Phước đức và Công đức

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 5754 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Có một số người quan niệm rằng nỗ lực làm điều thiện ích thì có “phước đức” và có vô lượng “công đức”. Thật ra phước đức và công đức là hai phạm trù khác nhau. Nhưng khác nhau như thế nào? Thiết nghĩ, ta cần tìm hiểu tường tận để trên đường hành đạo và dấn thân phục vụ hạnh phúc cho nhân loại chúng sinh tâm nguyện của hành giả được viên mãn.


Theo Tuyệt Quán Luận của Bồ Đề Đạt Ma (trang 89, do tác giả Vũ Thế Ngọc dịch và chú 
giải). Năm 520 sau Công nguyên Đạt Ma Tổ Sư đến Trung Hoa, vua Lương Võ Đế sai sứ thỉnh Ngài về Kim Lăng (kinh đô nhà Lương). Trong khi đàm đạo vua Võ Đế hỏi:


- Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, xây chùa, in kinh độ tăng rất nhiều. Vậy có công đức gì c
hăng ?


- Tổ Đạt Ma đáp:


- Đều không có công đức.


- Tại sao không có công đức?


- Bởi đó chỉ là những tiểu quả của cõi người cõi trời mà thôi, là cái nhân hữu lậu như bóng theo hình, tuy có mà chẳng thật.


Quả thật đây là một vấn đề khiến không mấy người thông suốt tường tận!? Vì sao vua Lương Võ Đế đã làm công việc phúc lợi cho mọi người mà Tổ Đạt Ma phủ định một cách thẳng thắng như vậy!


Đến đời Võ Đức nhà Đường (618-627), có người đem sự việc trên nghi vấn với Đức Lục Tổ Huệ Năng và được Tổ khẳng định: “Quả thực không có công đức, chớ nghi lời của bậc tiên Thánh. Võ Đế tà tâm, không biết chánh pháp, cất chùa độ Tăng, bố thí, thiết trai đó gọi là cầu phước, chớ không thể đem phước đổi làm công đức. Công đức là ở trong pháp thân, không phải do tu phước mà được… Võ Đế không chân lý, không phải Tổ Sư ta có lỗi (Pháp Bảo Đàn Kinh, trang 170, phẩm thứ ba Nghi Vấn, Hoà thượng Thích Thanh Từ giảng giải).


Sự kiện nầy được Đức Huỳnh Giáo Chủ nhắc lại trong quyển Khuyến Thiện:


“Nhớ thuở trước vua Lương Võ Đế,
Tạo chùa chiền khắp nước tu hành.
Đến chừng sau ngạ tử Đài thành,
Phật bất cứu vì tâm còn ác”.


Để làm rõ vấn đề nầy ta có thể phân biệt phước đức và công đức như sau:


I. Phước đức: Như chúng ta đã hiểu những việc làm của vua Lương Võ Đế là làm phước đức, hay bố thí để được lợi mình lợi người về phương diện vật chất. Tất nhiên sẽ được hưởng phước hữu lậu.


Ngày nay, ta tham gia công việc từ thiện xã hội (tu phước) để trợ giúp cho những mảnh đời cơ nhỡ, xây cất nhà giúp người nghèo khổ có mái ấm che thân, mua bảo hiểm y tế, sách vở, cấp học bổng, thành lập bếp ăn từ thiện cho học sinh trong hoàn cảnh khó khăn có điều kiện cấp sách đến trường, xây cất cầu nông thôn làm phương tiện lưu thông thuận lợi, trang bị xe cấp cứu chuyên dùng chuyển viện miễn phí cho người lâm cơn nguy khốn, đó là nghĩa cử cao thượng và đúng với tinh thần từ bi mà Đức Phật và Đức Thầy đã đề cao. Tất nhiên sẽ được phước báu lớn lao, “Phước đức quí hơn bạc vàng”, nhưng chỉ thụ hưởng quả phúc hữu lậu và được thọ sinh vào thế giới Thiên đường trong lục đạo luân hồi (Trời, người, A tu la, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục). Tiến trình nhân quả hữu lậu này được Đức Thầy xác định một cách rất cụ thể:


“Phước nhiều Tiên cảnh lên rày,
Tội nhiều sa đọa nhiều ngày thảm thê”


Hay là:


“Ai nhiều phước đức được vào cõi Tiên”


II. Công đức: Đức Lục Tổ Huệ Năng đã làm sáng tỏ vấn đề công đức và phước đức khi Ngài trả lời để giải nghi cho Vi Thứ Sử: “Này Thiện tri thức, mỗi niệm không có gián đoạn là công, tâm hành ngay thẳng là đức, tự tu tánh là công, tự tu thân là đức, trong tâm khiêm tốn là công, ngoài hành lễ phép là đức. Này Thiện tri thức, công đức phải ở nơi tự tánh mà thấy, không phải do bố thí cúng dường mà cầu được, ấy là phước đức cùng với công đức khác nhau” (Sđd)


Dựa vào tuệ ngữ của Đức Lục Tổ Huệ Năng, ta có thể hiểu công đức do công phu tu tập để trở về bổn lai diện mục, dứt sạch vô minh điên đảo, chứng quả vô lậu vượt ra ngoài vòng sinh tử luân hồi. Đức Thầy kính yêu đã khẳng định điều này:


“Sách có câu minh đức tân dân,
Được thủ trụ huyền khai nhứt khiếu”.


Căn cứ sự kiện và lời giải đáp của Tổ Đạt Ma, sự xác định của Tổ Huệ Năng, và sự phân tích của Đức Huỳnh Giáo Chủ, mặc dù vua Lương Võ Đế có công xây cất chùa chiền nhưng lòng còn vô minh phiền não, còn tham sân si, tâm chưa tỏ ngộ. Tổ Đạt Ma vì lòng từ bi nên muốn độ nhà vua ngộ nhập chân tánh, chứ không phải Tổ bác bỏ việc vua xây cất chùa chiền. Tổ bảo:


“Bất lập văn tự,
Giáo ngoại biệt truyền.
Trực chỉ chơn tâm,
Kiến tánh thành Phật”.


Do đó, người có chí hướng tu cầu giải thoát cần phải chủ động phối hợp với những công trình phúc lợi xã hội để ban vui và cứu khổ cho chúng sinh, tương thân tương trợ cho đồng bào và nhân loại khi bị thiên tai hoạn nạn, nghèo khó... vì mục đích đền đáp Tứ ân; thực hành hạnh bố thí để chuyển hóa lòng tham lam ích kỷ; giúp đời vì noi gương hạnh từ bi hỉ xả của chư Phật để hoàn thiện hạnh phước huệ song tu đồng đăng bỉ ngạn… Nói chung, hành giả của Tịnh độ hay Thiền tông khi hòa hợp tham gia làm việc từ thiện xã hội để giúp ích cho đời (với tâm từ bi hỉ xả, vô ngã vị tha…) sẽ được hai phần phước đức và công đức. Phước đức, tức là công năng thực hành hạnh bố thí mang đến phúc lợi cho nhân loại chúng sanh, công đức là hành sự từ thiện bằng tâm thanh tịnh, vô ngã vị tha (đức) nên gọi là công đức. Như Đức Thầy đã dạy cặn kẽ:


“Tâm trần tục còn phân nhơn ngã,
Thì làm sao thoát khỏi luân hồi”.


Công đức “ở nơi tự tánh mà thấy”. Tu tập đúng pháp để hạt giống công đức ung dung phát triển trên mảnh đất chân tánh, hành giả cần phải thường xuyên trau tâm sửa tánh. Trong cuộc sống chúng ta phải hòa hợp với mọi người, xử thế khiêm tốn, đoàn kết thương yêu lẫn nhau, lòng hằng ngay thẳng bình đẳng… Tâm bình đẳng tức không phân biệt kẻ sang người hèn; chúng sanh và Phật đồng một thể tánh thanh tịnh, dù ở giai cấp nào nếu bền lòng tu tập cũng được liễu tri, trí huệ phát khai, khởi dụng hành sự hợp đạo lý. Vấn đề này được Đức Thầy xác định rõ trong bài dịch “Chú Lễ Phật”.


“Nay tôi ở trong đạo tràng,
Cũng như kết chặt vào đoàn ngọc châu.
Mười phương Phật hiện bầu hình ảnh,
Có bóng tôi cùng sánh các Ngài.
Từ chơn cho chí mặt mày,
Cúi đầu làm lễ nguyện rày quy y”.


Hằng ngày nghiêm túc xét soi lầm lỗi của mình, thường quán tâm, không cho tâm khởi vọng, sinh tà niệm. Không để tâm duyên khởi theo sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) mà sinh tâm ưa thích nhàm chán, cường điệu khoái lạc và đau khổ, tư duy chân chính, không để tình thức làm chủ thể nhận thức. Nếu không kiểm soát tâm, để tâm buông lung duyên khởi theo trần cảnh tất nhiên tâm sẽ loạn động, thất tình lục dục sẽ có mặt, dòng cảm xúc thọ lạc và thọ khổ sẽ dâng trào lên, nổi khổ đau từ đó phát sinh liên tục. Trong tình huống này mặc dù chúng ta đang sống, nhưng phải sống với những chuỗi ngày náo loạn tâm trí do lửa tham sân si ngùn ngụt đốt cháy. Tổ xưa bảo: “Tam giới chi trung, dĩ tâm vi chủ, năng quán tâm giả cứu cánh giải thoát, bất
năng quán tâm giả tất đọa trầm luân (Trong tam giới: Dục giới, sắc giới, vô sắc giới, tâm là chủ, thường quán tâm thì được giải thoát, không quán tâm tất bị sa đọa).


Đức Thầy dạy rõ:


“Trong sắc thân giám thị lục căn,
Đừng cho nó tính lăng quằng.

Ngoài thì chấp thủ mà ngăn lục trần,
Phá ngũ uẩn rứt lần tham ái.
Cội sân si cũng phải tảo trừ,
Đem về giác tánh chơn như.
Kim thân thị hiện dứt trừ tử sanh”.

“Miễn tâm được hư vô tồn tại,
Sống ở trần hối cải tiền phi”.


Đức Thầy dạy: “Điều cần yếu là: Phải làm hết các việc từ thiện / Tránh tất cả điều độc ác / Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch”. Tâm trong sạch là trạng thái tâm không còn “thành kiến, cố chấp, thói quen, sự chần chờ, lòng ham muốn, tánh kiêu ngạo, tật đố, gièm siểm, dua nịnh, ích kỷ tư tâm”.


Tóm lại, trên bước đường hành đạo, hành giả rất cần những việc làm giúp ích cho chúng sanh với tâm từ bi, vô ngã vị tha ắt sẽ có được công đức.


III. Dung thông phước đức và công đức: Trong việc làm từ thiện mà không tâm cống cao
 ngã mạn, khinh rẻ mọi người “mục hạ vô nhơn”; hành sự phải trên tinh thần “vô ngã của nhà Phật” để tâm không rơi vào trạng thái chấp trước, phân biệt ta, người; phải tin sâu nhân quả, vận dụng tuệ giác tránh ác hành thiện và thường “giữ tâm thanh tịnh làm việc nhân từ, không lòng hờn giận, chẳng dạ ghét ganh, chuyên tâm niệm Phật, giúp thế độ đời đừng chứa điều phiền não và để bụng tham lam ích kỷ”… Điều đó tạo sự dung thông từ tiến trình hành thiện (phước đức) đến tiến trình giác ngộ tri kiến Phật (công đức). Bố thí, xây cất chùa, truyền bá tri thức đạo đức giác ngộ chúng sinh thay vì để cầu phước, nhưng xuất phát từ dụng tâm vì tình thương người, vì lòng từ bi, vì bổn phận tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, “Giúp đời đừng đợi trả ơn / Miễn tròn bổn phận hay hơn bạc vàng”, từ việc khởi dụng trí Bát nhã để làm phước đức đó sẽ có được công đức.


Trên đường tín ngưỡng, hành giả muốn vượt khỏi sinh tử tiến đến Niết bàn thì nhất định phải
 phát triển hai phương diện song song. Một là phải thực hành hạnh bố thí giúp đời; hai là phải tu tâm dưỡng tánh, chuyển phiền não thành bồ đề, diệt vọng hoàn chơn. Như Đức Thầy dạy:


“Định thần dẹp hết tà tâm,

Huờn lai bổn tánh thần khâm quỉ nhường”.


Công đức và phước đức là hai phạm trù cần phải được hiểu tường tận. Nếu như chúng ta chỉ
 chú trọng về phước đức mà không quan tâm đến công phu tu tập để liễu ngộ chơn tánh (công đức) thì phước đức ấy chỉ hưởng được phước báu trong cõi nhơn thiên. Vì vậy người tu cần dung hợp và phát huy cả phước đức lẫn công đức để chắc chắn được viên mãn trên lộ trình “Phước huệ lưỡng toàn phương tác Phật”.


Nguyễn Thành Út

Tạp chí hương sen, số 25

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn