“Nếu anh em là Thân Mình của Đức Kitô và là các chi thể của Ngài, thì biểu tượng của chính anh em được đặt trên bàn của Chúa; ở đó anh em đón nhận mầu nhiệm của riêng mình” (84). Và từ đó ngài rút ra hệ quả nầy: “Chúa chúng ta đã thánh hiến trên bàn thờ mầu nhiệm sự bình an và hiệp nhất của chúng ta. Ai nhận lãnh mầu nhiệm hiệp nhất mà không lưu lai trong mối dây liên hệ bình an, thì không nhận lãnh mầu nhiệm của mình để được cứu rỗi; họ nhận lãnh lời chứng kết án họ” (85).

41. Sự cổ võ đặc biệt hữu hiệu cho hiệp thông, đặc điểm của Bí Tích Thánh Thể, là một trong những lý do của tầm quan trọng Thánh Lễ Chúa Nhật. Về phương diện này và về những lý do đã khiến cho nó trở nên cần thiết cho đời sống của Giáo Hội và của các tín hữu, tôi đã bàn rất nhiều trong Tông Thư Ngày của Chúa (Dies Domini) ( 86) về sự thánh hoá Ngày Chúa Nhật. Tôi đã nhắc lại rằng đối với các tín hữu, tham dự Thánh Lễ là một nghĩa vụ buộc, trừ khi họ có một ngăn trở nghiêm trọng nào, và cũng vậy, về phần mình các Mục Tử có bổn phận tương ứng tạo điều kiện thiết thực cho mọi người để họ thực thi huấn giới (87). Gần đây nhất, trong Tông Thư Bước vào ngàn năm mới (Novo millennio ineunte), nhằm vạch ra đường hướng mục vụ cho Giáo Hội vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, tôi muốn làm nổi bật đặc biệt Thánh Lễ Chúa Nhật, nhấn mạnh vì sao Thánh Lễ Chúa nhật rất hữu hiệu cho sự hiệp thông: Tôi đã viết “Bí Tích Thánh Thể là nơi đặc biệt để sự hiệp thông luôn được loan báo và được gìn giữ. Đúng thế, nhờ tham dự vào Bí Tích Thánh Thể, ngày của Chúa cũng trở thành ngày của Giáo Hội, như thế Giáo Hội có thể thực hiện một cách có hiệu quả vai trò của bí tích hiệp nhất” (88).

(còn tiếp)

Ban hành tại Roma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô,
ngày 17 tháng 04 năm 2003, thứ Năm Tuần Thánh,
trong năm thứ 25 triều Giáo Hoàng của tôi và trong năm Mân Côi.

GIOAN-PHAOLÔ

________________
Tham chiếu:

(77) Cđ. Vat II, Hiến chế tín lý Lumen gentium số 14.

(78) Thánh Tôma Aquinôâ, Tổng luận thần học, III,q.73,a.3.

(79) Thánh Bộ Giáo lý đức tin, Thư Communionis notio (28-5-1992, số 11 La Documentation catholique 89 (1992), trang 731.

(80) Cf Cđ. Vat II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, số 23.

(81) Thư gửi giáo đoàn Smyrne,VIII, PG 5, 713; SCh số 10, trang 139.

(82) Cđ. Vat II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, số 23.

(83) Thánh Bộ Giáo lý đức tin, thư Communionis notio ( 28-5-1992), số 14: AAS 85 (1993).

(84) nt. 1248.

(85) Bài giảng 272: PL 38,1247.

(86) x. nn. 31-51:AAS 90 (1998), trang 73746; La Documentation catholique 95 (1998) trang 666-672.

(87) x. nt.,nn.48-49: AAS 90 (1998), trang 744; La Documentation catholique 95(1998) trang 671.

(88) N. 36:AAS 93 (2001), trang 291-292; La Documentation catholique 98 (2001), trang 81.

------------------------------------

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (1)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (2)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (3)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (4)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (5)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (6)

Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (7)