Đồng tâm hiệp lực

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 11279 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

 “Đồng tâm hiệp lực thì cù hoá long”

 (Lời Đức Huỳnh Giáo Chủ)

 

Cùng sống chung trong một gia đình, một tổ chức hay một cộng đồng dân tộc … muốn được ổn định và phát triển thì con người phải xem nhau như anh em ruột thịt, thật sự thấu hiểu rồi thông cảm và chia sẻ cho nhau những khó khăn, thuận lợi trên tinh thần lợi ích chung.


Thật vậy, có những sự liên quan mà con người không thể tách rời nhau được, từ nhu cầu an sinh, an ninh, văn hóa hay bảo tồn nòi giống, bảo vệ lãnh thổ … Trong văn hóa Tứ ân, giáo lý Phật giáo Hoà Hảo đã làm nổi bật và nêu rất rõ về sự liên đới trong mối quan hệ giữa con người với tổ tiên cha mẹ, giữa con người với quê hương đất nước, với nhân loại chúng sinh

 

Vì nhận định tiêu cực mang tính cách cá nhân nên con người không thực hiện được các giá trị mang tính nhân văn, không chịu hợp tác để đạt được mục tiêu đã đặt ra, cứ “Một người đạp ga, ba người đạp thắng” thì tới chết cũng không thể thành công được. Trên thực tế có rất nhiều sách và không biết bao nhiêu diễn giả đã lý luận, phân tích và đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm kêu gọi đoàn kết, khuyến khích mọi người nên sống “Cùng hội cùng thuyền” như: hòa hợp hòa giải; và tôn vinh những lời vàng của những bực siêu nhân, vĩ nhân có liên quan đến nhân tính và thái độ ứng xử chân thật.


Vì trái núi nhân ngã, vì cái tôi quá to lớn nên con người thường cho rằng nhận thức của mình là đúng, chương trình hoạch định của cá nhân tôi về lãnh vực nào cũng hay, cũng hiệu quả hơn so với của người khác. Chính cái tôi “sở hữu và ngã sở hữu” đã làm tổn thất, hư hỏng công trình, nhiều kế hoạch sắp sửa thành công nửa chừng phải bị phá hủy. Vào thời Tam quốc bên Tàu, Tào Tháo được xếp vào hạng gian hùng bậc nhất, nhưng vì mắc phải hai cái lỗi to lớn là quá đa nghi và độc ác – độc đoán đã làm cho nhiều tướng tài phải bỏ mạng, nhiều trận phải thất bại thê thảm bởi mưu kế của Khổng Minh. Tất cả cũng chỉ vì cái tôi tiêu cực mà chuốc họa vào thân.


Không cùng hội cùng thuyền cũng do mất đoàn kết. Còn nguyên nhân mất đoàn kết thì có rất nhiều lý do nhưng tựu trung là vì thiếu hiểu biết, thiếu trải nghiệm và nhận thức tiêu cực.


Trải nghiệm cuộc sống là điều kiện quan trọng trong đối tác, làm bước đệm cho sự thành công. Người có trải nghiệm sẽ sành sỏi trong công việc, dù là việc đời hay việc việc đạo. Từ sự trải nghiệm, dù trên đường đời hay trên sách vở, cũng sẽ giúp con người có chánh kiến, xa rời khỏi mê tín dị đoan, thuần thục sử dụng ngôn ngữ có văn hóa đạo đức để gây tình thân hữu với bạn bè, chòm xóm, xã hội, quốc gia dân tộc. Đặc biệt là sẽ không còn có thái độ bảo thủ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa công thần, dễ dẫn đến khuynh hướng cực đoan, phi chính nghĩa.


Nhận thức tiêu cực dẫn đến chấp thủ, ích kỷ tư lợi là nguyên nhân gây bất ổn trong cuộc sống, sự phân hóa trong xã hội và các cuộc chiến tranh tranh chấp về sắc tộc, tôn giáo, ý thức hệ chính trị, kinh tế …. gây nên chinh chiến triền miên.


Đồng tâm hiệp lực là tôn trọng sinh mạng, sức khoẻ và quan điểm chính nghĩa của người khác, tuyệt đối không làm thương tổn đến lòng tự trọng của mọi người. Khổng Tử bảo: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người). Ngoài ra còn phải ẩn ác dương thiện, nghĩa là tuyệt đối phải “làm hết các việc từ thiện/ Tránh tất cả điều độc ác/ Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch”.


Muốn đồng tâm hiệp lực thì nhất định phải thống nhất quan điểm dựa trên nền tảng dân chủ. Vua Trần Nhân Tông mặc dù là một ông vua có đầy đủ quyền lực trong tay “nhất hô bá ứng” nhưng khi quyết định đánh Nguyên, nhà vua phải lập hội nghị Bình Than và hội nghị Diên Hồng để lấy ý kiến của các tướng lãnh và các bô lão. Nhờ tôn trọng tinh thần dân chủ như thế nên nhà vua lãnh đạo đất nước hai lần chiến thắng oanh liệt trước giặc Nguyên, một đội quân được đánh giá là thiện chiến bậc nhất lúc bấy giờ.


Lửa đang cháy mà châm xăng vào thì lửa càng cháy mạnh, nhưng nếu biết phòng tránh thì đám cháy sẽ không xảy ra hoặc nếu có thì cũng dễ dàng dập tắt nếu như có sự phối hợp kéo léo, đồng tâm hiệp lực. Tương tự như thế, nếu phát hiện có sự bất đồng trong quan điểm, nếu là người có tâm đạo sẽ khéo léo tìm cách hoá giải trên tinh thần từ bi, hỷ xả vì lợi ích chung. Xưa Huyền Chương thấy vua Cảnh Công nước Tề hay uống rượu, xao lãng việc nước. Huyền Chương can: “Bệ hạ uống rượu say sưa như thế, hạ thần xin can, bệ hạ không nghe, hạ thần xin tự vận”. Cục diện đang khó xử, cũng may Án Tử bước vào yết kiến, gặp Án Tử vua Cảnh Công bảo: “Huyền Chương can ta bỏ rượu, không thì tự vận. Nếu ta nghe thì hóa ra ta bị sự tác động của Huyền Chương, Nếu ta không nghe lỡ Huyền Chương chết thì đáng tiếc lắm, vì Huyền Chương là một tôi trung thần”.


Án Tử nói: May lắm ! May là Huyền Chương gặp được nhà vua, chớ như vua Kiệt, vua Trụ, thì Huyền Chương chết mất rồi còn đâu mà sống được đến bây giờ!


Cảnh Công nghe nói tỉnh ngộ, và từ hôm đó quyết tâm chừa rượu.


Án Tử biết dùng lời lẽ khéo léo can ngăn giúp vua Cảnh Công tỉnh ngộ, vua tôi hòa thuận, Án Tử, Huyền Chương là tôi trung lương chính trực, một lòng phò giúp nên vua Cảnh Công giữ vững ngai vàng, triều đình vững chắc, quốc gia ổn định, đất nước phát triển.


Còn đối với người tín đồ PGHH, khi gặp sự việc căng thẳng, trái lòng khó dùng lời lẽ để hóa giải ngay lúc ấy thì chúng ta có thể tập trung đề cao hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật, niệm Phật nhất tâm có tác dụng giúp người duy trì miên mật hồng danh A Di Đà Phật vượt qua ý niệm bất thiện như U Khuê Tổ Sư chỉ dạy: “Bớt đi một câu chuyện/ Niệm được nhiều tiếng Phật/ Đánh chết được vọng niệm/ Pháp thân người hiển lộ” hay dùng phương pháp giả điếc, giả câm như Đức Thầy dạy bảo: “Ai chưởi mắng thì ta giả điếc” và “Đợi cho người hết giận ta khuyên” để vượt qua những cạm bẫy của lòng sân hận.


Phật giáo Hoà Hảo là một tôn giáo nội sinh, có truyền thống yêu nước được tín đồ nỗ lực phát huy trên cơ sở nhận thức “Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên/ Quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm”. Vì vậy, đã là là đồng đạo, đồng bào, nhơn loại cùng sinh hoạt trong một tập thể, một tổ chức, một cộng đồng hay quốc gia …chúng ta phải biết thương yêu lẫn nhau như con một cha, nếu có sai trật phải thẳng thắn góp ý xây dựng để cùng phát triển.


Trong mẩu truyện Biết Rõ Chữ Nghĩa (Cổ Học Tinh Hoa) có thuật chuyện Hoa Hâm chạy loạn. Lúc có người xin nhập bọn, Hoa Hâm không cho, mọi người than trách, cuối cùng Hoa Hâm bằng lòng. Đi một quãng đường người kia sa chân ngã xuống, mọi người vì cầu toàn cho bản thân nên bỏ mặc kệ. Hoa Hâm không chấp nhận bỏ và phân tích cặn kẽ: “Không nên. Người ta cùng đi với mình là người bọn mình. Người ta gặp sự chẳng may như vậy, mình bỏ người ta sao cho đành”.


Như Hoa Hâm mới xứng đáng làm người. Chấp nhận người ta nhập bọn với mình, thì mình phải có trách nhiệm cho sự an nguy của họ, không thể bỏ mặc họ chịu thiệt thòi khi rủi ro xảy đến.


Điều hạnh phúc nhất đối với người học đạo là “làm thế nào phát hiện được những đức tánh cao cả và thực hành trên thiệt tế bằng mọi biện pháp để đem lại cái phước lợi cho toàn thể chúng sanh”. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã từng thực hiện và chỉ dạy:


-Với đại cuộc của quốc gia dân tộc:


“Hôm nay, nhận rõ cuộc đấu tranh cho Tổ Quốc còn dài và cần nhiều nỗ lực, hưởng ứng với tiếng gọi đại đoàn kết của Chính phủ Trung Ương, tôi quyết định tham chánh với những mục đích này:


1-Để tỏ cho quốc dân và Chánh phủ thấy rằng chúng tôi chủ trương thống nhất lãnh thổ và độc lập quốc gia.


2-Để biểu dương tinh thần đoàn kết của dân tộc hầu mau đem thắng lợi cuối cùng.


3-Để tỏ cho các Đảng phái thấy rằng chúng tôi không khi nào có những tham vọng cao sang vương bá hay vì hiềm riêng mà hờ hững với phận sự cứu quốc.


Biểu lộ tấm lòng thành thật ấy, tôi chỉ nhận một nhiệm vụ cần thiết, hạp với hoàn cảnh và năng lực mình, cố gắng dàn xếp về hành chánh và quân sự để củng cố và tăng cường lực lượng của quốc gia”.      


- Đối với tôn giáo khác và nhân sanh:


"... bao giờ cũng phải hòa hợp với họ và làm cho đôi đàng có thiện cảm với nhau. Phải biết thương xót đến họ và nếu khi nào họ cần dùng, phải rán hết sức giúp đỡ họ”.


Trong Ân Đồng bào và nhơn loại, Đức Thầy dạy: “Ta nhờ hột cơm của họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm thân, nhờ cửa nhà của họ mới tránh cơn phong vũ, vui sướng ta cùng hưởng với họ, hoạn nanï họ cùng chịu với ta”.


Và Ngài còn cho biết:


“Nếu chừng nào khai thông đại đạo,

Đuốc từ bi rọi khắp cả nhơn gian.

Bể trầm luân khô cạn sáu đàng,

Tăng sĩ mới trở về nơi thanh tịnh”.


- Trong nội bộ đạo:


“Chớ chia rẽ phải đồng tâm lực”,

Khua giọng vàng đánh thức bốn phương.

Chấn hưng Phật giáo học đường,

Dưới trên hòa thuận chọn đường quy nguyên”.


Tóm lại, con người không thể nào tự sống một mình mà không cần phải nương tựa, nhờ vả vào người khác. Một cánh én không thể làm nên mùa xuân. Vì vậy, để có thể tồn tại và phát triển lâu dài, chúng ta cần phải biết sống hoà nhập cộng đồng trên tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, biết tìm phúc lạc trong phúc lạc chung của đồng bào, nhân loại.


Nguyễn Thành Út

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn