Tu cầu

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3052 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Trong Sấm giảng giáo lý Phật giáo Hòa Hảo có nhiều chỗ Đức Thầy đề cập đến hai chữ “tu cầu”. Vậy tu cầu có phải là chỉ cầu ơn trên ban cho, hay còn ý nghĩa khác. Có đúng theo lộ trình giác ngộ mà giáo lý đã vạch ra chăng?


Ý nghĩa chữ tu đương nhiên là không ngoài việc trau sửa thân tâm, như lời Đức Thầy dạy:


“Chữ tu chớ khá trễ chầy
Phải trau phải sửa nghe Thầy dạy khuyên”
“Xác trần tục như cây cạnh khến
Làm hiền hoài ắt phải tiêu mòn
Đẽo với bào riết nó cũng tròn
Đến chừng đó trông vào rất tốt.”
“Trau tâm luyện tánh cho minh
Chuyên lo niệm Phật sửa mình cho trơn”


Sự sửa trau, dồi mài, cạo gọt để được tốt đẹp sáng trong hơn, là nghĩa của chữ tu. Nó được thành tựu trên tinh thần tự giác, có nghĩa là tự ý thức rồi khởi niềm tin, rồi hạ quyết tâm mà làm theo đạo lý. Nói khác hơn, cái tinh thần tự giác ấy là điều kiện ắt phải có trên lộ trình tu Phật.


Trong kinh Di Giáo Đức Thế Tôn dạy: “Các con phải tự thắp đuốc lên mà đi, Như Lai chỉ là người dẫn đường…”


Và hôm nay Đức Thầy cũng dạy:


“Coi rồi phải thân mình tự trị
Chẳng độ xong Phật khó dắt dìu”


Thông qua chữ tự giác, chúng ta xét từ bản thân của hành giả, sự tu hành không thể có sự ép uổng hay dỗ ngọt nào, mà cái chính là tự thân hành giả phải có ý thức tự mình giác ngộ. Ấy là sức mạnh nội tại, đủ lực đẩy hành giả tiến bước tu hành, chớ nếu dựa vào sức lôi cuốn thôi thúc bên ngoài thì sẽ khó đi đến cuối cuộc hành trình.


Tuy nhiên, do trình độ của mỗi chúng sanh không đồng nhau, duyên phận cũng không giống nhau, nên chư Phật và Đức Thầy đã đưa ra rất nhiều phương tiện khả thi, ứng hợp với cơ cảm của bổn đạo, chúng sanh. Vì tính phương tiện quyền lập ấy mà chữ “tu cầu” có mặt trong giáo lý.


Vậy tu cầu là gì? Có hai ý nghĩa cần minh xác:


Khi đã tu, hành giả khởi niệm ước mơ, mong mỏi một ngày kia công thành quả mãn. Niềm ước mơ ấy, nó hỗ tương đắc lực cho tinh thần tự giác sớm được thành tựu hơn, như trong câu giảng Đức Thầy dạy:


“Tu cầu cửa Phật đặng vào
Gót sen thong thả xiết bao thanh nhàn”


“Tu cầu thoát khỏi tử sanh
Nương theo Phật quốc lời lành hằng nghe.”


Chữ “tu cầu”, ở nghĩa nầy là niềm kỳ vọng, vạch ra một ý chí tiến thủ, sự mơ ước đạt thành. Cái tư tưởng cầu tiến nầy nó hỗ tương tiếp sức cho bước đi hùng dũng mạnh mẽ hơn, để có thể vượt qua bao trở lực, gian khổ, là một pháp phương tiện rất cần và hữu hiệu.


Tu cầu, ý nghĩa thứ hai là, trên công phu tu tập, hành giả khởi niềm chánh tín, nguyện vái đến sự gia trì phổ độ của chư Phật mười phương và chư Bồ tát ma ha tát, cầu chư Bồ tát và Phật lực từ bi chiếu diệu độ trì. Tinh thần gá nương, mong mỏi, nguyện cầu dựa theo nguyện lực của các Ngài sẽ làm thành sức tha lực hữu hiệu nâng đỡ sự tự lực của mỗi chúng ta. Lẽ đương nhiên, để có được tha lực thành tựu thì hành giả đã sẵn sàng một tự lực. Tự - tha gồm đủ tất sẽ tạo nên
kỳ tích, điều nầy rất dễ thấy và rất phổ biến trong Phật giáo từ xưa đến nay.


Tu cầu, ý nghĩa thứ ba là nguyện cầu, van vái, nguyện hứa, và cũng bao hàm cả pháp sám hối. Tu cầu là một trong tám muôn bốn ngàn phương tiện của Phật pháp tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên.


Trong tôn chỉ Phật giáo Hòa Hảo, phương thức hành trì, Đức Thầy dạy nghi thức pháp môn của nhà Phật, thì pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật cầu sanh cũng nằm trong nghĩa của sự tu cầu.


Trong đoạn cuối quyển Khuyến Thiện, bài kệ Đêm Thanh, Đức Thầy đã dạy rất nhiều sự tu cầu:


“Tu cầu cửa Phật đặng vào
Gót sen thong thả xiết bao thanh nhàn
Tu cầu bịnh tật tiêu tan
Từ Bi Hỷ Xả Phật ban phép lành
Tu cầu thoát khỏi tử sanh
Nương theo Phật quốc lời lành hằng nghe”


“Tu cầu Phật hóa tánh tình
Lưới mê chẳng buộc nhẹ mình tiêu dao”


“Tu cầu gia đạo vuông tròn
Chồng hòa vợ thuận cháu con thảo hiền
Tu cầu thoát khỏi xích xiềng
Dựa kề chơn Phật xa miền trần lao
Tu cầu chóng hết binh đao
Gặp đời bình trị xiết bao vui vầy”


Thường thường khi một người phát tâm tu niệm, buổi ban đầu bằng một niềm tin,sự gá nương, và quay về nẻo chân thiện của Phật pháp, ít nhiều trong thâm tâm cũng mang sự kỳ vọng và tấm lòng sám hối ăn năn; kèm theo sự quy ngưỡng là tín tâm nguyện cầu ơn trên Trời Phật gia hộ cho mình… Tất cả tâm lý nầy có mặt trong mỗi căn cơ, căn duyên từng bổn đạo. Rồi theo tiến trình tu tập dần dần, hành giả thông qua sự học hỏi, công phu trải nghiệm, mới tiến đến trình độ nhận thức trọn vẹn tinh thần giác ngộ. Chính vì hiểu rõ cơ duyên, nghiệp cảm của mỗi chúng sanh cho nên Đức Phật và Đức Thầy đưa ra rất nhiều phương tiện, gọi theo ngôn ngữ Phật giáo là những pháp hữu vi “Hữu vi tuy ngụy, xả chi, tắc Phật đạo nan thành”(Hữu vi tuy không thật, nhưng bỏ nó thì đạo Phật khó thành).


Sự tiếp độ tha lực phải có được sức tự độ, tức là tinh thần giác ngộ tự thân của hành giả. Bởi chính sức tự lực phấn đấu trổi dậy mới bắt nhịp được sức gia trì tha lực. Tự - tha hội đủ mới có hiệu quả, giống như có một kẻ té xuống ao, người thân trên miệng ao sẵn lòng cứu giúp, nhưng bản thân của kẻ bị té ấy phải dồn ý chí phấn đấu, dùng hết sức bình sanh đạp vọt người lên mặt nước, lúc đó người thân ở trên mới nắm tay mà kéo lên được.


Thường Như

Tạp chí Hương Sen số 23

Nguồn: phatgiaohoahao.org