Giữ lời hứa

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4297 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Cuộc sống cứ mãi trôi, dòng đời cứ tiếp diễn bao nhiêu bộn bề của cuộc sống khiến cho ta quên đi những gì mình vừa suy nghĩ, vừa nói… Tai hại nhất là làm ta quên đi những lời hứa. Có rất nhiều người xem lời hứa như một trò đùa, cứ hứa cho qua, hứa nhăng, hứa cuội mãi đến khi nhìn lại thấy mình không còn được sự tin tưởng của mọi người.


Có phải chăng đó là quy luật của cuộc sống hối hả mà quên đi điều những tưởng xem chừng như nhỏ nhặt đó, vô tình làm mất đi giá trị đích thực của người hứa? Người xưa có câu: “Một lần mất tín, vạn lần mất tin”, một khi có ai đó nhờ cậy chúng ta điều gì thì nên đắn đo, suy xét cho kỹ xem có thể thực hiện được điều ấy không. Nếu được ta hãy nhận lấy, bằng không hãy thẳng thắn từ chối. Chớ có nhận bừa cho xong chuyện theo kiểu làm vui lòng, rồi thực hiện không được, đó là ta đã tự mình đánh mất lòng tin với người. Nếu đã hứa, phải theo đuổi đến cùng để giữ và thực hiện cho bằng được. Đây phải là lối sống, là nét văn hóa được đúc kết từ cuộc sống, trải nghiệm của ông cha ta để lại đã trở thành một chuẩn mực đẹp:

 

“Nói lời phải giữ lấy lời,

Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”


Thế nên, người ta đem lời hứa làm thước đo uy tín, nhân cách và niềm tin của con người. “Nhứt ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (một lời nói ra, bốn ngựa khó theo) là những quy chuẩn của bậc quân tử trong Nho giáo. Chúng ta đã biết, hình ảnh người quân tử được dựng lên rất đẹp. Đó là mẫu người rất chuẩn trong xã hội, có đạo đức, nhân nghĩa, thẳng thắn, chân thật, biết giữ chữ tín và lễ độ với mọi người. Họ sống rất tự tại, thung dung đó là hình ảnh rất tuyệt với, là chuẩn mực đạo đức của xã hội và đặc biệt họ rất coi trọng lời hứa, đó là một trong năm mối – ngũ thường (tức là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Hữu Nhược (tức Hữu Tử) là một vị đệ tử của Đức Khổng Tử viết trong thiên Học nhi Luận ngữ: “Tín cận ư nghĩa, ngôn khả phục dã” (Mình hứa với ai điều gì mà hạp nghĩa, thì mình nên làm theo lời hứa của mình).


Chúng ta có thể tạm chia lời hứa thành các loại sau:


-Hứa giúp đỡ người, là một loại lời hứa thường gặp nhất. Đó là một việc làm xuất phát từ lòng vị tha và thương người. Đây là một loại lời hứa có thể nói là dễ dàng thực hiện trong cuộc sống.


-Hứa cất giùm tài sản, là một loại lời hứa đánh vào lòng tham của ta. Cái khó nhất là một ngày nào đó đem trả lại cho người. Nếu chúng ta mang khối tài sản lớn đó trả lại cho người qua bao năm giữ hộ không phí phạm một chút nào, quả người đó có cái tâm ( chơn chất, nó đã vượt qua lòng tham, lại tạo được một niềm tin với người.


-Hứa từ bỏ sai lầm, cũng là một loại lời hứa rất khó thực hiện. Người xưa có câu: “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Một khi phạm phải sai lầm và hứa từ bỏ nó thì người đó phải có một tinh thần dũng mãnh, một ý chí kiên định quyết tâm, đánh đỗ mặc cảm, xấu hổ để phục thiện.


- Hứa giữ bí mật, đây là một loại lời hứa được xem là khó thực hiện nhất. Có thể xem đây là một loại lời hứa rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, nó không thuộc phạm vi vật chất hay việc làm mà thuộc về ngôn ngữ. Một ai đó đã tin và tâm sự với ta một điều gì mà họ không muốn cho mọi người biết, ta hứa sẽ giữ bí mật cho họ. Hãy cố gắng hết sức mình để ngăn sự tiếc lộ các bí mật ấy, tự nhắc nhở bản thân hãy trân trọng lời hứa vì nó chính là sự thể hiện của nhân cách con người.

Là người tu học, chúng ta nên luôn giữ lời hứa của mình. Một khi đã trót hứa với ai điều gì thì phải cố gắng thực hiện cho được, và nhớ một điều rằng đừng bao giờ hứa những gì mà chúng ta không thể hoàn thành được. Điều nầy được Đức Tôn Sư dạy:


“Người biết đạo phải gìn ngôn ngữ

Nói với ai chớ có sai lời”


* Hẹn, cũng là một hình thái của lời hứa, nhưng mang tính nhẹ hơn và có thời điểm cụ thể. Nếu chúng ta lỡ hẹn, sẽ làm ảnh hưởng công việc hoặc kế hoạch của người khác. Vì vậy, chúng ta nên đúng hẹn, nhất là trong công việc, cần nghiêm chỉnh giờ giấc theo nguyên tắc: “Mình chờ người, chớ để người chờ”.Phần đông chúng ta thường có một nhược điểm lớn là không nghiêm chỉnh với giờ giấc “giờ cao su”. Đó là một biểu hiện của sự kém tư cách và yếu về tinh thần, khó làm việc lớn. Những người làm việc lớn họ rất đúng hẹn.


* Còn một loại lời hứa có giá trị cao về mặt tinh thần đó là lời thề. Nó có tính chất quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, đôi khi để bảo đảm cho việc thực hiện lời hứa đó, người ta còn mang cả hình phạt kèm theo một khi sai phạm hoặc đem cả hình ảnh núi non, sông nước, trăng mây vào cả lời thề của mình như thể cho người chờ đợi vững lòng. Với Tản Đà:

“Dù cho sông cạn đá mòn,

Còn non còn nước hãy còn thề xưa”


Nguyễn Du thì:

“Vầng trăng vằng vặc giữa trời

Đinh ninh hai miệng một lời song song”


Đó là những lời thề thủy chung son sắt của đôi lứa. Còn với vị Giáo Chủ một Tôn giáo đôi khi phải dùng lối huyền vi khai hóa, Ngài quyết lòng độ tận chúng sanh để cho bá tánh liệu bề tu thân. Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật giáo Hòa Hảo cho biết:


“Thương trần ta cũng rán thề

Đặng cho bá tánh liệu bề tu thân

Tu hành chẳng được đức ân

Thì ta chẳng phải xác thân người đời”


hay:

“Ra khuyên dân hẹn có sơn minh

Dìu bá tánh hứa câu thệ hải”


* Nguyện, cũng là một loại lời hứa, nhưng có giá trị rất cao về mặt tinh thần, lại mang tính chất trừu tượng cao. Với lời hứa hay lời thề là những việc làm cụ thể với bản năng con người có thể thực hiện được dầu mau hay chậm. Còn nguyện là những điều sâu hơn, xa hơn gần như ngoài sức thực hiện của con người, mới mong được sự tha lực của các bậc siêu phàm trợ giúp thực hiện. Nguyện thường có hai:


-Cầu nguyện, là nhờ thần lực của Phật, Trời… gia hộ để ta đạt được điều mong muốn, mà điều đó vượt ngoài khả năng của ta. Đức Thầy khuyên:


“Thường nguyện cầu siêu độ Tổ tông

Với bá tánh vạn dân vô sự”


-Tâm nguyện, là phát khởi từ lòng mong muốn rộng khắp của ta, từ sự chân thành tha thiết để đạt thành quả - Tâm nguyện là nhân. Thật vậy, lời nguyện có vẻ mạnh mẽ, nhưng thật ra không chắc chắn bởi tín mơ hồ, trừu tượng và không có thời hạn thực hiện. Tuy nhiên, nhờ có lòng chí thành và tâm từ bi ắc sẽ có sự cảm ứng đạt thành kết quả. Với một bậc vĩ nhân như Đức Huỳnh Giáo chủ thì:


“Đầu ngưỡng vọng đất trời minh chứng

Tấm lòng thành quyết dựng đạo đời”


hay:

“Phận Tăng sĩ nài bao gió bụi

Miễn xổ lòng tháo củûi Ta Bà”


Là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo hàng ngày cúng lạy hai thời sáng tối và đọc bài nguyện trước bàn thờ ông bà và trước bàn thờ Phật, đó là những lời hứa thiết tha, tâm thành chí nguyện của chúng ta trước ông bà, Trời Phật .


Tóm lại, giữ lời hứa và thực hiện được lời hứa có một tầm quan trọng trong cuộc sống, vừa chứng tỏ là người trung thực, đáng tin cậy vừa tăng thêm uy tín và nhân phẩm của mình. Vì thế hãy thận trọng khi hứa và đừng cố hứa những gì mà ta không thể hoàn thành. Ngoài ra, giữ lời hứa còn bồi dưỡng cho ta thêm lòng nhân ái yêu thương mọi người, có một tinh thần dùng mãnh và loại bỏ được tánh ích kỷ, tham lam…Lời thề cũng là một lời hứa. Nhưng nó mang một hình thái khác, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn lời hứa, bảo đảm chắc chắn hơn mà con người có khả năng thực hiện được. Còn nguyện cũng là một loại lời hứa, nó lại mang một giá trị tinh thần rất cao mà con người muốn thực hiện nhưng lại vượt ngoài khả năng. Nên mới nhờ tha lực của các bậc siêu phàm trợ giúp, bằng với lòng chí thành, tha thiết thực hiện.


Nhân Huệ

Tạp chí Hương Sen số 28

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn