Bền lòng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3515 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Trong cuộc sống, dù việc đời hay đạo, để đi đến thành công ta phải vượt qua khó khăn, trở ngại. Do đó bền lòng để hành động là điều không thể thiếu. Tuy nhiên để việc bền lòng được kết quả tốt, trước hết ta cần phải dùng trí tuệ xác định mục tiêu - mang tính khả thi, có lợi ích - và thực hành có phương pháp.


Bền lòng là giữ vững một lòng, không thay đổi trước mọi khó khăn. Nhờ giữ vững ý chí, có lập trường cương quyết ta có hành động, thái độ cụ thể, rạch ròi, không mờ ơ làm chiếu lệ.Tức là ta đã tự tin mình trong quá trình hành động. Bởi vì từ tấm lòng mới thể hiện ra hành động. Nản lòng thì hành động không thể mạnh dạn, có khi bỏ dở dang công việc. Hiếm có sự thành công lớn nào do ta làm qua loa mà có được!


Khi còn ít tuổi tánh bồn chồn, nóng nảy, thiếu trầm tĩnh… thường dẫn ta đến sự mất tự tin,
 nản lòng trước công việc khó khăn. Không ít lần vì thiếu sự bền lòng ta bỏ lỡ những công việc lợi ích, đến nay nhớ lại còn thấy tiếc! Có người bỏ học nửa chừng vì bất mãn một sự việc không phải là quá lớn ở gia đình hay nhà trường; hoặc vì một phút vội vàng nhứt thời chạy theo đồng tiền mà ta phải bỏ nghề vốn mình yêu thích để đi làm việc khác; cũng như có lần vì chạy theo lợi nhuận trước mắt, ta (nông dân) phá cây nầy, trồng cây kia, nhưng cuối cùng chuốc lấy thất bại vì sự ồ ạt chuyển đổi thiếu kế hoạch của nhiều người … Ca dao có câu:


“Ai ơi giữ chí cho bền
Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai”.


Bền lòng là một cá tính, nhưng không hẳn là bản tính mà còn do sự rèn luyện của mỗi người, “Rèn lòng giữ dạ sắt đinh / Đừng phai đừng lợt thân mình thảnh thơi”. Từ những công việc nhỏ hằng ngày ta luôn giải quyết không để tồn đọng, lần đến những việc lớn hơn ta cũng làm cho đến xong chớ không bỏ cuộc... Việc đạo đức cũng thế, ta luôn tinh tấn, không để con ma lười biếng trong lòng hay hoàn cảnh bên ngoài tác động làm ta nản lòng trì trệ hoặc bỏ cuộc. Đức Thầy đã dạy: “Chớ nản chí mà ngừng việc phải”…


Muốn sự bền lòng và hành động của ta mà kết quả không chuốc lấy buồn bã, trước hết ta cần
 phải dùng trí tuệ linh mẫn và đức tin trong sáng để tìm hiểu rõ mục tiêu mà ta muốn đạt đến.Vì trí tuệ được ví như ngọn đèn, nơi nào có đèn thì bóng tối bị xua tan: “Gần đèn thì sáng”. Thí dụ như tìm hiểu câu giảng của Đức Thầy: “Hãy bền lòng tầm Phật trong tâm” ta thấy rất thực tế. Bởi mục đích của người tu là đi đến giác ngộ và giải thoát (được thành Phật). Mà tánh Phật trong mỗi chúng sanh đều có, nên tầm Phật trong tâm, hay làm phát khai Phật tánh của mình là điều kiện để ta thành Phật chắc chắn hơn hết. Cũng như ta dùng giàn khoan, khoan ngay mỏ dầu để khai thác dầu là điều chắc chắn không thể chối cãi. Nhưng muốn có nhiên liệu để ta sử dụng được ngoài việc phải trải qua quá trình khoan qua nhiều tầng địa chất còn phải biết tinh luyện dầu thô… rất khó khăn. Cũng thế muốn thấy được Phật tánh phải trải qua quá trình vẹt phá lớp vô minh dầy đặc đang bao phủ nó. Phá vô minh là phá giặc lòng (lục dục, thất tình…). Kinh Phật có nói “Chinh phục được chính mình là chiến thắng cao quý nhất”. Cho thấy thắng mình là cả một quá trình luyện tập, một nỗ lực phi thường, rất khó, nên ta phải bền lòng thực hành. Thấy được lợi ích của mục tiêu nhằm tạo động lực cho ta bền lòng hành động tinh tiến hơn.


Tuy nhiên, không phải cái gì ta cũng có thể thấy thực tế được. Với đức tin trong sáng và sự sáng suốt của trí tuệ ta có quyền tin tưởng là có thế giới cực lạc của Phật A Di Đà đã được Đức Phật Thích Ca và Đức Thầy đã giới thiệu.


Trên bước đường hoà nhập đạo - đời, ta luôn phải nâng cao trí tuệ để ít bị sai lầm khi nhận xét một vấn đề khách quan. Để nâng cao trí tuệ, chúng ta cần phải không ngừng học tập, học ở thầy, ở kinh sách và ở bạn bè…


Ta không thể bền lòng, kiên trì hành động những việc quá khả năng của mình, hay những việc hư ảo mà không một ai có thể làm được, như một nông dân vốn trình độ hạn chế mà lại đam mê chăn nuôi. Vì không hiểu rõ được đặc tính của loại con và cũng chưa rành về kỹ thuật nuôi nên con ấy chưa lớn tới đâu thì đã chết hàng loạt. Nhưng do đam mê nên anh vẫn kiên trì gầy thêm lứa khác. Do không chịu học hỏi kinh nghiệm nên anh bị thất bại. Trước thời đại khoa học tiến bộ như hiện nay mà ta cứ bền chí cầm cây cuốc cuốc từng lát đất mong cuốc xong thửa ruộng cả héc - ta để gieo trồng hoa màu… thì thật là không hợp thời; hoặc một người có thiện chí tu hành, áp dụng phương pháp niệm Phật hay thiền định suốt cả ngày không ăn uống (mà trước giờ ta chưa từng thực tập), thì chắc chắn anh sẽ bị thất bại trên bước đường tu; hay mò trăng dưới nước, đuổi bắt chim bay, là việc làm không thể được… Đức Thầy đã dạy: “Niệm Phật nhiều ít tùy theo sức của mình”. Cũng thế Ngài dạy: “Phật chẳng buộc ai ăn ở khổ hạnh và cũng chẳng biểu ai ăn ở sung sướng, chẳng ép ai ăn chay, chẳng xúi ai ăn mặn, tùy theo trình độ và lòng nhơn của mình. Điều cần yếu là phải:


Làm hết các việc từ thiện
Tránh tất cả điều độc ác
Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch” (Đường Trung đạo của Phật).


Hoặc vì muốn được phước nhiều ta đem hết tài sản của mình bố thí khiến gia đình lâm vào tình cảnh đói khổ thì cũng không nên. Hoặc mình tu tại gia mà không chịu lo làm ăn suốt ngày nằm, ngồi nghiên cứu kinh điển bắt người khác trong gia đình làm lụng vất vả để nuôi mình thì cũng không hay! Đức Thầy đã dạy:


“Việc nhà quý bạn đã xong
Hiệp nhau làm phước rõ lòng hiền nhơn”.


Trong bài Lời khuyên bổn đạo, ở điều thứ nhì Đức Thầy khuyên: “Ta chẳng nên lười biếng, phải cần kiệm, sốt sắng lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất […].


Và mục tiêu mà ta cần đạt được phải mang lại lợi ích thiết thực. Bạn có khi nào đã cố gắng làm xong một công việc khó khăn mà nó chẳng mang lại lợi ích gì cho mình chưa? Có lần tôi mua một quyển sách, vì gấp nên vừa đọc cái tựa thấy hấp dẫn nên mua ngay. Nhưng khi về nhà ngồi đọc hàng mấy chục trang chẳng hiểu được gì! Định gác lại nhưng với lòng kiên trì tôi thử đọc tiếp tục hằng giờ nữa cũng chẳng thấy rút ra được bài học gì cho mình cả, chỉ mang thêm cái bệnh nhức đầu mà thôi! Có lẽ quyển sách không hợp với sự muốn hiểu của mình hay quá cao so với kiến thức của mình chăng? Thôi thì đành phí mấy tiếng đồng hồ thật oan uổng! Dịp nọ khi ngồi chuyện trò với một người quen (nông dân), anh kể lại chuyện mấy mươi năm về trước khi cánh đồng quê anh (và tôi) bà con chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng nếp. Vì lo sợ việc làm đồng loạt nếp sẽ bị mất giá, nên anh và một số ít người kiên trì trồng lúa. Anh suy nghĩ có ít người làm chắc sẽ có giá hơn, nhưng liên tiếp ba bốn vụ đều thất bại. Vì số lượng quá ít không có thươnglái đến mua, nên anh phải đành nài ép bán cho người xay lúa, bán gạo lẻ ở địa phương, giá rẻ mạt!... Đó là việc nhỏ, nhưng nếu là việc lớn mà mình không suy xét cẩn thận trước khi hành động, lỡ phải bỏ công sức hàng năm mười năm để làm mà chẳng mang lại lợi lộc gì thì thật tiếc biết là bao! Việc tu hành còn quan trọng hơn nhiều, có khi ảnh hưởng đến cả kiếp người, Đức Thầy đã dạy chúng ta nên tránh những đạo tà: “Ai ham linh theo nó tập tành / Sa cạm bẫy khó mong sống sót” hay việc tu hành: “Làm chẳng trọn uổng thay một kiếp”.


Bền lòng là yếu tố chánh, nhưng nếu bền lòng, kiên nhẫn hành động mà hành động không có phương pháp thì việc bền lòng khó thành công. Như sự niệm Phật, nếu ta ngồi niệm đến khi nhức xương sống, tê cả đôi chân mà cứ cố gắng, kiên trì, thì ta khó lòng đạt được tâm yên tịnh. Bởi tâm trí ta lúc này luôn đối phó với việc đau đớn của thân không tài nào tập trung được. Có khi sau đó phải mang bệnh! Chi bằng ta nghỉ ngơi cho thân được bình thường trở lại, hay thay đổi phương pháp như, đi, đứng… thì có thể mang lại hiệu quả hơn. Song dầu áp dụng phương pháp khác nhưng ta vẫn bền lòng không thay đổi việc chí tâm niệm Phật.


Do đó, bền lòng không phải là thái độ ngoan cố, bảo thủ, mà trong quá trình thực hiện một công việc ta cần rút ra kinh nghiệm, phải lắng nghe và luôn học hỏi để có cách sửa đổi phương pháp cho phù hợp với thực tiễn. Như một bệnh nhân cần mổ ta không thể kiên trì điều trị theo phương pháp cổ truyền, bằng thuốc Nam… Việc làm từ thiện cũng thế, hiện nay ta không thể dùng những loại xe cũ hay tự chế để chuyển bệnh lên tuyến thành phố được, vì như vậy là phạm luật giao thông… Tức phương pháp, phương tiện cần có sự thay đổi nhưng không ngoài mục đích chữa lành bệnh và giúp đỡ bệnh nhân.


Mọi việc trên đời nếu có thêm yếu tố may mắn nữa thì chẳng có gì bằng! Như thuyền gặp
 gió, kết quả thuận lợi nhanh chóng hơn. Nhưng ta nên xem đó là yếu tố phụ. Có thì khỏe không có thì mệt thêm một chút chớ chẳng sao. Hoặc chèo thuyền mà chẳng may gặp gió ngược thì ta cũng phải quyết chí, bền lòng đi cho đến nơi chớ chẳng vì thế mà làm ta nản lòng, bỏ cuộc.


Tóm lại, bền lòng là yếu tố không thể thiếu để thực hiện những công việc khó khăn. Tuy
 nhiên, trước hết ta cũng cần dùng trí tuệ xác định lợi ích của mục tiêu và thực hành có phương pháp, thì sự bền lòng và kiên định thực hiện sự việc của ta sẽ mang lại kết quả tốt nhất.


“Bền lòng niệm Phật thì sau thanh nhàn”.


(Lời của Đức Huỳnh Giáo Chủ)


Nguyễn Hữu Đoàn Nguyên

Tạp chí Hương Sen, số 24

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn