Bài giảng của Ngài Minh Thiện (1): Nhơn đạo và Thiên Đạo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 5445 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

1. Nhơn Đạo và Thiên Đạo


Bài giảng của NGÀI MINH THIỆN nhân lễ kỷ niệm lần thứ 32 Minh Lý Đạo khai

Đêm 25-11 Ất Mùi (07-01-1956)


Thưa quý vị đại biểu các chi phái,

Thưa chư quý ông, chư quý bà,

Thưa các đạo hữu nam nữ,

 

Hôm nay là lễ Minh Lý Đạo khai, châu niên kỷ niệm, năm thứ 32.

Đạo Minh Lý khai vào ngày 26 tháng 11 năm Giáp Tý, theo dương lịch là 22 tháng Chạp năm 1924. Tới nay là tháng 11 năm Ất Mùi, theo dương lịch là năm 1956, Đạo Minh Lý đã tồn tại và trải qua một thời gian là 31 năm rồi.

Trên nói Đạo Minh Lý khai vào ngày 26. Kỳ thiệt, nói ngày 27 đúng hơn. Tại sao?

Vì đàn cúng khai tối 26, mà tới giờ Tý, Đạo Tổ mới ban hai chữ Minh Lý. Ngày 26 mà hết giờ Hợi, bước qua đầu giờ Tý, có phải là kể ngày 27 chăng?    

Vậy ngày khai Đạo Minh Lý chánh là:

Năm Giáp Tý,

Tháng 11 là tháng Tý (vừa qua tiết đông chí),

Ngày 27 là ngày Tý,

Giờ khuya là giờ Tý.

Tý là ngôi thứ nhứt thuộc dương, dẫn đầu 12 địa chi. Sách có câu: Thiên khai ư Tý, địa tịch ư Sửu, nhơn sanh ư Dần. Nghĩa là: Trời bắt đầu từ Tý, đất bắt đầu từ Sửu, người bắt đầu từ Dần. Đạo Minh Lý chủ về Tiên Thiên, nên cần phải chọn năm tháng ngày giờ thuộc Tý như thế.

Chúng tôi rất hân hạnh mà đặng thấy quý ông quý bà dời gót đến đây, trước là dùng một bữa cơm chay lấy thảo, để chung vui với chúng tôi, sau là lễ bái Phật Trời, và giúp cho Đạo Minh Lý một câu nguyện lành, thì còn chi quý hóa hơn nữa. Vậy tôi xin thay mặt cho toàn thể bổn đạo mà cảm tạ các Ngài có lòng tưởng đến chúng tôi trong buổi lễ nầy.

 

Ngày nay, Minh Lý môn sanh tề tựu tại chùa, cốt để:

1. Hồi tưởng công đức của Đức Thượng Đế và Tam Giáo Thánh Nhơn có lòng từ bi khai Đạo, chư Phật chư Tiên nhọc công dạy dỗ bấy lâu, ngõ hầu dìu dắt nhơn sanh ra khỏi sông mê bể khổ, mà lên bên kia bờ là nơi giải thoát.

2. Gặp gỡ các đại biểu chi phái để liên lạc cùng nhau, và thắt chặt tình thân ái giữa các mối đạo.

Mỗi năm, chúng tôi chỉ có ngày kỷ niệm này là lễ riêng. Còn kỳ dư các lễ chung khác, thì ai cũng có phận sự cúng bái theo phái của mình, nên không có đủ ngày giờ để hội hiệp với nhau được.

3. Nhắc nhở người trong Đạo Minh Lý những nguyên tắc lớn tu hành của Tiên Phật đã vạch sẵn cho chúng sanh.

Về mấy năm trước, tôi có dẫn sự tích khai Đạo Minh Lý, giải lý Tam Giáo hiệp nhứt, nghĩa hiệu Đạo Minh Lý, hiệu chùa Tam Tông Miếu, lý bản đồ hỏa hậu, phép tánh mạng song tu, cách sắp đặt thờ phượng, v.v... Hôm nay, tôi xin bày giải ý kiến của người Đạo Minh Lý đối với Nhơn Đạo và Thiên Đạo.


NHƠN ĐẠO


I. ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH, THÂN TỘC (NHƠN ĐẠO)


Cái thuyết gia đình thân tộc, gọi tắt là thuyết gia tộc, thuộc về luân lý học, từ xưa đến nay, dầu ở xứ nào cũng phải có. Nhưng ở Đông phương ta, cái thuyết nầy đặng tôn trọng hơn hết.


Luân lý học có nhiều thuyết, mà thuyết có thống hệ rõ ràng và truyền bá rộng rãi trong xứ ta là thuyết của Đức Khổng Tử, tức là vị Giáo Chủ của Nho Giáo. Chúng tôi thờ Đức Khổng Tử tại chùa nầy, là vì chúng tôi chịu ảnh hưởng thuyết luân lý của Ngài.


Cha con, vợ chồng, anh em là ba trụ cột của gia đình trong nước ta. Chúng ta sớm biết cách đối đãi cùng nhau và gây nền hạnh phúc vững chãi trong gia đình, là nhờ sự thân ái đậm đà, cảm tình khắn khít, trật tự nghiêm chỉnh, tâm chí hiệp hòa.


Nếu trong nhà, lớn không biết thương nhỏ, dưới không biết kỉnh trên, ai lo quyền lợi riêng nấy, cứ chống chọi, chia rẽ nhau hoài, thì gia đình phải ngửa nghiêng, sụp đổ. Thế là ta tự tạo sự phiền não, khổ sở cho ta. Dầu ta có than trời trách đất, thì trời đất cũng vô phương cứu chữa.

 

1. Cha con

Đây nói cha con là nói vắn tắt. Kỳ thiệt, phải nói: cha mẹ và con cái, mới là đủ chữ.


Sách có câu: Tinh cha huyết mẹ, nghĩa là: Đứa con nhờ tinh của cha mà sanh, nhờ huyết của mẹ mà thành. Tinh huyết rời nhau thì không sanh cũng không thành. Xét kỹ thì cha sanh mẹ thành, công đức của đôi bên cũng ngang bằng như nhau. Nhưng phận sự trong gia đình có khác.


Cha là tượng trưng của sức mạnh, cương quyết và công lý. Còn mẹ là tượng trưng của sự dịu dàng, chìu chuộng, và an ủi. Xét về sự dạy dỗ con cái, cũng như về các phương diện khác, cang nhu phải dung hòa nhau, bổ cứu lẫn nhau, thì mới đặng kết quả tốt đẹp.


Nếu cha đi đằng cha, mẹ đi đằng mẹ, thì con cái biết theo ai đây? Dẫu theo đằng nào cũng là thiên về một bên, khó mà trúng được nẻo trung chánh.


Cái sức mạnh, cương quyết thái quá có hại, phải nhờ có sự dịu dàng, chìu chuộng để kềm hãm bớt, mới đi đến mức trung hòa. Cái dịu dàng chiều chuộng thái quá cũng không lợi, phải nhờ có sức mạnh, cương quyết để khởi, mới đặng kết quả đúng đắn.

Cha mẹ phải nương nhau, hòa hiệp nhau, để nêu cao gương lành cho con cái bắt chước. Xin đừng tưởng mình là người lớn, muốn làm chi thì làm mà không đếm xỉa tới con cái. Nên nhớ: Hành vi xấu xa của mình, gieo vào đầu óc non nớt của trẻ con, làm cho chúng nó suốt đời phải chịu ảnh hưởng chẳng lành ấy.

Cha. Cử chỉ của người cha phải cho công bình đúng đắn, vì cha là danh vọng của các trẻ con. Trẻ con thường coi cha là một người phải kính phục, đáng kính phục, là một vị nghiêm chủ trong gia đình. Nó tin tưởng người cha nó có đủ các đức tánh tốt.

Mặc dầu con cái còn nhỏ, người cha đối với chúng nó không nên gạt gẫm, cộc cằn, áp bức. Trẻ con lại cũng để ý đến cách cư xử của cha đối với mẹ nó. Nếu cha thiếu lễ độ, hà hiếp mẹ nó, thì nó cũng đau đớn và mất sự tin cậy nơi cha nó.

Trong gia đình người cha tuy nghiêm nghị, nhưng có lúc cũng phải tỏ ra vui vẻ, vì tánh vui vẻ mới gây được cảnh êm đềm, hòa khí. Người cha cũng cần phải thường hỏi han chuyện xảy ra trong nhà, để tìm hiểu tâm tánh của mọi người và trù nghĩ phương pháp giúp ích họ.

Nếu người cha không thường gần gũi với con cái, chúng nó chỉ biết theo bên mẹ mà thôi. Mà mẹ thường bị tình cảm thiên lệch chi phối. Nếu nó chỉ nghe lời mẹ nó, mà không chăm chú đến lời dạy của cha nó, thì sau nầy dẫu cha nó có dùng roi vọt, cũng khó làm cho chúng thiệt vưng lời mình. Đó là một sự hối hận không phải nhỏ vậy.


Người cha phải luôn luôn khuyến miễn con cái về đường học hỏi, phải lưu tâm đến sở thích của nó và khai hóa chúng nó lần lần, để tập thành một nghề nghiệp bảo đảm sự sanh sống trên đời. Đó cũng là một yếu tố để hòa hiệp cha và con. Vì cha đã lo tương lai cho con, thì lẽ nào con lại quên ơn mà không tưởng đến cha hay sao?


Người cha đối ngoại, nên phận sự rất nặng nề. Bài Khuyến Hiếu của Đạo Minh Lý có câu:

Chịu nắng lại dầm mưa,

Cơm tiền cha chẳng tiếc.

Chí chẳng quản nhọc nhằn,

Vì thương con rất thiết.


Mẹ. Người mẹ là nội trợ, tuy không bôn nam tẩu bắc, trải gió dầm sương, nhưng phận sự cũng lắm nhọc nhằn, có khi quên ăn bỏ ngủ, chớ không phải dễ dàng như nhiều người lầm tưởng.


Nội một việc sanh con, mang nặng đẻ đau và nuôi con cho đến trưởng thành, người mẹ phải trải qua biết bao nhiêu sự gian lao cực khổ, nhứt là trong lúc đứa bé bị bịnh hoạn. Bài Khuyến Hiếu Ca có câu:

 

Chín tháng mẹ cưu mang,

Không đem lòng oán siết.

Lại đến lúc lâm bồn,

Tâm thân thêm rũ riệt.

Mắt thấy đặng con thơ,

Hao hơi gần muốn tuyệt.

Nhũ bộ trọn ba năm,

Càng tiêu khô hải huyết.


Người mẹ thường hay ở nhà, nên gần gũi với con cái nhiều hơn. Muốn dạy dỗ con cháu cho đắc lực, thì lời nói của người mẹ phải có tình tứ, giọng nói thiệt cho dịu dàng. Chớ nên có những lời quạu quọ, đắng cay, xuyên tạc.


Người mẹ nên kể chuyện phước thiện, hoặc nhắc câu đạo đức, hoặc đặt ra những nguyên tắc cao quý, để cho con cái rút trong đó những bài học kinh nghiệm.


Nhưng lời nói chẳng qua đức hạnh, gương lành cụ thể diễn ra trước mặt. Người mẹ phải luôn luôn có nét mặt tươi sáng, có đức tánh cao quý, để hấp dẫn con cái gần mình, mới dễ thuyết phục chúng nó.


Dầu gặp phải một cảnh trái ý, đứng trước mặt một tình thế buồn lo, thất vọng, người mẹ cũng phải luôn luôn giữ thái độ vui vẻ. Người mẹ phải là cái gương mẫu nhẫn nại, hơn nữa phải an ủi mọi người, phá tan không khí bất bình, để gây sự vui vẻ trong cảnh gia đình. Người mẹ muốn thành công trong phận sự mình, có tánh tình tốt chưa đủ, còn phải giữ vệ sinh cho thân mình, áo quần sạch sẽ, tóc phải chỉnh tề. Đó chẳng phải là những điều kiện để giữ sức khỏe mà thôi, lại cũng cần ích để gieo thiện cảm chung quanh mình nữa. Xin ai đừng xem thường khoản nầy mà bỏ qua.


Trên là kể các phận sự của người làm cha mẹ phải vụ tất. Có làm đúng theo đó mới là đặng con cái mến phục, tín nhiệm. Con cái có mến phục, tín nhiệm thì chúng mới hết lòng vưng lời. Nhờ đây, sự dạy dỗ chúng mới đặng kết quả mỹ mãn.


Con. Con cái phải đối với cha mẹ như thế nào?

Bổn phận của con cái là phải cung kính và vưng lời cha mẹ. Mà chúng nó biết cung kính và vưng lời hay không, là do tư cách và phương pháp dạy dỗ của cha mẹ từ buổi con còn thơ ấu.


Cha mẹ cần phải cương quyết đối với con cái ngay lúc ban sơ. Nhứt là không nên nhượng bộ trước những ý muốn ướm nở, chìu chuộng theo những dục vọng hay thay đổi của con. Chớ tưởng lầm rằng làm như thế là thiếu tình thương yêu.


Nếu để con muốn gì đặng nấy, tập quen tánh thành rồi, chỉ chừng lớn lên nó bắt buộc cha mẹ phải làm theo ý muốn của nó. Lúc đó, cha mẹ dầu có dùng roi vọt mà sửa trị nó, thì cũng không chắc là đặng thành công.


Lại cha mẹ phải đối đãi với trẻ con một cách lịch sự, như đối với người cộng sự cùng mình. Nên dùng những lời nói khả ái, những phương pháp thích ứng, để cảm hóa đứa bé. Trẻ con càng ngày càng lớn, mỗi khi có phạm lỗi, thì cha mẹ phải khuyên bảo thế nào cho nó biết nhận thấy lỗi của nó.

Cần phải dạy cho nó hiểu lễ phép. Khi có khách đến, người lớn xá chào nhau, thì cha mẹ nên chỉ cho con xem gương đó mà bắt chước. Người lớn nên dạy cho con trẻ tập nói tiếng lễ phép với cha mẹ, cho nó quen miệng. Như nói: Cám ơn má, dạ thưa ba, v.v... thế vào những tiếng thô lỗ, tục tằn.

Những việc dạy dỗ nói trên, mới nghe qua dường như không quan hệ mấy. Nhưng đó là một hột giống tốt gieo trong đầu óc của trẻ con. Hột giống nầy sẽ phát triển lần và có ảnh hưởng rất mạnh về sau, đến các cử chỉ của chúng suốt đời.

Khi con cái đã lớn, thành nhơn rồi, Đức Khổng Tử có nêu trong bộ Hiếu Kinh hai cang lãnh như sau nầy:

a. Vóc hình cho tới tóc da,

Đều nhờ cha mẹ sanh ra mọi đàng.

Xin đừng hủy hoại thương tàn,

Đầu tiên chữ Hiếu là toàn bảo thân.

Đó là nói về xác thân của con, tức là di thể của cha mẹ, thì con hiếu phải luôn luôn giữ nó cho lành mạnh, tránh khỏi thương tích, tật nguyền.

b. Lập thân hành đạo ân cần,

Danh thơm tiếng tốt, truyền lần về sau.

Vinh cha hiển mẹ mới mầu,

Đây là chữ Hiếu rốt sau phải cầu.

Còn đây là luận về tinh thần, con hiếu phải lo lập thân danh, noi đường chánh đạo, làm sao cho cha mẹ đặng tiếng tốt danh thơm.

Ngoài ra, có nhiều người đệ tử hỏi về chữ Hiếu. Đức Khổng Tử dạy mỗi người mỗi khác nhau, là tùy theo tánh hạnh của họ.

Như dạy ông Mạnh Ý Tử, thì Ngài nói: Vô vi, nghĩa là: Không trái lễ. Khi cha mẹ còn sống, thì phải phục sự theo lễ; khi cha mẹ qua đời, thì phải chôn cất theo lễ, cúng tế đơm quải theo lễ.

Như dạy ông Mạnh Vũ Bá, thì Ngài nói: Phụ mẫu duy kỳ tật chi ưu, nghĩa là: Cha mẹ chỉ lo cho con bịnh hoạn. Người làm con hiếu phải đổi lòng cha mẹ ra lòng mình, giữ mình đừng bịnh hoạn, cho cha mẹ khỏi ưu phiền.

Như dạy ông Tử Du, thì Ngài nói: Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng, bất kính hà dĩ biệt hồ? Nghĩa là: Người nay nuôi được cha mẹ, gọi là hiếu. Trộm nghĩ: Nuôi thì như nuôi chó, nuôi ngựa, nếu không kính, thì lấy chi để phân biệt?

Còn dạy ông Tử Hạ, thì Ngài nói: Sắc nan, nghĩa là: Sắc mặt là khó. Nếu chỉ dưng cơm, rượu, cho cha mẹ, mà gương mặt buồn bực, quạu quọ, thì cha mẹ ăn uống đâu có vui gì.

Đó là tôi chỉ kể sơ những điều đại khái mà thôi. Còn muốn hiểu rộng, thỉnh xem các kinh sách Nho, nhứt là bộ Hiếu Kinh, mà đạo Minh Lý mới in phát ra cho thập phương bá tánh.

 

2. Chồng vợ

Người xưa nói: Chồng chúa vợ tôi. Thử xét coi cái nghĩa nầy có đúng hay không?


Theo ý kiến của chúng tôi, đúng cho người xưa mà trái cho người nay. Đúng cho người thế gian mà trái cho người đạo đức.


* Tại sao cái thuyết ấy đúng cho người xưa mà trái cho người nay?

Vì người xưa cho khí dương thuộc về trời, khí âm thuộc về đất. Mà theo con mắt ta hiện thấy, trời đất có ngôi thứ nhứt định: trời cao đất thấp. Cho nên mới có thuyết quân quý thần tiện, trọng nam khinh nữ.


Cuốn Lý Học Cang Yếu nói: “Dĩ thiên tôi địa ti, các hữu định vị, cố hữu: quân quý thần tiện, trọng nam khinh nữ chi nghĩa”, là theo lý luận vừa nói trên đó.


Theo đời xưa là vậy. Vì trước kia là đời quân chủ, nên nói: Quân quý thần tiện, trọng nam khinh nữ, là phải. Còn ngày nay, nước ta là Việt Nam, căn cứ trên nền tảng dân chủ, không còn vua chúa nữa, lấy dân làm quý, một màu bình đẳng.


Còn cái thuyết trọng nam khinh nữ, hay là nói một cách khác: Chồng chúa vợ tôi, cũng dựa theo một nguyên tắc thiên tôn địa ti đó. Cố nhiên, cái lý do đó ngày nay không thể đứng vững nữa được.