Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI (6)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 11 | Cật nhập lần cuối: 4/26/2024 11:39:58 PM | RSS

Giao ly ve cau nguyen cua Duc Benedicto XVI (6)Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 15.06.2011, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ năm: Ngôn sứ Êlia. Theo Đức Giáo hoàng, đối với sự Tuyệt Đối của Thiên Chúa, các tín hữu phải đáp trả bằng một tình yêu tuyệt đối và trọn vẹn, cam kết cả cuộc đời, sức lực và tâm hồn mình.

ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 15 tháng 6 năm 2011

Anh chị em thân mến

Trong lịch sử tôn giáo Israel cổ đại, người ta rất đề cao tầm quan trọng của các ngôn sứ, cũng như các giáo huấn và lời rao giảng của các ngài. Trong số đó, nhân vật nổi bật nhất là ngôn sứ Êlia, được Thiên Chúa linh hứng để hoán cải dân chúng. Tên của ông có nghĩa là “Chúa là Thiên Chúa của tôi”. Và ông đã sống theo đúng nghĩa của tên này bằng cách để cho Thiên Chúa điều khiển đời mình qua việc hoàn toàn hiến thân cho trọng trách làm cho mọi người nhận ra Chúa là Thiên Chúa duy nhất.

Sách Huấn ca nói về ngôn sứ Êlia rằng: “Rồi ông Êlia xuất hiện, ông là vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng” (Hc 48, 1). Với ngọn lửa này, dân Israel đã khám phá ra hành trình đến cùng Thiên Chúa. Trong sứ vụ của mình, ngôn sứ Êlia đã cầu xin Chúa cho con trai của người góa phụ đang cho ông trú ngụ được sống lại (x. 1V 17,17-24). Ông kêu cầu cùng Thiên Chúa trong mệt mỏi và lo âu khi ông chạy thoát thân vào hoang địa lúc đang bị hoàng hậu Ideven tìm giết (x. 1V 19,1-4). Nhưng đặc biệt là trên Núi Cát Minh, ông đã chứng tỏ cho người ta thấy tất cả sức mạnh lời cầu xin của mình, trước toàn thể dân Israel, ông đã cầu xin Thiên Chúa tỏ mình ra và hoán cải tâm hồn dân chúng. Hôm nay chúng ta sẽ suy niệm về trình thuật này như được diễn tả trong sách Các Vua, Quyển I, chương 18.

Đó là vương quốc miền Bắc, vào thế kỷ thứ IX trước Công Nguyên, thời vua Akháp, thời mà tại Israel đã phát triển một tình trạng hỗn hợp tôn giáo công khai. Ngoài Đức Chúa ra, dân chúng còn thờ thần Baal nữa, một vị thần mà họ nghĩ rằng có thể đảm bảo ban ân huệ cho mưa xuống trên họ, do đó đã được họ nhìn nhận như vị thần có quyền ban sự sống và khả năng sinh sôi cho đồng ruộng, con người và gia súc.

Trong khi tự nhận là theo Chúa, một Thiên Chúa vô hình và huyền nhiệm, dân chúng đã tìm nương tựa nơi một vị thần mà họ nghĩ là sẽ mang lại cho họ cuộc sống thịnh vượng và sung túc, và chỉ cần hiến dâng những lễ vật tương ứng. Dân Israel đã làm theo sự cám dỗ thờ ngẫu tượng, một cám dỗ liên tục đối với các tín hữu, ảo tưởng rằng mình có thể “làm tôi hai chủ” (x. Mt 6,24; Lc 16,13), cùng biến những hành trình khó khăn của niềm tin vào Đấng Toàn Năng trở nên dễ dãi, qua việc đặt tin tưởng vào một vị thần bất lực do con người tạo nên.

Chính để vạch trần ​​sự điên rồ của thái độ này mà ngôn sứ Êlia đã cho dân Israel tập họp trên Núi Cát Minh, và đặt trước họ điều cần thiết mà họ phải chọn lựa: “Nếu Đức Chúa là Thiên Chúa, hãy theo Người; còn nếu là Baal thì cứ theo nó!” (1V 18, 21). Và vị ngôn sứ, người mang tình yêu Thiên Chúa, không bỏ mặc dân của ông trước lựa chọn này, nhưng giúp họ bằng cách cho họ dấu chỉ chứng tỏ đâu là sự thật: Cả ông và các ngôn sứ của Baal đều chuẩn bị một hy lễ và cầu nguyện, và Thiên Chúa thật sẽ tỏ mình ra qua việc đáp lời bằng cách lấy lửa thiêu hủy lễ vật. Như thế là bắt đầu cuộc chạm trán giữa ngôn sứ Êlia và những người theo thần Baal, mà trên thực tế là giữa Đức Chúa của Israel, Thiên Chúa của ơn cứu độ và sự sống, với một ngẫu tượng câm lặng, vô hồn, không thể làm được việc gì dù tốt hay xấu (x. Gr 10, 5). Đây cũng là khởi đầu sự tương phản giữa hai cách hướng về Thiên Chúa và cầu nguyện hoàn toàn khác nhau.

Quả thật, các ngôn sứ của Baal đã kêu la khóc lóc, lắc mình, nhảy khập khiễng, rơi vào một trạng thái cuồng nhiệt đến nỗi rạch cả thân xác mình “họ dùng gươm giáo rạch mình đến chảy máu” (1V 18, 28). Họ tự hành hạ để được đến gần thần minh của họ, bằng cách dựa vào những khả năng riêng của mình để được thần minh đáp lời. Do đó thực chất gian tà của ngẫu tượng bị lộ tẩy, con người nghĩ rằng ngẫu tượng là một điều gì đó họ có thể điều khiển được và cai quản được bằng những nỗ lực riêng của mình, có thể đến gần được dựa trên chính mình, và những sức mạnh sống còn của mình. Thay vì giúp mở tâm hồn con người ra cho Đấng Khác, và cho một mối liên hệ tự do, một mối liên hệ cho phép một con người rời xa những ranh giới hạn hẹp của tính ích kỷ để bước vào những phương diện của tình yêu và ban tặng lẫn nhau, thì việc thờ ngẫu tượng lại làm cho con người tự khép mình trong vòng độc quyền và tuyệt vọng của tính vụ lợi. Và sự lừa dối đó là trong khi thờ ngẫu tượng, con người thấy mình bị bắt buộc phải lệ thuộc vào những hành động cực đoan, trong cố gắng hão huyền tự đặt mình dưới sự điều khiển của ý muốn của mình. Vì vậy, các ngôn sứ của Baal đi tới việc tự làm hại chính mình, tạo ra những vết thương trên cơ thể, bằng những cử chỉ mỉa mai tức cười. Để được trả lời, một dấu chỉ là thần minh của họ đang sống, họ phải tự lấy máu phủ mình, như thế tượng trưng cho việc phủ mình trong cái chết.

Một thái độ cầu nguyện vượt trên những thái độ trên rất nhiều là thái độ của ngôn sứ Êlia. Ông yêu cầu dân chúng đến gần, như thế làm cho họ liên hệ đến hành động và lời cầu xin của ông. Mục đích của thách thức mà ông đưa ra cho các ngôn sứ của Baal là để đem dân đã lầm lạc vì đi theo ngẫu tượng trở về với Thiên Chúa, vì thế ông muốn dân Israel kết hợp với ông, và như thế trở thành tham dự viên và vai chính trong cầu nguyện của ông và trong tất cả những gì đang xảy ra. Sau đó, vị ngôn sứ dựng một bàn thờ, sử dụng, như bản văn đã viết rằng: “Mười hai phiến đá, theo số các chi tộc con cháu ông Giacóp, người đã được Đức Chúa phán bảo rằng: “Tên ngươi sẽ là Israel” (1V 18, 31). Những phiến đá này đại diện cho tất cả dân Israel và là những điều nhắc nhở hữu hình về lịch sử của ơn được tuyển chọn, ơn được Chúa thương cách riêng và ơn cứu độ mà trong đó dân chúng là đối tượng.

Hành động phụng vụ của ngôn sứ Êlia có một ảnh hưởng quyết định: bàn thờ là nơi thánh thiêng, ám chỉ sự hiện diện của Chúa, còn những phiến đá được dùng để hình thành, nó tiêu biểu cho dân chúng, là những người mà giờ đây qua sự trung gian của vị ngôn sứ, được đặt cách biểu tượng trước Nhan Đức Chúa, trở thành “bàn thờ”, nơi dâng lễ vật và hy tế.

Nhưng biểu tượng này cần phải trở thành một thực tại, là dân Israel nhìn nhận Thiên Chúa thật và tái khám phá ra căn tính riêng của mình như dân riêng của Chúa. Vì vậy ngôn sứ Êlia xin Chúa tự tỏ mình ra, và mười hai phiến đá được dùng để vừa có ý nhắc nhở dân Israel về chính thực trạng của họ, mà còn có ý nhắc nhở Thiên Chúa về đức trung tín của Người, điều mà ngôn sứ nại đến trong lời cầu nguyện. Những lời cầu khẩn của ông có đầy đủ ý nghĩa và niềm tin: “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của Ápraham, Isaác và Israel! Ước chi hôm nay người ta biết rằng trong Israel, Ngài là Thiên Chúa và con là tôi tớ Ngài. Cũng vì lời Ngài phán mà con đã làm tất cả các việc này. Xin đáp lời con, lạy Đức Chúa, xin đáp lời con, để dân này nhận biết Ngài là Đức Chúa, Thiên Chúa thật, và Ngài đã khiến họ thay lòng đổi dạ” (1V 18,36-37; x. St 32,36-37). Ngôn sứ Êlia hướng về Chúa và gọi Người là Thiên Chúa của các Tổ phụ; và như thế ông gián tiếp nhắc đến những lời hứa của Thiên Chúa và lịch sử của việc tuyển chọn và giao ước là những điều liên kết Thiên Chúa với dân Người mà không thể nào phân ly được nữa. Sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử con người thật vĩ đại đến nỗi danh Người giờ đây liên kết một cách bất khả phân ly với các Tổ phụ, và ngôn sứ nói lên Danh Thánh ấy để cho Thiên Chúa nhớ lại và biểu lộ lòng trung tín của Người; nhưng ông cũng làm như thế để dân Israel có thể nghe thấy mình được gọi tên và chân nhận lòng trung tín của chính mình. Nhưng việc ngôn sứ Êlia công bố Danh Thiên Chúa có một điểm hơi ‘đáng ngạc nhiên. Thay vì sử dụng công thức thông thường: “Thiên Chúa của Ápraham, Isaác và Giacóp,” ông dùng một tên ít phổ biến hơn: “Thiên Chúa của Ápraham, Isaác và Israel”. Việc thay thế tên “Giacóp” với “Israel” nhắc lại cuộc chiến đấu của ông Giacóp ở sông Giápbốc cùng việc đổi tên mà người kể chuyện nói đến một cách rõ ràng (x. St 32, 31), và tôi đã đề cập ở một trong những chương gần đây. Sự thay thế này mang một ý nghĩa sâu sắc trong lời cầu xin của ông Êlia. Vị ngôn sứ đang cầu nguyện cho dân của vương quốc miền Bắc, Quả thật được gọi là Israel để phân biệt với Giuđa, là vương quốc Miền Nam. Giờ đây, dân chúng, hầu như đã quên nguồn gốc của mình và mối liên hệ đặc quyền của mình với Chúa, nghe thấy mình được gọi đích danh, cũng như danh Thiên Chúa, được gọi là Thiên Chúa của các Tổ phụ và Thiên Chúa của dân, một cách thật rõ ràng: “Lạy Chúa, Thiên Chúa… của Israel, hôm nay xin hãy làm cho người ta biết rằng Ngài là Thiên Chúa trong Israel.”

Một lần nữa, dân mà ngôn sứ Êlia cầu nguyện cho lại được đặt trước thực trạng của họ. Vị ngôn sứ cũng xin cho chân lý của Chúa được tỏ lộ; xin Người can thiệp vào việc hoán cải dân Israel bằng cách làm cho họ từ bỏ sự lừa dối của việc thờ ngẫu tượng, nhờ đó dẫn họ đến ơn cứu độ. Lời cầu xin của ông là dân chúng sau cùng nhận biết, và biết cách tường tận, ai thực sự là Thiên Chúa của họ, và họ sẽ dứt khoát quyết định chọn lựa chỉ theo Người, là Thiên Chúa thật. Vì chỉ bằng cách này mà Thiên Chúa được công nhận theo Bản Tính của Người, là Đấng Tuyệt Đối và Siêu Việt. Vì thế người ta không thể đặt Thiên Chúa bên cạnh các thần minh khác, vì làm như thế là phủ nhận tính Tuyệt Đối của Người qua việc tương đối hóa Người. Đây là niềm tin làm cho dân Israel trở thành dân Thiên Chúa; đó chính là đức tin được công bố trong câu Kinh Thánh thời danh của Israel là ‘Shema Israel’: “Hãy nghe, hỡi Israel: Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất; hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5). Đối với sự Tuyệt Đối của Thiên Chúa, các tín hữu phải đáp trả bằng một tình yêu tuyệt đối và trọn vẹn, cam kết cả cuộc đời, sức lực và tâm hồn mình. Và bằng lời cầu nguyện của mình, vị ngôn sứ cầu cho dân chúng ơn hoán cải cho tâm hồn: “Ôi lạy Chúa, để dân này có thể nhận biết rằng Ngài là Thiên Chúa thật, và xin Ngài làm cho họ thay đổi tâm hồn!” (1V 18, 37). Qua lời chuyển cầu của ông, ngôn sứ Êlia xin Chúa những gì chính Thiên Chúa muốn làm, là tỏ Mình ra bằng tất cả lòng thương xót của Người , trung thành với bản tính của Người như Chúa Hằng Sống, là Đấng tha thứ, hoán cải và biến đổi.

Và đó là những gì xảy ra, “Bấy giờ lửa của Đức Chúa ập xuống, thiêu rụi của lễ, củi, đá và bụi, cả nước trong mương cũng hút cạn luôn. Toàn dân thấy vậy, liền phủ phục sát đất và nói: “Đức Chúa quả là Thiên Chúa! Đức Chúa quả là Thiên Chúa!” (1V 18,38-39). Lửa, một nguyên tố vừa cần thiết vừa khủng khiếp này, liên quan đến việc Thiên Chúa tỏ Mình ra nơi bụi gai bốc cháy và ở núi Sinai, giờ đây được dùng để chỉ tình yêu của Thiên Chúa đáp lại lời cầu nguyện và tỏ mình ra cho dân Người. Thần Baal, ngẫu tượng lặng câm và bất lực, đã không đáp trả lời cầu khẩn của các ngôn sứ của nó. Chính Chúa là Đấng đã trả lời, và một cách rõ ràng, không chỉ qua việc thiêu hủy của lễ toàn thiêu, nhưng còn làm khô tất cả nước đã được đổ quanh bàn thờ. Dân Israel không còn có thể nghi ngờ gì nữa, lòng thương xót của Thiên Chúa đã đáp trả sự yếu hèn, nghi ngờ và thiếu đức tin của họ. Giờ đây, Baal, ngẫu tượng vô hồn đã bị đánh bại, và dân chúng, những kẻ dường như bị lạc đường, đã tìm thấy con đường chân lý và đã tái khám phá ra chính mình.

Anh chị em thân mến, câu chuyện quá khứ trên đây nói gì với chúng ta? Đâu là hiện tại của lịch sử ấy? Điểm thứ nhất, vấn đề ở đây là sự ưu tiên của Điều Răn thứ nhất: chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi. Khi vắng bóng Thiên Chúa, con người rơi vào vòng nô lệ của việc thờ ngẫu tượng, như những chế độ độc tài của thời đại chúng ta đã chứng tỏ điều đó, cùng với những hình thức khác nhau của chủ nghĩa hư vô, làm cho con người lệ thuộc vào các ngẫu tượng, vào việc thờ ngẫu tượng – chúng biến họ thành nô lệ. Điểm thứ hai: mục đích chính của việc cầu nguyện là sự hoán cải: lửa của Thiên Chúa biến đổi tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta có thể thấy Thiên Chúa, có thể sống theo thánh ý Thiên Chúa và sống cho nhau. Điểm thứ ba: các Giáo phụ cho chúng ta biết rằng câu chuyện về ngôn sứ này cũng có tính tiên tri, các ngài nói, mặc dù chỉ là hình bóng về tương lai, về Đức Kitô trong tương lai, nó là một bước trong hành trình hướng về Đức Kitô. Và các ngài cho chúng ta biết rằng, ở đó chúng ta thấy ngọn lửa đích thật của tình yêu Thiên Chúa, tình yêu dẫn Chúa đến việc vác Thập giá, đến việc hoàn toàn tự hiến. Như thế, việc thờ phượng Thiên Chúa cách chân chính là hiến mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Sự thờ phượng đích thực chính là yêu thương cách chân thật. Và việc thờ phượng Thiên Chúa đích thực sẽ không bị hủy diệt, nhưng canh tân và biến đổi. Tất nhiên, ngọn lửa của Thiên Chúa, ngọn lửa tình yêu bốc cháy, biến đổi và thanh luyện, nhưng chính bằng cách này mà ngọn lửa ấy không bị tiêu hủy mà tạo ra sự thật về con người chúng ta, tái tạo tâm hồn chúng ta. Và như thế, ước gì nhờ được thực sự sống bằng ngọn lửa ân sủng của Chúa Thánh Thần, của tình yêu Thiên Chúa, chúng ta trở thành những kẻ thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật.

Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
Nguồn: hdgmvietnam.com

* Bài liên quan:

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (1)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ (2)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (3)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (4)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (5)