Giới Luật của Phật giáo Hòa Hảo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 6267 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Một đất nước muốn thái bình thạnh trị căn bản là toàn dân phải chấp hành luật pháp nghiêm minh. Đạo Phật sở dĩ được quảng bá và truyền thừa lâu dài trên thế gian cũng chính nhờ giới luật. Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) cũng rất coi trọng giới luật:


“Phật từ bi độ trong nhơn vật
Là luật kinh dạy rất tinh tường
Nếu chẳng nghe hồn vướng tai ương”


Vậy giới luật là gì?


Giới là phòng ngừa, ngăn cấm sự sai trái của thân tâm.


Luật là phép tắc, những nghi thức, giới cấm để người tu phải giữ gìn.


Giới luật: điều luật ngăn cấm các tín đồ làm điều sái quấy, tà vạy.


Giới luật giữ vị trí rất quan trong trong đời sống của người tu hành. Đàm Nhứt luật sư có câu:


“Tam thế Phật pháp giới vi căn bản” (Ba đời chư Phật đều lấy giới luật làm căn bản). Kinh Phạm Võng có chép: “Giới minh như nhựt nguyệt. Diệc như anh lạc châu. Vi trần Bồ tát chúng. Do thị thành chánh giác” (Giới sáng như mặt trời mặt trăng. Quí báu như ngọc châu anh lạc. Các vị Bồ tát nhiều như số vi trần. Đều trì giới thanh tịnh mà thành chánh giác). Trong kinh Di Giáo Đức Phật Thích Ca đã dặn dò: “Này các tỳ kheo, sau khi ta diệt độ, các ông nên tự mình thắp đuốc lên mà đi, nên lấy giới luật làm thầy, cũng như người đi trong đêm tối gặp đèn sáng, người nghèo được của báu, dù ta có trụ ở đời cũng chẳng khác gì pháp nầy vậy”. Đức Huỳnh Giáo Chủ xác định giáo lý của Ngài: “ Rút trong các luật các kinh” và đã khẳng định để tín đồ trì hành:


“Đồ lao muốn lánh sớm nghe ta
Bố thí, trì chay, giữ giới mà”


Muốn tránh khỏi con đường khốn khổ ở thế gian, đó là “Những cái sanh, cái bịnh, cái lão, cái tử, được đặt lên cuộc đời của người nầy rồi đến người khác … rồi đến người khác nữa, nghĩa là tất cả nhân loại không thiếu sót một ai”, Ngài dạy chúng ta phải quyết tâm trì hành: bố thí, trì chay và giữ giới. Đó là ba chân của một đỉnh giải thoát. Ngài còn dạy chúng ta: “Thầy cảnh tỉnh giác ngộ điều gì chánh đáng thì khá vâng lời. Cần nhứt ở chỗ giữ giới luật hằng ngày”.


Tùy căn cơ, trình độ, tuổi tác , giới tính của tín chúng, Đức Phật có chế các cấp độ pháp giới khác nhau:


Hạng tại gia: Ngũ giới , bát quan trai giới, thập thiện giới.


Hạng xuất gia: Thập giới, giới của thức xoa ma na, giới tỳ kheo, tỳ kheo ni.


Giới của hàng Bồ tát: Được gọi là đạo tục thông hành, xuất gia và tại gia thọ trì như nhau, lấy tinh thần tam tụ giới làm nền tảng: Nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện nghiệp giới, nhiêu ích hữu tình giới.


Đối với tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thuộc hạng tại gia cư sĩ học Phật tu Nhân, không phân biệt nam nữ, già trẻ, Đức Thầy khuyên giữ “Tám điều răn cấm” cùng “Những điều tránh hẳn hoặc châm chế hoặc nên làm” và hành thập thiện (tránh tam nghiệp và chừa thập ác) theo tinh thần tam tụ giới: “Điều cần yếu là phải: Làm hết các việc từ thiện. Tránh tất cả điều độc ác. Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch. Trong Tám điều răn cấm, điều nào cũng mang tinh thần tam tụ giới (tránh ác, hành thiện, mang lợi ích cho mọi người).


Còn một điều cần phải thấy đó là hai thời cúng, sáng chiều của tín đồ PGHH, là giới luật căn bản của Đạo.


“Tưởng nhớ Phật như ăn cơm bữa
Vọng Cửu Huyền sớm tối mới mầu”.


Trong việc giữ giới nếu lỡ vi phạm lỗi lầm thì phải sám hối. Trong kinh Nghiệp báo sai biệt có dạy: “Nếu người phạm lỗi nặng mà tự trách mình, ăn năn không tạo nữa thì có thể dứt được những tội căn”.


Trong thời cúng sáng chiều, Đức Thầy đều có dạy: “Nguyện cải hối ăn năn, làm lành lánh dữ, quy y theo mấy Ngài, tu hiền theo Phật đạo”.


Như vậy Đức Thầy dạy ta sám hối hằng ngày trong hai thời cúng.


Mặc dầu có nhiều điều khoản, giới luật nhà Phật cũng như của PGHH đều mang ba tính chất: tự nguyện, thiết thực và tùy duyên.


Khi dự buổi lễ nhận danh hiệu xã Văn hóa đầu tiên của tỉnh An Giang, phóng viên Nhật Anh của báo Đại Đoàn Kết có viết: “Làng Phú Bình là một làng có 85 phần trăm dân số theo đạo PGHH, chỉ điều răn cấm thứ nhứt thôi thì người dân đã sống tốt đời đẹp đạo”


Tới đây chúng ta có thể nói, “Tám điều răn cấm” của PGHH giúp cho gia đình an vui, trật tự xã hội được ổn định, dân giàu, nước mạnh, ấm no và hạnh phúc.


Tóm lại, muốn được giải thoát thì phải có trí huệ, muốn có trí huệ tâm phải định, muốn định phải giữ giới. Giới - Định - Huệ là môn tu căn bản của đạo.


“Chi cho bằng ta sớm lo toan
Gìn giới luật nghe kinh trọng Phật
Đến lâm chung qủa lành đâu mất
Cõi tây phương chư Phật đợi chờ.

 

Diêu Huệ Nương

Tạp chí hương sen số 25

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn