Buông bỏ và giải thoát

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3661 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Đa phần người tu theo đạo Phật đều có ước nguyện vãng sanh về miền Cực Lạc, giải thoát khỏi luân hồi sanh tử. Muốn được vậy ta phải buông bỏ những trần tục.


Đâu phải ai muốn buông là bỏ được đâu? Chính tham sân si, cố chấp, thất tình lục dục, nghiệp chướng nhiều đời, là những chiếc vòi bạch tuộc, cuốn hút, lôi kéo, cám dỗ làm cho ta say đắm tục trần không rời xa được.


Do vô minh vọng tưởng, nên ta không phân biệt giả chân, lầm chấp mọi vật là thật. Vì chấp là thật, nên cho vạn vật là trường tồn mãi mãi! Họ đâu biết rằng, trên cõi đời này không có gì là vĩnh viễn trường tồn cả. Ngay tấm thân tứ đại này cũng phải vay mượn đất, nước, gió, lửa để hình thành, đâu phải là thật của ta mà chấp. Ngã chấp làm cho ta chỉ biết có mình, gia đình, anh em, con cháu, những người thân của mình là trên hết, bo bo thủ lợi, lòng tham không đáy.


“Người trên đời, ai cũng lòng tham
 Muốn phước, thọ, phẩm, hàm tiền của.
 Nào vợ đẹp, hầu xinh, là lụa
 Không được thì bực tức ưu phiền
 Cả tâm thần điêu đứng đảo điên
 Vậy có phải khổ hay là chẳng?


Chẳng những muốn đời mình, vợ con mình hiện tại sung sướng, nhiều người “tham của tạm làm điều tàn nhẫn”, dồn chứa cho đầy rương đầy tủ, để dành cho con cháu nhiều đời sau mà không biết gọi nó là gì?


“Điền Văn là con Điền Anh, ít tuổi mà cực khôn ngoan thấy cha làm quan hay vụ lợi riêng.


Một hôm thừa nhàn hỏi cha rằng:

- Con của đứa con gọi là gì?


Cha nói:

- Gọi nó là cháu.

- Cháu đứa cháu gọi là gì?

- Gọi là chút.

- Chút đứa chút gọi là gì?

- Ai biết gọi là gì được…
- Cha làm tướng nước Tề đến nay đã trải qua ba đời vua, giàu có hàng ức vạn mà môn hạ không thấy có một người nào hiền tài cả. Con nghe nhà quan tướng võ, tất có quan tướng võ giỏi. Cửa quan tướng văn, tất có quan tướng văn giỏi. Nay cha áo mặc gấm vóc, mà người giỏi trong nước vẫn đói khát. Cha quên hết cả việc công ích hiện thời của dân, của nước, chỉ chăm chăm súc tích của cải muốn để dành cho những kẻ đời sau này không biết gọi nó là gì? Con trộm nghĩ như thế thì thật là quái lạ lắm.” (Theo Cổ Học Tinh Hoa)


Trong bài Từ giã làng Nhơn Nghĩa (1940), Đức Thầy có nói:


“Dương trần phú trọng bần khinh
Mảng lo bươi móc cầu vinh thân phàm.
Biết sao đầy được túi tham,
Không ngăn, không đáy, càng làm không kiêng.”


Khi lòng tham không thỏa mãn, thì sân hận nổi lên đưa đến cảnh chưởi mắng, đánh đập, chém giết lẫn nhau, tạo nhiều nghiệp ác không lường, gây nghiệp dữ oan oan tương báo.

 

Người si mê bất chấp mọi lời khuyên giải: mê ăn, mê uống, si tình, đi vất vưởng như người cuồng dại. Những người ghiền rượu, thuốc phiện, ma túy, mê những cuộc đỏ đen, làm tán gia bại sản, tiêu tan hạnh phúc gia đình, tinh thần bạc nhược, thân tàn ma dại, mất cả nhân cách.


Ngoài tham sân si, người còn bị lục căn cám dỗ:


“Nhãn thấy sắc, thường hay bận bịu,
Tai ưa nghe những điệu âm thinh.
Mắt với tai đều chọn đẹp xinh,
Còn lỗ mũi ưa mùi êm dịu.
Đồ thơm tho nó ưa nó chịu,
Chốn xạ hương hay lết lại gần.
Lưỡi ưa ngon là chuyện ân cần,
Đồ ngọt béo nó ưa nó mến.
Thân ham sướng muốn tiền của đến,
Đặng ăn xài cho phỉ tấm tình.
Ý thì ưa sửa sắc soi hình,
Với chức phận cho cao cho quý.”


Trước cảnh say đắm chuốc khổ của thế nhân, Đức Thầy cho biết:
“Mải say sưa theo cuộc vui chơi,
Nên kiếp kiếp, đời đời lên xuống.


Con người vì danh lợi, so đo hơn thiệt, cố chấp từ lời ăn tiếng nói mà phải sầu khổ triền miên:
“Biển sông lặn lội hơn thua,
Tự thân tạo lấy mà mua cái sầu”.


Tối ngày, không biết bao nhiêu lần, sáu tên chạy ra ngoài dòm ngó, thám thính rồi về báo lại không sai sót. Thử hỏi, ta làm sao không vọng tưởng lăng xăng.


Qua đó, chúng ta nhận thấy, khổ đau, vui sướng hay thanh tịnh an vui đều do tự thân mình tạo lấy mà ra:


Tự mình làm ác
Tự mình gây bợn nhơ,
Tự mình không làm ác
Tự mình thanh tịnh mình
Thanh tịnh, không thanh tịnh
Đều do tự chính mình
Ai thanh tịnh cho ai.
                                       (Kinh Pháp Cú)


Kinh nghiệm cho thấy những người để sáu căn vướng mắc sáu trần thì không bao giờ có tâm hồn thanh thản. Kẻ sầu, người khổ, lo lắng đến nỗi chỉ một vài đêm sầu mà đầu bạc trắng; đau buồn đến nỗi vướng tâm bịnh; ngồi suy tư hút thuốc hết điếu này sang điếu khác để phải vướng lao phổi… Thật là “Ôi! Cả sang hèn chẳng ai thong thả”.


Bởi vậy, muốn tâm hồn thư thái thong dong, chúng ta phải biết buông xả những tác nhân phiền não: tham sân si, ngã chấp, đừng nhiễm lục trần… phải biết đủ.
Trong Kinh Lăng Nghiêm mười phương chư Phật, dị khẩu đồng âm tuyên bố cho ngài A Nan và đại chúng: “Khiến ông phải luân hồi sanh tử chính là sáu căn của ông chứ không phải vật gì khác; khiến ông chóng chứng Vô Thượng Bồ Đề cũng chính là sáu căn của ông chứ không phải vật gì khác”.


Đức Thầy dạy:


“Diệt lục căn đừng nhiễm lục trần.
 Chữ sắc thinh chớ có hầu gần.

 Hương với vị xác trần nên lánh,
 Chữ xúc pháp treo gương hiền thánh,
 Tránh sáu đường cũng đặng về thần”.


Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật khuyên muốn an trụ tâm thì tâm không dính với sáu trần. Rõ ràng, nếu sáu căn không chạy theo sáu trần, không nhiễm không dính mắc thì đắc đạo không xa. Đức Quan Thế Âm Bồ tát nhờ tu pháp Nhị Căn Viên Thông, xoay tánh nghe trở về bên trong mà đắc đạo. Kìa xem Đức Phật Di Lạc bị sáu đứa trẻ (bọn lục tặc) móc lỗ tai, soi lỗ mũi, chọc lổ rốn, thọc lét ba sườn mà vẫn tươi cười toe toét, gặp phải chúng ta thì mặt đỏ, mày chau, la hét. Đó mới là giải thoát. Tâm không chút gì lay động. Mây phiền não không che mờ được tánh giác sáng ngời.


Người giải thoát thường tươi cười vui vẻ, hạnh phúc chân thật, không chút bận lòng, không nhớ không mong, không thương không ghét. Nên nhớ, tu là sửa, là phấn đấu gỡ sạch mọi thứ nghiệp luân hồi, ra khỏi vòng sanh tử. Đó là mục đích trên hết, nhưng phải có tâm đại hùng đại lực mới vượt thoát khỏi mọi cám dỗ ngũ dục của thế gian. Phải tự cởi trói mọi sự ràng buộc thì chơn tâm mới hiển hiện:


“Thường nhớ câu đại lực đại hùng
 Thắng thất tình, giữ vẹn đạo trung
 Trừ lục dục, chớ cho ô nhiễm
 Thập tam ma, diệt bằng trí kiếm
 Rứt xong rồi, vô sự thảnh thơi
 Biển hồng trần lao lý diệu vơi
 Xô đẩy mãi trong ngũ trược”


Cho nên, người khéo tu phải biết buông xả để được giải thoát. Hiện tại, có cuộc sống vui tươi thoải mái, tạo được nhiều phước lành. Để rồi, tương lai khi nhắm mắt lìa đời, biết đường đi nẻo đến cõi lành mong muốn.


Trong cuộc sống đời thường, ai cũng có tham sân si, thất tình lục dục. Cái quý là phải biết thức tỉnh, tự giác buông bỏ lần lần, tránh xa điều ác như người bưng chén đầy dầu đi không cho đổ, đổ là chết. Và nên nhớ mình là người tu theo PGHH thì đừng nên bon chen tranh danh đoạt lợi, không cãi cọ hơn thua, đừng cố chấp bảo thủ cho cái gì của mình cũng đúng, phải nhẫn nhịn:


“Ai chưởi mắng thì ta giả điếc”, để rồi: “Đợi cho người hết giận ta khuyên”. Trong việc báo đáp Tứ ân, người tu cần có trí đạo, tự giác, có trách nhiệm với lời nói và việc làm của mình đối với bản thân, gia đình, xã hội, đất nước. Phải buông bỏ những điều thấp hèn, quyết giữ tâm mình trong sạch, thanh tịnh, làm nhiều điều lợi ích để sáng danh Đạo, rạng danh Thầy.


Cao Huệ

Tạp chí hương sen số 24

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn