Đức Nhẫn với 8 điều nhẫn trong giáo lý Phật giáo Hòa Hảo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1700 | Cật nhập lần cuối: 4/29/2020 4:37:39 PM | RSS

Đức Nhẫn với 8 điều nhẫn trong giáo lý Phật giáo Hòa HảoTruyền thống Phật giáo, qua giáo lý giải thoát, nhẫn nhục là một pháp tu cần thiết và hiệu quả để vô hiệu hóa tham sân si. Chính tam độc chướng ấy, nó làm nên tổ hợp Ngũ uẩn, hình thành cái ngã tướng, ngã chấp, đầu mối của nỗi khổ niềm đau trong kiếp nhơn sinh.

Bài kệ:

“Nhẫn nhục đệ nhứt đạo.
Tiên tu trừ ngã nhơn
Sự lai vô sở thọ
Tức chơn Bồ đề tâm”

(Nhẫn nhục đạo thứ nhất
Trước tu trừ ngã nhơn
Việc đến lòng không nhận
Ấy thật chánh giác tâm).

Nói lên ý tưởng, nhẫn nhục không phải là nhịn để chịu nhục, mà nhịn để được những điều đối phương làm nhục mình.

Nếu nhịn mà còn cảm thấy nhục, thì đâu có nhẫn gì! Chẳng qua là mới có sự nín chịu – cắn răng mà chịu – lòng vẫn không an lạc, như vậy không phải là đạo nhẫn.

“Sự lai vô sở thọ, tức chơn Bồ đề tâm”, việc đến mà lòng an ổn không khởi niệm cảm thọ thì mới là tâm chơn thật giác ngộ.

Đức Huỳnh Giáo chủ dạy:

“Ai chửi mắng thì ta giả điếc
Đợi cho người hết giận ta khuyên”

Người ta nghiệt ngã mình mà gì lòng từ bi thương mà không giận, nên giả điếc, chớ không có điếc và cũng không phải ngán sợ họ rồi làm lơ.

Trong quá trình tu tâm dưỡng tánh lành “hành giả nuôi giống tình thương ngày một lớn hơn tạo nên nguồn năng lượng từ bi đủ ôm ấp những bất xứng ý” và “nghịch lòng”. Chính sự hiểu biết trên giác tính, nó nảy sinh tình thương yêu. Thương nên không giận (hiểu biết Þ thương yêu Þ không sân hận = an nhẫn Bồ đề).

Đức nhẫn trong thuyền thống tu tập của Phật giáo được thiết lập trên nền tản trí tuệ và lòng yêu thương vô hạn, cho nên nhẫn không phải là sự đè nén, ép uổng. Hành giả đủ khôn ngoan hiểu biết một cách thấu đáo chân tướng sự vật, sự việc rồi dùng năng lượng từ bi (qua quá trình tu tâm dưỡng tánh) mà xả ly không vướng mắc và chấp chước vào sự vận hành của sự sự việc việc trong đời sống. Chữ nhẫn được hình thành và thể hiện kiến tạo tâm tưởng yên vui tĩnh tại giữa chốn bụi trần.

Hệ thống tư tưởng đạo Phật Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời, ở miền Nam vào giai đoạn cuộc Nam tiến định hình làng thôn dân cư ở miền Nam bộ mới tinh, trên nền đất mới. Người Việt manh trong hành trang văn hóa ngàn đời của mình đến vùng đất mới giao thoa với cái nền văn hóa bản địa: Khờ-me, Hoa, Chăm-pa… cộng thêm điều kiện thiên nhiên, những đồng ruộng bạt ngàn, rừng lá thấp nê địa tiềm ẩn những nguy cơ thú dữ, cá sấu, rắn độc... rừng thiêng nước độc tôi luyện sự dầy dạng gai gốc và tấm lòng rộng mở tạo nên nét văn hóa đặc trưng Nam bộ vùng đất mới. Đất mới, con người mới, người dân Nam bộ mọi sinh hoạt từ vật chất đến tâm linh có khác với nguyên bản của văn hóa vùng miền Trung Bắc, mặc dù họ vẫn giữ được nguồn cội tâm linh con Hồng cháu Lạc. Hệ thống tư tưởng đạo Phật Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời đáp ứng thích nghi với điều kiện sống và và tâm linh người Nam bộ mới ấy. Cho nên, chỉ mới khơi mở mà sự ảnh hưởng của Bửu Sơn Kỳ Hương phát triển rất nhanh và rộng hầu hết dùng đồng bằng Tây Nam bộ.

Những nhà nghiên cứu học thuật văn hóa tôn giáo đã sớm nhận ra tính đặc thù và hiệu quả của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và họ đã đồng kết luận: Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương là một đạo Phật mới, thực tế, vào đời một cách linh động tinh tế để vẽ nên đạo hạnh cư sĩ tại gia. Tu Quốc Vương Thủy Thổ vừa làm lành, vừa lo cho gia đình, xã hội, dân tộc, quốc gia hạnh phúc an vui, đồng bộ hướng thiện trên lộ trình giải thoát theo tinh thần vô vi của Phật giáo.

Người khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương là Giáo tổ Đoàn Minh Huyên được người đương thời xưng tôn là Phật Thầy. Vì trụ trì theo lệnh vua ở chùa Tây An Núi Sam - Châu Đốc An Giang. Nên có danh xưng là Phật Thầy Tây An (Xem thêm Thất Sơn Mầu Nhiệm hay Phật Thầy Tây An).

Đức Phật Thầy qui nguyên chơn lý vô vi của đạo Phật sáng lập ra pháp tu “Học Phật Tu Nhân” nhưng vì hoàn cảnh chuyển biến của thời cuộc Ngài trụ thể 7 năm rồi chuyển kiếp Phật Trùm ở Lương Phi (Bảy Núi) rồi Đức Bổn Sư ở núi Tượng (Ba Chúc) rồi đến Sư Vải Bán Khoai ở kinh Vĩnh Tế. Theo dõi gót chân cứu thế nghiên cứu lẽ đạo cứu đời, người ta biết chính xác rằng Đức Phật Thầy đã tùy cơ pháp chuyển kiếp phổ độ chúng sanh trong từng giai đoạn, giai kỳ tời sự khác nhau.

Và, hôm nay, sự ra đời của Đức Thầy Huỳnh Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo, cũng chính là sự tái hiện của Phật Thầy, Ngài đã từng thốt.

“Bởi chữ Khùng của Phật của Thầy
Chớ chẳng phải của người làng trí”

“Khùng thời quê ngụ Núi Sam”

“Lời của người di tịch Núi Sam
Chớ chẳng phải bày điều huyển hoặc”

Và rất nhiều dữ kiện, dữ liệu minh xác mà tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo có trong tay đủ trọn vẹn đức tin Phật Thầy tái hiện lần chót nầy là Đức Huỳnh Giáo chủ cơ ứng lập giáo qui nguyên chơn truyền Bửu Sơn Kỳ Hương chấn hưng đạo Phật trong đương đại nhiễu nhương nầy.

Bài thơ bát cú đường luật viết bằng chữ Hán đề tựa là Bát Nhẫn được Phật Thầy viết ra cùng với bài thơ bát cú khoáng thủ cách cú: Đạt đạo, Ngao du, Châu nhi, Viễn cận (chữ nào cũng có bộ xước). Ngài truyền lại cho ông đạo Nguyễn Văn Thẳng một trong Thập Nhị Hiền Thủ, đệ tử lớn và thân tín của mình, với lời sấm rằng: “nếu sau nầy ai viết được hai bài thơ nầy bằng chữ Hán là Thầy trở lại đó”.

Năm 1939, Đức Huỳnh Giáo chủ vừa khai đạo không lâu, thì ông Nguyễn Văn Còn cháu nội của ông Thẳng nói trên có cầm hai bài thơ qua thử nghiệm. Đức Thầy đã viết đúng y hai bài thơ trên nên ông còn quì lạy và xin qui y.

Và ngày nay trong Sâm Thi Văn Toàn Bộ của Đức Huỳnh Giáo chủ có ghi 8 câu thơ ấy đề tựa: Bát Nhẫn. Xin trình bày ở đây để chúng ta cảm nhận lý nghĩa chữ nhẫn trong Bát Nhẫn mà để ứng cơ phổ độ, tùy bệnh cho thuốc Đức Thầy đã dạy 8 điều nhẫn để chúng sanh làm theo hầu liễu đạt tâm lành, hoàn sinh giác ngộ giữa trời chiều Nguơn hạ.

Bát Nhẫn.

Nhẫn năng xử thế thị nhơn hiền
Nhẫn giái kỳ tâm thận thủ tiên
Nhẫn giả hương lân hòa ý hỹ
Nhẫn hòa phu phụ thuận tình duyên
Nhẫn tâm nhựt nhựt thường an lạc
Nhẫn tánh niên niên đắc bảo truyền
Nhẫn đức bình an tiêu vạn sự
Nhẫn thành phú quới vĩnh miên miên.

Để diễn tả rộng xa cho dễ, nhận biết Đức Thầy viết thêm Bát nhẫn trong bài Giác Mê Tâm Kệ, tức quyển giảng thứ tư:

Chữ thứ nhất nhẫn năng xử thế
Là người hiền khó kiếm trong đời
Lập thân danh tuần trải nơi nơi
Chờ thời đại mới là khôn khéo
Chữ nhẫn giái trì tâm trong trẻo
Khuyên dân thường giữ phận làm đầu
Nhẫn hương lân cùng khắp đâu đâu
Trên cùng dưới điều hòa ý hỹ
Nhẫn phụ mẫu gọi trang hiền sĩ
Phận xướng tùy chồng vợ nhịn nhau
Nhịn sớm chòm cô bác mới cao
Nhẫn tâm nọ ngày ngày an lạc
Nhịn tất cả những người tuổi tác
Nhẫn tánh lành yên tịnh dài lâu
Cứ một lòng hiều hậu mới mấu
Quanh năm cũng bảo toàn thân thể
Chữ nhẫn đức kể ra luôn thể
Thì trong đời vạn sự bình an
Chữ nhẫn thành báu quí hiễn vang
Khắp trăm họ được câu hòa nhã
Câu đạo đức bay mùi thơm lạ
Muốn nếm thì phải rán suy tầm.

Đọc qua lời giáo huấn trên, 8 điều nhẫn và được diễn giải cụ thể dễ hiểu, ta cảm nhận được tính phổ cập thiết thực và xác đáng trên ý hướng hóa chúng cứu đời của Đức Thầy, Huỳnh Giáo chủ.

Như đã trình bày ở phần đầu, Đức nhẫn trong truyền thống Phật giáo đưa hành giả tu Phật đến đỉnh cao của sự giác ngộ. Vì nhẫn nhục Ba la mật là sự đột phá nhân tướng, ngã tướng, hóa giải vạn pháp giai không, sống được với tâm giác ngộ an lạc Bồ đề thanh tịnh. Nhưng, để từng bước tiến tu, nhất là công hành của người cư sĩ tại gia Phật giáo Hòa Hảo học Phật tu Nhân, thì Phật Thầy xưa và ngày này Đức Thầy Huỳnh Giáo chủ dạy tu nhẫn theo hoàn cảnh sống và anh nhẫn giữa cuộc đời. Thế nên giáo pháp Bát nhẫn được thiết lập như một phương tiện khả thi tối ưu vậy.

“Chữ thứ nhất nhẫn năng xử thế
Là người hiền khó kiếm trong đời
Lập thân danh tuần trải nơi nơi
Chờ thời đại mới là khôn khéo”

Nhẫn nhịn hòa ái với nhau giữa cuộc nhơn sinh người tu Phật Giáo Hòa Hảo xử sự ở đời lấy chữ nhẫn làm công hạnh lập đức. Chữ nhẫn ứng dụng trong tất cả các mặt ở đời sống chan hòa bao dung tương thân tương ái, xuất xử hợp thời tiến thói khôn ngoan một cung cách ứng xử đẹp đẽ biết nhường nhau, sẽ sánh danh bậc hiền nhơn đạo đức, nhân cách cao vời tinh thanh khả kính.

“Chữ nhẫn giái trì tâm trong trẻo
Khuyên dân thường giữ phận làm đầu”

Dằn lòng an nhẫn để giữ gìn giới hạnh của đạo cho thật tinh anh (trong trẻo) và xem đó là hàng rào phải có để ngăn ngừa đều sai quấy tội lỗi và nó là việc đầu tay giữ phận tu hành.

“Nhẫn hương lân cùng khắp đâu đâu
Trên cùng dưới điều hòa ý hỷ”

Vì đời sống một cư sĩ người tu Phật Giáo Hòa Hảo phải hóa quan hòa trần, đi giữa cuộc đời vừa tu vừa giúp nước vùa dân. Vì họ cảm thấy mình còn mang nợ tứ ân thâm trọng phải lo đền đáp. Do đó, phải lấy chữ nhẫn để lập hạnh, khắp cùng làng sớm hương thôn lân lý phải nhẫn hòa vui vẻ với người trên kẻ dưới, ấy là cách xã giao hòa mục vui đẹp xóm làng.

“Nhẫn phụ mẫu gọi trang hiền sĩ
Phận xướng tùy chồng vợ nhịn nhau

Ở trong nhà người cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo xử dụng đức nhẫn với người thân của mình, đây là một việc ứng tu không đơn giản, vì quen dễ sanh lờn, vì thân dễ sanh tư ái… rất khó nhẫn!

Với cha mẹ là phải nhẫn tuyệt đối rồi, vì với đấng sanh thành biển trời ơn nghĩa. Nhưng cũng có khi gặp bực làm cha mẹ không đủ đức hạnh phận làm con phải an nhẫn để hiếu thảo, việc ấy khá cam go, nhưng phải nhẫn cho được để xứng danh hiền sĩ vậy.

Còn vợ chồng với nhau. Nếu không an nhẫn thì canh không lành, canh không ngon. Nói gì đến hạnh phúc và sự vô nghì lỗi đạo sẽ xảy ra. Rồi con rồi cháu nương cậy vào đâu mà thảo hiền hiếu nghĩa?! Thế nên, trong gia đình chữ nhẫn sẽ là chất thuốc thần trị bịnh nhiễu loạn kỹ cương, tan nhà nát cửa. Muốn tu tĩnh giải thoát khổ đau, Đức Thầy dạy bổn đạo mình phải an nhẫn kiến lập thái hòa hữu hảo trong mỗi gia đạo an lành hạnh phúc.

“Nhịn sớm chòm cô bác mới cao
Nhẫn tâm nọ ngày ngày an lạc
Nhịn tất cả những người tuổi tác
Nhẫn tánh lành yên tịnh dài lâu”

Nhịn xóm chòm và người tuổi tác là nhẫn hương lân đã trình bày trước, ở đây Ngài nói cái giá của nó, “mới cao” là rất khó và khi hành được thì đúng là cao cả vậy. Điều ấy, nói lên đức hạnh đáng trân trọng và đã tiến khá xa trên lộ trình tu tỉnh, bởi vì để đạt được sự nhẫn hòa khắp người trên kẻ dưới, chốn hương lân sớm chòm thì hành giã đã nhẫn được tâm tánh mình, tự tâm đã an hòa thanh tịnh, đã phá vỡ hoàn toàn tự ngã nhõ nhen vốn vỉ do vô minh xui khiến làm nên. Và khi tâm tánh đã an nhẫn thì muôn pháp yên tịnh an lạc miên viễn dài lâu vậy.

Tóm lại, Nhẫn ba la mật là một trong lục ba la mật, một trong sáu con đò Bồ Tát hạnh đưa chúng sanh từ bờ mê sanh bến giác. Nhẫn là một đức tu hiệu quả thiết thực đẻ hành giã thể hiện những đức tính cao cả: Từ, Bi, Hỷ, Xả, lòng hiền, sự yêu thương, vui sống, bỏ qua không chấp nhứt. Trong nhà Phật gọi là tứ vô lượng tâm của Phật bốn đại đức vô lượng tâm nầy Đức Phật đã khuyên dạy chúng sanh và với Đức Thầy đã ân cần khuyến tấn bổn đạo, trên đường về Phật quốc, phải nuôi dưỡng và phát hiện cho được, rồi đem thực hành trên thiệt tế để mang lại cái phúc lợi cho mình và khắp cả chúng sanh ấy là ý tưởng xác thực nhất của sự hành đạo.

Từ đó suy ra, đức nhẫn là hạnh tu cơ bản tối cần mà mỗi người tu Phật phải chăm chắm thực hành để tự lòng an lạc hạnh phúc đồng thời xây dựng cho y báo quanh mình một khung trời hiền thiện vui tươi như sự giáo huấn của Đức Thầy:

“Tánh hiền lương vẻ mặt vui tươi
Vậy mới đáng tín đồ Phật giáo
Nay ta đã qui y cầu đạo
Gây gỗ là trái thuyết từ bi”.

Thường Như
Trích "Chữ Nhẫn trong truyền thống các tôn giáo", NXB Phương Đông, tr.32-39