Tìm hiểu Đạo giáo (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4687 | Cật nhập lần cuối: 4/27/2016 9:58:55 PM | RSS

Đạo giáo và các truyền thống cộng đồng Trung Hoa

Lịch sử và nguồn gốc

Đạo giáo là gì và nguồn gốc của nó?

Tìm hiểu Đạo giáo (1)“Đạo giáo” có liên quan tới rất nhiều truyền thống triết học, tôn giáo, và thần bí, có lẽ đã có từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên ở Trung Hoa. Ở đây chúng ta chỉ tập trung vào những phương diện tôn giáo của những phát triển phức tạp và cổ xưa này. Cội nguồn xa xưa nhất của truyền thống này nằm trong những sự sung bái của Saman giáo có niên đại lùi về vài thiên niên kỷ tới thời Trung Hoa tiền sử. Những nhân vật vua chúa truyền thuyết thời đó, Vũ, Thuấn và Nghiêu, vẫn còn được kính trọng như các bậc hiền triết vĩ đại. Theo truyền thuyết, Đạo giáo chính thức khởi từ tác phẩm Đạo Đức Kinh (Dao De Jing), Tác phẩm kinh điển về Đạo và Sức mạnh của Đạo của Lão Tử hồi thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Ngày nay các học giả tin rằng Đạo Đức Kinh thực ra có từ giữa năm 300 và 250 trước Công nguyên. Giáo thuyết của Đạo Đức Kinh đã xuất hiện cùng với những nhà tư tưởng như Dương Chu [Yang Zhu] (340-266 trước Công nguyên) và Trang Tử [Zhuang Zi] (369-286 trước Công nguyên) để hình thành cơ bản khái niệm khái quát của một truyền thống “Đạo giáo” rộng hơn vốn phần lớn đã mang tính triết học (Đạo Gia) trước thế kỷ thứ IV trước Công nguyên. Nhưng Đạo giáo (Đạo Lão) mãi lâu sau mới có. Nghiên cứu mang tính học thuật đáng tin cậy cho rằng Đạo giáo xét về mặc một truyền thống tôn giáo, bắt đầu có từ giữa thế kỷ thứ II Công nguyên. Dường như một vị đạo sư tên Trương Đạo Lăng [Zhang Dao Ling] (34-156 Công nguyên) khẳng định rằng chính Lão Tử ủy thác cho ông truyền bá giáo pháp của Đạo. Ông Trương đã phát động phong trào “Năm Giạ Lúa” (the Five Bushels of Rice) [một sự ám chỉ về tặng phẩm được đề nghị dành cho các thành viên tương lai] và thiết lập một chính sách tôn giáo tại tỉnh Giang Đông. Theo truyền thuyết, tầm quan trọng của việc Trương Đạo Lăng đạt được sự bất tử đã lên đến đỉnh điểm trong sự kiện lên trời của ông. Từ phong trào đó đã phát sinh một trong những tông phái đầu tiên và nhiều ảnh hưởng nhất của Đạo giáo, trường phái Thông Thiên học (the Celestial Masters school). Từ đó Đạo giáo đã phát triển thành vô số tông phái và trường phái, mỗi phái chú trọng tới các giáo pháp tinh thần và các tục lệ nghi thức đa dạng khác nhau.

Thuật ngữ “Các Truyền thống Cộng đồng Trung Hoa” (Chinese Community traditions) mang ý nghĩa gì?

Từ rất lâu trước Đạo giáo tôn giáo và cả Đạo giáo triết học đã có nhiều luồng niềm tin và tục lệ tôn giáo khác nhau vốn bao hàm những gì được cho là Truyền Thống Cộng Đồng Trung Hoa (TTCĐTH). Các sử gia tôn giáo cho rằng đa phần người Trung Hoa, những người vốn công khai biểu lộ niềm tin tôn giáo, thực sự đều thuộc về cái dòng phổ quát rộng rãi này. Nhiều trong số các niềm tin của họ có liên quan tới Lão gia, nhưng không như Đạo giáo, TTCĐTH không liên hệ tới những thể chế tôn giáo chính tông chẳng hạn như chức thầy tế và tự viện, và không có kinh điển. Nhiều niềm tin và tục lệ hiện đã được truyền bá trong truyền thống chung cũng có nguồn gốc ở những thể chế cúng bái của Khổng giáo và vua chúa cổ xưa, cũng như của Phật giáo nữa. Vô số đền chùa của TTCĐTH đã bắt đầu xuất hiện tại các thị trấn và làng mạc vài thế kỷ trước đó. Vì chúng không có những người thông thạo về nghi lễ, các đền chùa này thường thu nạp các nghi lễ của đạo sĩ Đạo giáo, nhưng các nghi lễ thường nhật của chúng thường được các tín đồ nhiệt tâm tiến hành. Nhiều đền chùa như thế có liên kết với các gia đình, họ vẫn bảo quản chúng như một cách thức phục vụ công chúng và như một truyền thống của gia đình. Một số yếu tố của TTCĐTH cũng xuất hiện trong các đền chùa bề ngoài được xem như đồng hóa với Phật giáo. Ví dụ, một đền Quan Âm ở Honolulu phối hợp nghi lễ Phật giáo với một loạt những thông lệ phổ biến khác. Dù hình ảnh chính là hình ảnh của Đức Phật, rất nhiều những ảnh tượng thánh khác cũng trưng bày sờ sờ trước mắt. Đền cá biệt đó được một nhóm ni cô Phật giáo Trung Hoa trông nom, họ vốn là những người đặc biệt quan tâm tới việc bảo tồn hình ảnh đền của họ phải là một đền Phật giáo thuần túy, dù bên trong nó thật đa dạng. Mới đây, khi một khách viếng xin chụp một vài tấm ảnh ở bên trong, vị ni cô chủ trì đã đồng ý. Nhưng bất cứ khi nào vị này nghĩ rằng ống kính của người khách đang lảng vảng sang phía ảnh tượng thánh của Khổng giáo hay ai khác, bà sẽ giật tay áo của khách và vẫy ngón tay ra dấu không tán thành. “Chỉ Đức Phật thôi”, ni cô nhấn mạnh. Chỉ cách đó vài dãy nhà, bên trên một cửa tiệm bán màn thảm nho nhỏ, là một ngôi đền của dòng họ Lum. Tại đó, tất cả các thần thánh rõ ràng mang tính đa dạng của TTCĐTH, cho dù một số thường được nhìn nhận một cách không chính xác là thuộc về Đạo giáo.

(còn tiếp)

John Renard
Tri thức tôn giáo qua các vấn nạn và giải đáp, NXB Tôn giáo, 2005, tr.395-397