Islam ở Việt Nam (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3321 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Nước Việt Nam có truyền thống văn hoá lâu đời và là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Cũng như ở nhiều nước trên thế giới, mỗi dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam có những tín ngưỡng, tôn giáo gắn liền với đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội. 


Nếu xét theo nguồn gốc của tôn giáo ở Việt Nam thì có tôn giáo ngoại sinh - được đem từ bên ngoài vào như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Islam và tôn giáo nội sinh - được hình thành ngay ở Việt Nam như đạo Cao đài, Phật giáo Hoà Hảo, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa... Nếu xét về đặc điểm tôn thờ thì có tôn giáo thờ đa thần như Phật giáo, Bà la môn, Nho giáo, Lão giáo và tôn giáo độc thần là Islam, Công giáo, Tin lành. Là một nước đa tôn giáo nhưng tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam nhìn chung đều gắn bó với dân tộc, đồng thời là một nhân tố xã hội và văn hoá tích cực góp phần làm cho nền văn hoá Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc.


Khái lược về lịch sử Islam ở Đông Nam Á và Việt Nam.


Đông Nam Á được biết đến như một vùng đất chính của Islam. Số người muslim chiếm tới 60% tổng dân số của vùng. Trong đó, ở Inđonesia, người muslim chiếm 85%; ở Brunei 65%, Malaysia 55%, Singapore 17%, Philippines 8%, Campuchia 7%, Myanmar 5%, Thái Lan 4% tổng dân số. Nhưng ở Việt Nam, người muslim chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, chưa tới 1 phần nghìn dân số.


Chưa có tài liệu nào khẳng định chính xác thời gian Islam lan tới Đông Dương. Nhưng nói chung, Islam đã tới Đông Dương trước khi nó tới Trung Quốc trong triều đại nhà Tống (618 - 907). Islam đến Đông Nam Á không phải bằng con đường gươm giáo, bằng những cuộc chiến tranh “thần thánh” như đã từng diễn ra ở Trung Cận Đông và Ấn Độ mà bằng con đường hoà bình thông qua các thương nhân và các nhà truyền giáo Arập, Ấn Độ, Ba Tư khi họ đi thuyền qua các thành phố ven biển. Sau khi đi qua eo biển Malacca, mà người Ả Rập biết đến nó qua cái tên Malay là Salaht ("eo biển"), họ ghé lại đảo Tiuman. Sau đó họ dừng chân ở các cảng biển tại Sanf, vương quốc Chăm pa ở bờ biển phía Đông, tiếp theo là ở một hòn đảo cách xa đất liền, được biết đến với tên Sanf Fulaw. Từ đó những con thuyền lớn có lẽ đã đi men bờ biển quanh vịnh Bắc Bộ tới Hà Nội, trước khi họ dừng chân ở điểm cuối cùng là Canton (trước kia là Khanfu). Ngay từ đầu Islam đã được cư dân địa phương dễ dàng tiếp nhận và không gặp trở ngại gì đáng kể. Sau đó tôn giáo mới này được pha trộn với các tôn giáo địa phương. Trên thực tế, Islam càng ngày càng gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội của các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á hải đảo.


Còn Islam thâm nhập vào Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ thứ 10. Các nhà sử học Trung Quốc thuộc đời nhà Tống viết trong Tống sử (năm 984), khi kể về xứ sở Chăm pa, có ghi: “Cũng có giống trâu núi không dùng để cày bừa mà dùng để cúng tế. Trước khi giết, thầy cúng đọc câu kinh Allahu Akbar.” Nhưng đặc biệt, có một phát hiện khảo cổ học gồm hai bia mộ thuộc về người muslim Champa, một tấm có niên đại 1025 - 1035 và một tấm có niên đại 1039, minh chứng rõ nét hơn về thời điểm Islam du nhập vào Việt Nam (Bá Trung Phụ, 2005).


Khi Islam xuất hiện, một số ít người Chăm-pa chấp nhận theo Islam. Nhà khảo cổ Pháp, H. Huber, đã tìm được trong sử nhà Tống, Trung Quốc, bản tường thuật về sinh hoạt của dân tộc Chăm có ghi câu kinh A-la hòa cập bạt mà người ta suy ra là câu kinh nhật tụng Allahu Akbar (Allha vĩ đại) của người Muslim. Ngoài ra, trong câu chuyện lịch sử dân gian của người Chăm, đăng trong Excursions et Reconnaissances, XIV, trang 153, có ghi vị vua Champa trị vì vào thế kỷ thứ 10 T.L. đã nhập đạo Islam và đã có đi hành hương Thánh địa Makkah, chứng tỏ đạo Islam đã có một thời cực thịnh tại đất Chăm-pa.


Lịch sử vương quốc Chăm-pa.


Vương quốc Chăm pa hay Chiêm Thành được xây dựng lên từ thế kỷ thứ 2 và tồn tại đến thế kỷ thứ 19. Theo các sử liệu Trung Quốc, sau cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhưng bị đàn áp đẫm máu của Hai Bà Trưng, vào năm 192, lợi dụng lúc nhà Hậu Hán suy yếu, một viên chức quận Tượng Lâm (phía nam Thừa Thiên ngày nay) là Khu Liên đã lãnh đạo người Chăm nổi lên khởi nghĩa thắng lợi lập nên vương quốc Lâm ấp (xứ Rừng). Quốc hiệu Chăm pa xuất hiện vào lúc nào không rõ, chỉ biết rằng bia kí sớm nhất có nhắc đến tên này được khắc vào cuối thế kỷ thứ 6. Sau khi lập quốc, người Chăm thoát khỏi ách đô hộ của Trung Hoa, liên hệ với Trung Hoa cũng hầu như không còn. Thay vào đó, người Ấn Độ đến ngày một nhiều hơn và khác với Trung Hoa, họ không mang theo chiến tranh, vì vậy, nền văn hóa Ấn Độ được người Chăm vui vẻ tiếp nhận. Đây là một vương quốc đã một thời hưng thịnh tại vùng đất Trung Việt Nam ngày nay, mà kinh đô Vijaya (Thành Đồ Bàn) qua một số đền tháp, di chỉ, còn lưu lại, được đặt tại Trà Kiệu, vùng Bình Định ngày nay. Lãnh thổ của Chiêm Thành trải dài từ vùng duyên hải miền Trung, cụ thể là dãy núi Hoành Sơn phía Bắc Phan Thiết đến phía Nam. Sắc dân có nguồn gốc Malay-Polinesian với nền văn hoá Ấn Độ và tôn giáo truyền thống là Bà la môn. Người Chăm giỏi về nghề đi biển, có truyền thống thương mại lâu đời. Họ đã thiết lập mối quan hệ giao lưu, buôn bán với các nước Đông Nam Á, nhất là vào thời kì Pôpin-Tarthuôn (Chế Mân) và Pôpin Thuôn (Chế Bồng Nga) thế kỷ 12 - 15, có mối giao hảo giữa Indonesia và Malaysia rất chặt chẽ, đồng thời, gắn bó với nhau qua sự thông thương trao đổi và sinh hoạt tôn giáo (Islam). Maspéro (1909) viết: "Thương cảng nổi tiếng nhất lúc bấy giờ là Shinhapura thuộc vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, nằm trên dòng sông Thu Bồn, với diện tích 60 km2 hay còn gọi là Hội An".


Trong suốt thế kỷ 17, các tỉnh của Chăm pa lần lượt bị nước Đại Việt thôn tính và đến cuối thế kỷ 17 thì vương quốc Chăm pa hoàn toàn thuộc về Đại Việt. Dưới thời vua Minh Mạng (1836), người Chăm pa bị ngược đãi nặng nề.


Một bộ phận người Chăm vùng Pantu Rangar theo vua Pôchơn rời bỏ quê hương sang định cư ở Campuchia, vùng đất đó nay là Kompong Cham (bến hoặc làng người Chăm). Họ không sống tập trung ở một vùng mà sống rải rác dọc theo sông Mêkong ở Việt Nam, hình thành nên 13 làng. Họ đã tham gia xây dựng công trình của Thoại Ngọc Hầu đào kinh Vĩnh tế thông thương với Hà Tiên (Dohamid, 1998).


Một số khác đến Thái Lan, đảo Hải Nam (Trung Quốc) và Malaysia. Do quá trình cộng cư, tiếp xúc với người Malaysia, Indonesia theo đạo Islam, nên cộng đồng người Chăm đã chịu ảnh hưởng về tôn giáo của các nước này. Họ chuyển từ sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống sang sinh hoạt tôn giáo theo đạo Islam và từ đó cho đến nay, đạo Islam trở thành một trong những tôn giáo chính của họ.


Mãi đến năm 1858, do sự ngược đãi của vua Chân Lạp, một bộ phận người Chăm di cư đến vùng đất An Giang (Việt Nam), được nhà Nguyễn chấp thuận và cho phép mở mang khai khẩn, ngoài ra còn một bộ phận nhỏ theo