Sáu nẻo luân hồi bên ngoài và ở trong ta

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 5844 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Tôi cứ hiểu “Tiên, Phàm, Ma, Quỷ, Súc sanh” là năm loài chúng sanh bên ngoài. Một hôm được một bác trong đồng đạo nói, tại sao không hiểu năm loài chúng sanh ở bên trong chúng ta? Nhờ bác chỉ dạy thì bác không nói gì thêm, và bác bảo tự tìm hiểu đi! Điều này làm cho mình trăn trở mấy năm trời.


Một hôm, đọc quyển GIÁC MÊ TÂM KỆ đến đoạn:


“Địa ngục cũng tại tâm làm quấy,

Về thiên đàng tâm ấy tạo ra.

Cái chữ tâm mà Quỷ hay Ma,

Tiên hay Phật cũng là tại nó.”


Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ, té ra chẳng những chỉ có năm loài chúng sanh ở bên ngoài, mà mình cũng có thể hiểu không chỉ năm loài chúng sanh nêu ở trên đây mà còn đủ sáu loài chúng sanh ở trong chính bản thân mình nữa.


Chúng sanh nói đủ thì có đến sáu loài: Thiên, Nhơn, A Tu la, Súc sanh, Ngạ quỷ và Địa ngục. Đức Thầy nói “Dù Tiên, Phàm, Ma, Quỷ, Súc Sanh” trên văn tự thì chỉ có 4 loài mà thôi, bởi Tiên (Thiên), Phàm (Nhơn), Ma Quỷ (Ngạ quỷ,) Súc Sanh (Súc sanh) chứ làm sao mà có tới 5 loài? Tuy nhiên, theo kinh Thủ Lăng Nghiêm thì nói rằng A tu la có 4 loài: 1/A Tu la Thiên thú, 2/A Tu la Nhơn thú, 3/A Tu la Súc thú, 4/ A Tu la Quỷ thú. Do đó trong 4 loài nêu trên tất nhiên là có A Tu la, nên trong câu giảng này của Đức Thầy người ta nói có 5 loài chúng sanh là như thế.


(Chữ Thú thuật ngữ nhà Phật có nghĩa là: trụ xứ, đưa đến và ở lại. Chữ Thú dùng như chữ Đạo, thí dụ: Lục thú, hay Lục đạo …)


Tất nhiên là trong con người ta, trong tâm ta có đủ 6 loài chúng sanh là tùy theo chỗ sở niệm của mình. Thí dụ: trong khi ta nghĩ thiện thì đó là cảnh giới Thiên (Trời), khi ta nghĩ đến lẽ phải ở đời thì là cảnh giới Nhơn (Người), khi ta nghĩ đến việc đấu tranh thì là cảnh giới A Tu La (Thần), khi sân hận là súc sanh, tham lam là Ngạ quỷ, Mê si là Địa ngục … Nghĩa là 6 nẻo luân hồi liên tục thay đổi trong tâm của chúng ta chẳng dứt. Mặc dù vậy, song muốn biết thì phải lắng lòng buồng bỏ tất cả việc bên ngoài và xem lại lòng mình. Lúc đó, ta sẽ thấy là lục đạo và luân hồi trong lòng ta liên tục hiện lên một cách rõ ràng.


Trở lại vấn đề. Ở đoạn giảng trên Đức Thầy nhằm giới thiệu công năng rộng độ chúng sinh của pháp môn Tịnh Độ, nhưng nói có 5 loài (trong 6 loài) được vãng sanh chính là ở chỗ 5 loài chúng sinh này mới có thể tu tập (Niệm Phật) được, còn Địa ngục thì không thể tu tập nên không ghép vào danh sách được vãng sanh của loại chúng sanh này. Đây chính là những vấn đề cụ thể có thật mà trong kinh điển nhà Phật cũng đã có nói đến.


Mặt khác Đức Thầy có dạy:


“Còn phương pháp niệm Phật là để trừ cái vọng niệm của chúng sanh, vì trong tâm của chúng sanh niệm niệm mê lầm chẳng dứt; vì cái vọng niệm về việc thế trần ấy mà không cho cõi lòng an lạc, phiền não ngăn che, chơn tâm mờ ám. Nên nay, hễ thành tâm niệm Phật thì nếu được một niệm Phật ắt lìa được một niệm chúng sanh, mà niệm niệm Phật thì lìa tất cả niệm chúng sanh. Cho đến khi nhứt tâm bất loạn, chừng ấy vọng niệm chúng sanh đã dứt thì lòng ham muốn và các tình dục còn đâu mà nảy sanh ra được?”


“Nên niệm Phật là niệm cái bản lai thanh tịnh của Phật cho lòng của mình nương theo đó mà được thanh tịnh và chẳng còn trược nhiễm trần ai”


Phương Pháp Tịnh Độ của Đức Thầy dạy là Niệm Phật để diệt vọng niệm chúng sanh, để cho tâm được thanh tịnh, cũng tức là chuyển hóa “niệm phàm” thành “niệm Phật” mà khi ta thực hiện thành công thì sẽ đưa “sáu anh chúng sanh ở trong tâm ta cũng được về nơi an dưỡng quốc”. Bởi vì: “Chừng ấy vọng niệm chúng sanh đã dứt” tức là chúng ta đã được chứng đắc, góp phần thực hiện bản nguyện của Đức Thầy được thành công, bởi vì:


“Ước trăm họ nhẹ mình có cánh,

Đồng bay về Cực Lạc một đàng”.


Pháp môn Tịnh Độ ngoài trì niệm hồng danh để được chứng đắc trong hiện tại và vãng sanh khi lâm chung, nếu nhà đạo thực hành thêm các công hạnh sau đây thì cũng sẽ góp thêm một phần cho công hạnh đại thừa mà sớm được chứng đắc: “Vậy ta niệm Phật, phải biết đại đức của chư Phật và làm sao cho ta có thể đắc được bốn đức ấy” (có phải là quán tứ vô lượng tâm không?) và “Cần tu thập thiện thì sự niệm mới có hiệu quả. Tu thập thiện, dứt được thập ác (cũng gọi là tịnh tam nghiệp).


Đây quả thật là chỗ cao siêu của Pháp môn Tịnh độ (niệm Phật),  thiết nghĩ chúng ta cần nên cố gắng để “được chứng quả như Ngài”.


Phù Vân

Tập chí hương sen số 27

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn