Vấn đề ăn chay theo Phật giáo Hòa Hảo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 10821 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Nội dung và ý nghĩa ăn chay của mỗi tôn giáo đều tùy thuộc vào chủ trương và quan niệm của tôn giáo đó, từ đó có những hình thức ăn chay khác nhau. Ví dụ ăn chay có thể là kiêng cử thịt heo mà chỉ ăn thịt loài thú khác, cử ăn 12 con giáp (không ăn trâu mà ăn bò, không ăn gà mà ăn vịt …) hoặc không được ăn thịt cá mà chỉ ăn những loại thảo mộc … thậm chí có những tôn giáo cho rằng ngày chay là ngày tiết chế dục vọng, giảm thiểu việc ăn uống.


Trong Đạo Phật cũng có 2 trường phái lớn chủ trương ăn chay khác nhau. Phật giáo Nam truyền vì muốn giữ truyền thống khất thực của Đức Phật, thời Phật giáo nguyên thủy, cho nên phái này chủ trương ăn chay theo cách “tam tịnh nhục”, có nghĩa là loại thịt nào mình không thấy người ta giết, không nghe tiếng kêu la của loài thú bị giết hay không có sự nghi ngờ nào người khác vì mình mà giết, những loại thịt đó tỳ kheo được thọ dụng, không phạm giới.


Phật giáo Đại thừa thì không chấp nhận cách ăn chay này, họ quan niệm ăn chay không được ăn thịt cá, chỉ ăn các loại rau đậu.


Đối với PGHH, Đức Thầy khẳng định để tín đồ trì hành:
“Trong bá gia nhiều ít lòng chay,

Để giữ trọn trong nền Phật pháp”.


Vậy thì tín đồ PGHH phải ăn chay, mà “ít” là bao nhiêu, còn “nhiều” là bao nhiêu?


- “Ít” có thể hiểu là:


“Chay bốn bữa ấy là qui tắc,
Của kẻ khùng chỉ dắt chúng sanh”


Trong quyển VI, mục ăn chay Đức Thầy dạy: “Ngày 14, 15, 29, 30, tháng thiếu là 29 mồng 1: có nhang thì đốt, không có thì nguyện không. Hằng năm đến ba ngày xuân nhựt thì 29, 30 và mồng 1, phải ăn chay”.


- “Nhiều” ở đây Đức Thầy cũng không bắt buộc: “Vậy, Phật chẳng buộc ai phải ăn ở khổ hạnh và chẳng biểu ai ăn ở sung sướng, chẳng ép ai ăn chay, chẳng xúi ai ăn mặn, tùy theo trình độ và lòng nhơn của mình” (Con đường trung đạo).


Tùy “trình độ và lòng nhơn”, tín đồ tự mình thực hiện lời dạy:


“Phận tu hành đạm bạc rau tương
Miễn cầu được an khương bốn biển”


“Phật Tiên vận chuyển lọc lừa
Chúng sanh rán nhớ muối dưa hội này”


“Tương dưa giữ phận cho tròn,
Cuối niên thân dậu mất còn sẽ phân”


“Tương với muối cháo rau đạm bạc,
Nghèo lương hiền biết niệm Di Đà
Mà mai sau thoát khỏi tinh ma,
Lại được thấy cảnh tiên nhàn hạ”.


Phật giáo quan niệm ăn chay để phát triển lòng từ, yêu người, mến vật, quí trọng sinh mạng như mạng sống của mình. Ngày nay, việc ăn chay càng phổ biến hơn, nó không những chỉ có giá trị về mặt đạo đức, văn hóa mà còn có giá trị về mặt dưỡng sinh, thẫm mỹ… giúp con người có nhiều sức khỏe và đẹp hơn. Nó tạo thành phong trào ăn chay trên thế giới, được mọi người ưa chuộng.


PGHH, với cách ăn chay hoàn toàn không ăn thịt cá, phù hợp với giáo lý từ bi của Đức Phật và không chấp nhận góc độ cực đoan:


Có một số ít đồng đạo vì quá đề cao việc ăn chay, thường xem nó như là thước đo đạo đức hay sự tu tập, thậm chí còn nghĩ rằng ăn chay là yếu tố chính để được giác ngộ, giải thoát. Không thể căn cứ vào hình thức ăn chay mà vội đi đến kết luận người ấy có đạo đức, là người có tu tập, là điều kiện cơ bản cho sự giác ngộ giải thoát. Ăn chay là nhân tố gián tiếp để hình thành một xã hội không có chiến tranh, sống trong hòa bình.


Tóm lại, PGHH chú trọng việc chay tâm, ăn chay kết hợp với việc sửa thân, khẩu, ý của mình cho được trong sạch. Người ta làm vườn rào vì mục đích bảo vệ hoa màu trong vườn, nhưng trong vườn mọc toàn cỏ dại thì việc làm rào có ý nghĩa gì? Cũng vậy, mục đích của việc ăn chay, không sát sinh là để phát triển lòng từ bi, biết yêu thương đồng loại, sau đó là thương chúng sanh, những loài cầm thú. Nếu như cha mẹ sinh ra mình, nuôi mình lớn khôn lại không thương,
ngược lại có tâm độc ác, hoặc tìm cách hại người này, mắng nhiếc nhục mạ người khác, thì việc ăn chay có ý nghĩa gì? Cha mẹ không thương, đồng loại không thương, lại đi thương súc vật, thì tình thương ấy có vấn đề, bắt nguồn từ sự hiểu biết không chân chánh. Việc ăn chay này trở thành vô nghĩa, không có giá trị.


Nên Đức Thầy có dạy:

“Chữ Nam Mô trì giái giữ chay,
Chay được tánh chay tâm mới quí”.


Và Ngài khẳng định:
“Tu hành nào luận mặn chay,
Miễn tâm thanh tịnh gặp ngày an cư”.


Diêu Huệ Nương

Tạp chí Hương Sen số 23

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn