Thuyền giác

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3152 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

“Diệt mê si phải nương thuyền giác”
(Lời của Đức Huỳnh Giáo Chủ )


Thuyền giác hay thuyền bát nhã là những từ ngữ mà Đức Thầy thường dùng trong thi văn giáo lý. Nói đến chữ thuyền, người ta thường nghĩ đến phương tiện thủy dùng để vận chuyển vật dụng, còn chữ giác mang ý nghĩa sâu sắc hơn, đó là khả năng nhận hiểu đánh giá chính xác một sự vật một hiện tượng. Hai chữ thuyền giác ghép chung lại với nhau thành một thuật ngữ chỉ cho trí huệ, là năng lực hiểu biết, nhận xét đánh giá chính xác một sự vật một hiện tượng từ hình tướng bên ngoài đến những sự trừu tượng của nội tâm.


Trí huệ có hai loại: một là trí huệ của chúng sanh, hai là trí huệ của các bậc giải thoát.


Trong vũ trụ này, vạn vật muôn màu muôn vẻ, sự thấy biết của chúng sanh cũng có khác nhau, nên mới có kẻ ngu người trí. Kẻ ngu thấy sự việc theo cảm tính, nhận xét sự việc theo bản ngã cố chấp nên thường không đúng với bản chất của sự việc. Người trí, thường là những người học cao, có quá trình trải nghiệm trong cuộc sống, họ thường ít sai lạc khi đánh giá điều gì Thế nên trí huệ của con người thế gian là sự thấy biết sự vật được trải qua quá trình học tập, nên người Trung Hoa gọi là trí huệ hữu sư, nghĩa là có Thầy dạy mới biết.


Trái lại, trí huệ của các bậc giác ngộ, là trí huệ hàm tàng mầu nhiệm, sự thấy biết chính xác vượt xa trí huệ thế gian, vượt cả không gian và thời gian. Khi còn hiện tiền, Đức Phật đã cho biết, những điều mà Ngài dạy cho chúng sanh chỉ là nắm lá trên tay, còn những điều mà Ngài biết là cả một rừng cây. Trí huệ xuất thế gian này, sẳn có trong mỗi chúng sanh, không cần phải học, không cần phải tiếp thu từ bên ngoài nên gọi là trí huệ vô sư. Một khi có được trí huệ đó rồi thì sẽ thấu rõ cơ huyền của trời đất, biết rõ các qui luật tự nhiên của vũ trụ vạn vật, không còn bị kẹt trong sanh tử luân hồi. Đây là loại trí huệ mà các nhà tu hành cần học hiểu và hành (Văn, Tư, Tu) để đạt đến.


Đức Thầy đã dạy:


“Nếu ai mà biết chữ tu trì
Tâm bình tịnh được thì phát huệ”


Hay: “Tu với tỉnh biết làm chẳng khó
Nếu lặng tâm tỏ ngộ đạo mầu”


Hoặc: “Tu hành nào luận mặn chay
Miễn tâm thanh tịnh gặp ngày an cư”


Qua những lời dạy trên cho thấy, chìa khóa để có được trí huệ giác ngộ, để mở được cánh cửa tâm linh này chính là tâm phải lặng, phải bình tịnh. Để có được tâm lặng, tâm bình tịnh trong giáo lý Phật giáo Hòa Hảo, Đức Thầy đã dạy rất nhiều phương pháp, xin được trích dẫn một số phương pháp chính yếu:


Thứ nhất: Phương pháp diệt vô minh (vô minh chính là mê si).


Trong bài: “Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ” Đức Thầy đã dạy: “Người học Đạo muốn mở mang trí huệ cần phải tìm phương pháp diệt cái vô minh (tối tăm ngu muội). Muốn diệt cái vô minh, trước phải điêu luyện khối tinh thần cho mạnh mẽ, đặng tự lập con đường rõ ràng, duy nhất của mối Đạo mình đang học để lấy đó làm cương mục mà bài trừ những thành kiến, cố chấp, thói quen, sự chần chờ, lòng ham muốn, tánh kiêu ngạo, tật đố, gièm siểm, dua nịnh, ích kỷ tư tâm, sự gây gổ, mê đắm trong bể dục tình và sự phiền não nó làm cho náo loạn cõi lòng. Nên trừ được nó rồi trí huệ tất mở mang vậy”.


Như vậy, muốn diệt vô minh để có được trí huệ xuất thế gian là phải diệt trừ cái ta, cái bản ngã (vì chấp ngã nên mới có thành kiến, cố chấp, thói quen, sự chần chờ, lòng ham muốn, tánh kiêu ngạo, tật đố, gièm siễm ích kỷ, dua nịnh, tư tâm), mà muốn diệt trừ cái bản ngã thì phải học và thực hành theo pháp vô ngã. Cách để đạt đến vô ngã là phải nhận thức, quán xét rõ ràng thấu triệt cho được: đời là vô thường, thân là vô thường và tâm sanh diệt là vô thường, chính bản ngã làm cho ta bị vô minh, bị sanh tử luân hồi. Đức Thầy đã khẳng định điều đó:


“Tâm trần tục còn phân nhân ngã
Thì làm sao thoát khỏi luân hồi”


Thứ hai: Tu theo Bát Chánh Đạo.


Là pháp tu rất quan trọng cho hạng người xuất gia lẫn tại gia. Đức Thầy đã dạy: “Đó là quyển kinh nhật tụng của những ai muốn thoát chốn mê đồ, tấn triển trên con đường giải thoát”. Bát Chánh Đạo là tám con đường chánh dẫn đến chỗ an định tâm, cho trí huệ được phát khai. Trong đời tu hành có học hiểu văn hóa, học hiểu Phật pháp để thấy được lẽ thật (Chánh kiến); suy nghĩ đúng theo bản chất của sự việc (Chánh tư duy); việc làm ngay thẳng công bình (Chánh nghiệp); lời nói đúng đắng hiền từ (Chánh ngữ); tin tưởng chân lý mãnh liệt (Chánh tinh tấn); thấy được xác thân không thật, trí huệ mới thật sự trường tồn (Chánh mạng); những tư tưởng khởi lên từ lòng mình lúc nào cũng chân chính (Chánh niệm); đạt được bảy điều chánh như vậy thì tâm sẽ thanh tịnh hoàn toàn (Chánh định), trí huệ giác ngộ sẽ phát khai, không còn kẹt trong sanh tử luân hồi. “ Khi ta dùng chánh định dẹp hết mọi sự phiền não buồn rầu, phá tan các làn sóng thị dục lôi kéo vào những nẽo tà, tâm ta chẳng còn xao động, trí ta tỏ rạng như trăng rằm, một màu sáng suốt, không nhiễm ô ngoại cảnh, dứt tuyệt hết sự phàm trần lần bước đi đến cõi giải thoát”.


Thứ ba: Phương pháp diệt lục căn.


Lục căn là sáu cái gốc sinh ra sự ham muốn làm tâm thức con người bị ô nhiễm (mắt nhiễm sắc, tai nhiễm thinh, mũi nhiễm hương, lưỡi nhiễm vị, thân nhiễm sự sung sướng) khi bị ô nhiễm một trong năm cái gốc ấy, tâm sẽ khởi lên ý thức, chính ý thức dẫn con người đi trong sanh diệt, trong sanh tử luân hồi, điều này Đức Thầy đã dạy:


“Nhãn thấy sắc thường hay bận bịu
Tai ưa nghe những điệu âm thinh
Mắt với tai đều chọn đẹp xinh
Còn lỗ mũi ưa mùi êm dịu
Đồ thơm tho nó ưa nó chịu
Chốn xạ hương hay lết lại gần
Lưỡi ưa ngon là chuyện ân cần
Đồ ngọt béo nó ưa nó mến
Thân tham sướng muốn tiền của đến
Đặng an xài cho phỉ tấm tình
Ý thì ưa sửa sắc soi hình
Với chức phận cho cao cho quý
Sáu đường ấy ở trong tâm ý
Ta mau mau dứt nó cho rồi
Nếu tỉnh tâm nào có mấy hồi
Mượn trí đạo đuổi ra khỏi xác
Dứt được nó ấy là giải thoát”

(Giác Mê Tâm Kệ)


Như vậy, khi lục căn đối với lục trần không để khởi lục thức ấy là tâm thanh tịnh, trí huệ giải thoát sẽ hiện bày, không còn bị sanh tử chi phối.


Thứ tư: Phương pháp niệm Phật.


Phương pháp niệm Phật ngoài việc khi lâm chung linh hồn được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn, được vãng sanh về cõi Cực lạc, còn là phương pháp diệt vọng niệm để tâm thanh tịnh, trí huệ xuất thế gian phát khai.


Người niệm Phật, ban đầu còn vọng niệm xen tạp giữa những câu Phật hiệu, niệm liên tục lâu dài sẽ không còn vọng niệm, tức đạt đến nhất tâm bất loạn, tuy tâm không loạn động nhưng còn câu lục tự A Di Đà, tiếp tục niệm đến vô niệm mà tâm vẫn như như, tức tâm thanh tịnh, trí huệ giác ngộ sẽ hiện bày. Điều này Đức Thầy dạy rõ: “Còn phương pháp niệm Phật là để diệt trừ cái vọng niệm của chúng sanh, vì trong tâm chúng sanh niệm niệm mê lầm chẳng dứt, vì cái vọng niệm về việc thế trần ấy mà không cho cõi lòng an lạc, phiền não ngăn che, chơn tâm mờ ám. Nên nay hễ thành tâm niệm Phật thì nếu được một niệm Phật ắt lìa được một niệm chúng sanh, mà niệm Phật thì lìa tất cả niệm chúng sanh. Cho đến khi nhất tâm bất loạn, chừng ấy vọng niệm chúng sanh đã dứt thì lòng ham muốn và các tình dục còn đâu mà nảy sanh ra được?


Nên niệm Phật là niệm cái bản lai thanh tịnh của Phật cho lòng của mình nương theo đó mà được thanh tịnh chẳng còn trược nhiễm trần ai” (Chư Phật có bốn đại đức).


Tóm lại, thuyền bát nhã (thuyền giác) là năng lực của trí huệ xuất thế gian, có khả năng cắt đứt mọi vô minh phiền não, đạt đến cảnh giới bất sanh, bất diệt (Niết bàn) mà tất cả mọi người tu Phật cần đạt đến.


L.M.C

Tạp chí Hương Sen số 23

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn