Huyền nghĩa Thiên Quan Tứ Phước

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3168 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Đối với Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, ngày rằm tháng Giêng có nhiều ý nghĩa quan trọng. Đây là ngày Đức Chí Tôn chọn để thành lập Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý (tên gọi lúc ban đầu) để trao phó sứ mạng cho Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (nay là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo). Hàng năm Cơ Quan chọn ngày này khai mạc Hội Trường Thuyết Minh Giáo Lý, là ngày đầu năm mới Cơ Quan hoan hỷ đón tiếp đạo tâm thính giả các nơi.

Ngày rằm tháng Giêng cũng gọi là rằm Thượng Nguơn. (Phân biệt với rằm tháng Bảy và tháng Mười là rằm Trung Nguơn và Hạ Nguơn.)

Sách vở có khi gọi đầy đủ là Thượng Nguơn Tứ Phước Thiên Quan Đại Đế Thắng Hội. (Tứ Phước là ban phước. Thiên Quan là vị quan do Trời sai xuống. Đại Đế là tiếng tôn xưng một đấng thiêng liêng. Thắng Hội là lễ hội có tiếng hơn hết.)

Hay gọi là Thượng Nguơn Thiên Quan Thánh Đản. (Thánh Đản là ngày sinh, ngày vía một đấng thiêng liêng.)

Và thường gọi tắt là Thiên Quan Tứ Phước. (Vị quan nhà Trời xuống trần gian chăm lo cho dân, ban bố mọi sự tốt lành cho dân chúng sống ấm no, hạnh phúc.)

Vị quan nhà Trời đó, theo huyền sử, là vua Nghiêu (2357-2255 trước Công Nguyên). Ngài được xưng tụng là Thiên Quan Tứ Phước vì công đức Ngài ban rải cho chúng dân rất đỗi to tát. Sử chép rằng vua Nghiêu rất thương dân. Ngài nói: Thấy một người dân đói, ta thấy như là ta đói. Thấy một người dân rét, ta thấy như là ta rét. Thấy một người dân bị áp bức, ta thấy như là ta bị áp bức. Vua Nghiêu cho đặt trống và bảng trước triều đình. Hễ ai muốn can gián khuyến cáo nhà vua thì tới đó đánh trống xin vào triều kiến, hoặc là viết lời gián nghị dán lên bảng.

Đọc Nghiêu Điển (một thiên dài trong Kinh Thư ghi chép sự việc thời vua Nghiêu), ta thấy người xưa khen sáu đức Khâm, Minh, Văn, Tứ, Cung, Nhượng của vua Nghiêu đạt tới mức cực thịnh. Nghĩa là Ngài có tài trí, thông minh, sáng suốt, văn vẻ, đức hạnh, ý tứ, suy nghĩ sâu xa thấu lẽ, phân biệt chân giả, phân tách sự lý, thông hiểu được chí hướng của thiên hạ, làm nên việc cho thiên hạ, ban ơn đức rộng trùm bốn biển, cao thì lên tới tận trời, thấp thì trải khắp cùng mặt đất...

Xưa nay nhân thế còn nghe truyền tụng rằng vua Nghiêu không xem nghiệp đế là của riêng dòng họ mình, nên không truyền ngôi cho con, mà tìm người thường dân có đức có tài là ông Thuấn để truyền ngôi, giao việc nước.

Cần làm rõ thêm điểm nầy: Mục đích chính của vua Nghiêu là cẩn thận, lo xa, muốn truyền ngôi cho người tài đức nối chí mình chăm lo hạnh phúc cho dân. Người tài đức đó không nhứt thiết là con mình, là người trong hay ngoài hoàng tộc. Một câu hỏi có thể được đặt ra đế làm sáng tỏ: Nếu thái tử Đan Chu, con của Vua Nghiêu là người có đủ tài đức để nối chí và nối nghiệp cha mình, thì liệu có được vua Nghiêu truyền ngôi hay không? Hay vua Nghiêu cứ khư khư quyết nhường ngôi cho người ngoại tộc chớ không nhường ngôi cho con đẻ?

Kinh Thư chép rõ: Vua Ngiêu phán hỏi bá quan ai là người đáng tin dùng?

Phóng Tề, một bề tôi của vua Nghiêu tâu: Thái tử Đan Chu là người đáng tin dùng.

Vua Nghiêu than phiền Đan Chu là người ngạo ngược, ham mê chơi bời.

Vua Nghiêu lại hỏi: Ai là người làm được việc?

Hoan Đâu, một bề tôi khác tâu: Cung Công là người làm được việc.

Vua Nghiêu cũng than phiền Cung Công nói phải mà làm trái, ngoài mặt giả cung kính, trong bụng thì đầy kiêu ngạo.

Rốt cuộc vua Nghiêu tìm được trong hàng dân dã một người đủ đức đủ tài là ông Thuấn để giao việc nước. Ông Thuấn được vua Nghiêu giao cho làm các việc như điều khiển trăm quan, giữ việc chủ tế, ông Thuấn đều làm tốt. Vua Nghiêu lại cho giữ thử nắm quyền bính trong nước ba năm rồi mới an tâm truyền ngôi cho.

Vua Nghiêu đúng là một bậc Thánh Vương, được nhân dân vô cùng cảm mộ ơn đức. Ngài không những chăm lo hạnh phúc của dân trong suốt thời gian trị vì của nình, mà còn nhọc công tìm cho được người nối chí mình lo cho hạnh phúc của nhân dân. Khi Ngài lìa trần, toàn dân đau đớn khôn cùng, đau đớn như chính họ đã mất đi một người cha, người mẹ. Suốt ba năm dân chúng cả nước vẫn mãi tẻ lạnh buồn thương, chẳng có ai còn lòng dạ nào để đờn ca xướng hát.

Dân chúng cảm kích ơn sâu đức cả của vua Nghiêu, nên xưng tụng Ngài là Thiên Quan Tứ Phước (vị quan nhà Trời xuống trần chăm sóc và ban phúc cho nhân dân). Tương truyền ngày rằm tháng Giêng là ngày vía (đản sanh) của Ngài, nên ngoài tên gọi là ngày Thiên Quan Tứ Phước, rằm tháng Giêng còn được gọi là ngày Thượng Nguơn Thiên Quan Thánh Đản.


*

Chúng ta nên suy gẫm ý nghĩa sâu xa của sự kiện ngày Thiên Quan Tứ Phước được Đức Chí Tôn chọn để khai mạc Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý (tức là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo hiện nay).

Đức Chí Tôn giáng đàn, xưng danh Ngọc Hoàng Thượng Đế kim viết Cao Đài giáo đạo Nam phương, và dạy:

Hỡi các con! Thầy đã chọn ngày Thiên Quan Tứ Phước mở Văn Phòng để các con nhờ hồng ân của Thầy mà lập công với Đạo.[1]

Theo ý nghĩa bốn chữ Thiên Quan Tứ Phước, suy ra Đức Chí Tôn chọn ngày này là muốn hàng ngũ nhân viên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý ý thức rằng chúng ta là những người lãnh mạng Trời lập công với Đạo. Trước hết là làm nhịp cầu nối liền tình huynh đệ, làm sống dậy trách nhiệm trước cơ Đạo cũng như cơ đời, tri và hành theo chánh pháp của Đại Đạo ngõ hầu đem Đạo vào đời, cải tạo xã hội, đem lại hạnh phúc cho nhơn sanh.

Thay vì hai chữ Thiên Quan trong sử cổ, ngày nay Ơn Trên gọi nhân viên Cơ Quan là hàng Thiên ân sứ mạng. Nhận thức này không phải là tỏ ra tự cao tự đại, là cống cao ngã mạn, là thiếu hạnh khiêm tốn, v.v... Mà có nhận thức đúng vấn đề thì mới thấy được trọng trách được giao phó và mới ý thức để ra sức, quyết tâm thực thi cho trọn vẹn, cho xứng đáng với tầm kích mà Ơn Trên đặt để cho Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý.

Thuyền Đại Đạo lướt trên biển tục

Tiếng còi linh vội giục nhơn sanh

Giữa hồi thế cuộc phân tranh

Thì tôn giáo phải thực hành cứu nguy.[2]

Hàng năm, khi Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý tổ chức lễ Thiên Quan Tứ Phước là để các cấp nhân viên chức vụ nhắc nhau nhớ lại ý nghĩa đó, nhớ lại hồng ân Đức Chí Tôn chọn ngày Thiên Quan Tứ Phước thành lập Cơ Quan, để bắt đầu chuyển hướng qua giai đoạn mới theo lời cầu xin của Tam Giáo Tòa. Đây cũng là dịp chúng ta nhắc nhau nhớ lại mình đã thọ lãnh lịnh Trời trong thế Thiên nhơn hiệp nhứt, đã đại ngôn hứa nguyện trước Thiên Bàn:

Con cúi xin phụng thừa Thiên lịnh