Sống đức ái nhân theo Công giáo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 471 | Cật nhập lần cuối: 11/2/2022 1:07:50 PM | RSS

1. Nền Tảng Đức Ái Nhân Kitô giáo

Sống đức ái nhân theo Công giáoĐức Tin Công giáo luôn xác tín rằng: Đức Ái Nhân là một nhân đức bắt nguồn Thiên Chúa, là cầu nối giữa Thiên Chúa với con người và con người đối với nhau. Đây là một tương quan hai chiều, tương quan chiều dọc từ Trời xuống đến với con người và tương quan chiều ngang giữa con người với nhau. Chính vì thế, Đức Ái Kitô giáo hệ tại ở cả hai điểm này: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em như yêu chính mình.

Chúa Giêsu đã giải thích cho ông kinh sư hiểu giới luật đứng đầu là: Kính mến Chúa, yêu mến Chúa. Và giới luật thứ hai là: Yêu thương người thân cận như chính mình. “Điều răn đứng đầu là , Nghe đây : hỡi Israel, Đức Chúa Thiên Chúa của chúng ta, là Thiên Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mên Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là : ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào trọng hơn các điều răn đó.” ( Mc 12,29-31; Mt 22,34-40).

Cả hai giới luật này đều có một điểm chung: Yêu thương. Yêu mến Chúa qua những việc làm cụ thể trong đời sống đức tin bằng việc thờ phượng, chẳng hạn như: Đọc kinh, tham dự thánh lễ, cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích… Đồng thời yêu thương người thân cận bằng những hoạt động tương thân tương ái nơi đời sống hằng ngày. Đó gọi là Đức ái Kitô giáo.

Thánh Gioan đã phân tích: “Nếu ai nói: „Tôi yêu mến Thiên Chúa‟ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4, 20). Rất thực tế. Yêu thì phải „sống thật‟, chứ không thể yêu mà lại „sống ảo‟. Thánh Gioan lại tái xác định: “Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4, 21).

Đức Ái Kitô giáo là tương quan của tình yêu, chứ không đơn thuần là lề luật, giới răn, thực hành việc đạo đức, vì mục tiêu của Đức Ái chính là sự hiệp thông, hiệp nhất với nhau nên một trong Thiên Chúa, như các chi thể của một Thân Thể, các cành của một thân cây, mà chính Đức Giêsu đã truyền dậy các môn đệ Ngài: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15 ,4), và tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha trước giờ đi chịu chết : “Xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con, và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 21). Đức Ái Nhân là lòng tốt dành cho tha nhân, được gọi tắt „lòng nhân ái‟, là đòi hỏi mà bất cứ giáo hữu, tín đồ của tôn giáo nào cũng phải tuân thủ, vì không đạo nào chống lại con người, không giáo chủ nào ủng hộ chủ trương phi nhân, đường lối hiếu chiến, chia rẽ, hận thù giữa con người. Hay nói cách khác, các tôn giáo sẽ được gặp nhau ở “lòng nhân ái”.

2-Ý Nghĩa của Đức Ái Nhân

Tiêu chuẩn để Chúa phán xét con người là đức ái, tức là cách sẽ đối xử của ta với anh em mình. “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”(Mt 25,34-36).

Ngay từ thời sơ khai của Giáo hội Công Giáo, thì Giáo hội đã dạy rằng: chúng ta sẽ bị xét xử bởi những gì chúng ta lựa chọn làm hay không làm liên quan đến sự đói khát, bệnh tật, những người vô gia cư và các tù nhân … Đến ngày nay, Giáo hội vẫn tiếp tục thi hành sứ mạng của mình là : „dành ưu tiên cho người nghèo‟, vì Nước Trời là của những ai có tâm hồn nghèo khó. (x. Mt 5,3-12)

Đức bác ái không thu hẹp trong khuôn khổ của việc làm bố thí của cho người nghèo, hay đừng nói xấu người khác mà thôi. Nhưng nó còn được thể hiện trong phạm vi rộng hơn, và phong phú hơn. Trong bài ca Đức Mến của Thánh Phaolô, chúng ta gặp thấy một số nét của tình yêu đích thực: đức ái giúp chúng ta có hành động là“nhẫn nhục, hiền hậu” (1Cr 13, 4), nhưng “không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù” (1Cr 13,4-5) và vui mừng vì những sự tốt lành của người khác (x. 1Cr 13,6). Người có lòng bác ái thì “không tìm tư lợi” (1Cr 13, 5), nhưng “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.”(1 Cr 13, 7). Đức ái có vai trò quan trọng trong hành động của người tín hữu, bởi vì, “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1 Cr 13, 3).

Thánh Phaolô còn đặt đức ái lên trên tất cả: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”. (1 Cr 13, 13). Tất cả được hoàn thiện trong Đức ái. Để nói đến tình yêu hay Đức ái, chúng ta chỉ có thể nói bằng hành động, về tính cách năng động của nó vì “đức tin hành động nhờ đức ái” (Ga 5, 6). Người có đức ái sẽ có một tinh thần hiểu biết và một trái tim rộng mở, sẵn sàng chia sẻ điều tốt lành cho tha nhân. Họ trao ban chính mình vì người khác. Họ bày tỏ một niềm vui và sẵn sàng sống gần, sống với tha nhân. Lòng yêu mến đó thể hiện cụ thể trong tinh thần phục vụ và sự hiểu biết của họ. Để có được Đức ái hoàn hảo thì thật là rất khó, nhưng đấy là tiêu chuẩn sống của người Kitô hữu (x. Mt 5, 48).

3-Thực Hành Đức Ái Nhân

Bất cứ hành vi nào có động lực là lòng bác ái yêu thương, đều là hành vi của Đức ái. Theo nghĩa này, mỗi người chúng ta đều được mời gọi sống Đức ái một cách cụ thể. Đức ái dần dần phải trở nên linh hồn của mọi hành vi. Chúng ta luôn hành động vì yêu thương. Yêu thương trở thành hơi thở, sự sống, lương thực cần thiết cho người Kitô hữu. Một người được gọi là thánh thiện, thì người đó phải thấm nhuần tình yêu thương trong tư tưởng, lời nói, việc làm.

Đức Ai Nhân hoạt động theo những nguyên tắc luân lý Kitô giáo và Giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công giáo:

* Bảo vệ phẩm giá và sự sống của con người ở mọi nơi và mọi thời

* Dấn thân hoạt động nhằm giảm thiểu đói nghèo bằng cách chọn lựa ưu tiên phục vụ người nghèo.

* Duy trì sự hiệp nhất trong Gia đình

* Cổ võ tình liên đới và cộng tác tại địa phương cũng như quốc tế

* Bảo vệ môi trường sống trong sạch, lành mạnh.

Đức Ái, nhờ yêu thương mà mọi người nhận ra anh em là môn đệ của Thầy Giêsu (x. Ga 13,34-35). Vậy, thực hành yêu thương như thế nào? Thực hành Đức Ái Nhân như Chúa đã yêu thương chúng ta, yêu thương cho đến trọn vẹn cả xác hồn, được thực hiện trong lời kinh “thương người có mười bốn mối,”:

a)Thực hành Yêu thương phần xác có bảy mối:

Thứ nhất: cho kẻ đói ăn. Thứ hai: cho kẻ khát uống. Thứ ba: cho kẻ rách rưới ăn mặc. Thứ bốn: viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Thứ năm: cho khách đỗ nhà. Thứ sáu: chuộc kẻ làm tôi. Thứ bảy: chôn xác kẻ chết.

b)Thực hành Yêu thương phần hồn có bảy mối:

Thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người. Thứ hai: mở dạy kẻ mê muội. Thứ ba: an ủi kẻ âu lo. Thứ bốn: răn bảo kẻ có tội. Thứ năm: tha kẻ dể ta. Thứ sáu: nhịn kẻ mất lòng ta. Thứ bảy: cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Với tinh thần của lời kinh thương người có mười bốn mối, tín hữu được mời gọi chú ý và cảm thông với những người rơi vào những hoàn cảnh bất hạnh. Cũng như khi thực thi tinh thần yêu thương trong các mối này, tín hữu bước ra khỏi cái tôi chai cứng và mù tối của mình, để hướng đến những người gặp khổ đau, với tất cả thân xác và tinh thần giúp đỡ cũng như đồng hành với họ.

Như thế, khi sống tinh thần xót thương và bác ái, thì trái tim chai cứng sẽ rời bỏ chốn an toàn và ích kỷ, để lên đường gặp gỡ những người bất hạnh đang đối diện với chúng ta trên đường. Khi chúng ta sống tinh thần xót thương và bác ái, thì chúng ta đang đón nhận lời nhắc nhớ lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Chính Chúa Kitô đang hiện diện trong mỗi „con người bé nhỏ‟ này. Thân xác Ngài trở thành hữu hình trong xác thịt của những người bị tra tấn, những người bị chà đạp, những người bị đánh đòn, những người bị suy dinh dưỡng, và những người bị lưu đày… để được thừa nhận, vuốt ve, và chăm sóc bởi chúng ta. Chúng ta đừng quên những lời của thánh Gioan Thánh Giá: khi chúng ta lìa đời, chúng ta sẽ được phán xét trên cơ sở của tình yêu(Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 15).

4-Tạm kết

Đức ái không những đòi hỏi ta phải thương yêu người khác như Chúa yêu thương ta, mà còn phải thể hiện tình yêu thương đó bằng những việc bác ái cụ thể: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ : “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?” (Gc 2,15-16).

Các hoạt động Đức ái Kitô giáo thực sự phải được mở rộng tất cả mọi người không phân biêt chủng tộc, hoàn cảnh xã hội hay tôn giáo; Đức ái không tìm cho mình một lợi ích hay một sự tri ân nào. Ở đâu còn có người thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhà ở, thiếu thuốc men, thiếu việc làm, thiếu giáo dục, thiếu những phương tiện cần thiết để sống xứng danh con người, ở đâu còn có người bị đau khổ vì nghịch cảnh, ốm đau, chịu cảnh lưu đày, tù đầy, thì ở đó Đức ái Kitô giáo phải tìm đến gặp, ân cần săn sóc, ủi an và xoa dịu họ bằng những trợ giúp thích đáng. Đức ái và lòng nhân hậu không bao giờ cho phép con người ta trở thành dửng dưng với điều chân và thiện.

Lm. Giuse Hồng Phước
Dòng Chúa Cứu Thế