Phụ nữ trong Islam - Hôn nhân

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4235 | Cật nhập lần cuối: 2/7/2016 2:02:23 AM | RSS

Chúng ta thử đến với những sự việc trong hôn nhân của người Muslim. Khi đến tuổi kết hôn, bố mẹ là người đóng vai trò chủ yếu trong việc chọn rể nhưng cô gái phải được cha mẹ hỏi qua ý kiến.

Có một câu chuyện kể rằng: Một hôm có cô gái nọ đến than phiền với Thiên Sứ Muhammad (saw) rằng cô chẳng được hỏi qua ý kiến về đám cưới của mình, Thiên Sứ bảo cô có thể tự hủy cuộc hôn nhân này nếu muốn. Ngày nay, mặc dầu các cô gái Muslim được trang bị một trình độ học vấn, tiếng nói của họ dường như có trọng lượng hơn nhưng lúc nào ý kiến của cha mẹ đôi bên trong vấn đề hôn nhân cũng vẫn là những điều rất quan trọng, rất hiếm khi trai gái lấy nhau trái với ý bố mẹ hay người đỡ đầu. Một góa phụ, hay một phụ nữ đã hoàn toàn ly dị có thể tái hôn với người mình chọn để chung sống vì họ được xem là có đủ chín chắn và trí phán đoán để tự mình quyết định. Trong lễ cưới, chú rể phải trao sính lễ (mahr) cho cô dâu (hoặc là tiền hoặc là quà) đã được đôi bên thỏa thuận.

Cũng cần phải nói rõ thêm là sính lễ này không như tiền cưới của những cuộc hôn nhân ở Âu châu xưa kia (người cha trao cho con gái trong ngày cưới và sau đó trở thành tài sản của chồng). Lại càng không phải là tiền cưới “giá tiền mua cô dâu” như bên Phi châu mà chú rể phải trả cho cha cô gái để gọi là đền ơn nuôi dưỡng. Sính lễ của người Muslim là quà chú rễ tặng cho cô dâu và nó sẽ là tài sản riêng của cô (vẫn là tài sản riêng của cô sau khi ly dị, trong trường hợp (khul) ly dị do người vợ đòi hỏi, cô ấy có thể được yêu cầu trả lại toàn phần hay một phần sính lễ). Thiên sứ Muhammad (saw) đã dạy: Người chồng phải có lòng khoan dung, độ lượng và phải biết tha thứ khi vợ phạm sai lầm. Thậm chí khi đã quyết định ly hôn vẫn đòi hỏi phải đối xử với nhau tốt đẹp như trước kia. Qur’an đã phán: “ Việc ly dị chỉ được cho phép (tuyên bố) hai lần. Sau đó, (chồng) giữ (vợ) lại một cách tử tế hoặc trả tự do (cho vợ) một cách tốt đẹp. Và các ngươi không được phép lấy lại bất cứ tiền cưới (mahr) nào mà các ngươi đã tặng cho vợ, ngoại trừ trường hợp đôi bên sợ không thể giữ được những giới hạn (qui định) bởi Allah...” (2:229).

Ly dị

Ly dị là cách giải quyết cuối cùng trong Islam, quá trình của nó là để khuyến khích đôi bên nếu có thể tìm cách sống với nhau. Sau khi ly dị, người phụ nữ nên chờ 3 lần chu kỳ kinh nguyệt trước khi tiến thêm bước nữa. Trong thời gian này, người chồng vẫn giữ trọn trách nhiệm nuôi và bảo vệ cô, không được phép đuổi cô ra khỏi nhà nhưng cô ấy có thể rời nhà nếu muốn. Mục đích chính của giai đoạn chờ đợi này là xem người vợ có thai hay không. Thứ đến là trong giai đoạn lắng dịu này, những người thân trong gia đình hay bạn bè có thể giúp hai bên hàn gắn lại và hiểu nhau hơn. Trong Qur’an có phán: “Và nếu các người sợ hai (vợ chồng) thôi nhau, hãy mời một vị trọng tài của gia đình bên chồng và một vị trọng tài của gia đình bên vợ đến hòa giải. Nếu hai đằng muốn hòa thuận, thì Allah sẽ giải hòa hai người trở lại vì Allah là Đấng Hằng Biết...” (2:35).

Nếu hòa thuận, họ có thể vẫn được coi là còn quan hệ vợ chồng trong thời gian chờ đợi (3 tháng), sau đó chuyện ly dị được tự động hủy bỏ. Nhưng nếu sau đó lại có rắc rối nảy sinh thì ly dị được tuyên bố lần thứ hai, thời gian chờ đợi vẫn giống như lúc đầu. Chỉ khi tuyên bố lần thứ ba thì chuyện ly dị không thể được hủy bỏ như trước được nữa, người đàn bà hoàn toàn tự do và không nhất thiết phải chờ qua 3 chu kỳ kinh nguyệt. Chúng ta nhận thấy luật hôn nhân của các nước Tây phương ngày nay có nhiều phần được bổ túc nghiêng về Islam mặc dù họ vô tình không biết. Luật Islam hoàn toàn không ép buộc các cặp vợ chồng không hạnh phúc sống với nhau, những thủ tục và các quá trình kể trên là để giúp tìm ra điểm cơ bản mà từ đó họ có thể quay trở lại với nhau. Nếu thật sự không còn cách giải quyết, họ không thể nào chung sống lại với nhau được, luật không trì hoãn hay cản trở việc mỗi bên tái xây dựng gia đình riêng cho mình. Ly dị là cách giải quyết cuối cùng trong Islam. Thiên sứ Muhammad (saw) đã nói: “Trong số những việc Thượng Đế cho phép, việc mà Ngài ghét nhất là ly dị” .

Quyền thừa kế

Quyền thừa kế tài sản của phụ nữ được nhắc đến trong giáo luật Islam. Phương pháp phân chia tài sản được dựa theo Qur’an và rất rõ ràng đó là phụ nữ được thừa kế bằng một nửa phần của nam giới. Điều này nếu tách ra khỏi các quy định khác thì có vẻ như không được công bằng, chúng ta vẫn còn nhớ trong Qur’an có nói là đàn ông phải gánh vác nhiệm vụ bảo vệ, che chở cho tất cả phụ nữ và con trẻ trong gia đình, do đó những tiêu dùng bắt buộc cần thiết cao hơn nhiều so với phụ nữ. Một nữa số tài sản mà người phụ nữ thừa kế có thể coi là rất nhiều vì đó chỉ dành cho riêng một mình người ấy mà thôi. Số tiền hay tài sản thừa kế mà họ sở hữu hoàn toàn thuộc quyền sử dụng của họ, người chồng không có quyền chạm vào đó. Nếu không có sự đồng ý của họ.

Đa thê

Có lẽ nổi bật nhất trong suy nghĩ của người phương Tây về phụ nữ Islam là chuyện đa thê. Xin nhấn mạnh và khẳng định rằng Islam không xem vấn đề đa thê như là cách hành đạo phổ biến. Bản thân Thiên sứ chỉ một vợ trong hầu hết quãng đời Người, từ tuổi 25 khi Người cưới bà Khadija(ra) đến khi Thiên sứ 50 tuổi thì Bà ấy mất. Vì thế, chúng ta nên xem chế độ một vợ là bình thường và đa thê là ngoại lệ. Mặc dù đôi khi có những trường hợp lạm dụng, nhưng sự đa thê trong một số hoàn cảnh nào đó đã đóng một vai trò hết sức thiết thực. Một ví dụ cụ thể nhất của vấn đề này là trong chiến tranh, khi có nhiều phụ nữ mà chồng của họ hay ý trung nhân hy sinh ngoài mặc trận. Chẳng hạn như qua hai cuộc chiến thế giới lần thứ I và lần thứ II đã để lại hàng triệu phụ nữ mất chồng và ý trung nhân. Họ sống một mình, không có bất cứ nguồn thu nhập nào, chẳng có sự chăm sóc hay bảo vệ cho họ cùng các trẻ con. Nếu trong tình cảnh này người đàn ông chỉ được lấy một vợ thì sẽ có hàng triệu phụ nữ chẳng hy vọng gì tìm được một tấm chồng. Họ sẽ ra sao? hoặc trở thành một người đàn bà đoan chính, một cụ bà không có con, hay trở thành người hầu gái của những gả đàn ông phóng đãng, trở thành người tình lén lút không có một tương lai bảo đảm cho chính bản thân và con cái? Chắc chắn đa số phụ nữ không tán thành với những phương cách trên vì họ cần đến sự bảo trợ của một người chồng và một gia đình hợp pháp.

Ngày nay không còn gì là bí mật nữa, trong xã hội Âu Mỹ có một loại đa thê mà người ta cố tránh không dám gọi là đa thê. Có điều khác biệt là người đàn ông Tây phương không có gì ràng buộc về pháp luật với các người tình thứ 2, thứ 3 hay thứ 4 cùng với con cái của những người đàn bà ấy. Trong khi người chồng Muslim có đầy đủ bổn phận và trách nhiệm về pháp lý với các người vợ thứ 2, thứ 3 hay thứ 4 ngay cả đối với các con riêng của những người vợ ấy. Chúng ta thoáng qua chuyện đa thê không phải là để ủng hộ, khuyến khích hay bênh vực, mà muốn nêu lên rằng không nên quan trọng hóa vấn đề này và dựa vào đó chỉ trích Islam một cách thiếu suy nghĩ. Trong xã hội của người Muslim nó có thể là biện pháp giải quyết một số vấn đề rắc rối để ổn định cuộc sống.

B. Aisha Lemu Fatiha

Trần Lệ Hà lược dịch.

Nguồn: haidang.fr