Nhịp cầu Tâm giao 23: Tu thân và Hiệp hành

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 155 | Cật nhập lần cuối: 11/16/2023 10:33:33 AM | RSS

Lời giới thiệu

Nhip cau Tam giao 23: Tu than va Hiep hanhNhịp cầu Tâm giao hân hoan hạnh ngộ với quý độc giả trong số 23 này, với hai chủ đề TU THÂN và HIỆP HÀNH.

Tu Thân phải chăng chỉ liên quan đến bậc “xuất gia” hay giới tu trì? Đối với những ai sống Đạo làm người, thì Tu Thân là điều kiện để thành nhân, qua nhân sinh quan, cách suy nghĩ và lối hành xử trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Truyền thống Nho gia vốn xem Tu Thân là bước nền tảng để có thể Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ. Bạn đọc sẽ được tiếp cận nhiều góc nhìn và lối giải thích về TU, từ cuộc đời của Cụ Nguyễn Đình Chiểu đến các Đạo hữu nhiều kinh nghiệm thuộc tôn giáo Baha’i, Cao Đài, Công giáo, Minh Lý Đạo, Phật giáo…

- Cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu đã nhiệt tâm “bênh vực đạo lý với lập trường của một tín đồ và ý chí của một chiến sĩ”. Khởi đi từ niềm tin vào Minh Đức của Trời – Đất, danh nhân đất Việt này đã khuyến khích việc kính tôn các bậc thánh hiền và cổ xúy lòng thảo hiếu với hai đấng sinh thành (Gs. Đaminh Nguyễn Đình Trúc).

- Tín đồ Cao Đài cho rằng khắc phục những thói hư tật xấu của bản thân mới khó: “Người tu thân cũng như người thế tục. Chỉ khác một điều, đó là một đời sống thanh cao trong sạch, một đời sống tự khép mình trong luân lý, đạo đức, nghĩa nhân. Đặt mình trong một khuôn khổ liêm sỉ, trung tín, luôn luôn kiểm điểm phần nội tâm”. (Giáo sĩ Hồng Mai)

- Giáo lý nhà Phật dạy cách thực hành tu thân: “Năm điều tu tập: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu luôn là nền tảng căn bản đạo đức, xây dựng hạnh phúc cá nhân, gia đình và xã hội. Cá nhân biết thực tập, tu học niêm mật và tinh chuyên năm điều đạo đức này sẽ tự mình chuyển hóa, đổi mới cuộc đời, thay đổi vận mệnh. Gia đình biết tu tập theo năm điều đạo đức này, thì gia đình chắc chắn sẽ được hạnh phúc an vui. Quốc gia nếu áp dụng rộng rãi năm chuẩn mực đạo đức này, thì chắc chắn quốc gia sẽ phồn vinh, thịnh vượng và phát triển. Thế giới nếu thực thi năm điều này một cách phổ biến thì thế giới sẽ hòa bình và an lạc! (Tỳ Kheo Thích Minh Liên)

Hiệp Hành là một thái độ sống liên kết với Trời và liên đới với người, biểu hiện cách đặc biệt qua thực hành đức Ái nhân. Tinh thần Hiệp hành được hiểu và hành như thế nào trong các truyền thống tôn giáo tại Việt Nam?

- Theo Đức Abdul Baha’, “Khi nhìn vào vũ trụ chúng ta thấy rằng tất cả những vật tổng hợp hoặc hiện tượng tồn tại đều chủ yếu được tạo thành do các nguyên tố đơn lẻ kết hợp với nhau bởi lực hấp dẫn.” Chính lực hấp dẫn ấy làm nguyên lực của cả hoàn vũ. Điểm khác nữa là: Tình yêu thực sự là tình yêu tồn tại giữa Thượng Đế và các tôi con của Ngài, tình yêu gắn kết những linh hồn thánh thiện với nhau. Đây là tình yêu của thế giới tâm linh, không phải là tình yêu của thân thể và sinh vật… “Chính tình yêu của Thượng Đế đã kết duyên Đông phương với Tây phương. Chính tình yêu của Thượng Đế đã làm hồi sinh thế giới.” (Đạo hữu Nguyễn Văn Trường – Tôn giáo Baha’i)

- Mục đích của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là Thiên đạo giải thoát, thế đạo đại đồng. Thế đạo đại đồng là tinh thần nhập thế, xây dựng nhân hòa. Trong Tam công -phương pháp tu tập của Cao Đài, thì Công quả là phụng sự nhân sanh cả tinh thần lẫn vật chất. Khi biểu hiện tình yêu thương đối với nhân loại, người con Đấng Chí Tôn sẽ tăng tiến trong đời tu tập và.

- Theo người Công giáo: “Ái Nhân là một nhân đức bắt nguồn từ Thiên Chúa, là cầu nối giữa Thiên Chúa với con người và con người đối với nhau. Đây là một tương quan hai chiều, tương quan chiều dọc từ Trời xuống đến với con người và tương quan chiều ngang giữa con người với nhau”. Do đó, “Đức Ái Kitô giáo là tương quan của tình yêu, chứ không đơn thuần là lề luật, giới răn, thực hành việc đạo đức, vì mục tiêu của Đức Ái chính là sự hiệp thông, hiệp nhất với nhau, nên một trong Thiên Chúa, như các chi thể của một Thân Thể” (Lm. Hồng Phước).

- “Hiệp Hành Sống Đức Ái Nhân” là “một lối sống thương yêu con người theo tinh thần của Đạo Phật”. “Tứ nhiếp pháp” là bốn phương pháp thực hành nếp sống lợi tha, yêu thương: Thể hiện tâm từ ái bằng cách “Bố thí”. Thể hiện lòng từ ái bằng cách “Ái ngữ”. Thể hiện lòng từ ái bằng cách “Lợi hành” và “Đồng sự” (ĐĐ. Thích Minh Sơn).

- 15 lời khuyên của Đức Giáo hoàng Phanxicô: Hãy đọc nội tâm của mình. Hãy nhớ rằng bạn là duy nhất. Hãy thể hiện vẻ đẹp của bạn. Hãy học cách tự cười mình…. Hãy bước đi với người khác. Hãy sống quảng đại. Hãy nhìn vượt lên trên bóng tối. Hãy nhớ rằng bạn được định sẵn cho điều tốt nhất.

Tiếp nối phần chuyên đề trên là mục Nhân vật và Sự kiện bao gồm:

- Một số hoạt động giao lưu giữa đạo hữu các tôn giáo tại Việt Nam. Chẳng hạn như buổi gặp gỡ giữa các chủng sinh Đại Chủng Viện với quý chức sắc và tu sinh Cao Đài, Trình bày về Lịch sử Công giáo cho Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo Tp. HCM. Đức Tổng Giám mục TGP.TPHCM đến chúc mừng Đại lễ Vesak 2022, Ban Trị sự Phật giáo đến chúc mừng Đại lễ Mừng Chúa Giáng sinh tại Tòa Tổng Giám mục v.v…

- Cái nhìn tổng hợp về tính cách hiệp hành của hàng Giám mục Á châu, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hội đồng Giám mục Á Châu và những hoạt động cùng thư chung…

- Các sinh hoạt Đại kết và Liên tôn giáo trong nước và trên thế giới trong năm 2022.

Nhịp Cầu Tâm Giao 23 mong trở nên người bạn tâm giao của quý đạo hữu gần xa và cầu chúc quý vị tinh tấn trên con đường Học, Sống và Hành Đạo, nhằm mưu ích cho cộng đồng xã hội và nhân loại, nhờ cố gắng Tu thân và thể hiện Đức Ái nhân.

Ban Biên Soạn Nhịp Cầu Tâm Giao