Đời là cõi tạm vô thường - Vạn Hạnh Thiền Sư

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3508 | Cật nhập lần cuối: 3/7/2016 3:27:00 PM | RSS

MINH-LÝ THÁNH-HỘI, Tuất thời, 21 tháng 8 Tân-Hợi (9.10.1971)

* * *

VẠN-HẠNH THIỀN-SƯ, Bần Tăng chào mừng chư đạo hữu lưỡng phái.

Thi:

Đạo đời hai gánh liệu sao xong,

Cho đáng vi nhân giống Lạc Hồng,

Đào tạo mầm non cùng tiếp nối,

Vẹn tròn sẽ trở lại Non Bồng.

Hôm nay Bần Tăng hoan hỉ được tái ngộ cùng chư đạo hữu. Vậy xin mời chư đạo hữu cùng tọa thiền để lắng nghe Bần Tăng có một vài đạo sự cần thiết.

Chư đạo hữu ơi!

Thi:

Kiếp người gẫm lại có bao lâu,

Mới thấy tóc xanh kế bạc đầu;

Năm bảy mươi năm hay ít nữa,

Có ai lột vỏ sống hoài đâu.

Hựu thi:

Đâu là nẻo giả với đường chân,

Lẩn quẩn loanh quanh chốn cõi trần;

Lặn hụp biển mê thân tứ đại,

Xét ra ai cũng khổ muôn phần.

Hựu thi:

Khổ vì sự nghiệp chửa nên công,

Con cái dại khờ gẫm quá đông;

Nếu lỡ nay mai mình chết sớm,

Ai lo bảo dưỡng chúng cho xong.

Hựu thi:

Khổ vì chung đỉnh chửa thành danh,

Lòn cúi bao phen luống nhọc nhằn;

Kẻ ghét thì nhiều thương lại ít,

Lấy chi bảo đảm kiếp tồn sinh.

Hựu thi:

Khổ vì nhen nhúm chửa bao nhiêu,

Nhà phố ruộng nương chẳng được nhiều;

Trong buổi chiến tranh hoang phế mãi,

Nhà hoang vườn trống cảnh tiêu điều.

Hựu thi:

Khổ bởi công danh mãi cúi lòn,

Đỉnh chung bả lợi hưởng chưa ngon;

Non sông dân tộc còn điêu đứng,

Nước đục thả câu mãi mót bòn.

Hựu thi:

Khổ vì lo bận việc đâu đâu,

Nhìn lại bản thân đã bạc đầu;

Má hóp lưng còm chân yếu đuối,

Giảm ăn mất ngủ luống âu sầu.

Hựu thi:

Và muôn cái khổ vẫn đeo đai,

Muốn trút cho xong để rảnh tay;

Ngặt nỗi tuổi đầu thêm chất ngất,

Già nua con bịnh cứ đeo hoài.

Chư đạo hữu! đã nói thế gian là cõi tạm, là chốn vô thường thì không có một lãnh vực nào có thể gọi rằng bất di bất dịch. Cái cảnh thành bại hưng vong đắc thất vui buồn sướng khổ luôn luôn đi song song với nhau. Chính những hiện trạng ấy bao trùm con người trong vòng tứ khổ, quanh năm suốt tháng mãi lo cho mình mà cũng chưa xong, còn có thì giờ đâu để lo cho tha nhân, cho nhân loại và cho Đạo.

Thế nên đời thường ví: “Hồng trần là biển cả, con người như kẻ đắm thuyền”. Nếu kẻ đắm thuyền biết khôn ngoan, bỏ tất cả những hành lý cụ túc để vớ lấy một cái phao hoặc một tấm ván để may ra thoát khỏi vòng chìm đắm. Còn con người trong biển khổ cũng thế. Nếu khôn ngoan biết vớ lấy cái Đạo để tìm phương cứu cánh, tìm sự sống trong sự chết, thì mới mong sống mãi, chớ đừng tối tăm dại dột đi tìm sự chết trong kiếp sống thì chẳng khác nào như chết chưa chôn.

Thử hỏi kẻ đắm thuyền, nếu có rủ bỏ hành lý may ra nhẹ mình còn sống sót, kiếp sống có thể tạo lại bao nhiêu hành lý khác cũng được, chớ vì bận bịu bám víu vào những kiện hành lý ấy là thêm một trọng lượng nhận chìm càng mau kẻ đắm thuyền.

Con người trong bể trần cũng vậy. Tìm được sự sống trong cõi chết thì sự sống ấy mới vĩnh cửu trường tồn. Ngược lại cứ ôm chầm bám lấy sự sống giả tạm của mảnh thân tứ đại này, dẫu có lâu lắm trăm năm là cùng. Đến chừng đó dù thiên kim vạn ngọc tích trữ muôn kho cũng không làm sao giữ đặng cái ngày mảnh thân này bị hoại.

Sở dĩ Bần Tăng nói dài dòng như vậy để chư đạo hữu ý thức rằng con người sanh ra trong cõi tạm này, sớm muộn gì cũng phải hoại. Nhưng không phải khi xác thân này hoại mà dứt đâu. Còn lại bản linh chơn tánh hay chơn như bổn thể hay điểm tiểu linh quang hay linh hồn cũng thế. Chính cái đó không chết. Cái đó thọ nhận tất cả di sản duyên nghiệp của nhiều kiếp trong quá khứ để mang theo qua cõi khác.

Ý thức được như vậy mới xem sự bệnh hoạn chết sống của phần nhục thể của kiếp hiện tại không làm mình ngạc nhiên. Có ý thức được như vậy mới hoan hỉ sẵn sàng chấp nhận những gì xảy đến cho đời mình. Trong những sự xảy đến đó có cả tốt lẫn xấu, vui lẫn buồn, thành lẫn bại, v.v...

Sự tốt xấu vui buồn thành bại đó không phải ngẫu nhiên mà có, cũng không phải ai đem ban bố hoặc gán cho mình, mà chính cái kết tinh hoặc kết quả của việc làm gieo nhân trong những kiếp quá khứ và kiếp hiện tại.

Thế nên, đời thường nói: “Dương gian âm cảnh đồng nhứt lý”. Thử hỏi cái nhứt lý ấy là gì? Nhứt lý ấy là NHÂN và QUẢ. Có mấy ai đem gieo hột giống cây dưa mà lên cây cà, cây ớt, hoặc khế, ổi bao giờ.

Như vậy, Bần Tăng muốn lưu ý chư đạo hữu phải ý thức được như đạo hữu Minh-Thiện (1) về lẽ sống và lẽ chết. Đừng quá bận tâm vì lẽ ấy. Nếu cần săn sóc dinh dưỡng cái xác thân này thì nên theo lối thông thường của Đông Tây Y học cộng với khoa thần học huyền bí mà giới đạo học đã hiểu, đã hành và đang hành. Đừng quá hoảng hốt trước sự ra đi rồi làm rối loạn tâm thần. Điều cần thiết là hỏi vậy mình đã làm được những gì để lại cho đời, cho hậu thế những sự nghiệp đạo đức, thử hỏi mình có sẵn sàng kiên tâm trì chí với mọi thử thách của nghiệp thân và của ngoại cảnh đưa đến để làm được những gì đáng kể cho sự nghiệp đạo đức cùng chăng.

Đó là phần thứ nhất. Phần thứ nhứt là phần cá nhân mình, của chúng bạn đồng tu đồng hành với mình đồng thế hệ. Còn phần thứ hai là sự nghiệp đạo đức cho thế hệ ngày mai.

Như trên đã nói: Con người không ai có thể lột vỏ sống đời trong ngàn năm muôn tuổi. Đã biết như vậy tức là đã sẵn sàng chấp nhận cái chết sẽ đến với mình. Nhưng cũng đừng hoan hỉ câu chấp rằng “Nhân sinh bách tuế định chi kỳ”, nghĩa là tuy đời người là kiếp trăm năm, nhưng lần tay tính lại đã có mấy người nên trăm tuổi.

Sự tu thân hành đạo cũng phải ý thức rộng lớn lâu dài, chớ không nên hạn hẹp cho riêng phần mình rồi phải mang tiếng độc thiện kỳ thân.

Một khi mình đã chấp nhận rằng sự cần thiết cho đời người là phải tu thân hành Đạo. Có tu thân hành Đạo mới mong cải tiến con người đến chí thiện chí mỹ vào hàng Thánh-thiện Thánh-nhân.

Cõi đời thiên hạ có được an lạc thái bình là phải có đa số phần tử con người chí thiện chí nhân.

Người lập vườn, muốn cho huê viên mình được sặc sỡ cả rừng hoa cúc, hoa huệ, lẽ tất nhiên phải gieo cho thật nhiều giống hoa cúc hoa huệ mới mong đạt được sở nguyện. Nếu trong thế gian này, đa số (chưa nói rằng hầu hết) con người là những phần tử xấu, hỏi vậy có đời nào chứng kiến được một gia đình tốt, một quốc gia tốt, một xã hội nhân loại tốt.

Người đời thường ao ước đến bao giờ hưởng được cảnh thái hòa an lạc như cha lành, con thảo, vợ hiền, tôi ngay, nhà không đóng cửa, tài sản vẫn còn nguyên, ngoài đường của rơi không người lượm lấy. Nếu ước suông như vậy chẳng khác nào người chủ vườn muốn được một huê viên toàn là hoa huệ, hoa cúc, nhưng chính mình chỉ ước suông mà không lo tìm hột cúc, hột huệ đem gieo.

Cũng nên lập lại rằng: Muốn cho quốc gia thạnh trị, nhân dân cộng hưởng an lạc thái hòa, thì phải tạo điều kiện Thánh-thiện trong lòng mọi người. Nếu cấp lãnh đạo một quốc gia tự đảm nhận lấy trách nhiệm xem mình như ông cha trong một nước, biết lo chăm sóc đến no ấm, học hành, sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân như chính con cháu của mình trong gia đình. Nếu người cha trong một đơn vị gia đình biết lo bổn phận làm chồng làm cha cho phải đạo, nếu người vợ trong gia đình biết lo hoàn thành bổn phận tề gia nội trợ giúp chồng nuôi con, nếu trong anh em chị em cùng gia đình được thuận hòa hiếu thảo, nếu giữa con người và con người cùng quí mến thương yêu tôn trọng danh dự tài sản cho nhau, cảnh thái bình an lạc tự nhiên đã có sẵn rồi, không cần phải đi tìm kiếm vận động từ Đông sang Tây, từ Nam sang Bắc.

Mỗi người có được ý thức như vậy, không phải tự dưng mà có. Một quốc gia muốn được vậy, người cầm đầu phải làm gương trước nhứt. Một gia đình muốn được vậy, người cha là chủ gia đình phải làm gương trước nhứt.

Chủ một quốc gia, hay chủ một gia đình cũng thế, muốn cho nhân dân hưởng ứng, muốn cho con cháu noi theo ý chí của mình, thì chủ nhân ông ấy phải tạo điều kiện cho thiên hạ làm theo.

Nêu một thí dụ: hễ vua xem dân như con cháu, thì dân kính vua như cha như ông. Mối tình thương yêu kính nể tương quan đồng điệu lẫn nhau sẽ tạo nên cảnh tương thân tương trợ, sẽ tạo nên cảnh an lạc thái hòa.

Trong lãnh vực Đạo giáo cũng thế. Người lãnh đạo tinh thần nên làm gương trước để nhân sinh tín hữu nhìn đó làm theo.

Trước đây HƯNG-ĐẠO ĐẠI-VƯƠNG đã có nêu lên vấn đề lập ngôi vườn đạo đức, thật là chí lý thay! Bần Tăng hôm nay cũng muốn phụ họa để xác nhận phần chí lý đó.

Chư đạo hữu đừng nên bao giờ có ý nghĩ rằng mình tu đây chỉ là tu cho mình, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, và làm đến chừng nào thì hay chừng ấy, còn con cái trong gia đình để phó mặc cho đứa nào có duyên thì giác ngộ mà làm theo. Nếu mình ép nó sợ e bán đồ nhi phế rồi mang tội.

Không nên nghĩ như vậy. Điểm thứ nhứt nói rằng có duyên. Thử hỏi: Duyên là gì? Có phải là nhân duyên, là lý do khởi thỉ, vì chúng nó đã có nhân duyên trong quá khứ nên hiện tại mới đầu thai trong gia đình mình. Như vậy, tình nghĩa vợ chồng, cha con, anh chị em hiện diện trong một gia đình đều có nhân duyên với nhau.

Còn điểm thứ hai rằng sợ e bán đồ nhi phế. Thử hỏi có phải chỉ đám hậu sanh mới có thể bán đồ nhi phế còn thế hệ người lớn không bán đồ nhi phế hay sao? Nếu rằng đúng thì tại sao có những vị đã tu thân hành Đạo gần suốt một đời người, nhưng lại bỏ dở vì lý do đỉnh chung phú quí công hầu hoặc vì lý do một cảnh ngộ nào đó va chạm giữa tình đồng đạo rồi mất đức tin luôn. Rất đỗi trước kia trường chay gần mãn kiếp nay chẳng còn một bữa rau tương...

Để giúp chư đạo hữu giải quyết hai điểm trên:

Trước nhứt là nhân duyên: chúng nó đã có nhân duyên nên mới sinh trưởng làm con cái của mình. Mình đã thương yêu chúng, đã lo hoạn dưỡng chăm sóc được nên vai nên vóc, cho ăn no mặc ấm, cho học hành chữ nghĩa tinh khôn, nhưng đó chỉ mới được phân nửa bổn phận, vì chúng nó chỉ được chăm sóc về thể xác, về lý trí, nhưng về tinh thần về lương tri, về linh hồn còn đói khát. Muốn làm tròn sứ mạng của một người cha, phải tạo điều kiện dắt dìu cho chúng nó hiểu được Đạo như mình đã hiểu. Khi chúng nó hiểu Đạo, hành Đạo, có hai cái lợi về mặt âm chất và tinh thần.

Về mặt âm chất, cha mẹ đã tu, đã lập công bồi đức, dựng gầy âm chất, đám con cái cùng tu cùng lập công bồi đức dựng gầy âm chất, sẽ giúp cho sự tiến hóa tăng trưởng mau lẹ đến ngày đạt Đạo.

Ví như về mặt vật chất, nếu cha mẹ gia công hôm sớm tảo tần tìm kiếm bạc tiền, trong lúc đó con cái trong nhà ăn chơi tiêu xài phung phí, hỏi đến bao giờ sự nghiệp vật chất mới được phú túc đủ đầy?

Về mặt âm chất cũng tương tự như thế. Một khi chúng nó biết Đạo, tu thân hành Đạo, sẽ hỗ tương cha mẹ phấn chấn tinh thần làm thay đổi cuộc diện nếp sống trong gia đình càng thêm đầm ấm vui vẻ.

Ngược lại, nếu cha mẹ lo cần cù tiện tặn, chắc mót tu công bồi đức, trong lúc con cái lại sa đọa ăn chơi, chúng trở về khảo đảo làm cha mẹ bực bội tâm thần, làm sao yên lòng tu dưỡng.

Điểm thứ hai về mặt tinh thần: như bác sĩ Tây Y công nhận vi trùng bệnh truyền nhiễm hay lây, nhưng có mấy ai nhìn thấy sự lây của những tâm hồn băng hoại hư hỏng sa đọa. Chẳng những thế, sự lây càng gấp trăm ngàn lần mạnh dạn và mau lẹ.

Thử kiểm điểm lại phong tục tập quán, nào luân lý cổ truyền của dân tộc này trước thời tiền chiến như thế nào, và đến ngày nay những nề nếp ấy đã bị phá sản một cách gia tốc kinh khủng, nếu không nói là truyền nhiễm thì là nói cách nào đây! Vì nó không có vi trùng nên dùng kiến chiếu đại của bác sĩ Tây Y không nhìn ra nó.

Nhưng than ôi! tuy không nhìn hình tướng nó nhưng nó đã đục khoét làm băng hoại, nó rúc rỉa hao mòn biết bao những tâm hồn trong trắng. Nó tàn phá làm sụp đổ một truyền thống được mệnh danh là bốn ngàn năm Văn Hiến.

Nếu mỗi đơn vị gia đình cha mẹ có Đạo hãy tạo cho con cái mình một nề nếp đạo đức, chúng nó sẽ có được một nếp sống thanh cao khả ái. Mặt tinh thần ấy sẽ gây ảnh hưởng (lây) cho những gia đình kế cận. Nếu có nhiều và thật nhiều gia đình được như thế, thì ảnh hưởng (lây) càng lan rộng khắp chốn mọi nơi.

Để giải quyết điểm thứ hai là bán đồ nhi phế, lời tục thường ví: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Một khi đã tạo điều kiện cho chúng nó thành một tập thể rồi