Bài giảng của Ngài Minh Thiện (4): Hòa đồng các tôn giáo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3061 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

4. Hòa Đồng Các Tôn Giáo

Bài giảng của NGÀI MINH THIỆN nhân lễ kỷ niệm lần thứ 45 Minh Lý Đạo khai

Đêm 26-11 Đinh Mùi (27-12-1967)


Thưa chư quý ông, chư quý bà,

Thưa chư đạo hữu nam nữ,


Hôm nay, chúng tôi Minh Lý môn sanh có mặt tại chùa để thiết lễ cúng kỷ niệm Minh Lý Đạo khai, nghĩa là: nhắc nhở, ghi nhớ ngày đầu tiên mà Tam Giáo Đạo Chủ giáng cơ ban hiệu Đạo Minh Lý và cho kinh lần thứ nhứt là bài Tặng Ngọc Đế, mà chúng tôi làm kinh đọc hằng ngày.


Đạo Minh Lý khai từ năm Giáp Tý (dương lịch là năm 1924). Từ năm Giáp Tý cho đến năm nay là năm Đinh Mùi (1967), Đạo Minh Lý đã trải qua một thời gian là 44 năm. Vậy lễ kỷ niệm nầy là kỷ niệm năm thứ 45.


Chúng tôi rất hân hạnh đặng thấy chư quý khách đáp lời thỉnh cầu của chúng tôi, mà quang lâm để hộ niệm chúng tôi trong buổi lễ hôm nay. Đó là một sự liên lạc có tình hữu nghị, một sự khích lệ lớn lao, mà chúng tôi xin cảm tạ và ghi nhớ.


Lại tôi rất cảm động đặng thấy các đạo hữu nam nữ tề tựu đông đủ tại chùa để dâng lễ tỏ lòng biết ơn Thượng Đế và các đấng Thiêng Liêng đã dày công khai sáng mối Đạo Minh Lý và để gặp gỡ nhau mỗi năm kỳ lễ lớn nầy cho đông đủ, hầu kết chặt tình thân ái trong gia đình Thượng Đế.


Thường năm, tôi tóm tắt sự tích khai Đạo, nhắc nhở các nguyên tắc lập đạo, các phương pháp tu thân, các việc tiến thối đã xảy ra, v.v... Năm nay xin giảm bớt các việc đó, đã nói nhiều lần rồi. Nếu có dịp nào khác tôi sẽ đem nói chẳng muộn. Nhân dịp đại hội hôm nay có nhiều bực thiện tri thức, mà chúng ta khó gặp gỡ, nên chúng ta thừa dịp nầy bày tỏ ý kiến, bày tỏ ý kiến mà thôi, để có ngày khác sẽ bàn rộng vấn đề nầy.


Một việc cần yếu mà Bề Trên nhắc nhở phải sớm lo, là việc liên lạc cùng nhau, ngõ hầu đi đến duy nhứt mối Đạo Trời, để cầu nguyện thanh bình, yên lòng bá tánh, nưng đỡ lấy nhau, mà trải qua một khúc quanh lịch sử nước nhà. Đứng trước cuộc xáo trộn nầy, trời đất còn cảm động thảm sầu, huống chi chúng ta là người ở trong đại cuộc mà không đau đớn. Thần Tiên cũng giáng dạy khắp nơi kêu chúng sanh hồi tỉnh, thì chúng ta cũng vưng theo lịnh Trên đem lời vàng ngọc đó mà truyền lại cho đồng bào, ngõ hầu kết thúc một cuộc đời rối loạn, để mở mang một cuộc đời đại đồng giữa chúng sanh, đem lại sự thanh bình an lạc cho nhơn loại.


Đó là công việc lớn lao của Trời làm, chẳng phải sức con người mà làm nổi. Nhưng chúng ta cũng cần phải thông cảm việc làm đó, phải có sức cộng tác chung lo mới là mong đi tới đích.


Vậy phải thông hiểu những gì? Phải ra sức cộng tác thế nào? Đây tôi xin thay mặt cho Đạo Minh Lý mà bày giãi sở kiến của chúng tôi, gọi là góp ý kiến đó thôi. Ngoài ra còn có ý kiến các bực trí thức, còn có Trời Phật trên cao hướng dẫn chúng ta nữa.


Dàn bài

I. Hòa đồng, theo tiếng Pháp gọi là Syncrétisme

II. Quy nguyên, theo tiếng Pháp gọi là Synthèse

III. Đồng nhứt tối cao, theo tiếng Pháp gọi là Identité suprême

IV. Các phương pháp thực hành, theo tiếng Pháp gọi là Méthodes d’application

V. Kết luận, theo tiếng Pháp gọi là Conclusion


I. HÒA ĐỒNG


* Hòa đồng là nghĩa gì?

Chữ hòa đồng ở trong kinh Đạo Đức của Đức Thái Thượng Lão Quân, nói cho đủ chữ là hòa quang đồng trần.

Câu kinh đó như thế nầy:

“Tỏa kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần. Trạm hề tợ nhược tồn.”

Nghĩa là: Vạt cái nhọn của mình, gỡ cái rối của mình, hòa ánh sáng mình với người, đồng trần tục (hạ mình) với họ. Đạo (hay người giữ Đạo) trong trẻo dường như sự trong trẻo đó còn mãi. Ý nói: Hòa sáng mà không hoen ố, lem luốc, vẫn luôn luôn trong sạch.


Để cho tỏ rõ nghĩa câu kinh trên đó, tôi xin thêm lời chú thích trong kinh mà giải rộng nghĩa như sau nầy:


Đức Thái Thượng thương xót người phàm, mới chỉ chỗ yếu lý của Đạo mà rằng: Người phàm mà chưa ngộ Đạo được, ấy bởi mình là kẻ tài trí, nên ỷ sức buông lung, nhậm ý tung hoành. Vì cớ đó, tánh hư linh bị che khuất, nên chẳng thấy, chẳng hiểu đó thôi.


Nay muốn tu hành, làm đạo, thì phải biết thông minh, trí huệ đó (thuộc về phàm tâm) đều là ma chướng cản đường. Từ nay, truất bỏ thông minh, trừ cái tư kiến của tai mắt (của lục căn), trọn quy về hoảng hốt, hỗn độn (vô tư, vô lự, vô phân biệt). Nhứt thiết khí sắc bén hay khoe tài cậy trí, ngạo vật hiếp người, hãy bẻ gãy hết đi, thì tâm phàm chết, tâm đạo mới sanh, tri kiến (thấy biết theo lục căn) tắt thì huệ kiến (trí huệ bác nhã) sáng tỏ.


Tiên Nho nói: Người thông minh tài trí chẳng đủ sợ, duy có kẻ cực lực nghiên cứu, tiềm tâm học đạo, lóng lòng suy gẫm chơn lý, mới là đáng nể. Lời nầy phải là đúng lắm chăng?


Người tu hành phải lấy sự ngầm tâm thân, lọc tư tưởng, ít muốn, lóng lòng làm cốt. Thần tri giác, tư lự kia là những niệm xấu xa, tạp ngụy, rối beng, khuấy nhiễu. Cái niệm nầy chưa dứt, thì cái niệm khác lại dấy lên; cái tướng trước chưa ngừng thì cái tướng sau lại đến. Ta phải tự khuyên tự gắng, tự cởi tự mở. Tỷ như chỉ tơ rối vò, ta phải tìm đầu mối mà gỡ nó. Tỷ như cây cỏ, leo lên chằng chịt, rậm rạp, ta phải nhổ cọng rễ của nó mà bỏ đi. Như thế sự rối rắm sẽ cởi mở, thì đạo tâm ta mới thường thường thơ thới.


Tuy nhiên, đó chỉ là công phu tập tịnh của mình đối với mình, chưa bì kịp với cái tịnh ở chỗ náo nhiệt, đông đảo. Nếu chỉ tập tịnh một mình, mà chẳng biết cái động, thì còn là cái học không gốc. Phải làm như thế nầy: Lúc tịnh thì ta tỉnh sát (xét nét), khi vào chỗ đông người, càng phải nớp nớp, cẩn thận. Phàm việc chi, khá nhường người đi trước, ta ở sau họ, tôn người lên trên, ta cam tự hạ. Như thế thì đối với đời, ta sẽ không bị xúc phạm; đối với người chẳng ai tranh giành.


Huống chi kẻ thế tục, ai ai cũng ưa người đồng ý với mình, ghét kẻ khác ý. Vậy ta nương sóng xuôi dòng, tùy theo loại mà hòa với người. Mặc dầu ta có lòng quang minh chánh đại đi nữa, ta quyết chẳng lộ khuê giác (khoe khoang). Duy có thầm biết cái cơ đó, ngầm nắm cái thể đó: Cái chi đồng với mình thì ưa nó, khác với mình thì mặc nó trôi qua.


Cho nên người nước Lỗ tranh nhau đi săn, Đức Khổng Tử cũng tranh nhau đi săn. Xưa kia Thánh Nhơn, lúc Đại Đạo chưa sáng tỏ, bao giờ cũng dùng phương tiện để lẫn lộn với trần tục.


Lại xem tích Đức Lục Tổ, sau khi đặng truyền y bát rồi, đạo quả tuy tròn, mà chưa tận chứng hết mầu nhiệm của Đạo. Bởi cớ đó, Ngài mới lưu cái xác phàm lại thế gian, để vừa tích đức, vừa liễu đạo, ẩn trong núi Tứ Hội, ở chung với bọn thợ săn, mà họ thản nhiên chẳng lấy làm lạ, nhờ vậy mà Lục Tổ đặng thoát nạn. Nếu chẳng hòa ánh sáng, đồng trần tục với họ, thì làm sao bảo hộ được cái thân mình đặng lâu dài.


Đó là nghĩa Hòa quang đồng trần (Hòa sự sáng biết của mình với mọi người, mà không kiêu hãnh, hiệp với người trần tục, mà không làm phiền lụy một ai).

Đủ rõ động tịnh đều tu, có thường có biến, thì một điểm bổn thể (Thiên lương bổn tánh) trong lặng, rỗng sáng, tự nhiên bảo nhứt không rời, mà chẳng phải là thiệt có (cố định một chỗ), luôn luôn uyển chuyển theo thời, cốt yếu là để đi tới thành công.


Đó là nghĩa Trạm hề nhược tồn (lẫn lộn với người khác mà vẫn giữ mình trong sạch). Lại có câu kinh khác cũng đồng với ý nghĩa đó là: Dĩ tánh cầu tình. Nghĩa là lấy tánh sáng suốt (của mình đã tu đặng) mà ủy khúc, chìu chuộng tình đời (chớ không phải cầu cao, tỏ ra mình là bực cao thượng).


Về vấn đề nầy, nếu muốn nghiên cứu cuốn Châu Dịch, thì nên xem quẻ Đồng Nhơn. Đồng Nhơn là cùng người đồng nhau, chung cùng với nhau, thuộc về thời đại đồng, là thời kỳ thanh bình, an lạc, mà Thần Tiên thường nhắc nhở đến luôn.


Phút đại đồng, Đồng Nhơn vu dã,

Cảnh thái hòa, thiên hạ thần tiên.

Lòng người thuần phác tự nhiên,

Đức Khôn là gái, đạo Kiền là trai.


Tiên Phật cũng có giáng cơ dạy về vấn đề nầy, xin luôn tiện nhắc lại lời vàng ngọc đó, để chư quý vị chiêm nghiệm.


Sau khi giải xong quẻ Đồng Nhơn, Bề Trên kết thúc lại bằng những lời lẽ sau nầy:


“Hôm nay, Ta đến để góp một vài ý kiến về việc tương hệ với bạn đồng đức, đồng tâm, hầu kết nên một tràng thương yêu, mà chung cùng nhiệm vụ.”


Sau nầy là một đoạn, trong Hệ Từ Truyện, của Đức Khổng Phu Tử nhấn mạnh về việc đồng tâm, đại đồng của thiên hạ. Ta nên noi lấy đó mà hành đạo, giữ đạo và xây dựng quyền pháp tương lai, cứu vãn nội tình hiện tại.


Hệ Từ viết: “Đồng nhơn tiên hiều đào nhi hậu tiếu.” Tử viết: “Quân tử chi đạo hoặc xuất hoặc xử, hoặc mặc hoặc ngữ, nhị nhơn đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim. Đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan.”


Nghĩa là: Quẻ Đồng Nhơn trước kêu rêu than khóc, mà sau lại vui cười. Phu Tử nói rằng: Đạo người quân tử hoặc đi hoặc ở, hoặc nín hoặc nói, hai người đồng tâm, lợi ở chặt sắt cũng đứt. Lời nói của đồng tâm, mùi nó thơm tho như bông lan.


GIẢI NGHĨA RỘNG

Đồng nhơn tiên hiều đào nhi hậu tiếu. Câu nầy ở hào thứ năm của quẻ Đồng Nhơn. Nói đến Đồng Nhơn thì việc đó rất khó khăn. Song thời thế đã đến, thì dầu ai không muốn đồng cũng không được. Đồng tâm là người nầy và người kia, tuy không ở chung với nhau, mà tâm sự vẫn đồng như nhau.


Tiên là trước, Hiều đào là kêu rêu, than thở. Hậu là sau, Tiếu là vui cười. Nghĩa là: Nói đến sự đồng tâm, trước vì sao mà kêu rêu, than thở? Kêu rêu, than thở là vì hai người đồng với nhau, mà chưa được ngộ hợp cùng nhau, trung gian có hào cửu tam, cửu tứ ngăn trở, nghĩa là bị người ta phá, bị người ta gièm pha, giành giựt. Nhưng lẽ phải cuối cùng cũng đặng ngộ hợp nhau, mà vui cười. Nói về đồng tâm, người nầy với người kia, mà còn khó như vậy, huống chi khối nầy với khối nọ, làm sao dễ được?


Quân tử chi đạo là đạo của người quân tử ở chỗ đồng tâm, để mưu toan việc đạo việc đời, mà lo việc ích lợi chung cho nhơn loại.


Hoặc xuất hoặc xử, hoặc mặc hoặc ngữ, nghĩa là: Kẻ ra gánh việc đời, làm công việc nọ kia; kẻ thì ở yên một chỗ, ẩn dật tu hành; kẻ lại im lặng mà làm thinh, còn kẻ thì khua chuông giục trống, cảnh tỉnh người đời. Tuy xuất (ra làm quan) với xử (hoặc ẩn dật) khác nhau xa, ngữ (nói) mặc (nín) trái hẳn; song đều lo một mục đích như nhau. Tuy hoàn cảnh địa vị khác nhau, nên mới có kẻ ẩn người hiện, kẻ nói người làm thinh, đó là thời và vị không giống nhau. Song đem đổi hoàn cảnh của người nầy cho người kia, thì họ cũng làm đúng phận sự như nhau không khác.


Đây là nói đồng tâm, mà cái tích (việc làm thấy hiện ra bên ngoài) bất đồng. Tâm là tinh thần, tích là hình tích. Tích mà đồng, tâm không đồng, thì người quân tử không hề làm. Mặc dầu tích không đồng, nhưng tâm đồng, đó là đạo lợi cho thiên hạ.


Cho nên người đã đồng tâm rồi, thì chia nhau mà lo, kẻ làm việc nọ, người làm việc kia. Ai ai cũng cúc cung tận tụy. Hễ các tận sở năng của mình, dầu ở xa ngàn dặm, nhưng việc làm giống nhau (về một mục đích) như khuôn in rập.


Nhị nhơn đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim. Nghĩa là: Người nầy cùng người kia mà đồng tâm nhau rồi, thì núi cũng xô ngã được, biển cũng lấp bằng được. Người người đều cảm mà hóa theo, thì khác nào đoạn sắt chặt một cái là đứt làm đôi. Sức mạnh của sự đồng tâm ghê gớm, làm gì lại không được? Dầu cho trời đất cũng vui nghe mà giúp đỡ.


Đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan. Nghĩa là lời nói của người đồng tâm, tuy không ngọt ngào, mà ai cũng thích, tuy không nồng nàn mà ai cũng say, cảm đến người, đến vật một cách dễ dàng.


Đạo Trời cũng mưu tính, cải tạo loài người, tái lập cuộc đời đại đồng thế giới. Về sự động tác hiệp nhau, để lo xây dựng Đạo Trời, ai là người có trách nhiệm trong nền tân pháp Đại Đạo, phải hướng vào đó mà tu sức, mà mở mang.


Nhưng thế giới bước đến đại đồng, trước phải đặt móng đắp nền ở gần, rồi sau mới đến xa, nghĩa là phải xây dựng đại đồng trong Đạo. Người nầy người nọ lấy tình thương yêu làm mục đích, lấy lẽ chơn thật làm nền tảng, cột chặt lấy dải đồng tâm.


Vậy hãy xét lời Soán, lời Tượng và Hào Từ của quẻ Đồng Nhơn trong kinh Châu Dịch, mà đặt lại vấn đề, để rồi đặt mối tương quan giữa nhau, mà thành một khối đồng tâm để chịu lo việc đạo, gánh vác việc đời, hầu đem lại một khối bình đẳng duy nhứt, không còn ranh giới rẽ riêng. Đó là lời của Bề Trên dạy.


Đồng Nhơn hay là hòa đồng nói đây chỉ là bước đầu tiên của đại đồng. Theo tiếng Pháp, tôi có thể gọi giai đoạn nầy là Syncrétisme nghĩa là hỗn hiệp nhiều người hoặc nhiều vật khác nhau, bắt từ kết quả mà phăng lên nguyên nhân, bắt từ hiện tượng mà thâu vào bổn thể, bắt từ vạn thù mà quy về nhứt bổn. Nhưng sự kết hợp đó còn chi li, còn gián cách, chưa thành khối chặt chẽ, nên khó giữ được lâu dài. Phải có chi cột dính chùm làm một thì mới bền vững. Nguyên tắc nầy gọi là quy nguyên sẽ tiếp giải sau nầy.

 

II. QUY NGUYÊN


Đây xin nói đến nguyên tắc thứ hai là quy nguyên. Quy nguyên nghĩa là trở về nguồn đầu, về gốc sanh của người vật. Cái nguồn đầu nầy, mỗi tôn giáo đều gọi khác nhau:

  Phật Giáo gọi là Pháp.

Đạo Giáo gọi là Đạo.

 Nho Giáo gọi là Thiên.


Mà theo triết học, ta có thể gọi là bổn thể (essence, noumène, ubstratum, racine sans racine, cause sans cause, v.v...). Còn theo Đạo Minh Lý của chúng tôi thì gọi là .


Chữ Lý viết bằng chữ L lớn, không phải lấy nghĩa thông thường là lẽ phải, mà là Thiên Lý hồn nhiên, là bổn thể của võ trụ, của người vật.


Đây xin dẫn lời của Ngài Trần Hưng Đạo Đại Vương giáng bút giải nghĩa chữ Lý, trong hiệu Đạo Minh Lý của chúng tôi. Minh Lý Đạo là làm cho sáng tỏ lẽ Một. Một là Tâm, một là Đạo, là Lý. Lý tràn ngập võ trụ. Trời đất vạn vật bởi đó mà ra, rồi chung quy cũng về tại đó.


Đã nói Lý là