Tìm hiểu ý nghĩa câu giảng của Đức Thầy “Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng hành”

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 5351 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Tìm hiểu ý nghĩa câu giảng của Đức Thầy “Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng hành”Kinh Đại Tập ghi: “Thời mạt pháp, ức ức người tu hành, hiếm có một người đắc đạo, chỉ y theo pháp môn niệm Phật mà ra khỏi sanh tử luân hồi”.Cách hơn hai ngàn năm sau, tại miền tây nam nước Việt, Đức Thầy lâm phàm khai đạo. Nhằm thức tỉnh mọi căn cơ cùng quy hướng Tịnh độ, Ngài đã hạ bút biến tư tưởng tịnh độ thành những dòng thi hết sức mượt mà:


“Lòng thương chúng thuyết phương tịnh độ
Đặng dắt dìu tất cả chúng sanh
Nếu như ai cố chí làm lành
Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc
Cả vũ trụ khắp cùng vạn vật
Dầu Tiên, phàm, ma quỷ súc sanh
Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng hành,
Được cứu cánh về nơi an dưỡng.
Chỉ một kiếp Tây phương hồi hướng
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”.


“Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng hành” là câu trọng tâm của đoạn thi giảng vừa trích dẫn ở trên. Và cũng chính nơi đây, Đức Thầy đã ký thác chủ ý sâu xa của Ngài về pháp tu Tịnh độ.


Vậy Tín, Nguyện, Hành là gì?


Đồng đạo nào từng nghiền ngẫm bộ Sấm giảng Thi văn của Đức Thầy cùng tham cứu các Kinh, Luận tịnh độ, tất quán triệt đầy đủ ý nghĩa ba thuật ngữ này. Ở đây chỉ xin giải sơ lược.


“Tín” là tin, là đoạn trừ hết thảy ngờ vực. Lòng tin ấy phải phát xuất từ lý trí, nếu không, sẽ trở thành mê tín (tin mù quáng).


Tin điều gì? Tin tất cả các kinh Tịnh độ do kim khẩu của đức Bổn sư Thích Ca thuyết là hoàn toàn chân thực, không hề hư dối. Niềm tin này là tiền đề đưa chúng ta đến những niềm tin sau đây: tin thật sự có cõi Tây phương Cực lạc cách thế giới chúng ta đang ở là mười muôn ức cõi Phật (1), tin rằng chúng ta sanh cõi ấy, không có những khổ, chỉ hưởng những sự vui, nên gọi là Cực lạc (“Tịnh độ vui, Tịnh độ nhàn vui”, “Về Cực Lạc mới là hết khổ”), tin 48 phát nguyện của Phật A Di Đà lúc Ngài còn tu Bồ tát hạnh, đã trở thành hiện thực, và tiếp tục được phát huy, tin ai xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, phát nguyện sanh về cõi Cực lạc của Ngài, đều được Ngài tiếp dẫn, tin hành giả nào niệm Phật, một khi được sanh về Cực lạc rồi, sẽ tiến tu thẳng đến quả vị Như lai, không còn sợ bị thối chuyển như tu các pháp môn khác, tin rằng niệm Phật A Di Đà cũng chính là “niệm cái bản lai thanh tịnh của Phật”, hay niệm cái Phật tánh sẵn có của mình.


Nhưng Tin mà chẳng Nguyện là tin suông, chưa phải tin sâu (thâm tín).


“Nguyện” là gì? Nguyện là điều mong mỏi. Điều mong mỏi có trở thành hiện thực hay không tùy thuộc một trong hai nhân tố sau đây quyết định.


a). Nhân tố tự lực: điều mong mỏi mà kết quả do nhân tố tự lực (hay chủ thể) quyết định, gọi là thệ nguyện. Thệ nguyện có Tổng nguyện và Biệt nguyện. Tổng nguyện là nguyện chung cho các nhà tu học như Trí Hoằng, thệ nguyện của các nhà tu học Đại thừa… Biệt nguyện là nguyện riêng của mỗi vị quyết định thành Phật và độ chúng sanh, như Phật A Di Đà phát 48 bổn nguyện, Ngài Phổ Hiền Bồ tát phát 10 điều nguyện… (PHTĐ – Đoàn Trung Còn).


Đức Thầy từng thệ nguyện:


“Thương trần ta cũng rán thề,
Đặng cho bá tánh liệu bề tu thân.
Tu hành chẳng được đức ân,
Thì ta chẳng phải xác thân người đời”.


b). Nhân tố tha lực: điều mong mỏi mà kết quả do nhân tố tha lực (hay khách thể) quyết định, gọi là nguyện cầu; là lòng chí thành, thiết tha cầu sanh Cực Lạc, trông cậy sự tiếp dẫn của Phật A Di Đà.


Nguyện cầu cũng chia ra Biệt nguyện cầu và Tổng nguyện cầu. Biệt nguyện cầu nhằm nguyện riêng mỗi cá thể, như bài “Cách cầu nguyện cho người chết”). Tổng nguyện cầu là nguyện chung cho chúng sanh trong pháp giới như 5 điều nguyện trong bài Quy y. Thệ nguyện cùng nguyện cầu gọi chung là Sở nguyện.


Sở nguyện của người tu Tịnh độ là Sở nguyện Tịnh độ.


Sở nguyện Tịnh độ gồm 6 điều:


“1. Nguyện bỏ hết thảy các phiền não tham, sân, si, nhứt tâm cầu sinh Cực lạc.


2. Nguyện từ nay trở đi vĩnh viễn chẳng khởi các ác nghiệp để khỏi đọa vào tam ác đạo, cầu sanh Cực lạc.


3. Nguyện bao nhiêu thiện nghiệp đã tạo chẳng cầu sinh trong cõi Trời, Người thọ hưởng phú quý, chuyên tâm nhất ý hồi hướng nguyện cầu vãng sanh Cực lạc.


4. Nguyện dù gặp phải tai nạn, nghịch cảnh, bệnh khổ đến thế nào đi nữa, trọn chẳng thay đổi tấm lòng niệm Phật.


5. Nguyện bao nhiêu công đức do trì giới, bố thí, tụng kinh, lễ Phật… đều hồi hướng về Tịnh độ, để làm trợ duyên cho việc vãng sanh.


6. Nguyện pháp giới hết thảy chúng sanh cùng phát tâm niệm Phật cùng sinh Cực Lạc.” (Di Đà Hợp Giải – Như Hòa dịch, tr 44-45)


Ý thức tầm quan trọng của phát nguyện, trong tác phẩm Liên Trì Cảnh Sách, Châu Hoằng đại sư, Tổ thứ 8 Tịnh tông, đã khuyến cáo: “Phát nguyện là việc làm hết sức quan trọng. Vì thế, trong Kinh Di Đà, Đức Phật tận tình nhiều lần căn dặn chúng ta “cần phải phát nguyện”, kinh nói rằng: “Này Xá Lợi Phất, chúng sanh nghe đó cần phải phát nguyện, nguyện sinh về cõi nước kia”. “Nếu có chúng sinh được lời này, cần phải phát nguyện sinh về nước kia”. “Các thiện nam cùng người thiện nữ, nếu có lòng tin cần phải phát nguyện, nguyện sinh về nước kia”. Nơi mỗi đoạn trong kinh Di Đà, Đức Thế Tôn đều liên tiếp ba lần dạy bảo chúng ta “cần phải phát nguyện”. Có thể thấy rõ tầm phát nguyện quan trọng biết bao”.


Do vậy, người tu niệm Phật đừng bao giờ quên phát nguyện cầu sinh Cực lạc. Nếu niệm để niệm mà không cầu sinh, niệm đến cuối đời, vãng sinh cũng khó được, vì không hạp bổn nguyện của Phật (2). Ví như ông A kêu réo ông B, dù có kêu đến rát cổ họng, ông B có nghe cũng không đến, vì ông A có lên tiếng yêu cầu ông B đến giúp điều gì đâu. Có lẽ thấy rõ khuyết điểm này của phần đông người tu Tịnh độ, đại sư Ấn Quang, Tổ thứ 13 Tịnh tông, thốt lời than:


“Ngày nay, người niệm Phật thì nhiều mà người biết tu Tịnh độ thì rất ít, bởi người niệm Phật thiếu Tín - Nguyện”.


Về phát nguyện (hay nguyện cầu) vãng sanh, Đức Thầy dạy hai bài: bài “Cách cầu nguyện cho người chết” và bài 5 điều nguyện (hay ngũ nguyện cầu) thể hiện phần cuối bài quy y, tức bài “Bài nguyện trước bàn thờ Phật” .


Trên là những điều nguyện chân thiết. Nhưng Nguyện mà chẳng Hành thì chẳng thành tựu sự Nguyện. Hoặc ngược lại, Hành mà chẳng Nguyện thì chẳng thành tựu sự Hành (hành luống công vô ích), khác nào chèo thuyền không hề định trước bến đỗ.


“Hành” là gì? Hành ở đây là thực hành pháp môn niệm Phật bằng cách trì danh niệm Phật. Trì danh niệm Phật là nhớ tưởng Phật bằng cách xưng niệm thầm sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật. “Nam Mô A Di Đà Phật” có nghĩa là “Quy y kỉnh lễ đấng giác ngộ Vô Lượng”. Vì vậy, trong mỗi câu xưng niệm, hành giả nên hết lòng cung kính và tin tưởng tuyệt đối nơi Đức Phật để được cứu độ.


Về trì danh niệm Phật, Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nhiếp cả 6 căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc tam ma địa là bậc nhất”; hoặc như Kinh Di Đà chỉ rõ: “Nắm giữ danh hiệu, một ngày, hai ngày, cho đến bảy ngày nhất tâm không loạn”; hay Đức Thầy khuyên nhắc: “Nam Mô A Di Đà Phật, sáu chữ đi, đứng, nằm, ngồi, rán niệm chớ quên, không đợi gì thời khắc”.


Thực hành như thế là thực hành chuyên nhứt.


Tương quan giữa Tín - Nguyện - Hành là tương quan tất yếu. “Bởi vì hễ không có Nguyện và Hành, thì chẳng được gọi là chân Tín. Hễ không có Hành và Tín, chẳng được gọi là chân Nguyện. Hễ không có Tín và Nguyện, chẳng được gọi là chân Hành... Cho nên nói mỗi một tiếng niệm Phật tiếng nào cũng phải đủ cả ba: Tín, Nguyện và Hành”. (Kinh A Di Đà yếu giải, Tuệ Nhuận dịch, tr 135).


Tín, Nguyện, Hành của Tịnh môn được cổ nhân ví như 3 chân của một cái đãnh: thiếu một, đãnh sẽ đổ ngã, tịnh nghiệp cũng bất thành.


Song, Tín - Nguyện - Hành chỉ mới là điều kiện cần; để pháp tu thành tựu viên mãn, cần bổ trợ một điều kiện nữa, đó là yếu tố nhứt tâm. “Nhứt tâm” là gì? Hiểu cách thông thường, nhứt tâm là một lòng, một ý. Trong giáo lý Phật Đà, thuật ngữ “nhứt tâm” thể hiện một sự tập trung tinh thần cao độ trước đối tượng duy nhất vốn có quan hệ đến sự giải thoát của kiếp người. Ngoài đối tượng đó ra, không để tâm bất cứ vấn đề nào khác, nhứt tâm cũng có nghĩa là chuyên nhứt.


Trong Tịnh độ có nhứt tâm Tín, nhứt tâm Nguyện, nhứt tâm Hành. Nhứt tâm là nền tảng của pháp môn Tịnh độ. Nếu Tín - Nguyện - Hành được ví như 3 chân của một cái đãnh thì “nhứt tâm” được ví như cái mặt bàn để cái đãnh tựa lên trên.


Do thế, niệm Phật cần yếu phải nhứt tâm. Niệm Phật thiếu nhứt tâm (tức không nhiếp cả sáu căn) thì làm sao đắc Tam ma địa (Chánh định) như huấn chỉ Bồ tát Đại Thế Chí trình bày trong kinh Lăng Nghiêm.


Niệm Phật thiếu nhứt tâm (tức thiếu chuyên nhứt từ một đến bảy ngày) thì làm sao đạt “nhứt tâm không loạn” như kim khẩu Đức Thích Ca khai thị trong kinh A Di Đà. Đức Thầy khuyến huấn đồ chúng khi niệm Phật hãy kết hợp yếu tố nhứt tâm – một mục tiêu của pháp tu Thiền: “Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng hành”.


Sự minh định này cũng có cơ sở, bởi ngay trong kinh Đại Tập, Đức Thích Ca khẳng định: “Người nào niệm A Di Đà chính là Vô thượng thâm diệu thiền” (Liên Tông Thập Tam Tổ - soạn giả: Thích Thiền Tâm, tr 73).


Hơn hai ngàn năm sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt, pháp môn Vô thượng thậm thâm này lại được Đức Thầy trùng tuyên qua bài kệ:


“Vô thượng thậm thâm dĩ ý truyền.
Danh ngôn chép để rạch đàng tiên,
Cư gia Tịnh độ tâm viên mãn,
Sĩ xuất văn từ dốc dạy khuyên.”


Như thế, tu niệm Phật cũng chính là Vô thượng thâm diệu (thiền). Một Thánh tăng cận đại, người Trung Hoa, là HT. Quảng Khâm (1893 - 1980) ghi nhận:


“Niệm Phật tới chỗ tâm định, thì tức là thiền. Nên nói:
Vừa thiền vừa Tịnh độ,
Mười người tu, mười người thành,
Có thiền không Tịnh độ,
Mười người tu, chín kẻ lạc đường”.
(HT. Quảng Khâm - Cẩm Nang Tu Đạo, tr 66)


Công hạnh niệm Phật từ dụng công tác ý đến vô dụng công vô tác ý sẽ hình thành tiếng niệm Phật tự động. Nghĩa là tiếng niệm Phật lúc nào cũng âm vang trong tạng thức. HT. Thích Minh Tuệ gọi chứng nghiệm này là Bất Niệm Tự Niệm (BNTN). Khi đạt BNTN, HT cảm xúc ghi lại: “Người đạt BNTN cảm thấy an lạc, mát mẻ, vui vẻ, hạnh phúc không tài nào diễn tả được, nên nói: uống nước nóng lạnh tự biết”. (Niệm Phật Bất Niệm Tự Niệm, tr 47).


Thế nên, sẽ là điều sai lầm nếu có ai trong hàng Phật tử nghĩ tu Tịnh độ không phát hiện cảm giác an lạc, tự tại như tu thiền. Được an lạc hay không là do công phu hành trì sâu hay cạn chứ nào phải do pháp môn tu!


Sở dĩ tịnh giả chưa cảm thấy an lạc bởi tự mình chưa chứng ngộ BNTN. Và khi biết mình chưa chứng BNTN, hành giả hãy nỗ lực tinh tấn hơn nữa. Kinh Vô Lượng Thọ, Đức Thích Ca có nhắc lại phát nguyện thứ 18 của Như Lai A Di Đà như sau:


“Nếu tôi được làm Phật, thì chúng sanh mười phương chí tâm tín lạc, muốn sanh về nước tôi, cho đến mười niệm mà chẳng sanh độ, xin chẳng giữ lấy ngôi Chánh giác. Chỉ trừ kẻ phạm năm tội nghịch(3), gièm chê chánh pháp”. Chỉ cần mười niệm, phút lâm chung, còn được Phật tiếp dẫn vãng sanh. Huống chi, người niệm Phật đạt BNTN - lúc nào cũng niệm - có lý nào Đức A Di Đà từ chối tiếp dẫn ư?


Chúng ta nên lưu ý, mười niệm được đề cập trong kinh thể hiện hai tiêu chí: Tín (chí tâm tín lạc) và Nguyện (muốn sanh về nước tôi). Thế nào được gọi một niệm hội đủ Tín - Nguyện? Ấn Quang Tổ sư dạy: “Trong sự niệm Phật, điều trọng yếu nhất là để liễu sanh thoát tử. Đã vì liễu sinh thoát tử thì với nỗi khổ Ta bà tự sinh tâm nhàm chán, với sự vui Tây phương, tự sanh tâm ưa thích. Như thế thì hai pháp Tín – Nguyện sẽ được đầy đủ trọn vẹn ngay trong khoảnh khoắc ấy. Rồi lại thêm chí thành, khẩn thiết