Chúng ta nên làm gì cho người đã khuất?

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2668 | Cật nhập lần cuối: 7/26/2018 9:55:49 AM | RSS

Chúng ta nên làm gì cho người đã khuất?Allah cho chúng ta biết rằng con người không thoát khỏi cái chết, bất kỳ ai cũng phải một lần nếm cái chết, tất cả con người đều phải chết như nhau không ai là trường hợp ngoại lệ. Con người chỉ khác nhau ở chỗ là chết như thế nào và chết trong thời điểm nào mà thôi.

Chính vì vậy, người Muslim có đức tin đích thực không tìm cách chạy trốn mà họ luôn ở trong tư thế sẵn sàng để đối mặt với cái chết, cái mà những người Muslim có đức tin đích thực thật sự cần quan tâm không phải là cái chết mà là việc hoàn thành các nghĩa vụ, bổn phận mà Allah đã sắc lệnh cho họ, tránh xa những điều Ngài ngăn cấm và cố gắng tìm kiếm và thu lượm ân phước qua các việc làm ngoan đạo và thiện tốt trong khoảng thời gian mà họ còn sống trên cõi trần tục này. Đây là những thứ sẽ đi cùng với người chết và chỉ có chúng mới giúp ích được cho một người sau cái chết, ngoài chúng, gia đình, con cái, người thân, bạn bè, tiền bạc, tài sản, chức quyền, danh vọng, ... đều phải bỏ lại nơi trần gian, người chết không có cách nào để mang những thứ này theo mình xuống cõi mộ.

Mọi lời ca ngợi kính dâng lên Allah, Thượng Đế của toàn vũ trụ, cầu xin Ngài ban sự bằng an cho Thiên sứ của chúng tôi, Muhammad, và cho dòng dõi của Người cùng với các vị Sahabah (bàn đồng hành) của Người và những ai noi theo đường lối của Người tới Ngày Phán Xét, Amma Ba'd:

Trường sinh bất tử là điều mà con người khao khát và hướng tới. Qua bao thời đại, con người đã nỗ lực tìm kiếm phương cách đạt được nó, con người vẫn đang cố gắng tìm kiếm và chắc chắn vẫn sẽ nỗ lực tìm kiếm trong tương lai.

Tuy nhiên, trong thế giới trần gian này, từ thời Adam – tổ tiên của nhân loại cho đến Ngày Tận Thế, không bao giờ có một cá nhân hay một nhóm con người nào có thể trường sinh bất tử. Bởi vì, đó là quy luật mà Allah – Đấng Tạo Hóa đã sắp đặt và an bài. Ngài đã tuyên bố quy luật này trong Kinh Qur’an:

"Và trước Ngươi (Muhammad), TA đã không hề làm cho một người phàm nào sống bất tử cả. Chẳng lẽ nếu Ngươi chết thì chúng sẽ trường sinh ư? (Không), tất cả mỗi linh hồn đều phải nếm cái chết. (Chương Al-Ambiya’, câu 34, 35).

Allah cho chúng ta biết rằng con người không thoát khỏi cái chết, bất kỳ ai cũng phải một lần nếm cái chết, tất cả con người đều phải chết như nhau không ai là trường hợp ngoại lệ. Con người chỉ khác nhau ở chỗ là chết như thế nào và chết trong thời điểm nào mà thôi.

Những người không có đức tin nơi Allah và cuộc sống cõi Đời Sau, cái chết luôn là nỗi ám ảnh đáng sợ nhất đối với họ, bởi vì họ quá yêu thích cuộc sống tạm bợ và ngắn ngủi của cõi trần, bởi vì họ nghĩ rằng của cải vật chất và những thú vui nơi cõi trần là tốt nhất, huy hoàng nhất và hạnh phúc nhất. Tuy nhiên, dù họ có thích hay không thích, chấp nhận hay không chấp nhận, thậm chí họ cố tìm đủ mọi cách để chạy trốn thì cái chết vẫn đến với họ.

"Hãy nói đi (Muhammad): Quả thật cái chết mà các ngươi đang cố gắng chạy trốn khỏi nó chắc chắn sẽ giáp mặt các ngươi." (Chương Al-Jumu’ah, câu 8).

"Dù các ngươi ở bất cứ nơi đâu, dù các ngươi có ở trong các thành lũy kiên cố thế nào thì cái chết cũng sẽ tìm đến các ngươi." (Chương 4 – Annisa’, câu 78).

Đó là đối với những người không có đức tin. Riêng những người Muslim, những người mà họ tin nơi Allah, tin vào cuộc sống Đời Sau, tin vào sự phán xét và thưởng phạt công minh của Allah cho mọi điều tốt xấu của thế gian, thì cái chết đối với họ không là thứ gì đó quá đáng sợ. Bởi lẽ đối với họ, cái chết là điều hiển nhiên mà mỗi con người phải giáp mặt với nó, không một ai có quyền từ chối gặp nó và cũng không một ai có khả năng làm được điều đó.

Chính vì vậy, người Muslim có đức tin đích thực không tìm cách chạy trốn mà họ luôn ở trong tư thế sẵn sàng để đối mặt với cái chết.

Thật vậy, cái mà những người Muslim có đức tin đích thực thật sự cần quan tâm không phải là cái chết mà là việc hoàn thành các nghĩa vụ, bổn phận mà Allah đã sắc lệnh cho họ, tránh xa những điều Ngài ngăn cấm và cố gắng tìm kiếm và thu lượm ân phước qua các việc làm ngoan đạo và thiện tốt trong khoảng thời gian mà họ còn sống trên cõi trần tục này. Đây là những thứ sẽ đi cùng với người chết và chỉ có chúng mới giúp ích được cho một người sau cái chết, ngoài chúng, gia đình, con cái, người thân, bạn bè, tiền bạc, tài sản, chức quyền, danh vọng, ... đều phải bỏ lại nơi trần gian, người chết không có cách nào để mang những thứ này theo mình xuống cõi mộ. Thiên Sứ Muhammad đã tuyên bố như một lời nhắc nhở đến các tín đồ của Người, nói:

“Đi theo người chết (đến mộ) có ba thứ, hai thứ quay trở về và một thứ ở lại cùng với y (nơi cõi mộ). Gia đình (vợ, con cái, người thân, bạn bè), tài sản, và việc làm của y sẽ đi theo y (đến mộ); nhưng gia đình và tài sản của y sẽ quay trở về còn việc làm của y sẽ ở lại cùng với y.” (Albukhari, Muslim).

Qua Hadith này, Thiên Sứ Muhammad của chúng ta muốn cho chúng ta biết rằng không có bất cứ thứ gì của thế gian có thể mang lại lợi ích cho một người khi y chết đi. Cho dù người sống có cố gắng chôn theo người chết xuống mộ những thứ vật chất của thế gian như quần áo, tiền bạc, vàng vòng châu báu hay những thứ gì khác và nghĩ rằng người chết có thể dùng chúng ở thế giới cõi mộ thì tất cả đều vô nghĩa. Và đây thường là việc làm của một số tôn giáo, đặc biệt là những người thờ bục tượng, những người thờ đa thần xưa và nay. Những người này nghĩ rằng sau khi chết, con người chuyển đến một thế giới được gọi là cõi âm, họ tin rằng ở đó cũng có cuộc sống giống như cuộc sống của thế gian. Họ nghĩ rằng con người chết chuyển đến thế giới cõi âm đó cũng cần ăn mặc và sinh hoạt giống như bao con người đang sống trên thế giới trần gian này. Chính vì lẽ này, một số người khi họ không thể chôn theo người chết xuống mộ những thứ mà họ nghĩ rằng cần thiết cho người chết hoặc họ đã chôn theo người chết những thứ vật chất của thế gian nhưng nghĩ chưa đủ thì họ thường có hành động gởi thêm xuống cho người chết, chẳng hạn như gửi tiền bạc, quần áo và những thứ khác bằng cách dùng giấy làm ra tiền bạc, quần áo, nhà cửa, xe cộ và những thứ vật chất cần thiết khác của thế gian rồi đốt chúng. Đó là cách thức mà họ gửi đồ đạc xuống cõi âm và những thứ này được gọi là đồ âm phủ.

Ngoài việc làm này, những người thờ bục tượng và đa thần còn thường làm cơm hay nấu nhiều loại thức ăn khác nhau vào một số ngày ấn đinh sau khi người thân của họ đã qua đời để cúng giỗ và khấn vái nhằm tưởng nhớ đến người đã khuất. Có người còn làm cơm cúng giỗ cho người thân của họ đã chết kèm theo những nghi lễ cúng bái cầu khấn nhằm giúp linh hồn người chết được siêu thoát sớm đầu thai thành một kiếp sống mới. Đó là niềm tin của họ, là tín ngưỡng của một số tôn giáo đa thần, không tôn thờ một Thượng Đế duy nhất – Allah Tối Cao. Nó không phải tín ngưỡng của Islam.

Người tín đồ Muslim tin Allah, tin Qur’an của Ngài và tin các vị Thiên Sứ cũng như vị Thiên Sứ cuối cùng của Ngài – Muhammad, không được phép tin vào những điều mà những người thờ đa thần và bục tượng đã tin như vừa mới được đề cập ở trên, không được phép có những hành động giống như họ đối với người chết.

Nếu người Muslim nào có bất cứ hành động nào giống như họ, chẳng hạn chôn đồ đạc theo người chết xuống mộ hoặc sau khi người thân chết đi được một số ngày nhất định thì làm cơm hay các loại thức ăn và mời mọi người đến cầu nguyện, thì người Muslim đó cùng hội cùng thuyền với những người thờ đa thần và bục tượng. Cơ sở để khẳng định sự việc này là lời di huấn của Thiên Sứ Muhammad:

“Ai hành động giống một nhóm người nào thì y thuộc nhóm người đó.” (Abu Dawood, Tirmizdi và Ahmad). Còn nếu người Muslim nào làm một việc gì đó giống một nhóm người Kafir nào đó và trong thâm tâm y mang cả niềm tin giống như họ thì chẳng phải nghi ngờ gì nữa rằng y là Kafir, vô đức tin nơi Allah và Thiên Sứ của Ngài.

Trong đức tin của Islam, một người chết đi có nghĩa là y đã chấm dứt cuộc sống Dunya (cõi trần) để trở về với Allah. Sau khi chết, trước khi đến với Thế Giới Vĩnh Hằng sau Ngày Phục Sinh, một người sẽ được chuyển đến một thế giới được gọi là cõi Barzakh (hay còn gọi là cõi mộ hoặc cõi ‘chờ đợi’ vì đây là nơi mà người chết sẽ chờ đợi ở đó cho tới Ngày Phục Sinh).

Ở thế giới cõi Barzakh cũng như ở Thế Giới Vĩnh Hằng, con người không còn có mối liên hệ nào với cõi trần gian nữa. Tất cả những gì mà một người sở hữu được lúc còn sống nơi cõi trần từ tiền tài, danh vọng, chức quyền và mọi thứ khác đều phải bỏ lại thế gian khi chết đi, ngay cả con cái, cha mẹ, vợ chồng và những người thân thuộc khác cũng không thể đi theo, dù cho họ có muốn đi chăng nữa.

Mỗi con người chết đi chỉ mang theo một thứ duy nhất, đó là việc làm tốt hay xấu của mình đã thực hiện trên thế gian. Mọi hành động, mọi việc làm của một người sẽ hoàn toàn chấm dứt khi y chết đi trừ ba điều như Thiên Sứ Muhammad đã tuyên bố:

“Khi con người chết đi thì mọi việc làm của y chấm dứt (y không nhận được bất cứ phần thưởng nào nữa cũng như chẳng còn được hưởng điều gì từ người còn sống) trừ ba thứ: (1) Sadaqah Jariyah; (2) kiến thức hữu ích để lại cho đời; và (3) đứa con ngoan đạo cầu nguyện cho y.” (Muslim, Abu Dawood, Tirmizdi và Annasa-i).

Trong Hadith, Thiên Sứ của Islam đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng mỗi một con người khi đã chết đi thì mọi hành động, mọi việc làm của y đã hoàn toàn chấm dứt, không còn liên hệ đến trần gian.

Nói một cách cụ thể và rõ ràng hơn, lời tuyên bố của Thiên Sứ Muhammad trong Hadith này có nghĩa là:

(1) Ân phước và công đức của tất cả những hành động, những việc làm ngoan đạo và thiện tốt mà một người đã từng làm trước đó khi còn sống trên thế gian sẽ hoàn toàn chấm dứt lúc y chết đi; y không thể gặt hái thêm bất cứ ân phước và công đức nào nữa từ những việc làm và hành động đó trừ hai việc: Sadaqah Jariyah và kiến thức hữu ích mà y đã để lại cho đời.

(2) Ý nghĩa cụ thể thứ hai trong Hadith, những người còn sống sẽ không thể làm bất cứ việc gì để mang lại phúc lành cho một người khi người đó đã chết và đang ở trong cõi Barzhakh ngoại trừ một việc làm duy nhất, đó là cầu nguyện cho y. Và lời cầu nguyện của người còn sống trên thế gian cho người đã khuất sẽ đặc biệt được chấp nhận nơi Alalh nếu như người còn sống là người con có đức tin và ngoan đạo của người chết. Đây chính là một trong cách thể hiện sự hiếu thảo của con cái còn sống trên thế gian đối với cha mẹ đã khuất.

Chắc có lẽ chúng ta cũng nên thảo luận cặn kẽ và chi tiết hơn một chút về ba sự việc có thể mang lại phúc lành cho người đã chết như Thiên Sứ của Allah đã tuyên bố trong Hadith được nêu trên.

Sự việc thứ nhất: Sadaqah Jariyah có nghĩa là việc làm từ thiện mà ân phước của nó sẽ vẫn được duy trì một cách lâu dài nếu việc từ thiện đó vẫn còn mang lại phúc lợi cho đời, cho xã hội hay cho từng cá nhân con người như việc đóng góp (bỏ tiền) xây trường học, đường sá, Masjid, các khu chôn cất,...

Một người nếu đã làm Sadaqah Jariyah, chẳng hạn như anh ta xây trường học hoặc đóng góp vào việc xây trường học (bằng công sức hay bằng một phần kinh phí), nếu ngôi trường vẫn còn hoạt động thì ân phước sẽ vẫn được ghi cho anh ta ngay cả khi anh ta không còn sống trên thế gian này nữa.

Một vấn đề liên quan đến Sadaqah Jariyah là một câu hỏi: liệu những người còn sống có thể làm Sadaqah giùm cho người đã khuất được không? Câu trả lời là được phép, không giới hạn người thân hay người ngoài. Nếu người Muslim nào có lòng làm Sadaqah và định tâm cho người đã khuất thì người đó sẽ được ân phước và người đã khuất cũng được ân phước. Bằng chứng cho điều này là giới học giả đều đồng thuận rằng người Muslim còn sống được phép làm Sadaqah và cầu nguyện (Du’a) cho người Muslim đã khuất.

Sự việc thứ hai: vẫn còn dính dáng đến người đã khuất, đó là kiến thức hữu ích để lại cho thế gian. Kiến thức hữu ích ở đây bao gồm cả kiến thức Islam và các kiến thức khác, nhưng kiến thức Islam là trên hết.

Nếu một người lúc còn sống trên thế gian, anh ta đã dạy một số người cách lấy nước Wudu’ hay dâng lễ nguyện Salah chẳng hạn, cứ mỗi lần những người này làm Wudu’ hay dâng lễ nguyện Salah thì anh ta sẽ được ban cho ân phước cùng với ân phước của những người đó.

Tương tự, nếu anh ta đã từng dạy ai đó Kinh Qur’an hay bất cứ kiến thức nào khác thì mỗi khi người đó đọc Qur’an hay sử dụng các kiến thức của anh ta để mang lại lợi ích cho đời, cho xã hội thì anh ta sẽ được ban cho ân phước cùng với người đó. Cứ như thế, những ân phước đó cứ vẫn được tiếp tục ban cho anh ta ngay cả khi anh ta đã không còn trên thế gian này nữa miễn sao kiến thức anh ta đã dạy vẫn còn được thực hành và được áp dụng vào lợi ích thực tế cho đời và xã hội.

Sự việc thứ ba: mà một người sau khi chết đi vẫn còn được tiếp tục mang lại phúc lành cho bản thân mình, đó là y có được một hay nhiều đứa con có đức tin và ngoan đạo thường cầu nguyện cho y. Điều này có nghĩa là lời nguyện cầu của những đứa con ngoan đạo cho cha mẹ của mình đã khuất có thể sẽ được Allah chấp nhận nếu Ngài muốn.

Và lời cầu nguyện mà Thiên Sứ của Allah đã dạy chúng ta cầu nguyện cho cha mẹ hay những ai khác đã khuất là: “Lạy Allah, xin Ngài tha thứ cho cha (mẹ) tôi (hoặc ai đó), xin Ngài thương xót họ, xí xóa cho họ, xin Ngài ban cho họ một nơi cư ngụ vinh dự, xin Ngài mở rộng cõi mộ của họ, xin Ngài rửa tội lỗi của họ với nước, tuyết và băng, xin Ngài hãy tẩy sạch tội lỗi cho họ giống như Ngài tẩy sạch chiếc áo trắng khỏi những vết bẩn; xin Ngài thay thế cho họ một nơi ở khác tốt đẹp hơn nơi ở của cõi trần, một gia đình khác tốt hơn gia đình ở cõi trần; xin Ngài thu nhận họ vào Thiên Đàng của Ngài và xin Ngài cứu rỗi họ khỏi sự trừng phạt nơi cõi mộ và nơi Hỏa Ngục.”

Ngoài những việc làm được đề cập trong Hadith nêu trên, những người còn sống có thể làm một số điều mang lại hữu ích và phúc lành cho những người anh em đồng đạo đã khuất của mình. Những việc làm này đã được Thiên Sứ của Allah hướng dẫn và chỉ dạy được truyền lại qua các Hadith Sahih. Những việc làm này gồm có:

- Đi Hajj (hành hương) cho người đã khuất khi nào họ chưa thực hiện Hajj bắt buộc. Trong bộ Muslim qua lời thuật của ông Buraidah rằng có một người phụ nữ đến gặp Thiên Sứ của Allah, nói: Thưa Thiên Sứ của Allah, quả thật mẹ tôi qua đời nhưng chưa thực hiện bổn phận Hajj. Thiên Sứ của Allah bảo: “Cô hãy đi làm Hajj thay cho mẹ mình!”.

- Thực hiện lời di chúc hay những lời dặn dò của người đã khuất.

- Trả nợ thay cho người đã khuất khi họ chết đi mà vẫn còn mang nợ. Trong Musnad của Ahmad, ông Ibnu Abbas thuật lại rằng một người phụ nữ đã hỏi Thiên Sứ của Allah rằng mẹ cô qua đời nhưng vẫn còn nghĩa vụ nhịn chay Ramadan vậy cô ta có phải nhịn chay bù cho mẹ không? Thiên Sứ của Allah nói: “Cô hãy nhịn chay bù cho mẹ của mình. Cô có thấy nếu mẹ cô mắc nợ thì cô có cần trả cho mẹ không?” Người phụ nữ đó nói: Thưa có. Thiên Sứ của Allah nói: “Bởi thế, nợ Allah phải đáng được trả hơn”.

- Nhịn chay bù cho người đã khuất nếu họ chết đi trong tháng Ramadan nhưng vẫn chưa hoàn tất tháng nhịn chay của mình. Bằng chứng là Hadith của Ibnu Abbas vừa nêu trên.

- Làm Sadaqah cho người chết. Trong bộ Albukhari và Muslim, một người đàn ông đã đến hỏi Thiên Sứ của Allah: Quả thật, mẹ tôi đã qua đời, nếu tôi làm Sadaqah cho mẹ tôi thì mẹ tôi có được ân phước không? Thiên Sứ của Allah trả lời: “Có”.

Việc Sadaqah cho người chết và người chết sẽ được hưởng ân phước của nó là điều đã được sự đồng thuận và thống nhất của toàn thể người Muslim. Tương tự, sự cầu nguyện (Du’a) của người còn sống cho người đã chết cũng được giới học giả Islam thống nhất và đồng thuận như vậy.

Tuy nhiên, cần lưu ý về vấn đề Du’a (cầu nguyện) cho người đã chết để chúng ta thực hiện cho đúng với đường lối Sunnah của Thiên Sứ Muhammad và để chúng ta không rơi vào những việc làm Bi’ah.

Du’a (cầu nguyện) cho người chết theo đúng đường lối Sunnah của Thiên Sứ của Allah được chia làm ba hình thức:

1. Hình thức thứ nhất: Lễ nguyện Salah. Tập thể người Muslim có nghĩa vụ phải dâng lễ nguyện Salah cho các anh em đồng đạo Muslim của mình khi họ chết đi. Đây là việc làm bắt buộc mang tính tập thể (Fardhu Kifa-yah) có nghĩa là chỉ cần một nhóm người đứng ra thực hiện lễ nguyện Salah cho họ thì cả tập thể không mang tội, còn nếu như không ai đứng ra thực hiện thì cả tập thể đều mang tội. Và một khi cả tập thể thực hiện lễ nguyện Salah này thì lễ nguyện Salah đó của mỗi người sẽ trở thành Sunnah và được ban cho một Qiran ân phước, và một Qiran thì tương đương với quả núi Uhud.

2. Hình thức thứ hai: Istighfar (cầu xin Allah tha thứ), Thiên Sứ của Allah bảo các vị Sahabah đứng lại Istighfar cho người anh em đã chết của mình sau khi mộ của họ vừa lấp đất xong. (Hadith do Abu Dawood ghi lại).

3. Hình thức thứ ba: Du’a (mang ý nghĩa cầu xin sự tốt lành cho người chết). Người còn sống được khuyến khích Du’a cho người đã khuất. Cách thức Du’a cho người đã khuất đúng theo Sun nah của Thiên Sứ Muhammad là mỗi cá nhân khi nào muốn Du’a cho người anh em của mình đã khuất thì người đó hãy Du’a riêng lẻ một mình bằng cách ngửa đôi bàn tay lên cầu xin Allah hoặc bằng lễ nguyện Salah (Fardu hay Sunnah, đặc biệt là trong lúc Sujud bởi như Thiên Sứ đã dạy rằng khoảng cách gần nhất giữa người bề tôi với Allah là lúc Sujud và Người bảo hãy nên Du’a thật nhiều trong Sujud). Và việc Du’a này nếu được thực hiện càng âm thầm, lặng lẽ, kín đáo thì càng có giá trị nhiều hơn ở nơi Allah bởi điều đó thể hiện Ikhlas (sự thành tâm, sự chân thật của tấm lòng).

Một điều liên quan đến hình thức thứ ba của Du’a mà người tín đồ Muslim cần lưu tâm, đó là không được ấn định ngày giờ và tập trung mọi người lại thành nhóm cùng nhau đồng loạt Du’a theo người dẫn đầu, bởi vì đây không phải là Sunnah của Thiên Sứ Muhammad cũng như không phải Sunnah của các vị Sahabah của Người.

Người Muslim không nên tập trung lại, làm thức ăn rồi cùng nhau Zikir và Du’a cho người đã khuất một cách tập thể trước bữa ăn đó. Đây là việc làm hoàn toàn không có trong Sunnah của Thiên Sứ Muhammad cũng như Sunnah của các vị Sahabah của Người. Có thể nói, việc nấu thức ăn rồi mời mọi người đến cùng nhau Zikir và Du’a cho người đã khuất trước bữa ăn là một hành động bắt chước những người thờ bục tượng và đa thần khi mà họ thường làm tiệc giỗ cúng và khấn vái cho người thân đã khuất của họ.

Quả thật, trong Islam không hề có những đám tang mang hình ảnh của những bữa tiệc ăn uống hay những tiệc trà tiếp đãi khách đến viếng, và trong Islam cũng không hề có một qui định nào về việc nấu thức ăn làm đám tiệc giỗ cúng hay cầu nguyện cho người quá cố. Thiên Sứ của Allah, vị Nabi cuối cùng, vị đã mang Qur’an đến cho nhân loại, đã không hề có một hành động nào như vậy và cũng không sai bảo hay khuyến khích các tín đồ của Người làm như thế. (1)

Trong Sunnah của Thiên Sứ Muhammad, chỉ có một hành động duy nhất được khuyến khích liên quan đến thức ăn nhưng không dành để an táng người chết cũng không dành để giỗ cúng và cầu nguyện cho người đã khuất hay quá cố, mà dành để giúp đỡ kịp thời và an ủi cho gia đình có người thân vừa qua đời. Theo Sunnah, khuyến khích những người hàng xóm láng giềng, bà con dòng họ và bạn bè nấu thức ăn mang đến biếu cho gia đình có người thân mới qua đời bởi vì gia đình có người thân mới qua đời đang đau buồn cho sự chia ly với người thân ra đi của họ, không còn tâm trí nghĩ đến chuyện nấu nướng và ăn uống. Cơ sở cho giáo lý này là một Hadith được ghi lại bởi Tirmizdi, Abu Dawood và Ibnu Ma-jah và được Sheikh Al-Albani xác nhận Sahih rằng khi Thiên Sứ nhận được tin báo về cái chết của người anh em họ của Người – Ja’far bin Abu Talib – trong trận chiến Mu’tah thì Người bảo mọi người.

“Các ngươi hãy nấu thức ăn cho gia đình của Ja’far bởi quả thật đã đến với họ điều làm họ bận lòng (tức không còn tâm trí cho việc nấu nướng và ăn uống nữa)”.

Imam Sha-fi’y – vị Imam của trường phái Sha-fi’y – nói trong bộ “Al-Um” của ông (1/317): “Và tôi thích việc những người hàng xóm hoặc bà con thân thuộc nấu thức ăn và mang biếu cho gia đình có người thân vừa qua đời vào ngày và đêm mà người thân của họ chết bởi quả thật đó là Sunnah, là điều quan tâm tử tế, và đó là việc làm của những người đức hạnh thời trước và sau chúng tôi.”

Học giả Ibnu Quda-mah nói trong bộ “Al-Mughni” của ông (3/496): “Khuyến khích nấu thức ăn cho gia đình của người chết, mang thức ăn đó đến biếu họ như một sự giúp đỡ và trấn an trái tim của họ; bởi quả thật có thể họ đang bận rộn với chuyện buồn phiền của họ cũng như bận rộn với những ai đến viếng thăm họ nên họ không còn tâm trí để nấu thức ăn cho chính bản thân họ.”

Đại đa số học giả Islam đều ghét việc gia đình của người chết nấu thức ăn để tiếp đãi mọi người dù đó là vào ngày người thân của họ vừa mất hay vào ngày thứ tư, thứ mười hay sau bốn mươi ngày hoặc sau một năm đi chăng nữa. Tất cả đều là việc làm đáng khiển trách.

Học giả Ibnu Al-Hamam thuộc trường phái Hanafi nói: “Là điều Makruh cho việc gia đình của người chết tiếp đãi thức ăn cho khách viếng bởi quả thật việc tiếp đãi khách được giáo lý qui định trong hoàn cảnh vui mừng chứ không phải trong hoàn cảnh đau buồn; và đó là việc làm Bid’ah tồi tệ.” (Fat-hu Al-Qadir: 1/142).

Đối với trường phái Hanafi, khái niệm Makruk chính là khái niệm Haram.

Học giả Al-Hattab thuộc trường phái Maliky nói: “Đối với việc gia đình của người chết nấu ăn và tập hợp mọi người lại ăn thức ăn đó: quả thật toàn thể học giả đều ghét việc làm này và họ liệt nó vào những việc làm Bid’ah bởi không có một cơ sở giáo lý nào được ghi lại, và đó không phải là một bữa tiệc vui.” (Mawa-hib Al-Jaleel Fi Sharh Mukhtasar Khaleel: 2/228).

Học giả Annawawi thuộc trường phái Sha-fi’y nói: “Đối với việc gia đình của người chết nấu ăn và tập hợp mọi người lại ăn thức ăn đó là không có một cơ sở giáo lý nào được ghi lại, và nó là việc làm Bid’ah, không phải là được khuyến khích trong Sunnah.” (Rawdhah Al-Talibeen: 2/145).

Học giả Ibnu Quda-mah thuộc trường phái Hambaly nói: “Đối với việc gia đình của người chết nấu thức ăn tiếp đãi mọi người là việc làm Makruh bởi lẽ việc làm này chỉ làm tăng thêm sự bận lòng và phiền hà cho họ và nó là một hành động bắt chước những người Jahiliyah (thời tiền Islam).” (Al-Mughni: 3/497).

Sheikh Islam Ibnu Taymiyah nói: “Còn việc gia đình người chết nấu thức ăn rồi mời mọi người đến ăn là việc làm không có trong giáo lý Islam mà đích thực là việc làm Bid’ah. Không những thế, vị Sahabah Jareer bin Abdullah đã nói: ‘Chúng tôi coi việc tập trung đến nhà của người chết và họ làm thức ăn tiếp đãi mọi người là một hành động thuộc hình thức Niyahah (bị cấm đoán).’ Quả thật, việc làm được khuyến khích là khi một người chết đi thì các tín đồ Muslim nên nấu thức ăn và đem biếu cho gia đình của người chết.” (Majmu’a Al-Fatawa: 24/316).

Trong bộ Fatawa của Ủy ban thường trực về tư vấn giáo lý Islam thuộc vương quốc Arabia Saudia (9/145):

“Đối với việc gia đình của người chết nấu thức ăn tiếp đãi mọi người cũng như việc lấy đó làm tục lệ truyền thống của họ là hành động không được biết đến theo những gì chúng tôi biết được từ Thiên Sứ của Allah cũng như từ các vị Khalifah chính trực. Nó thực chất là một việc làm Bid’ah phải nên từ bỏ bởi lẽ nó sẽ làm cho gia đình của người chết không những phải bận lòng đến chuyện đau buồn khi mất đi người thân của mình mà còn phải nặng lòng do bận tâm lo nghĩ cho việc phục vụ khách viếng.

Không những vậy, việc làm này còn là một hành động giống với hành động của những người thời Jahiliyah và là một hành động ngược lại với Sunnah của Thiên Sứ Muhammad cũng như các vị Khalifah chính trực tiếp theo sau Người.”

Và Ủy ban thường trực này còn nói: “Còn đối với việc gia đình người chết thường làm trong thời đại ngày nay từ việc nấu thức ăn rồi mời mọi người đến ăn để cầu nguyện và tụng niệm sau bốn mươi ngày hay sau một khoảng thời gian ấn định nào đó kể từ khi người thân của họ chết đi là việc làm không hề có một nguồn cơ sở giáo lý nào cả. Nếu họ muốn làm Sadaqah cho người đã khuất thì việc tiếp đãi đồ ăn đó không nên được ấn định vào các ngày nhất định như vậy, tuy nhiên, nếu họ thực sự muốn Saqadah cho người đã khuất thì họ nên đưa tiền cho những người nghèo, như vậy tốt hơn cho họ bởi nó tránh được sự Riya’ (phô trương) đồng thời mang lại phúc lợi cho người nghèo cũng như tránh xa được hành động giống với những người ngoại đạo.” (Fatawa Al-Lajmah Al-Da-imah: 9/149).

Như vậy, tất cả bốn trường phái chính thống của Islam đều khẳng định việc gia đình của người chết làm thức ăn để tiếp đãi mọi người dù trong ngày người thân của họ mới chết hay vào những ngày sau đó là việc làm Bid’ah mang giới luật Makruh (đi ngược lại với Sunnah, có nghĩa là bỏ tốt hơn làm; nhưng như đã nói khái niệm Makruh trong trường phái Hanafi thì cũng giống như Haram).

Ngoài bốn trường phái này, một số học giả khác đã mạnh mẽ khẳng định rằng việc gia đình của người chết làm thức ăn tiếp đãi mọi người có thể là việc làm Haram nếu như phần thức ăn đó được làm từ tiền của mà người chết để lại cho người thừa kế. Học giả Muhammad Al-Mukhtar Al-Shinqiti nói: “Việc gia đình của người chết nấu thức ăn tiếp đãi khách là làm khác với Sunnah, hướng tới hình thức Bid’ah một cách gần nhất, thậm chí có thể trở thành một việc làm Haram nếu như phần thức ăn đó được làm từ số tiền của trẻ mồ côi và trẻ vị thành niên giống như một số người thiếu hiểu biết đã làm. Họ đã dùng tiền mà người chết để lại, số tiền mà nó thuộc quyền lợi của các trẻ mồ côi và những người góa phụ, họ trích một phần từ số tiền đó để đặt thảm, thức ăn, và những thứ khác giống như tổ chức tiệc cưới, không những họ đã gây ra gánh nặng cho gia đình người chết mà đó còn là việc giống như ăn tiền của trẻ mồ côi một cách bất chính. Những người hành động như vậy nằm trong những người được Allah mô tả trong Qur’an của Ngài ở câu Quả thật, những ai ăn bớt tài sản của trẻ mồ côi một cách bất chính thì chẳng khác nào nuốt lửa vào trong bụng của mình. Và họ sẽ sớm bị thiêu đốt trong Hỏa Ngục. (Chương 4 – Annisa, câu 10). Cầu xin Allah sự an lành!” (Sharhu Zadu Al-Mustaqni’a: 15/86).

Tuy nhiên, các học giả cũng đưa ra trường hợp ngoại lệ cho việc gia đình người chết được phép làm thức ăn tiếp đãi khách nếu sự tiếp đãi thực sự cần thiết.

Học giả Ibnu Quda-mah nói: “Nếu cần thiết làm điều đó thì được phép, chẳng hạn như những ai đó đến viếng và họ đến từ những nơi xa và họ phải ngủ lại qua đêm cùng với gia đình người chết thì không thể nào không tiếp đãi họ.” (Al-Mughni: 3/497).

Sheikh Bin Bazz nói: “Nếu khách viếng ở lại gia đình người chết trong thời gian an ủi (tức bà con dòng họ từ xa đến cần phải ở lại) thì không vấn đề gì cho việc gia đình người chết tiếp đãi họ vì mục đích hiếu khách mang ý nghĩa tất nhiên cũng như không vấn đề gì cho việc gia đình người chết mời thêm một số người láng giềng hay bà con dòng họ đến ăn cùng với khách.” (Fatawa của Sheikh Bin Bazz: 9/325).

Trong Fatawa của Ủy ban thường trực (Al-Lajnah Al-Da-imah: 8/378): “Nếu gia đình người chết làm thức ăn tiếp đãi mọi người thì là việc làm trái với Sunnah, thậm chí là Haram... trừ phi đối với những vị khách ở lại nhà của họ (khách từ xa thuộc bà con dòng họ hay bạn bè) thì không vấn đề gì.”

Học giả Muhammad Al-Mukhtar Al-Shinqiti nói: “Trường hợp đối với khách ở lại nhà của người chết, nếu có những vị khách này, đặc biệt là bà con dòng họ chẳng hạn như cháu họ, anh em, chú bác từ xa đến và họ cần phải ở lại thì họ là những vị khách được quyền tiếp đãi của chủ nhà. Gia đình người chết sẽ giết thịt gia súc để tiếp đãi họ vì họ là khách của gia đình chứ không là Sadaqah cho người chết, việc làm này không vấn đề gì.” (Sharhu Zadu Al-Mustaqni’a: 15/86).

Một số người ngoại đạo trong một số tín ngưỡng tôn thờ đa thần, khi họ làm thức ăn để cúng giỗ hoặc cầu nguyện cho người đã khuất thì họ không cho rằng đó là tín ngưỡng mà nói rằng đ ấy chỉ là một nét văn hóa truyền thống dân tộc mang ý nghĩa hiếu đạo của con cháu đối với ông bà cha mẹ. Dù là tín ngưỡng hay không tín ngưỡng thì đó là quan niệm của họ. Riêng những tín đồ Muslim tin nơi Allah, tin Qur’an và tin nơi vị Thiên Sứ của Allah thì cần phải hiểu giáo lý của Islam: Trong tôn giáo Islam, Allah - Thượng Đế của vũ trụ, vạn vật và muôn loài - bắt buộc con cái phải hiếu thảo với cha mẹ nhưng không bằng những bữa tiệc giỗ hay sự thờ cúng đến họ khi họ đã khuất mà bằng hành động thực tế lúc họ còn sống trên đời này, Allah phán rõ điều này trong Qur’an của Ngài:

Và Thượng Đế của Ngươi (Muhammad) sắc lệnh cho các ngươi phải thờ phượng duy nhất một mình Ngài và phải đối xử tử tế với cha mẹ. Nếu một trong hai người họ hoặc cả hai sống chung với các ngươi đến tuổi già thì các ngươi chớ buông tiếng ‘uf’ (âm thanh biểu hiện sự bất kính) với hai người họ, và chớ xua đuổi hai người họ, mà các ngươi phải ăn nói với hai người họ bằng lời lẽ đầy tôn kính. Và các ngươi hãy đối xử khiêm nhường bằng lòng nhân từ đối với họ, và các ngươi hãy cầu nguyện: “Lạy Thượng Đế của bề tôi, xin Ngài rủ lòng thương cha mẹ của bề tôi giống như hai người họ đã thương yêu, nuôi nấng và chăm sóc bề tôi lúc hãy còn bé. (Chương 17 – Al-Isra, câu 23, 24).

Còn khi cha mẹ không còn sống trên thế gian nữa thì Islam bảo con cái hãy sống ngoan đạo, làm điều thiện tốt và luôn cầu nguyện Allah ban điều tốt đẹp cho cha mẹ mình ở cõi Đời Sau; bởi vì lời cầu nguyện của những đứa con ngoan đạo và hành thiện cho cha mẹ của mình sẽ được Allah chấp nhận.

Tóm lại, các tín đồ Muslim, ai trong số họ có lòng tốt muốn làm một điều gì đó cho người thân, bạn bè hay những anh em đồng đạo của mình thì người đó hãy làm theo cách hướng dẫn của Thiên Sứ Muhammad như đã được trình bày rõ ràng ở trên, bởi đó là Sunnah của Người và Sunnah của các vị Sahabah của Người. Nếu ai làm một việc làm nào đó khác với Sunnah của Người thì đó là sự cải biên, thêm bớt trong đạo, thậm chí đó là một hành động được coi là bắt chước những người không phải tín đồ Muslim bị Islam nghiêm cấm.

Cuối lời, cầu xin Allah hướng dẫn và soi sáng đám bề tôi của Ngài đi đúng với con đường chính đạo của Ngài, con đường mà Ngài hài lòng và yêu thương, đó chính là đường lối Sunnah cao đẹp của vị Thiên Sứ Muhammad, vị Nabi cuối cùng mà Ngài cử đến với nhân loại!!!

Abu Zaytune Usman Ibrahim (Soạn thảo)
Nguồn: chanlyislam.net

_____________________

Chú thích:

(1) Tìm hiểu sâu hơn, tham khảo đường link: https://islamqa.info/ar/220923