Tìm hiểu Đạo giáo (8)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4089 | Cật nhập lần cuối: 5/20/2016 3:10:17 PM | RSS

(tiếp theo)

Tìm hiểu Đạo giáo (8)Tín đồ Đạo giáo và người thực hành TTCĐTH có tin vào phép mầu không?

Những người Trung Hoa sùng đạo, hoặc liên kết với Đạo giáo hoặc với một hình thức TTCĐTH nào đó, coi việc xin ân huệ đặc biệt là một phần thông thường của lòng sùng mộ. Tuy nhiên, xét chung, những gì mà nhiều độc giả có ý muốn nói qua thuật ngữ “lạ thường” không hẳn mô tả được gì, ngay cả những kết quả kỳ lạ của kinh nguyện và nghi lễ khẩn cầu có liên quan tới vấn đề này. Một kết quả cơ bản của quan điểm Âm/Dương về sự sống là thâm tín rằng có một nguyên nhân có thể minh định mọi sự, hoặc tích cực hoặc tiêu cực. Mọi điều ác, tật bệnh, và đau khổ là kết quả của sự không hài hòa và mất cân bằng. Trên thực tế, không phải lúc nào một người bình thường đều có thể nhận ra nguyên nhân trực tiếp, nhưng các vị chức sắc tôn giáo có thể biết được. Quan trọng hơn, các thần và các thánh là những người đã tìm ra bí quyết để đạt được sự bất tử, có thể trợ giúp nhân loại khổ đau bằng cách mang lại sự cân bằng và hài hòa. Do đó, một “phép mầu” trong khung cảnh này có thể là một sự can thiệp của thần thánh không vì mục đích làm một điều bất khả, mà vì mục đích giúp điều khả thể xảy ra sớm và dễ dàng hơn.

Có một nền đạo đức đặc trưng của Đạo giáo không?

Lối giải thích của Đạo giáo về Luật Vàng như sau: Nếu một người đối xử tốt với tôi, tôi sẽ đáp trả lại như thế. Nếu người đó cư xử bất công với tôi, dẫu thế, tôi vẫn đáp lại bằng lòng nhân hậu, giống như Đạo mãi mãi bất biến. Nguyên tắc đạo đức chủ yếu chính là khái niệm bí ẩn về vô vi. Thuật ngữ này dịch theo nghĩa đen là “không hành động” hoặc “không nỗ lực”, nhưng nó có nghĩa là một cái gì đó giống như “hành động theo tự nhiên”. Vô vi là nguyên tắc cơ bản trong “luật tự nhiên”. Vạn vật xử sự theo cấu trúc vốn có của nó. Chỉ mình con người có xu hướng làm cho cấu trúc này sai trật đi qua việc cố kiểm soát chỗ mà chúng ta chẳng có quyền hạn gì để làm điều đó-chỗ mà rốt cục cũng chẳng có lý do chính đáng để mà làm như vậy. Chỉ bằng cách quan sát Đạo của thiên nhiên con người mới có thể hy vọng quán triệt được nguyên tắc khó nắm bắt về sự hoàn thành không được trù liệu này. Không nên lầm lộn Vô vi với sự biếng nhác hoặc thờ ơ. Hãy quan sát xem thiên nhiên mang lại bất cứ gì cần thiết mà chẳng có mưu mẹo hoặc gian xảo. Tất nhiên, khi thiên nhiên hành động, nó cũng phải đấu tranh, nhưng nó luôn trở lại trạng thái quân bình. Thế thì, bí quyết chính là hành động một cách bộ phát, nhưng không phải là khuyến khích hành động một cách bốc đồng. Đàng sau nguyên tắc của Đạo giáo là sự thâm tín rằng con người sẽ hành động để đạt được điều thiện hảo hơn miễn là con người không chỉ phản ứng lại những kiềm chế phi lý của xã hội và chính quyền. Cương vị lãnh đạo đạo đức chân chính đòi hỏi lòng vị tha đích thực, khát vọng lãnh đạo bằng phục vụ-đối nghịch hoàn toàn với chủ nghĩa mị dân. Nếu đòi hỏi tính hiệu quả của chính quyền trong thời buổi phân hóa xã hội và cơ chế thì tất làm phát sinh ý nghĩ về vô vi. Nhưng ý đan cử của các hiền triết Đạo giáo là coi nó như một giá trị tôn giáo và triết lý cơ bản.

Tín đồ Đạo giáo tin gì về mục đích của đời người?

Cho dù kinh sách chính thức ban đầu không bàn về các viễn cảnh của cuộc sống mai hậu một cách rõ ràng, vấn đề bất tử lại trở thành vấn đề quan trọng đối với tín đồ Đạo giáo. Chứng cứ khảo cổ từ trên ba ngàn năm trước đây cho thấy rằng nhiều người tin vào một loại tồn tại sau khi chết, nhưng điều đó hiển nhiên có nghịa là một loại hiện hữu tại thế được kéo dài ra. Không giống một số truyền thống, Đạo giáo không phân biệt giữa cuộc sống hiện giờ và cuộc sống mai hậu. Một số tín đồ Đạo giáo có quan điểm không như quan điểm của nhiều Kitô hữu, tin rằng lúc chết “Sự sống được thay đổi, chứ không bị mất đi”. Nhưng nhiều người lập luận rằng nếu quả thật sự sống là thực tại không liền lạc, có lẽ nó tiếp tục vô tận mà chẳng cần băng qua cái ngăn cách lớn lao được gọi là sự chết. Dù tín đồ Đạo giáo đã sử dụng hình ảnh đặc biệt nào đó để mô tả bản chất của sự sống, điểm cơ bản là truyền thống này đã hết sức quan tâm đến sự thăng tiến ý thức về sức sống và giúp những tín đồ phát triển một thái độ tích cực đối với thân phận con người nói chung.

(còn tiếp)

John Renard
Tri thức tôn giáo qua các vấn nạn và giải đáp, NXB Tôn giáo, 2005, tr.411-413.

---------------------------------------

Tìm hiểu Đạo giáo (1)

Tìm hiểu Đạo giáo (2)

Tìm hiểu Đạo giáo (3)

Tìm hiểu Đạo giáo (4)

Tìm hiểu Đạo giáo (5)

Tìm hiểu Đạo giáo (6)

Tìm hiểu Đạo giáo (7)