Phật giáo Hòa Hảo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3267 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Đạo Phật giáo Hòa Hảo được Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng tại miền Nam vào thập niên 30. Tháng 5/1999, Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chấp thuận cho PGHH được sinh hoạt bình đẳng như các tôn giáo khác, đạo Phật giáo Hòa Hảo có giáo lý, giới luật, có tổ chức Giáo hội, Hiến chương, có trường đào tạo, nơi thờ tự, có Giáo chủ và tín đồ, có đường hướng hoạt động trong cộng đồng với lập trường “vì Đạo pháp, vì Dân tộc”. Thực chất tư tưởng đạo PGHH đề trọng tính nhân văn, phù hợp với khoa học, luân lý, tâm lý, triết lý và tương quan với thực tính văn hóa đạo đức xã hội và truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam trên 4000 năm văn hiến. Nhân bản PGHH dựa trên lý luận và thực tiễn “vị nhân sinh”.


Giới luật:


Giới luật PGHH là Tám điều răn cấm. Nội dung khuyến khích bỏ những điều gây tai hại cho sức khỏe của con người, môi trường và an sinh xã hội như: không uống rượu để sức khỏe tráng kiện, tinh thần minh mẫn, không chứa, tham gia cờ bạc, không trữ lượng hay kinh doanh chất gây nghiện, không quan hệ với xã hội đen, chơi bời lêu lỏng, phải tích cực hành xử và phát huy giá trị Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín để góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình và an ninh quốc gia; siêng năng đầu tư phát triển kinh tế cho cuộc sống ổn định để tránh nghèo khổ, bịnh tật, con cháu thất học; quản lý và tích lũy ngân sách gia đình, thu chi cân đối, không chìu thị dục để xa xí; không vì tiền tài danh lợi mà ứng xử thiếu công bằng, thiếu nhân tính; giao dịch và quan hệ với con người cẩn trọng lời nói, nói đúng sự thật, nói điều có ích lợi cho mình và người khác, không thêu dệt, không đâm thọc để hiểu lầm nhau gây mất đoàn kết trong cộng đồng; giới luật PGHH còn hướng dẫn con người hiểu lý nhân quả, bỏ mê tín dị đoan, tuyệt đối không giết hại các sinh vật để tế Thần cúng Thánh mà khẩn cầu tội chướng tiêu trừ tai qua nạn khỏi. Khi thân nhân qua đời cũng không theo quan niệm mê tín mà đốt giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo mà tốn tiền vô lý, vừa tiết kiệm tiền lãng phí nhằm giúp cho người có hoàn cảnh khó khăn vừa loại bỏ những hủ tục từ phương Bắc đã xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam từ nhiều thế kỷ qua, và bảo vệ thuần phong mỹ tục của nước nhà; phàm làm bất cứ việc gì phải suy nghĩ cặn kẽ, quyết đoán chính xác để không gây oan tình và thiệt hại quyền lợi người khác, đúng lẽ công bình chính trực; phải thương yêu nhau, khoan dung, đoàn kết, không sử dụng kế hoạch để chia rẽ hận thù, tương thân tương trợ và cùng chung lo cho sự nghiệp phát triển đất nước, bỏ điều ác, phát triển điều lành, niệm Phật nhất tâm, cầu sanh Tây phương, trang bị kiến thức hoàn chỉnh, tái sinh trở lại để thực hiện công đoạn Bồ tát nhất sinh bổ xứ, cứu độ chúng sanh, hoàn thành bi nguyện độ sanh để chứng bực chánh đẳng chánh giác.


Tính năng Tám điều răn cấm PGHH trực tiếp vào thực tế cuộc sống trong thời đại mà nền văn minh vật chất mãnh liệt tràn vào xã hội Việt Nam, ngọn gió văn minh phương Tây xâm nhập làm cho phong hóa suy đồi, con người trở nên hư hèn tội ác. Tám điều răn cấm là kim chỉ nam hướng dẫn con người đi về với đạo đức, về với con đường chân thiện mỹ, có tác dụng ngăn chặn thói hư tật xấu, phát huy các đức tính tốt đẹp có giá trị tích cực cho bản thân, gia đình và xã hội góp phần làm cho nước nhà được cường thịnh, Tám điều răn cấm được hệ thống trên hai phương diện Nhân đạo và Phật đạo, là nền tảng căn bản cho người có tín ngưỡng PGHH dựa vào đó để lập cước vững chắc trên lộ trình tu học.


Tứ đại trọng ân (tùy duyên nhi bất biến):


Thuyết Tứ Ân trong tinh thần PGHH được đề cao, để thích nghi với hoàn cảnh mới trong giai đoạn Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng đạo, Ngài đã cải biến bốn điều Ân của kinh Phật và đặt vị thế mỗi thuyết theo một chủ đề mang tính tương thức theo tình hình thực tế.


Tứ Ân trong kinh Đại thừa, Bổn Sanh Tâm Địa Quán là: Ân phụ mẫu, Ân chúng sanh, Ân quốc vương, Ân tam bảo.


Tứ Ân trong giáo lý PGHH là: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân tam bảo, Ân đồng bào và nhân loại.


Tứ Ân PGHH nêu cao ý thức dân tộc và xã hội, mặc dù còn trong hệ thức căn bản Phật giáo, nhưng phần khai triển trong PGHH chứa đựng lời lẽ kích thích lòng ái quốc và nhiệt tình vì nước đấu tranh. Lời văn giản dị, rõ nghĩa, có tác dụng đi thẳng vào tâm hồn người nông dân chất phác mà không cần suy nghĩ nhiều.


Thuyết Tứ ân là yếu tố khả thi trong mối tương quan giữa đạo pháp và dân tộc, đã ảnh hưởng mãnh liệt trong tâm hồn người tín đồ PGHH và được xem như là chương trình hành động thiết thực của cuộc đời hành đạo người cư sĩ tại gia PGHH.

 

Bài trừ dị đoan mê tín, giản dị trong nghi thức thờ phượng:


Trong nhà người tín đồ PGHH trên thờ ngôi Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), dưới là bàn thờ tổ tiên cha mẹ, trước sân nhà là một bàn Thông thiên. Ngôi Tam bảo chỉ tôn tạo một tấm trần dà, màu dà là tổng hợp của các màu sắc khác để “tượng trưng cho sự hòa hợp của nhân loại không phân biệt chủng tộc hay cá nhân”, dùng màu dà trong nghi thức thờ phượng để “tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật”. Bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch và nhang mang ý nghĩa bán mùi uế trược. Tất nhiên theo lăng kính biểu tượng triết lý là thay đổi tà tư duy trở thành chánh tư duy, dứt trừ phiền não (tham, sân và mê si), tâm trở về với trạng thái thanh tịnh, trí tuệ phát khai viên mãn.


Bàn thờ ông bà chỉ một lư hương, trong những bữa cơm hằng ngày có chi cúng nấy, không có sự bắt buộc, vì người qua đời không dùng được nên sự cúng kiếng ông bà chỉ là hình thức để tỏ lòng nhớ ơn sinh dưỡng (uống nước nhớ nguồn). Ngoài việc thờ kính cha mẹ và các anh hùng dân tộc, người tín đồ PGHH không được thờ vị tà thần nào mà mình không rõ căn tích.


Bàn Thông Thiên trước cửa nhà chỉ tôn tạo một lư hương, 3 chung nước, bông hoa và nhang.


“Nếu trong nhà chật, nội bàn Thông Thiên với một lư hương không cũng được… Kẻ nào phải ở chung đậu với người khác không có tu hiền hay không cùng một Đạo với mình hoặc nhà cửa chật hẹp quá không có chỗ phượng thờ, thì đến giờ cúng kiếng chỉ vái thầm và niệm Phật trong tâm cũng đặng” và “Đi làm ruộng đến thời cúng, ngó về hướng Tây nguyện rồi xá bốn phương. Còn đi xa nhà thì nguyện tưởng trong tâm cũng được” hoặc “Có nhang thì đốt, không có thì nguyện không”.


Hình thức thờ phượng của PGHH rất đơn giản để lòng tin trở lại tâm hồn, chuyển niềm tin bằng thái độ đạo đức, tu tâm dưỡng tánh, ăn ở hiền lành, biết trọng kính cha mẹ, sùng ngưỡng Tam bảo, sống có ích cho xã hội, dân tộc và đất nước, biết làm điều nhân nghĩa để giúp ích cho đời, biết khoan dung tha thứ để cuộc sống được đoàn kết, toàn tâm toàn lực chung cho đại cuộc quốc gia dân tộc.


Người tín đồ PGHH được học hiểu giáo lý, giới luật của Đức Huỳnh Giáo Chủ giảng dạy tỉ mỉ trong Sấm giảng Thi văn giáo lý nên không tìm đến những ông thầy cúng, thầy phù thủy, thầy bùa, thầy ngải, không xem quẻ, bói toán, phong thủy, bùa thuật, không sùng tín đồng bóng hay thờ Thánh Anh, La Sát, Cửu Thiên Huyền Nữ, ông độ mạng, bà mẹ sanh …

 

Bốn đại đức của chư Phật:


PGHH có vai trò ban vui và cứu khổ “Đem Đạo lành ban rãi nơi nơi / Mãn chờ trông bá tánh thảnh thơi / Khắp bốn biển liên dây hòa hảo”, nên phương châm tu tập của PGHH là từ, bi, hỷ, xả, đó là bốn đại đức của chư Phật, tâm xả là nền tảng căn bản cho hạnh vị tha; tâm hỷ là thường an vui mà làm việc lành việc phải để mang đến cái phước lợi cho chúng sinh, tâm từ bi được xem là tâm Bồ tát, tâm Phật “Tâm từ bi sánh thể ngọc ngà / Trong các báu khó bì tánh thiện”.


Tâm từ là hiến tặng hạnh phúc cho vạn loại chúng sanh, chức năng tâm bi sẽ phóng thích khổ đau đang hiện diện với con người. Tâm xã sẽ làm thư giãn, thong dong, không đố kỵ, kỳ thị, thù hận, ganh ghét. Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyến khích tín đồ của Ngài tu tập bốn đại đức của chư Phật: “Chư Phật có bốn đại đức. Vậy ta niệm danh hiệu Phật để nhớ Phật và rán sức làm theo bốn đại đức của Phật đặng ngày sau chứng quả như Ngài”.

 

Phật tại tâm:


Đạo Phật hay PGHH đều có cùng một tư duy nhất nguyên là mỗi người đều có tánh viên giác, có nhứt thiết chủng trí, nhưng vì duyên khởi theo hiện tượng sinh diệt, sử dụng trí thuật theo sở chấp của cái tôi (bản ngã); lo tìm ông Phật bên ngoài, khẩn cầu thấy Phật trên non núi, trên hình tượng, hình vẽ, không phản quan tự kỷ, nên không nhận được chân lý và không thấy được ông Phật trong tâm ta. Phụ Thung trên đường đốn củi về chợt nghe người cư sĩ tụng câu trong kinh Kim Cang: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, ông liền tỏ ngộ và ngâm bài kệ: “Hà kỳ tự tánh bổn tự cụ túc / Hà kỳ tự tánh bổn tự thanh tịnh / Hà kỳ tự tánh bổn bất sinh diệt / Hà kỳ tự tánh bổn vô động diêu / Hà kỳ tự tánh năng sinh vạn pháp” (Chẳng dè tánh mình vốn sẵn đầy đủ. Chẳng dè tánh mình vốn sẵn thanh tịnh. Chẳng dè tánh mình vốn không sinh diệt. Chẳng dè tánh mình vốn không động lai. Chẳng dè tánh mình hay sinh muôn pháp). Mỗi chúng sinh đều có trí Bát nhã như Phật, nhưng vì hằng theo vọng tưởng điên đảo, chấp ngã và làm khổ người khác, gây nghiệp chướng sinh tử nên mãi trầm luân và tái sinh trong thế giới khổ đau. Đức Huỳnh Giáo Chủ trong quyển I (Khuyên Người Đời Tu Niệm), cho biết “Chẳng nói vắn dài Phật nọ tức tâm”.

 

Văn hóa ứng xử trong PGHH:


Thời gian gần 8 năm trụ thế độ sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ phải đối diện với nhiều tình huống khắc nghiệt của thực dân xâm lược, PGHH là tôn giáo bản địa, khoảng thập niên 40 của thế kỷ trước, PGHH phát triển với cường độ mãnh liệt, làm cho thực dân lo sợ cho chính sách thuộc địa của họ, nên họ quyết định lưu cư Ngài trên năm năm rày đây mai đó trong độ tuổi hai mươi, họ dùng giải pháp cách ly Ngài và tín đồ, đưa PGHH vào tình huống rắn không đầu, khi tư tưởng học Phật tu Nhân, và khuynh hướng dân tộc, tình quê hương đất nước trong PGHH chưa có điều kiện truyền thông rộng rãi, thì có nhiều thiển kiến của kẻ mạnh bản xứ cho Đức Thầy là Điên, Khùng, nhưng Ngài vẫn ung dung:


“Kêu thằng hay gọi là ông,

Cũng không có muốn ai hòng tôn ti”.


Và:


“Mặc ai tranh luận đấu tài,

Khuyên dân hãy rán miệt mài chữ tu”.


Đến năm 1945, chiến dịch tiêu diệt PGHH của thực dân xâm lược không thành, Đức Giáo Chủ tạm ổn định và Ngài sáng tác quyển thứ sáu, tức “Những điều sơ lược cần biết của kẻ tu hiền”, sau phần nói về giới luật PGHH, Ngài bút chiếm Thánh huấn để ý thức tín đồ nghệ thuật ứng xử văn hóa, hiện nay tín đồ PGHH ai cũng đều biết và cố gắng phụng hành:


“Đạo pháp thường hay dung với hòa,

Xét người cho tột xét thân ta.

Nếu người rõ phận vui lòng thứ,

Ta thứ được người, người thứ ta”.


Hay là phần luận giải về Bốn đại đức của chư Phật, Ngài cho biết: “Đức xả: Ngài chẳng chấp một pháp nào trong thế gian, sẵn lòng lìa xa các nghiệp tiền trần, tha thứ hết thảy những ai tối tăm lầm lỗi, chẳng còn vướng víu chi với cuộc lợi danh, tài sắc, nhìn cõi đời chẳng bao giờ sanh lòng luyến ái”...


Phàm con người nếu còn phiền não (tham, sân, si) tất nhiên còn bản ngã, còn sai phạm, còn gieo rắc đau khổ cho bản thân và xã hội, đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, ban vui cứu khổ cho nhân loại chúng sinh, nên trách nhiệm của người phật tử hay tín đồ PGHH cần tôn trọng và làm theo đức tính khoan dung của Đức Phật và Đức Thầy: “Ta thường nên tập tánh khoan dung / Thực hành đi đừng có ngại ngùn/ Tha thứ kẻ lõi lầm ngu xuẩn / Và nhẫn nhịn đừng ham tranh luận / Khỏi mất lòng tất cả mọi người / Tánh thuần lương vẻ mặt vui tươi / Vậy mới đáng tín đồ Phật giáo / Nay ta đã quy y cầu đạo / Gây gổ là trái thuyết từ bi”. Vả lại, Đạo Phật vẫn tồn tại và phát triển trên toàn cầu hơn hai nghìn năm, PGHH vẫn sừng sững trên 72 năm, bởi giáo lý đạo Phật hay giá trị minh triết trong PGHH luôn luôn mang đến cho đời sự an vui và hạnh phúc, nên không có bất kỳ chướng ngại nào có thể làm thay đổi tính chất quan trọng của hai tôn giáo (Phật giáo và PGHH) có cùng một chân lý. Dù có người độc tâm sử dụng bao nhiêu nghìn con chữ để phao du, đồn nhảm, quy chụp cũng không bóp méo sự thật hiển nhiên và đang tồn tại của hai tôn giáo này được. Dù có bao nhiêu lời lẽ sỉ vả Tây Thi, nhưng nét đẹp của Tây Thi vẫn không bao giờ thuyên giảm. PGHH sẽ tồn tại và phát triển, vì tư tưởng PGHH là tư tưởng “vị nhân sinh”, đó là Đạo, là chân lý bất biến không ai có thẩm quyền thay đổi đặc tính của nó được.


Đức Phật dạy muốn thoát khỏi khổ đau, muốn xã hội được công bằng thì cần phải thực hành pháp Tứ y, trong đó Phật đề cao “Y trí bất y thức”, để thức tình phân biệt sẽ rơi vào Biên kiến (thường và đoạn kiến) cách phân tích vấn đề bị phân hóa theo theo chủ quan tiêu cực, bức tường ngăn cách giữa con người và con người sẽ trở thành vực thẳm, khó mà đoàn kết hài hòa được. Sử dụng trí (trí đạo) để phân đoán, phê đoán mọi sự việc trên cơ sở khoa học và nhân quả, cân nhắc, lượng xét và quyết định điều gì phải dựa trên quyền lợi dân tộc, đất nước và sự bình an trong đời sống tín ngưỡng trong cộng đồng thì những hiện tượng tiêu cực sẽ không còn diễn ra trong môi trường xã hội.


Đức Thầy dạy:

“Trên kẻ trí lấy công bình phân đoán,

Dưới vạn dân trăm họ được im lìm”.


Hay là: “phải đem hết trí năng truy cứu các sự rắc rối, cẩn thận xem xét tránh sự lạc lầm trong khi phê đoán bất cứ việc gì, dầu của mình hay của kẻ khác. Sự quan sát cực điểm, cách xét tận tường, tránh cho ta những tà kiến (sự xem xét lầm lạc) sai chạy, khiến ta dẹp bản ngã đã làm cho trí tuệ mịt mờ u ám; giúp cho ta hiểu biết được rõ ràng, minh bạch, cách phán đoán được ngay thẳng công bình.

 

Nhân quả và trí tín:


Đức Phật tuyên bố: “Các người hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. 49 năm vân du triển khai quan điểm đạo đức, Phật chưa bao giờ phát ngôn rằng Ngài sẽ dùng thần thông để cứu độ sinh mạng cho bất kỳ một người nào. Ngài chỉ tuyên ngôn từ bi, bác ái, đoàn kết, khoan dung, từ hòa và vận hành học thuyết về tâm (Chân tâm thanh tịnh, bản lai diện mục) để khuyến khích con người nỗ lực bỏ ác, làm lành, bỏ si mê trở về giác ngộ, bỏ dục vọng để sống thực tế với quan điểm tri túc thường lạc. Ngài kiên nhẫn khuyên mọi người nên đặc niềm tin chánh tín, không nên cuồng nhiệt tôn sùng hay tin tưởng mơ hồ bất kỳ một tôn giáo hay chủ thuyết nào. Đức tin của người tín đồ Phật giáo hay PGHH luôn luôn đi đôi với chánh kiến “đến để mà thấy” chứ không phải “đến để mà tin”. Đức Phật dạy dân Kàlama được các học giả phương Tây xem đó là bản tuyên ngôn về tự do tư tưởng của nhân loại: “Này các Kàlama, đừng để bị dẫn dắt bởi những báo cáo, hay bởi truyền thống, hay bởi tin đồn. Đừng để bị dẫn dắt bởi thẩm quyền kinh điển, hay bởi lý luận suông, hay bởi suy lý, hay bởi sự xét đoán bề ngoài, hay bởi vì thích thú trong những lý luận, hay bởi những điều dường như có thể xảy ra, hay bởi ý nghĩ đây là bậc Đạo sư của chúng ta. Nhưng này Kàlama, khi nào các ông biết chắc rằng những điều ấy là thiện, là tốt, hãy chấp nhận và theo chúng” (Tăng Chi I).


Phủ định những tín điều và đức tin mù quáng, khuyến khích tự do phân tích, khảo sát, suy tư, thể nghiệm đó là trọng điểm của Phật giáo hay PGHH. Đức Huỳnh Giáo Chủ trong bài “Tu thân xử kỷ” đã phân tích rạch ròi, cụ thể: “Người có tâm nếu không tập suy gẫm cho mở trí thì hay dễ bị lường gạt.


Người có trí mà vô tam thì hay xảo trá. Nên trí và tâm người học đạo cần tìm cách làm cho nó được phát triển cả hai để lấy tâm làm chủ trì mọi việc, lấy trí mà phán xét mọi việc trước khi ta sắp đem cho tâm chủ trì, được như thế chắc chắn ta học Đạo mau thành công đắc quả”.


Và:

Đừng thấy ai theo mối đạo nào đông đảo rồi ta cũng vội vàng theo đạo ấy mà lúc đó ta chưa hiểu giáo lý ấy như thế nào.


Cũng đừng thấy người ta thờ Phật rồi vội vã lập bàn thờ Phật, mà chưa hiểu ông Phật như thế nào và tại sao ta phải thờ kính Đức Phật ? Nếu tu như thế, thờ Phật như thế, thì càng tu càng thờ bao nhiêu càng tỏ ra cho thiên hạ thấy ta mê tín bấy nhiêu…Cho được tránh những điều ấy, trước khi thờ, học đạo nào, hay theo ông thầy nào, ta hãy suy gẫm phán đoán kỹ càng; chừng hiểu biết rõ ràng ta sẽ hành theo đạo ấy, thầy ấy. Chẳng được như vậy, dầu mình theo đạo rất chánh đáng, ông thầy rất thông minh cũng chẳng có ích chi cho mình cả”.


Quan điểm về nhân quả trong PGHH: Kinh Tạp A Hàm, 135 Đức Phật tuyên bố: “Chúng ta là kẻ thừa kế của hành động ta, là người m