Phổ truyền Giáo lý một đạo sự đặc biệt quan trọng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3300 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

I. Phổ truyền giáo lý


Phật giáo Hòa Hảo một tôn giáo đạo Phật nội sinh do Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng. Giáo lý của PGHH được Đức Huỳnh Giáo Chủ san định thiết lập, trên thì phù hợp với giáo lý của Đức Thích Ca dưới phù hợp với hoàn cảnh và căn cơ chúng sinh thời hiện tại. Chính vì nét đặc thù cơ bản ấy mà giáo lý PGHH dễ dàng đến với mọi người, mọi nhà, mọi lĩnh vực và mọi địa phương, cải thiện được mọi tầng lớp nhơn sinh, tạo điều kiện để “Đưa nhơn loại đi vào vòng hạnh phúc”.


Nhằm thực hiện sứ mạng thiêng liêng cao cả đó Đức Thầy vừa thuyết pháp vừa sáng tác Sấm Giảng Thi Văn để phổ truyền Giáo lý của Ngài.


“Viết một ngọn lưỡi nầy một tấc

Đem Đạo lành ban rải nơi nơi

Mảng chờ trông bá tánh thảnh thơi

Khắp bốn biển liên dây Hòa Hảo”


Khắp bốn biển liên dây Hòa Hảo” chính là kỳ vọng của Đức Tôn Sư. Ngài đã nhiều lần căn dặn tín đồ:


“Nên cố gắng trau thân gìn Đạo

Hiệp cùng nhau truyền bá kinh lành”


Khắc ghi lời căn dặn đó, người tín đồ PGHH ngoài việc học, hành theo giáo lý của Đức Thầy, bất cứ thời điểm nào, bất cứ ở đâu cũng tạo mọi điều kiện để phổ truyền giáo lý kể cả những trường hợp khó khăn nhất.


Ngày xưa Đức Phật đã từng nói với môn đồ của Ngài rằng: “Các con hãy rán học đạo, hành đạo, và truyền đạo” Đức Thầy chúng ta ngày nay cũng đã từng khuyến dạy : "Phải tiếp tục khai thông nền Đạo đức đặng cái tinh thần từ bi bác ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá tánh…”


Vì sao mà Đức Phật và Đức Thầy lại đặt nặng công tác Phổ truyền giáo lý? Bởi vì bất cứ cái thành công nào cũng bắt đầu từ “tri thức”. Có hiểu mới làm đúng, có làm đúng mới có kết quả. Đây là chân lý nghìn đời dầu ở lĩnh vực nào, thời gian nào vẫn không hề xê dịch. Thật chính xác thay khi nhà Phật đưa ra một hệ thống: Kiến đạo (hiểu đạo) Tu đạo (hành đạo) và Chứng đạo (đắc đạo).


Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng đã từng khẳng định hệ thống căn bản này:


“Ta yêu chúng viết ra Giảng Kệ

Khuyên tăng đồ cùng các tín đồ

Nghe cạn lời chớ có mờ hồ

Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc Đạo”


Thế là trước tiên cần phải “tìm hiểu nghĩa” kế đó là “làm theo” cuối cùng thì “đắc đạo” hệ thống rất rõ ràng không còn phải phân vân, mơ hồ gì nữa cả.


Tuy nhiên, muốn “hiểu nghĩa” thì phải “học đạo” và muốn cho mọi người hiểu nghĩa thì phải “truyền đạo”. Do đó chúng ta mới biết công việc “Phổ truyền giáo lý” là quan trọng và cần thiết đến ngần nào. Chính vì tầm quan trọng đó, mà mỗi người tín đồ phải là một chiến sĩ trên mặt trận “truyền bá Phật pháp” mỗi người tu hành đồng thời cũng phải là một “sứ giả Như Lai”. Có như thế thì sinh mệnh của Phật pháp mới được trường tồn, chúng sinh mới được hưởng nguồn phúc lạc.


Để đạt được mục đích và ý nghĩa nêu trên, hơn ai hết người tín đồ PGHH phải là người tiên phong “tinh tấn hành đạo” và “dõng mãnh truyền đạo”.


Đức Tôn Sư vô vàn yêu kính của chúng ta đã từng động viên thúc đẩy.


“Thấy đời mê chưa rõ Phật đàng

Nên tỏ ý khắp nơi đặng biết

Coi ai có chứa bầu nhiệt huyết

Dùng đạo mầu cứu vớt sanh linh”


II. Phát huy giá trị đạo đức và tinh hoa văn hóa dân tộc


A. Phát huy giá trị đạo đức


Phật giáo Hòa Hảo là một tôn giáo nội sinh, được Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng vào năm Kỷ Mão (1939).


Đức tánh “Hòa Hảo” luôn được thể hiện trong cuộc sống của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, bởi vì nếu rời nó thì bất cứ tu pháp nào, làm đạo sự nào đều không thể thành công (chưa nói đến sự thất bại).


Với tính chất quan trọng như vậy nên Phổ truyền giáo lý PGHH để phát huy giá trị của tinh thần Hòa Hảo đến với mọi người và tất cả mọi nơi.


“Học Phật tu Nhân” là tông chỉ giáo lý của Phật giáo Hòa Hảo. Khái niệm này hàm chứa cả hai lĩnh vực Tu Nhân và Tu Phật. bởi lẽ hễ làm người thì phải ăn ở cho đúng theo đạo nghĩa làm người (tu nhân), hễ là người tín đồ đạo Phật (PGHH) thì phải thực hành theo pháp môn, giới luật và nghi thức của tôn giáo mình, để viên mãn cái nhân tu mà ngày sau được quả chứng (tu Phật). Nói chung là như thế, nhưng nếu phân tích thì mỗi lĩnh vực đều có chương trình riêng biệt như: Tu Nhân thì phải báo Tứ Ân chừa Thập Ác và thể hiện luân thường đạo lý vv. Còn Tu Phật thì gồm có Tứ Diệu Đề, Bát Chánh Đạo, Thiền Tông, Tịnh Độ vv... Ngoài ra, Đức Thầy còn giới thiệu sự an vui của cảnh Tiên, sự thọ dụng nơi cõi Phật, sự vô thường khổ não của kiếp luân hồi; khai thị cho chúng sinh biết mỗi người đều có Phật tánh và có thể thành Phật… mỗi môn, mỗi pháp là mỗi thậm thâm vi diệu. Thế nhưng!


“Phải chi Phật lấy ngay bình tịnh

Rưới cho trần được tỉnh chút tâm

Mãi để câu vi diệu thạâm thâm

Cho sanh chúng rừng lâm khó mở”


Do đó cần phải Phổ truyền giáo lý PGHH để phát huy giá trị của Giáo lý Học Phật Tu Nhân đến với mọi người và tất cả mọi nơi.


Một điều mà chúng ta không thể không nhắc đến đó là: Nếu như “Tinh thần Hòa Hảo” là cao quý; “Giáo lý Học Phật Tu Nhân” là phù hợp, nhiệm mầu thì người tín đồ PGHH hơn ai hết phải có trong tâm trong não mình tinh thần Hòa Hảo và phải cụ thể qua hành động là phải đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Tín đồ PGHH hơn ai hết phải là người có nhân cách, đạo đức và giới luật đúng theo tiêu chuẩn của Đức Thầy đã chỉ dạy… được vậy mới xứng danh là tín đồ PGHH và là một minh chứng hùng hồn cho tính cao siêu và huyền diệu của giáo lý PGHH. Chứ như giáo lý thì người người trông PGHH đều khen ngợi tán dương, mà bản thân người tín đồ PGHH lại không thể hiện được phần nào thì cũng chẳng hóa ra là oan uổng lắm sao?


Đó cũng chính là động cơ, là lời cân nhắc cần phải Phổ truyền giáo lý PGHH để phát huy giá trị đạo đức của PGHH và vai trò của người tín đồ PGHH đến với mọi người và tất cả mọi nơi.


B. Phát Huy Tinh Hoa Văn Hóa Dân Tộc.


Văn hóa là một khái niệm mà nội hàm vô cùng rộng nghĩa, chính vì vậy mà cách giải thích về khái niệm này cũng có nhiều góc độ không đồng. Theo thống kê của các nhà Nhân Loại học trên thế giới thì có đến 164 định nghĩa khác nhau về khái niệm này. Tuy nhiên chúng ta có thể giải thích theo lối đơn giản và trọng tâm.


Thông thường người ta hiểu ở một số khía cạnh của nó như : Văn hóa là chỉ người có trình độ học vấn cao; Người có thái độ giao tiếp lịch sự; Người có tác phong đạo đức tốt v.v... Thật ra, Văn hóa không chỉ có như thế mà còn mang tính tổng hợp hơn. Nếu đem so sánh các cách giải thích của các nhà văn hóa trên thế giới thì cách giải thích sau đây được coi là đơn giản và đầy đủ nhất:


“Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo phát minh đó là văn hóa”.


“Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (Hồ Chí Minh toàn tập – tập 3, tr. 431)


Tóm lại, văn hóa là tập hợp những gì tốt đẹp nhất nhằm xây dựng con người và trang nghiêm cho xã hội.


Văn hóa dân tộc, là những di sản tinh thần và vật chất của tiền nhân, tổ phụ từ thời lập quốc đã xây dựng nên một nền văn hiến và nhiều tầng lớp tổ tiên đã tiếp tục kế thừa, phát huy và bảo tồn bản sắc đó đến ngày nay cũng như mãi mãi về sau.  


Chúng ta có thể tập hợp một số mặt Văn hóa dân tộc tiêu biểu như:


Văn hóa dân tộc qua nét đẹp của truyền thuyết Rồng Tiên, Đồng Bào, Kim chi Ngọc diệp… thiết tưởng trên thế giới không có dân tộc nào có được những khái niệm tôn vinh tuyệt vời như thế. Phải chăng dân tộc ta có mưu lược và một sức mạnh đủ để dựng nước và giữ nước, đủ để chống lại với thiên tai, dịch họa, nội loạn ngoại xâm bảo tồn được từng ngọn rau tấc đất, đảm bảo được cuộc sống yên bình cho từng thế hệ (biểu tượngRồng)? Có phải dân tộc ta có một nền đạo đức tốt đẹp: trung, hiếu, nghĩa, nhân, liêm, khoan, hòa, ái, biết thương người giúp đời, yêu cái thiện ghét cái ác, biết xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc (biểu tượng Tiên)? Có phải dân tộc ta biết thương yêu nhau, đoàn kết cùng nhau, biết đồng cam cộng khổ, xây lưng đâu cật trên dưới một lòng, chen vai khít cánh, cùng bảo vệ giang san gấm vóc, ngọn rau tất đất, mồ mả tổ tiên trên tinh thần anh em ruột cùng một mẹ cha (Đồng bào)? Có phải dân tộc ta biết sống có nhân, có nghĩa, có đạo đức liêm sĩ mà trở thành một dân tộc quý có giá trị cao (Kim chi Ngọc diệp)? v.v... và v.v...


Trên đây là đại khái những tinh hoa văn hóa dân tộc, chứ như chi tiết thì làm sao mà kể ra cho hết được. Nào là câu ca điệu hò, tiếng ru của mẹ lời dạy của cha, ông đồ giảng sách, lủ trẻ a ê, nào là con trâu cánh đồng, cổng làng mái đình, nào là cây đa bến nước, con đò lủy tre, và mênh mong rừng vàng biển bạc… tất cả đều là tinh hoa văn hóa dân tộc.


Đức Thầy đã từng khẳng định về lĩnh vực này:


“Tất cả thiện nam tín nữ trong Tôn giáo nhà Phật lúc rảnh việc nên thường coi kệ giảng mà giữ gìn phong hóa nước nhà”


Giữ gìn “phong hóa nước nhà” tức là giữ gìn và phát huy nền “văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” mà muốn thực hiện tốt điều nay thì cần phải “coi kệ giảng” của PGHH và phải “phổ truyền giáo lý PGHH”, góp phần vào công cuộc:


“Gánh gồng bảo bộc giang san

Giữ gìn biên cảnh bằng an đời đời

Trăm họ mới thảnh thơi nhàn nhã

Lo đắp bồi văn hóa ngàn năm”


Võ Văn Tác

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn