Hội thảo chuyên đề: Đời sống tu trì trong các Tôn giáo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1976 | Cật nhập lần cuối: 4/9/2019 4:28:42 PM | RSS

Hội thảo chuyên đề: Đời sống tu trì trong các Tôn giáoNăm 2019 là dịp kỷ niệm 800 năm cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phanxicô với Quốc vương Hồi giáo của Ai Cập AL-Kamil vào năm 1219. Thật ý nghĩa khi tham dự buổi hội thảo chuyên đề Liên tôn về "Đời sống Tu trì trong các Tôn giáo" tổ chức vào lúc 7g thứ Bảy, ngày 06.04.2019 tại học viện Thánh Anphongsô của Dòng Chúa Cứu thế. Hơn 300 người tham dự gồm các thành viên của Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn, đại diện các tôn giáo bạn và tu sĩ của nhiều Hội Dòng. Sau phần tiếp đón và sinh hoạt tạo bầu khí, cha Phó Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu thế Đa-Minh Nguyễn Đức Thông đã long trọng khai mạc Hội thảo, và ước mong buổi Hội thảo sẽ làm cho tu sĩ các tôn giáo biết nhau, hiểu nhau hơn để nâng đỡ nhau và giúp nhau thêm phong phú trong đời tu của mình, nhờ đạt đến một tình thân vô biên giới. Chương trình Hội thảo gồm ba bài Thuyết trình chính về đời tu của các thuyết trình viên:

1. Đời sống người tu sĩ Cao Đài - Giáo sĩ Thiện Định trình bày.

2. Đời Sống Tu Trì Công giáo – Lm Antôn Nguyễn văn Dũng (Dòng CCT) trình bày.

3. Trải nghiệm cá nhân về đời sống chuẩn mực của một tu sĩ Phật giáo. Thượng Tọa Minh Thành trình bày.

Trước hết, Giáo sĩ Thiện Định nhìn nhận mình học hỏi được rất nhiều nơi các tu sĩ Công giáo, đặc biệt là sự khiêm nhường cởi mở trong tương quan và cách sống. Giáo sĩ Cao Đài tự xưng là “Đạo đệ” và chia sẻ rất sống động về sự cần thiết của đời tu trong các tôn giáo nhưng lại không bó buộc, vì đó là duyên, là định mệnh, hoặc là ơn kêu gọi để người tu tự nguyện đáp lại. Chọn đời tu là một quyết định cao cả, vượt lên chính mình và buông bỏ nhưng gì thường tình như danh lợi thú, để trở thành khí cụ cho một lý tưởng cao cả. Tu sĩ là người hiến dâng trọn đời cho đạo, tự nguyện chọn trường trai, giữ giới, không lập gia đình, trọn tâm tu học hành đạo... Và phải tự thắng mình để mạnh dạn vào đời. Những tiêu chuẩn cho người tu sĩ Cao Đài là có sức khỏe tốt, không dị tật, có trình độ văn hóa tối thiểu, đạo đức tốt, tự nguyện chọn đời tu và khép mình vào giới luật. Người tu sĩ được đào tạo để trở thành người lãnh đạo, và quan trọng hơn là người hướng đạo, nghĩa là có khả năng giúp cho người khác hiểu biết điều đúng sai phải trái, không chỉ bằng lời nói nhưng biểu hiện qua cách sống. Người tu sĩ phải vượt trên người tín đồ nhờ việc tu tập, rèn tâm hạnh, đọc sách kinh hiền truyện... Ba điểm cốt yếu trong đời tu Cao Đài là:

(1) Hiểu giới thuyết và thực hành đời sống tâm linh siêu việt: cầu nguyện (cúng tứ thời), tịnh luyện (tham thiền, tịnh định để điều phục thân tâm), và rèn luyện tánh hạnh, giữ quy giới (trang nghiêm, thuần hậu, cẩn hạnh, cẩn ngôn, khiêm cung, từ tốn...)

(2) Đời sống giáo lý tri thức: cần dành giớ đọc sách, nghiên cứu giáo lý Cao Đài và các tôn giáo khác, cập nhật tri thức khoa học xã hội và ngoại ngữ.

(3) Đời sống nhân sinh phổ độ: công quả phổ độ quan trọng là giáo dân vi thiện (dạy người làm điều tốt lành), chăm lo xây dựng thánh thất và cơ quan đạo, làm tròn bổn phận trong gia đình (hiếu thảo, hòa ái, giữ nề nếp đạo đức gia tộc), trong học đường (tôn sư trọng đạo, thân ái đoàn kết), trong xã hội đất nước (chấp hành pháp luật, giữ trật tự vệ sinh, góp tay xây dựng phát triển đất nước...)

Tóm lại, trọng tâm đời sống của người tu sĩ Cao Đài là tu học tinh tấn để kế thừa hành đạo phụng sự nhân sinh. Phải luôn tâm niệm Tin Đấng chí tôn, trọng kính các bậc thánh hiền, quyết tâm hoằng pháp, luôn sống khắc khổ, nghiêm chỉnh, yêu thương mọi người...

Tiếp đến, bài thuyết trình của linh mục Antôn Nguyễn Văn Dũng, dòng Chúa Cứu Thế. Ngài giới thiệu cho cử tọa về đời tu Công giáo với khía cạnh cốt lõi: tu là sửa, là “cắt tỉa” đến 3 lần để nên giống như Đấng mình muốn theo là Đức Giêsu Kitô. Đời sống tu trì Công giáo không dừng lại ở việc cắt tỉa, chỉnh sửa để cho mình nên thanh thoát, mà để nhắm đến việc “nên đồng hình đồng dạng” với Ngài (Rm 8, 29), sống như Ngài đã sống và nên “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).

Biểu lộ cụ thể của đời sống tu trì Công giáo nhằm chỉnh sửa mình để nên giống Chúa Giêsu Kitô và theo sát bước Ngài chính là việc sống ba lời khuyên Tin mừng: Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục. Lý do là vì con người luôn bị chi phối bởi 3 khuynh hướng: (1) Yêu mình, muốn thỏa mãn mọi đam mê dục vọng của bản thân, (2) Qui về mình, muốn đầy đủ mọi thứ để an nhàn hưởng thụ, (3) tự tôn và kiêu căng, muốn tôn vinh mình bằng mọi giá. Người tu sĩ chọn sống 3 yếu tố Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục vì chính Chúa Giêsu Kitô đã sống như thế cách trọn vẹn với một tình yêu vị tha lớn lao. Ngài đã tự hạ để làm theo ý Chúa Cha và hoàn toàn gắn bó với chương trình của Chúa Cha nên có thái độ siêu thoát với trần thế.

Phật giáo có nhắc đến ba giai đoạn của hành trình tu tập là giới, định, huệ (giữ giới nghiêm nhật, giúp tâm an định, nhờ đó có thể tỏa sáng và độ cho chúng sanh). Hành trình đời tu Công giáo cũng thể hiện qua 3 giai đoạn (1) Khổ chế: giữ giới trong ngũ quan, trong tâm ý và trong mọi sự để chữa trị con người kiêu ngạo, (2) Tịnh lặng: tịnh tâm để hồn thanh thản, không còn bám víu chấp nhất, và (3) Thần hiệp: kết hiệp mật thiết nên một với Chúa và để cho quyền năng Chúa biểu lộ nơi con người của mình.

Phần cuối cha chia sẻ là sứ mạng của đời tu Công giáo, đó là cùng Chúa sưởi ấm nhân gian lạnh giá. Thế giới này đang mất đi những giá trị tâm linh, chìm trong bóng tối của đam mê tội lỗi. Người tu sĩ Công giáo cần sống tính ngôn sứ, làm chứng tá để đánh thức thế giới, hướng con người hôm nay đến tìm kiếm những giá trị siêu việt, thiêng thánh giữa thế gian này. cha Dũng cũng đưa ra một số vấn đề lớn của thế giớ hôm nay như tình trạng sống thử (xem con người như món hàng), nhiều gia đình đổ vỡ vì không nhận ra những giá trị của đau khổ. Chính tình yêu thật sẽ biến đổi người khác và kinh nghiệm cùng vượt khổ mới dẫn đến tương quan bền chặt.

Sau giờ nghỉ giải lao để các tham dự viên có cơ hội gặp gỡ trao đổi, chương trình tiếp tục với bài thuyết trình của Thượng Tọa Minh Thành với đề tài “Trải nghiệm cá nhân về đời sống chuẩn mực của một tu sĩ Phật giáo”. Thượng Tọa cho biết thế giới Phật giáo muôn hình vạn tạng nên ngài chỉ nói đến những trải nghiệm cá nhân của mình mà thôi. Ngài cho biết hai thuật ngữ quan trọng của Phật giáo là Pháp và Luật, Pháp chính là chân lý tinh hoa của nhà Phật và Luật là những gì cần tuân thủ. Tuân hành việc tu tập theo giáo pháp và lề luật sẽ mở ra cánh cửa bất tử nhờ biết rõ 5 điều: sự sinh khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly.

Khung tu tập được thiết kế theo bộ nguyên tắc ứng xử chung của nhà Phật, theo nội quy được thiết kế trong khung cảnh tu hành cụ thể, và theo luật pháp của mỗi quốc gia. Việc tuân thủ theo khung tu tập có những nội qui và lịch trình mà chính người tu sĩ phải phát tâm phát nguyện thực hiện và chủ động trong việc tự thân tu tập. Bộ ứng xử cốt lõi (sợi chỉ đỏ) chính là ngũ giới, đó là năm giới điều Cấm: (1) Sát Sinh (2) Lấy của không cho, (3) Tà hạnh, (4) Nói dối, và (5) Sử dụng chất gây nghiện. Khi người ta biết giữ giới thì sẽ có khả năng ly dục, ly ác, trú thiền để luôn được hỉ lạc.

Người tu sĩ cần tiếp cận và thấm nhuần để thân tâm được chuyển hóa, cần vận dụng ánh sáng từ bi và trí tuệ của sợi chỉ đỏ quán xuyến tinh hoa nhà Phật. Nhờ đó họ có thể dấn thân vào đời, hoằng truyền chánh pháp, làm lợi lạc cho xã hội và nhân sinh với sự liên tục tự thức tỉnh trong mọi lúc. Điều quan trọng là cần thiết lập sự hài hòa cho mọi hoạt động qua Đức Tự Chế. Đức Biết Đủ, và Đức Vị Tha. Cần cảnh tỉnh, canh chừng để nhận ra vị ngọt mới có thể thoát bẫy sập nguy hiểm, và không cầu toàn vì trong hoàn thiện phải có chút không hoàn thiện. Sự hoàn thiện thực luôn có trong mỗi chúng ta và nhận ra chúng ta sẽ hạnh phúc thực sự...

Cả ba bài thuyết trình đều rất sống động, giúp mọi tham dự viên hiểu hơn về đời tu trong mỗi tôn giáo và những giá trị lớn lao đời tu mang lại. Sau đó là phần trao đổi, cả ba thuyết trình viên đều tận tình trả lời những câu hỏi được đặt ra, như tu là lội ngược dòng và có nhiều đau khổ, cám dỗ, cần có những phương thế nào để vượt lên; đời là bể khổ vậy tu có là chọn khổ không, phân biệt thế nào giữa vâng phục và vâng lời tối mặt, giải thích thế nào về việc xuất tu nhiều sau Công đồng Vatican II... Tiếc rằng vì thời gian hạn chế, nên phải gác lại nhiều câu hỏi.

Sau khi kết thúc chương trình Hội thảo, Ban tổ chức đã ưu ái mời tất cả tham dự viên dùng bữa cơm chay chung ngay trong khuôn viên nhà dòng. Có khoảng hơn 10 món chay do nhà bếp của nhà dòng tự đảm nhận. Quý Thượng Tọa phải về sớm không tham dự cơm chay được nên anh chị em Công giáo có dịp ngồi hàn huyên vui vẻ với các Đạo huynh Đạo tỷ Cao Đài. Sau đó mọi người bịn rịn chia tay nhau, lòng thầm nguyện ước cho nhau những điều tốt đẹp nhất theo chí hướng của mỗi người, nhất là những người đang sống đời tu với nhiều cách khác nhau.

Tạ ơn Chúa và cám ơn Ban tổ chức, đặc biệt cha Phêrô Đinh Ngọc Lâm, Giám đốc Học viện Thánh Anphongsô của Dòng Chúa Cứu thế, đã tổ chức buổi Hội thảo thật hữu ích này. Ước mong trong tương lai sẽ có những cuộc Hội thảo Liên tôn khác, giúp mọi người hiểu biết nhau, để nâng đỡ nhau trong cuộc sống và để cùng nhau cộng tác phục vụ nhân sinh.

Sr. Ngọc Lan, fmm

Hình ảnh liên quan: Hội thảo: Đời sống tu trì trong các tôn giáo (6.4.2019)