Tình thương và lòng từ bi

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3047 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Sống ở trên đời, muôn loài đều cần có tình thương.Tình thương làm cho con người gần gũi thân quen, thông cảm nhau hơn. Tình thương sẽ là tiếng đàn muôn điệu cao vút tuyệt vời khi phát triển thành lòng từ bi.


Tình thương thiêng liêng cao cả là tình yêu tổ quốc. Nặng tình với ân đất nước quê hương, dù phải xa vợ con và người thân, sống ở miền biên giới hay giữa trời nước mênh mông sóng gió bão bùng, bao hiểm nguy rình rập, các chiến sĩ ta anh dũng kiên cường bám biển, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc.


Lúc nhỏ ta không cảm nhận được sâu sắc tình cha mẹ. Lớn lên có gia đình thương con cháu ta mới thấy xót xa thương cảm nhớ ơn cha mẹ biết bao nhiêu!

 

“Lên non mới biết non cao.

Nuôi con mới biết công lao mẫu từ"

 

“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm búng,lưỡi lừa cá xương”.


Tình thương mẹ con dường như có sợi dây vô hình ràng buộc thần giao cách cảm. Như chuyên mẹ Tăng tử ở nhà cắn đứt ngón tay, Tăng tử đang đốn củi trong rừng thấy đau trong lòng nên về và nhận ra sự thật. Nghĩa mẹ bao la như vậy! Công cha thương con cũng cao vòi vọi như núi Thái Sơn.


Tình yêu giữa nam và nữ đã làm tốn nhiều giấy mực của các thi hào văn sĩ. Những vở tuồng Phạm Công Cúc Hoa,Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp, Nửa Đời Hương Phấn … đã làm rơi nước mắt của không biết bao nhiêu khán giả. Tình thương ấy dựa vào ý niệm tôi và của tôi, cho nên bản chất của nó là sự vướng mắc và sự phân biệt. Vướng mắc cho nên phải gánh chịu sầu đau và thất vọng mỗi khi bất trắc xảy ra. Phân biệt cho nên có thái độ kỳ thị, ghét bỏ đối với những người mình không thương. Tình thương sẽ thiếu chân thật khi ai đó đem tình yêu ra phân tích, tính toán. Người được thương cảm thấy tù túng, lệ thuộc mất tự do. Bất trắc xảy ra khi người thương bỗng lại mất đi .                                        

 

“Đoạn thứ sáu biệt ly cay đắng

Người mình thương bỗng lại chia lìa

Khi khóc than nước mắt đầm đìa

Lúc trông nhớ ruột tằm chua xót”.

Tính ích kỷ là nhân trói buộc đưa con người đến trầm luân sanh tử.


 “Đoạn thứ bảy khổ oan tắng hội

Hễ thương nhau tất có ghét nhau

Thường tranh đua tiếng thấp lời cao

           Chẳng nhẫn nhịn thành ra cừu oán”           

   

Bản chất thâm sâu của tình thương còn do tự thương chính mình mới thương người. Phu nhân Mạt Lợi trả lời với vua Ba Tư Nặc.


- Trên đời nầy đối tượng thần thiếp yêu thương nhất chính là tự thân mình. Nếu thần thiếp không thương thần thiếp, không làm tốt đẹp cho thần thiếp thì thần thiếp không thể nào thương yêu và phục vụ tốt cho bệ hạ được.        


Tình thương phải đi đôi với sự hiểu biết, thông cảm hoàn cảnh, những khó khăn của kẻ khác. Đó mới là tình thương chân thật.Tình thương và trách nhiệm là một song đôi không thể thiếu. Tình thương chân thật, ban vui cứu khổ cho muôn loài, không có một ý niệm mảy may vì mình, đó là lòng Từ bi . Lòng từ bi và tham lam là hai dòng sông chảy ngược. Có mặt từ bi ở đâu thì mọi khổ đau tan biến. Người có lòng từ bi thường quên mình vì người.


Rộng lượng bao dung không vụ lợi, không có điều kiện, không cần đền trả. Đối với thế nhân,tình yêu làm cho họ đam mê chìm đắm rồi khổ đau. Đối với bực giác ngộ, sống trên đời nhưng không bao giờ bị cuộc đời làm chìm đắm, tình yêu bao la khắp cả đại đồng:


“Ta có tình yêu rất đượm nồng

Yêu đời , yêu lẫn cả non sông    

Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ    

Không thể yêu riêng khách má hồng

Nếu khách má hồng muốn được yêu

Thì trong tâm chí hãy xoay chiều    

Hướng về phụng sự cho nhơn loại    

Sẽ gặp tình ta trong khối yêu        

Ta đã đa mang một khối tình        

Dường như thệ hải với sơn minh  

Tình yêu mà chẳng riêng ai cả.    

Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh”.

 

Đức Thầy dạy tín đồ phải biết thương mình. Thương mình không phải tối ngày chạy theo danh lợi, bất chấp tội ác để được giàu sang. Thương mình thì phải lo tu tâm dưỡng tánh .  

“Tu cầu Phật hóa tánh tình

Lưới mê chẳng buộc nhẹ mình tiêu dao

Tu cầu cửa Phật đặng vào

Gót sen thong thả xiết bao thanh nhàn”.


Pháp môn “học Phật tu Nhân” dạy tín đồ phải có trách nhiệm và bổn phận làm tròn đạo hiếu đối với tổ tiên cha mẹ, nhớ ân đất nước, ân tam bảo và đồng bào nhân loại; giữ gìn Tám điều răn cấm và hành theo lời dạy của Đức Thầy, gây dựng và nuôi dưỡng lòng từ bi, thành một cư sĩ có nhân cách cao thượng.   

   

Tiếng gọi của chơn tâm nhắc nhở người cư sĩ phải có tình thương chân thật và lòng từ bi. Giá trị của tình thương chân thật và lòng từ bi ở chỗ thực hành. Hành càng sâu rộng thì đạo đức càng cao. Đó là tư lương giúp ta nhẹ gót an vui về cõi cực lạc.


Cao Huệ

Hương Sen 26

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn