Lòng thương xót (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1542 | Cật nhập lần cuối: 5/24/2016 10:51:05 AM | RSS

Chương IX. Đức Maria, Mẹ đầy lòng thương xót

1. Mẹ Maria trong Tin Mừng

Lòng thương xót (1)Kinh Thánh và Giáo hội không nói về lòng thương xót của Chúa một cách trừu tượng; Thần học Kinh Thánh cũng như Thần học các Giáo phụ là một nền Thần học bằng hình ảnh. Thần học này cho chúng ta thấy một hình ảnh rất cụ thể về Đức Maria, thậm chí nhận rõ ngài như một tấm gương phản chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa và một mẫu gương cho lòng thương xót của con người và của người Kitô hữu. Đức Maria là nguyên mẫu, là hình ảnh nguyên thủy của Giáo hội cũng như của lòng thương xót Kitô hữu. Xác tín này đã bén rễ sâu trong Đức Tin và bên trong ý thức của Giáo hội ngay từ những thế kỷ đầu và trong những quốc Công giáo và Chính Thống giáo cho đến ngày nay; xác tín này cũng lan truyền nơi ý thức và tâm hồn của rất nhiều người theo đạo Tin Lành.

Chắc chắn rằng người ta có thể và phải phê phán sự thái quá trong việc tôn kính Đức Mẹ và cần phải đặt ngoài trong bối cảnh Kinh Thánh nơi Đức Giêsu Kitô vẫn luôn là nền tảng và tâm điểm của Đức Tin Kitô giáo. Nhưng việc gần như không tôn sùng đức mẹ cũng đặt ra không ít vấn đề: liệu người ta có thể dễ dàng vứt vào sọt rác vô số những chứng tá của người Kitô hữu ở mọi thời đại; những người đã tìm được nơi Mẹ Thiên Chúa sự trợ giúp và đỡ nâng mà họ cần trong cơ quẫn bách từ bên ngoài cũng như bên trong, và phủ nhận những chứng tá ấy với sự ngạo nghễ và thờ ơ như thể tất cả điều đó đều là những cảm xúc sùng đạo hay không? Cần phải hiểu đều này: Đức Maria xuất hiện trong Tin Mừng và thậm chí ngài còn có một vị trí ưu tiên ở đó.

Trong Tân Ước, có hai đoạn văn chủ yếu làm nên nền tảng chắc chắn cho linh đạo về Đức Maria là phần Truyền tin ở phần đầu Tân Ước (Lc 1,26-38) và ở cuối Tân Ước với cảnh Đức Maria đứng dưới chân thập giá (Ga 19, 26s). Cảnh cuối này, trong Tin Mừng Gioan, dẫn ta trở lại tiệc cưới Cana lúc Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai của Người (x. Ga 2,1-12). Theo một quan điểm hoàn toàn mang tính hình thức thì những cảnh nói về Đức Maria có ý nghĩa nhất đóng khung trong toàn bộ Tin mừng và cho thấy Đức Maria một vị trí ưu việt trong chương trình cứu độ. Một vài đoạn về Đức Maria trong Kinh Thánh chỉ rõ ràng ngài có một vị trí quan trọng và duy nhất trong lịch sử của Thiên Chúa với con người chúng ta.

Cảnh Truyền tin đặt ra những vấn đề về tính lịch sử và phê bình văn học, hoàn toàn tương tự với những trình thuật về thời thơ ấu trước khi nói về cuộc đời công khai của Đức Giêsu mà chúng ta đã đề cập đến cuộc đời chủ yếu. Chúng ta đã có thể nhận thấy rằng, trong khái niệm về tin mừng của mình, thánh sử Luca đã mang đến cho câu chuyện về nguồn gốc này một tầm quan trọng Thần học đặc biệt. Thật vậy, việc truyền tin loan báo tất cả những chủ đề quan trọng của Tin Mừng, như trong một khúc nhạc. Trong bài Magnificat, Đức Maria tóm tắt toàn bộ lịch sử cứu độ và miêu tả nó như lịch sử của lòng thương xót của Thiên Chúa.

“Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”. (Lc 1, 50)

Cùng với việc tuyển chọn Đức Maria và lời mời gọi ngài trở nên Mẹ Đấng Cứu Thế, câu chuyện này đã bước vào giai đoạn cuối, giai đoạn quyết định. Lúc này, Thiên Chúa trong sự thương xót vô tận của Người đã thực hiện một nỗ lực cuối, mang tính quyết định, để cứu dân Người và toàn thể nhân loại.

Đức Maria đã được chọn lựa để tham dự vào công trình cứu độ vĩ đại này. Mẹ “được đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1, 30), điều này có nghĩa là Mẹ hoàn toàn không có gì tự mình nhưng tất cả đều do ân sủng. Đức Maria chỉ là “nữ tỳ của Chúa” (Lc 1, 38). Mọi vinh dự đều quy về Chúa, và chỉ Người mà thôi, bởi vì đối với người tất cả đều có thể (Lc 1, 37), không có gì quy hướng về Đức Maria. Đó là điều tại sao Mẹ cất lời hát rằng:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, và thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi… Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn.”

Mẹ đã đón nhận tất cả như một khí cụ khiêm hạ của lòng thương xót của Thiên Chúa. Martin Luther đã giải thích điểm này một cách tuyệt vời trong bài suy niệm về lời kinh Magnificat. Theo ông, Đức Maria là mẫu gương thực sự của “tất cả đều bởi ân sủng” (sola gratia).

Bởi vì Maria chỉ là ân sủng nên Người cũng chỉ sống bằng Đức Tin. Mẹ là công cụ của lòng Chúa thương xót nhờ tiếng “Xin vâng” của Mẹ, một lời đáp trả bằng Đức Tin mà mẹ đã thưa khi sứ thần truyền tin, dù lúc đầu Mẹ bất ngờ, khó hiểu và Mẹ thấy vượt quá sức con người. Trong giây phút ấy, Maria tự nhận mình là “nữ tỳ” của Thiên Chúa, mà thật ra từ này được dùng chỉ kẻ nô lệ. Qua đó, Mẹ diễn tả tất cả khả năng thụ cảm cũng như ý muốn chủ động để tham dự vào công trình cứu độ. Mẹ cho phép Thiên Chúa làm một phép lạ. Vả lại, cũng nhờ ân sủng của Chúa mà Mẹ có thể thưa “Xin vâng” cho điều vượt trên cả sự tưởng tượng của con người.

Nhờ đức vâng lời, Maria đã cho phép Thiên Chúa đến với thế gian. Nhờ vậy, Mẹ đã trở nên Eva mới. Trong khi Eva đầu tiên đã làm cho đau khổ và cùng quẫn ập đến với nhân loại do dự bất tuân phục thì Đức Maria, bằng sự vâng phục trong Đức Tin và đại diện cho toàn nhân loại, đã tháo cởi được mối dây ràng buộc mà Eva đã thắt; đó là lý do tại sao Mẹ được gọi là Mẹ của mọi chúng sinh. Nhờ đức vâng phục của ngài, Maria đã trở nên người nữ tỳ của lòng Chúa xót thương, được Thiên Chúa tuyển chọn và được ân sủng Người tuôn tràn. Việc Thiên Chúa tuyển chọn Mẹ, một thụ tạo, một thiếu nữ trẻ, như công cụ của lòng thương xót của Chúa, đã cho phép Mẹ có thể tham dự vào công trình cứu độ của Chúa – công trình chỉ thuộc về Chúa vì chỉ có Người mới có thể hoàn tất – và đó chính là sự diễn tả cao độ về lòng thương xót của Thiên Chúa, điều mà vượt quá những gì mà con người chúng ta có thể tưởng tượng và chờ đợi.

Nhờ được tuyển chọn, Mẹ được đầy tràn ân sủng và nhờ tiếng thưa “Vâng”, Ngôi Lời đã nhập thể làm người. Còn Đức Maria đã trở nên người mang Chúa Kitô, Đấng là Hòm Bia giao ước mới và là đền thờ của Chúa Thánh Thần; trong Đức Maria, Giáo hội trở thành hiện thực. Mẹ tóm lược toàn bộ lịch sử dân tộc của Giao Ước Cũ và mang cả dân tộc của Giao Ước Mới đang phôi thai – ngay cả trước khi các môn đệ được gọi và thực hiện vai trò của họ. Mẹ là hiện thân của những người nhỏ bé, những người không làm nên tiếng động, là “người phụ nữ dân tộc” như người ta vẫn hát; Mẹ là Giáo hội bởi lòng thương xót của Chúa, ngay cả trước khi những nền tảng được hình thành, ngay trước khi mọi trúc thứ bậc tồn tại. Mẹ đại diện cho Giáo hội trong bản chất sâu sắc nhất, nội tâm nhất của nó, Mẹ là Đấng đã được tuyển chọn để phục vụ cho những dự định của Thiên Chúa và là Đấng chỉ sống do bởi ân sủng Chúa mà thôi. Trước vị trí ưu tiên được ban cho Đức Maria cách công khai này, thật mù quáng khi cho rằng Giáo hội mà đa phần do nam giới lãnh đạo lại có thành kiến đối với phụ nữ nữa. Ngược lại, Thánh mẫu học là sự phê bình căn bản nhất về một Giáo hội mà đa phần do nam giới lãnh đạo, về mặt Thần học, sự phê bình này khả thể.

Đức Maria cũng đã phải trải qua một hành trình Đức Tin. Mẹ đã trải qua tất cả những gì mà các Tin Mừng kể lại cho chúng ta. Nhưng cuộc đời của Mẹ không chứa đựng bất kỳ một yếu tố tuyệt vời nào mà các tin mừng ngụy thư và các truyền thuyết đạo đức đã tô điểm thêm. Ngược lại, Đức Maria, người phụ nữ của dân chúng. Mẹ đã phải chịu đựng và trải qua rất nhiều thử thách và khó khăn: sinh con trong một quán trọ trên đường, chạy trốn sang Ai Cập, tìm kiếm con của mình tại Giêrusalem, những băn khoăn trong cuộc đời của Mẹ đã kéo dài suốt quãng đời công khai của con trai khi Mẹ muốn đưa con của mình trở về nhà, và cuối cùng là sự can đảm và tính kiên nhẫn của Mẹ nơi chân thập giá. Không có gì mà Mẹ đã không trải qua.

Mẹ đã sống trong những ngày đen tối bên cạnh con của mình và cùng chia sẻ thập giá với Người. Mẹ đã không lánh đi, không bỏ trốn; người ta kể rõ ràng rằng: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người”, “stabat mater iuxta crucem” (Ga 19, 25). Cuối cùng, Mẹ đã ôm xác người con bị giết của mình trên đầu gối như bức tượng điêu khắc tuyệt tác Piéta đã thể hiện – một kinh nghiệm về nỗi đau khổ lớn nhất mà một người Mẹ phải chịu. Trong lời kinh Magnificat (Mt 5,2-12; Lc 6,20-26), Đức Maria đã không chỉ tuyên xưng trước những mối phúc của Bài giảng trên núi, các mối phúc của người nghèo, của những người đang khóc, của những người bị bách hại; mà chính Mẹ đã sống tất cả những mối phúc thật này.

Ở cuối Tin Mừng thứ tư, vòng tròn được khép lại. Đức Maria, Đấng xuất hiện từ buổi ban mai của kế hoạch cứu độ trong Tân Ước, cũng có một vị trí quan trọng ở điểm cao nhất của lịch sử cứu độ. Bởi vì Đức Giêsu, từ trên thập giá, đã trao Mẹ của người cho thánh Gioan như một người mẹ, và ngược lại, Người trao môn đệ của mình cho Maria như một người con (Ga 19, 26). Cảnh này có một ý nghĩa rất sâu xa. Gioan là môn đệ Chúa Giêsu yêu mến (Ga 19, 26); trong Tin Mừng thứ tư, ông được xem như một mẫu gương cho người môn đệ. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu, qua Gioan, gửi gắm tất cả môn đệ của mình cho Đức Maria và ngược lại, Người trao cho các môn đệ một người Mẹ là Đức Maria. Chúng ta có thể hiểu lời này của Chúa Giêsu như một chúc thư và nguyện ước cuối cùng của Người; lời này diễn tả một điều gì đó quan trọng và mang tính quyết định cho tương lai của toàn thể Giáo hội.

Chúng ta cần đọc những lời trong Tin Mừng thứ tư với một sự chú tâm cao độ. Tin Mừng kể rằng, ngay từ lúc ấy, Gioan đã đưa Đức Maria về nhà ông. Để chính xác hơn, cần phải dịch thế này: ông đã đón nhận Đức Maria “vào trong nơi thuộc về ông, trong phần tài sản của ông”. Thánh Augustino đã suy niệm rất nhiều về ý nghĩa của cụm từ “trong nơi thuộc về ông”. Theo Augustino, điều này không có nghĩa là Gioan đã đưa Đức Maria “về nhà của ông vì ông không sở hữu bất kỳ tài sản riêng nào, nhưng về nơi ông được cấp cho; bởi vì ông phải chăm sóc nó, vì sự bắt buộc mà ông đã phải chấp nhận (Augustino, Tin Mừng Gioan, 119, 3). Như đã được viết về Gioan rằng ông là người môn đệ phải ở lại (Ga 21, 22), nên Đức Maria đã tham dự vào những gì liên quan đến Gioan và đến chứng tá của ông, và vì vậy mà Mẹ đã trở nên một phần không thể thiếu trong Tin Mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa; Mẹ mãi mãi là chứng nhân và là công cụ của lòng thương xót của Thiên Chúa.

(còn tiếp)

Đức Hồng y Walter Kasper

Chuyển dịch: Lm. Gioakim Nguyễn Khương Duy, AA
Nt. Marie Paulina Nguyễn Thị Chung, RNDM
Nt. Maria Phạm Bích Giang, OA

Lòng thương xót - Cốt lõi của Tin Mừng và Chìa khóa của đời sống Kitô hữu, NXB Tôn giáo, tr. 235-240