“Tâm trần tục còn phân nhân ngã”

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3737 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Dẫu biết “hữu thân hữu khổ” nhưng có được thân người là điều quan trọng, bởi có thân mới có tri, có hành và có tri hành (sinh hoạt), mới có Quốc gia xã hội. Cho nên quan niệm người xưa cho là “nhân thân nan đắc”.


Tuy nhiên, thân phàm chúng sanh –theo quan niệm của nhà Phật- không có gì là thật, là bền chắc, bởi “thân vô thường tạm mượn do tứ đại hiệp thành”, cùng tất cả vạn vật đều là giả danh, giả tướng, mà chúng ta cứ mãi phân chia nhơn ngã. Điều nầy được Đức Tôn Sư khai thị:


“Tâm trần tục còn phân nhơn ngã

Thì làm sao thoát được luân hồi”


Trong nhận thức của một tại gia cư sĩ cầu học, chúng ta cùng tìm hiểu xem “Tâm trần tục” là gì? “Nhơn ngã”  như thế nào? Và ý nghĩa của “thoát được luân hồi” ra sao.


- Tâm trần tục: là tâm phàm của chúng sanh, do mê đắm danh lợi tình nên bị nhiễm ô, u tối a dua theo cõi đời thống khổ, nhuốc nhơ, giả tạm.


- Nhơn ngã: Nhơn là tướng người; ngã là tướng ta.


Nhơn ngã là hai trong bốn tướng mà Phật khai thị cho hàng Bồ Tát trong Kinh Kim Cang như vầy: “Nhược Bồ Tát hữu nhân tướng, ngã tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng tức phi Bồ Tát” (Nếu bậc Bồ Tát còn khởi tâm tướng người, tướng ta, tướng có chúng sanh để độ, tướng có chúng sanh để được độ, tức không phải là Bồ Tát).


Thế nên, tướng nhân, tướng ngã trong tánh phàm phu là thô vọng của tâm si mê, khởi phân biệt có ta, có người. Giữa ta người cách biệt phân chia, nên làm đầu mối cho đấu tranh, giành xé, giằng co biện biệt, thương ghét, phiền não, khổ đau …


- Luân hồi: Luân là bánh xe. Hồi là trở lại.


Luân hồi là sự quay chuyển linh hồn từ kiếp nầy đến kiếp khác, nó tùy theo nghiệp lực mà chuyển xoay thọ báo quay vòng trong ba cõi, sáu đường..


Như vậy, “thoát khỏi luân hồi” là vượt ra ngoài vòng tội nghiệp, là không còn thọ lãnh nghiệp báo lăn lộn trong ba cõi, sáu đường.


“Tâm trần tục còn phân nhơn ngã” là một pháp phá chấp được Đức Thầy khai thị để chúng ta phá tan bảo thủ, cái tâm chỉ biết mình không biết đến ai, dựng nên thành lũy tham đắm đấu tranh kiên cố, mới có sanh, lão, bệnh, tử là nguồn cội của nghiệp quả luân hồi.


Người có tính bảo thủ ví như tính gia trưởng, cũng là “căn bệnh” cần “chữa trị”. Người chồng, người cha độc quyền trong gia đình thì mang tính gia trưởng, còn người luôn cho phát biểu của mình là đúng (dù sai) và không muốn tiếp thu, công nhận ý kiến đóng góp xây dựng của người khác (dù đúng) thì đó là tính bảo thủ. Tính cố chấp, bảo thủ sai lầm trong ý nghĩ dẫn đến tác hại trong việc làm, đến khi thấy được tác hại (không giúp cho mình tiến bộ và hoàn thành tốt công việc) thì đã muộn, cho dù tự bản thân người đó có nhận thức ra sai lầm của mình.


Hơn nữa, vì bảo thủ mà chúng ta cho thân này là thật, là quan trọng, nên cứ bám víu, kẹt chặt vào những ham muốn, ưa thích mới sanh ra tâm phân biệt của ta, của người, cái của ta, cái của người. Nên có câu rằng “còn thân là còn tất cả”, đó chính là đầu mối cho sự tạo nghiệp. Những nghiệp dữ như sát sanh, đạo tặc, tà dâm đều khởi nguồn từ nơi thân và ý tham dục mà ra. Lại nữa, biết bao ác nghiệp khác cũng vì cưng chiều yêu thích cái thân mà nên: Thân thích gì thì chiều nấy, thân chán gì thì tránh nấy, bao tham, sân, si, vọng, ỷ ngôn, ác khẩu, lưỡng thiệt … cũng đều do dung dưỡng xác thân tạo thành và làm cho con người mỗi lúc dày thêm tội lỗi trong vòng quay của bánh xe luân hồi.


Theo quan niệm Phật giáo, thì bảo thủ có bốn là dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ, cũng gọi là chấp thủ, và là chi thứ chín trong thập nhị nhân duyên. Bảo thủ là bám chặt vào những gì con người ham muốn. Cũng ví như đang khát mà uống nước muối thì chỉ làm tăng thêm cơn khát. Nếu gặp cảnh tốt thì tham cầu bám giữ, còn gặp cảnh xấu thì phát sinh sân hận để lìa bỏ. Vì mãi bám chặt vào cái ảo ảnh như là có, “mà gìn giữ chặt chịa thì mới có sống, nếu không, làm sao mà ta sống được, nên gọi là hữu”. Hữu gồm ba: dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu còn gọi là tam hữu. Đời nầy chính mình tạo ra nhân lành hay nhân dữ thì đời sau phải chịu quả vui hay khổ mà mình phải thọ lãnh. Vì thế hữu được hiểu là cái sinh khởi và cái làm điều kiện cho cái khác sinh khởi. Vì làm điều kiện cho cái khác sinh khởi nên hữu, chính là nghiệp của thiện hay bất thiện dùng để tạo dựng kiếp sống ở đời sau. Do đó hữu tạo điều kiện cho sự tái sinh của con người ở kiếp sau.


Như vậy, nếu chúng ta còn tâm phân biệt giữa ta với người là còn chấp thủ (tính bảo thủ), mà trong thập nhị nhơn duyên thì “bảo thủ sanh hữu, hữu sanh sanh, sanh sanh lão tử” tức là còn luân hồi chuyển kiếp.


Để giải trừ nó, Đức Phật đưa ra pháp “Ngũ đình tâm quán” trong đó có pháp “Quán thân bất tịnh”. Điều nầy được Đức Thầy giảng giải tận tuờng: “Trong khi các trò còn ở trong biển mê, sông khổ, thường bị những chướng nghiệp nhiều đời làm cho linh hồn chìm đắm trong ba cõi sáu đường, xuống xuống lên lên, luân hồi chuyển kiếp, ấy cũng tại bởi mê lầm của lục căn mà say đắm lục trần; ý thức lầm lạc ấy khiến các trò nhận thấy cái thân ô trược nầy là thật. Nào hay thân vô thường tạm mượn do tứ đại hiệp thành. Cuộc phú quí tựa như đám phù vân, cái sắc nước hương trời ấy của các trò có khác chi cành hoa sớm nở chiều tàn, không chi bền chắc, còn tội chướng thì linh hồn phải chịu luân chuyển báo đền”.


Từ chỗ “quán thân bất tịnh” hành giả mới biết tri thân là “tạm mượn do tứ đại hiệp thành” không có chi là chắc thật. Để hành được điều đó, chúng ta phải hiểu rõ lý vô thường, vô ngã và lẽ sắc không của nhà Phật đó là phá chấp, mà muốn phá chấp thì hành giả phải học cho được ý nghĩa của lý chân không.


Theo quy luật vô thuờng “thành, trụ, hoại, không” thì mọi vật chất đều biến đổi theo thời gian. Điều nầy được Đức Thầy minh định: “Trên dương thế hữu hình tắc hoại” nên ta “hãy tìm kiếm cái không mới có”.


Chữ không trong đạo Phật, có ý nghĩa vô cùng thâm sâu huyền diệu. Chúng ta không nhận rõ lẽ chơn không là do vô minh che mờ tâm trí, nhận ngụy làm chơn, cho cái giả là thật, chấp không làm có. Rồi ra sức bảo vệ cái mình đã có và tìm mọi phương chước chiếm đoạt cái của người. Thấy người hơn ta thì thù ghét, thấy người thua ta thì khinh khi, nhạo báng … dẫn đến hệ luỵ là nhỏ thì xâu xé giành giựt, rẽ chia xích mích. Lớn thì thù hằn hãm hại, chiến tranh tàn sát. Những cái ấy càng ngày càng khiến con người lún sâu vào phiền não, khổ đau. Tất cả những điều đó đều do tâm chấp có mà ra. Nếu ta thấu hiểu rõ được cái diệu mầu của lý chơn không, thì những điều phiền não khổ đau sẽ biến mất.


Chữ không trong đạo Phật tạm chia làm hai: ngoại cảnh và nội tâm.


- Về ngoại cảnh: Phàm hết thảy những gì không thường tại, không có thật, bởi sự hòa hợp, sự tạo tác, sự sai biệt mà sinh ra, thì gọi là ngoại không (tức ngoại cảnh).


Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là hạng tại gia cư sĩ, hành giáo pháp học Phật tu Nhân, còn phải lo bổn phận với gia đình, với đất nước, với đồng bào và nhơn loại chúng sanh, chúng ta phải tập thói quen với cuộc sống bình dị giản đơn để mới có thể chuẩn bị một tinh thần thoát tục. Nếu gần đời rồi mê mải theo đời, đắm đuối với lợi danh giả cảnh, thì bao giờ mới tiến gần được đạo.


Cho nên về phương thức thờ cúng Đức Thầy dạy: “… nên thờ đơn giản cho lòng tín ngưỡng trở lại tâm hồn hơn là sự hào nhoáng bề ngoài”. “Về cách cúng Phật, chỉ nên cúng nước lạnh, bông hoa và nhang thôi. Nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn nhang, dùng đặng bán mùi uế trược”.


Và trong trường hợp giản dị tối đa thì hành giả chỉ cầu nguyện và vái trong tâm thôi cũng được. Ngài còn dạy dẹp bỏ những trò dị đoan, mê tín:

“Bỏ dị đoan mới thấy đạo mầu

Bớt giả dối gặp người thượng cổ”


Và nhất là quay trở về với bản tâm thanh tịnh, vì có câu: “Tâm tức Phật, Phật tức tâm”, mà đạo có đắc là do tâm chứ không phải do tướng:

“Tu không cần lạy cần quì

Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau”


- Về nội tâm: Không có hình tướng thuộc về “tâm”. Phàm tất cả những gì yên lặng, thông suốt, không vướng bận, không thay đổi, không bợn nhơ, thì gọi là nội không (tức nội tâm).


Trong Kinh Đại Phạm Thích Vấn Phật Quyết Nghi chép:


Thuở Đức Phật Thích Ca đang ở trên Pháp hội Linh Sơn, có vị Đại Phạm Thiên (Mahàbrahman: cõi trời thứ ba trong sơ thiền) đến dâng đoá sen sắc vàng, cầu thỉnh Phật thuyết pháp. Phật chỉ đưa tay ra cầm lấy hoa sen rồi lặng thinh không nói lời nào. Các vị Bồ tát, Thinh Văn  cùng đại chúng đồng có mặt tại Pháp hội không ai hiểu ý Phật, nên tất cả đều êm lặng. Duy chỉ riêng Ngài Ma Ha Ca Diếp thì mỉm cười. Phật liền dạy: “Ta có Chánh Pháp Nhãn tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, nay phó thác cho ông Ma Ha Ca Diếp”.


“Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm” tức là vô vi pháp, một pháp môn duy nhất do chính Đức Phật Thích Ca dùng “tâm” truyền đến “tâm” (dĩ tâm vi tâm).


Ngày nay Đức Thầy truyền lại cho tất cả chúng ta:

“Đạo vô vi của Phật ân cần

Nối theo chí Thích Ca ngày trước”


Và:

“Mài gươm trí cho tinh cho khiết

Dứt tâm trần kiếm chữ sắc không”

Bởi cái tâm điều hành mọi việc. Tất cả đều do tâm sanh:

“Địa ngục cũng tại tâm làm quấy

Về thiên đàng tâm ấy tạo ra

Cái chữ tâm mà Quỉ hay Ma

Tiên hay Phật cũng là tại nó”


Kinh Kim Cang có chép: “Sở vị Phật Pháp giả, tức phi Phật Pháp, thị vị Phật Pháp” (Cái gọi là Phật Pháp, tức chẳng phải Phật Pháp, nên gọi là Phật Pháp), đó chính là cái bản thể diệu huyền của Phật Pháp, và Đức Tôn Sư đã dạy:

“Vô pháp tướng mới là thiệt tướng”.


Mọi vật hữu hình rồi phải tan rã, tất cả đều là giả danh, giả tướng, là không thật, hành giả chớ nên chấp trước. Phải dùng tâm trí biết tri “Dốc tầm đường phóng giải cho thân tâm”, diệt bỏ những vọng tưởng, tà tâm, tìm về với bản lai thanh tịnh vốn thường hằng trong mỗi chúng ta. Đức Thầy dạy:

“Định thần dẹp hết tà tâm

Huờn lai bổn tánh Thần khâm Quỉ  nhường”


 Tóm lại, tâm chấp trước, phân biệt của ta, của người là tâm trần tục chúng sanh. Để vượt thoát những chấp trước mê lầm, phải phá tan bảo thủ mới thoát khỏi sanh tử luân hồi.


Chúng ta phải hành theo lời Phật dạy là “phải khai ngộ cho được thân tâm”, học hiểu rõ lý vô thường, vô ngã, và lẽ sắc không để phá chấp, hành giả muốn phá chấp phải biết ý nghĩa của lý chân không trong nhà Phật, tức là hướng về tâm:

“Phá ngũ uẩn rứt lần tham ái

Cội sân si cũng phải tảo trừ

Đem về giác tánh chơn như

Kim thân thị hiện dứt trừ tử sanh”


Nhân Huệ

Tạp chí Hương Sen số 27

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn