Cảm nghĩ về chứ NHẪN theo giáo lý Baha'i

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1126 | Cật nhập lần cuối: 4/29/2020 4:12:25 PM | RSS

Cảm nghĩ về chứ NHẪN theo giáo lý Baha'iTheo giáo lý Baha'i, trong cuộc hành trình tâm linh, từ thế giới tạm bợ này đến cõi thiên thượng vô biên của Thượng Đế, con người trải qua Bảy Thung lũng: Tầm đạo, Hiểu biết, Yêu thương, Thống nhất, Thịnh vượng, Bàng hoàng và cuối cùng là Hư không Tuyệt đối.

Ngay từ bước khởi đầu tầm đạo, Đức Baha’u’llah đã dạy: “Con ngựa để cưỡi trong Thung lũng này là kiên nhẫn; không có kiên nhẫn thì người lữ hành trong cuộc viễn du sẽ không đi đến đâu và không đạt mục đích gì cả.” (Sách Bảy Thung lũng, trang 3).

Ở nơi khác Ngài lại dạy: “Mỗi việc gì cũng có một biểu hiện. Biểu hiện của tình yêu là kiên khổ dưới chiếu mệnh của Ta và nhẫn nại dưới sự thử thách của Ta.” (Ẩn ngôn của Đức Baha’u’llah bằng tiếng Á rập).

Kiên khổ dưới thiên mệnh thiêng liêng và nhẫn nại dưới sự thử thách của Thượng Đế, là luật thiêng liêng của Ngài, nên người sống đạo luôn chấp nhận một cách hân hoan. Đức Baha’u’llah còn nhắc đi nhắc lại đức hạnh này trong các Thánh Kinh khác của Ngài, để giáo dục loài người qua nhiều thiên niên kỷ sắp tới.

Trên từng bước đi, trong mỗi chặng đường, người Baha’i còn có sự hướng dẫn, giải thích của Đức Abdul-Baha và Đức Shoghi Effendi.

Abdul-Baha, Đức Thầy Kính yêu của người Baha’i hằng nhắc nhở: “Ngươi hãy giao tiếp, càng nhiều càng tốt với thân nhân và khách lạ; ngươi hãy thể hiện lòng từ ái dịu hiền, tỏ rõ đức kiên nhẫn và lòng vâng phục tột cùng. Họ chống đối ngươi càng nhiều, ngươi càng tuôn đổ trên họ lòng tử tế và sự công bằng to lớn; họ càng thù ghét và chống đối ngươi, ngươi càng đáp trả họ bằng lòng trung thực, tình bằng hữu và sự hòa giải lớn hơn.” (Các Kinh bản của Đức Abdul-Baha, tập 3, tr. 557).

Hoặc: “Hãy hợp nhất hoàn toàn. Chớ bao giờ giận nhau. Mắt các con hãy hướng về vương quốc chân lý, chứ đừng hướng về thế giới tạo vật. Hãy yêu chúng sinh vì Thượng Đế chứ không phải vì họ. Các con sẽ không bao giờ tức giận hoặc mất kiên nhẫn nếu các con yêu thương họ vì Thượng Đế. Nhân loại vốn khiếm khuyết. Nơi mỗi con người đều có khuyết điểm, vì vậy các con sẽ luôn luôn khó chịu nếu các con chỉ nhìn vào con người. Nhưng nếu các con hướng về Thượng Đế, các con sẽ yêu thương họ, tử tế với họ, vì thế giới của Thượng Đế là thế giới hoàn hảo và đầy bao dung. Vì vậy, chớ nhìn vào khuyết điểm của bất cứ ai; hãy quan sát bằng con mắt tha thứ. Con mắt khiếm khuyết chỉ thấy khuyết điểm. Con mắt thứ lỗi nhìn về Đấng Sáng tạo linh hồn. Ngài tạo nên họ, đào tạo và nuôi dưỡng họ, ban cho họ năng lực và sự sống, thị giác và thính giác; vì vậy họ là dấu hiệu sự hùng vĩ của Ngài. Các con phải yêu thương và tử tế với mọi người, chăm lo cho người nghèo, che chở người yếu đuối, chữa lành người bệnh, khuyên dạy và giáo dục người dốt.” (Đức Abdul-Baha, Quảng bá Nền Hoà bình Thế giới, tr. 92).

Gần đây nhất là lời nhắc nhở của Đức Giáo hộ Shoghi Effendi: “Chúng ta không những phải kiên nhẫn với người khác, kiên nhẫn vô hạn, mà còn phải kiên nhẫn với bản thân yếu kém của chính mình, với ý thức rằng các Đấng Tiên tri của Thượng Đế còn lắm khi quá mệt mỏi và kêu khóc trong tuyệt vọng.” (Triển khai Thiên mệnh, tr. 456).

Nếu trích trực tiếp các câu thánh thi như trên thì cũng có tới mấy pho sách dày. Còn giải thích và ứng dụng qua thời gian và không gian thì sẽ là thiên kinh vạn quyển.

Và người lữ hành còn cần biết rằng sự nhẫn nhịn và tính kiên nhẫn là điều không thể thiếu trong cuộc sống tâm linh, trong cuộc đời phụng sự Chánh Đạo của Thượng Đế trong cuộc sinh tồn hữu hạn và vô cùng.

Trong mọi công việc nếu không có được sự kiên nhẫn, chúng ta sẽ chẳng đạt được thành công vững bền. Vì vậy khi chúng ta đi trên đường phụng sự Chánh Đạo của Ngài cũng chính là đi trên đường phụng sự nhân loại thì chúng ta lại càng phải kiên trì nhẫn nhịn để vượt qua mọi trở ngại. Đây là con đường dài nên chúng ta không cần nhìn vào kết quả ở một điểm thời gian nào đó để tự mãn khi thấy thành công hoặc chán nản khi bị thất bại mà chúng ta chỉ nên nhìn kết quả theo quá trình (nghĩa là theo một chuỗi thời gian dài). Nhìn theo quá trình chúng ta luôn thấy được niềm vui của sự phát triển. Còn trong quá trình phát triển có lúc gặp khó khăn thử thách là chuyện bình thường, với ơn bổ sức của các Ngài, của Thượng Đế mọi việc đều tiến lên vì chúng ta ý thức rằng cây tâm linh không thể bị đốn ngã bằng rìu vật chất. Nếu nhìn bằng con mắt vật chất hữu hạn thì chúng ta sẽ nản lòng ở thời điểm Đức Chúa bị đóng đinh, vì khi ấy Ngài chỉ có 11 tông đồ thì Chánh Đạo ắt sẽ tiêu tan - những người chống Ngài đều nghĩ như thế. Tuy nhiên nếu nhìn theo quá trình, dù trải qua nhiều gian nan, thử thách, thì niềm tin Thiên Chúa đã phát triển mãi và mang lại cho loài người một nền văn minh Thiên Chúa giáo rực rỡ.

Để có được cái nhìn theo quá trình này chắc chắn không thể thiếu chữ nhẫn trong mỗi chúng ta.

Mong rằng người sống đạo tự tìm chân lý độc lập và trực tiếp trong Thánh Kinh của các Đấng Giáo tổ.

Trong tôn giáo Baha’i, ngoài những Nhân vật Trung tâm nêu trên, không có giới tu sĩ hoặc cá nhân lãnh đạo nào khác có thẩm quyền giải thích giáo lý. Tất cả tín đồ cùng nhau thảo luận bình đẳng trong các khóa học chung để tìm hiểu sâu rộng thêm và nhờ thế tất cả cùng tiến bộ theo giáo lý của Ngài.

Những bài viết thế này, chỉ là cảm tưởng cá nhân, chứ không thể hiện được ánh sáng thiêng liêng của Thượng Đế trong nền giáo dục tâm linh cho cả nhân loại.

Nguyễn Đình Thỏa
Trích "Chữ Nhẫn trong truyền thống các tôn giáo", NXB Phương Đông, tr.9-11