Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (18)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3020 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Chương tám: Nội dung Phật Pháp của Phật Giáo Hòa Hảo.


 

F. Cư sĩ Huỳnh Phú Sổ và danh tăng Narada Maha Thera


Bây giờ ta thử so sánh sự diễn giải bát chánh đạo của Huỳnh Phú Sổ với sự diễn giải của đại đức Tích Lan Narada Maha Thera, một học giả Phật Giáo nổi tiếng được công nhận khắp thế giới, trong cuốn The Budda And His Teachings, và được chuyển ra Việt ngữ bởi Phạm Kinh Khánh là "đức Phật Và Phật Pháp".  Cuốn sách xuất sắc được coi là sách căn bản cho ai muốn tìm hiểu Phật giáo Nguyên Thủy. Qua sự so sánh này, ta sẽ thấy kiến thức Phật Học và sự diễn giảng Phật Pháp của Huỳnh Phú Sổ là đúng hay sai, cao hay thấp và có hợp với chủ ý của đức Phật hay không?


 

Trong kinh Chuyển Pháp Luân cũng như trong chương về Bốn Chân Lý Cao Thượng hay Tứ Diệu đế của cuốn đức Phật và Phật Pháp, bát chánh đạo được trình bày theo thứ tự sau: - Chánh kiến – chánh tư duy – chánh ngữ - chánh nghiệp – chánh mạng – chánh tinh tấn – chánh niệm – chánh định.

 

Huỳnh Phú Sổ theo thứ tự khác một chút: - chánh kiến – chánh tư duy – chánh nghiệp – chánh tinh tấn – chánh mạng – chánh ngữ - chánh niệm – chánh định.

 

Cả hai lối trình bày đều để chánh kiến và chánh tư duy trước hết và chánh niệm, chánh định sau cùng, chỉ khác nhau trong sư sắp xếp thứ tự trước sau của chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn theo Thera hay chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh mạng, chánh ngữ theo Huỳnh Phú Sổ.

 

Sự khác biệt này không quan trọng. đặt chánh nghiệp, chánh tinh tấn trước chánh mạng, chánh ngữ cũng có lý. Mà đặt chánh ngữ, chánh mạng trước chánh nghiệp, chánh tinh tấn cũng không có gì sai. điều quan trọng là cách diễn giải, vì như đã nói kinh Chuyển Pháp Luân quá ngắn, và trong đó đức Phật lần đầu nói về bát chánh đạo mà lại không có diễn giải. Bây giờ ta coi có gì khác biết trong sự diễn giải của học giả Tích Lan Naraga Thera và Phật tử Việt Nam Huỳnh Phú Sổ không?


* Narada nói "chánh kiến là hiểu biết đúng đắn, tức am hiểu tận tường Tứ Diệu đế. Nói cách khác, chánh kiến là thấu triệt thực tướng của bản thân mình". Và ông chỉ viết vỏn vẹn có 7 hàng cho vấn đề quan trọng này. đây là cách giải thích vụng về, vì nó bắt người ta phải hiểu "tứ diệu đế" là gì hay "thực tướng" là gì mới hiểu được chánh kiến là gì.


Huỳnh Phú Sổ giải thích chánh kiến là nhìn thấy, xem xét, hiểu biết đúng theo sự thật. Cũng có nghĩa không nhìn thấy, xem xét, hiểu biết theo tà kiến, theo những sự dối trá, giả dối, không đúng với sự thật. ông giải thích bằng cách dùng những chữ như "tà kiến", "các điều tà mị", "sự giả dối" để làm sáng tỏ sự diễn giải của ông. đây là sự giải thích chánh kiến rất chính xác, rõ ràng và đầy đủ.


* Narada viết "chánh tư duy là có những tư tưởng chơn chánh... gạt bỏ những ý tưởng và những khái niệm sai lầm... Chánh tư duy gồm ba phần: Nekkhamma, xuất gia, là sự từ khước những dục vọng trần tục... Avyapada tâm từ ái... Avihimsa không hung bạo hay ôn hòa, hiền lương, lòng bi mẫn..." rồi ông viết đến 5 trang nói về tâm từ và tâm bi trong mục nói về chánh tư duy (trong khi đó mục chánh kiến ông chỉ viết đúng 7 dòng).


Huỳnh Phú Sổ diễn dịch chánh tư duy là tư tưởng chơn chánh, không mãi mãi quây cuồng theo các thị dục cám dỗ, đó là những tà (tư duy). Suy nghĩ chân chánh như thế nào? ông dạy tâm cần phải bình, tánh cần phải tịnh, giữ tư tưởng thanh cao, rán tìm chân lý, hãy đặt tư tưởng vào công cuộc tìm phương cứu giúp sanh linh, hãy tin tưởng Trời Phật, hãy tìm con đường giải thoát... ông viết chỉ nửa trang nhưng súc tích, chính xác và cao siêu hơn 5 trang giấy của vị cao tăng Tích Lan.


* Học giả Narada nói: "Chánh ngữ là lời nói chân chánh, không nói dối, không nói đâm thọc, làm cho người này phiền giận người kia, không nói lời thô bỉ và không nói nhảm nhí".


Huỳnh Phú Sổ thì cũng nói gần như thế nhưng đầy đủ hơn, trước hết ông định nghĩa chánh ngữ là lời nói chơn thật, ông khuyên mọi người không nên nói lưỡng thiệt, làm cho thiên hạ bất hòa, ỷ ngôn, chưởi mắng kẻ dưới, ác khẩu, tiếng độc ác, tục tằn, chưởi rủa, vọng ngữ, nói láo, nói huyển hoặc. ông còn đi xa hơn bằng cách thực hành chánh ngữ như thế nào? đó là nói lời chơn chánh, đúng sự thật, ngay thẳng, hiền lương đức hạnh, khuyên răn kẻ khác làm theo lẽ phải, nói lời có ích lợi cho chúng sanh và hợp với tinh thần đạo đức.


* Về chánh nghiệp, Narada định nghĩa là "hành động chơn chánh, khả dĩ tạo thiện nghiệp, là không sát sanh, không trộm cắp và không tà dâm".


Huỳnh Phú Sổ cũng định nghĩa chánh nghiệp là việc làm chánh đáng ngay thẳng nhưng ông đi sâu vào việc sinh sống mưu sinh của người Phật tử tại gia, là "nguyện bỏ những nghề nghiệp tai hại cho con người... không vô cớ sát sanh các loài vật, không đánh đập, đâm chém ai". Cách giải thích chánh nghiệp như Narada rõ ràng là thiếu sót. Ngược lại Huỳnh Phú Sổ coi chánh nghiệp không những là "việc làm, hành động chánh đáng ngay thẳng", mà còn cần phải có một nghề nghiệp mưu sinh chánh đáng ngay thẳng, "không gây tai hại cho con người", diễn giải như thế chắc chắn là đúng với ý chỉ của đức Phật hơn.


* Chánh mạng: là "sanh sống chơn chánh, giữ thân, khẩu, ý trong sạch sống cuộc đời trong sạch, lánh xa năm nghề nuôi mạng tạo nghiệp xấu (buôn bán khí giới, nô bộc, thú vật, chất say và độc dược)" theo Narada.

 

Huỳnh Phú Sổ cũng định nghĩa chánh mạng là "sanh mạng chân chánh, trong sạch", ông giải thích bằng cách nói về sự sai lầm, tai hại của việc say đắm theo lục căn, lục trần, bổ dưỡng thân xác mà quên mất trí tuệ, tinh thần bị đen tối, bỏ bớt sự trưởng dưỡng thân xác, "thiền định đặt làm thể, trí tuệ đặt làm mạng, tự chủ tìm chỗ bất sanh bất diệt". ở đây Huỳnh Phú Sổ đã diễn giảng cao sâu hơn, đầy đủ hơn và gần gủi nhất với ý của đức Phật.


* Chánh tinh tấn là "cố gắng chơn chánh, chăm chú kiểm soát thân, khẩu, ý, cố gắng đè nén, tiêu trừ ác pháp, cố gắng phát sanh, trau dồi thiện pháp". Giải thích như tác giả Naraga là rất hay.


Nhưng Huỳnh Phú Sổ đã giải thích hay hơn nữa, cao rộng hơn nữa, hùng mạnh hơn nữa và đi ngay trong lòng Phật pháp. ông định nghĩa: "Chánh tin tấn là tín ngưỡng chơn chánh và lướt tới". Thật là tuyệt diệu. ông giải thích bằng cách phê bình quan niệm sai lầm của phát duy vật, vô thần chỉ biết xác thịt, vật chất và đưa ra quan niệm độc đáo, hùng tráng như sau về chánh tinh tấn là không chạy theo vật dục, cám dỗ thấp hèn, rán giữ đức tin cho mạnh mẽ, nhất quyết không bỏ lòng tin ở Phật Trời, luôn luôn nhớ đến việc cứu vớt chúng sanh khỏi biển khổ của đức Phật. Và ông phát nguyện bồ tát cũng như kêu gọi mọi người cùng phát nguyện bồ tát lớn lao, dũng mãnh: "Ngày giờ nào còn một kẻ trong chúng sanh chịu khổ, ta cũng phải khổ vì họ". ông cũng kêu gọi mọi người quyết chí tu hành cho thành chánh quả để hoằng pháp độ sanh, dắt dìu bá tánh xa miền tục lụy. đúng là tinh thần tự giác, giác tha độc đáo, đặc thù của Chư Phật mười phương, ba đời.


* Chánh niệm là "liên tục chú tâm quán tưởng đến thân, thọ, tâm, pháp" để trừ bốn quan niệm sail ầm "ưa thích cái không đáng ưa thích, đau khổ lại coi là hạnh phúc, xem trường tồn cái vô thường, vô ngã lại cho có linh hồn trường cửu" theo Narada.

 

Theo Huỳnh Phú Sổ thì chánh niệm là ghi nhớ chân chánh, không nghĩ tưởng đến thất tình lục dục, mà tưởng niệm đến phương pháp tu hành, đến đức Phật, đến Phật pháp, đến sự vô thường của thân tứ đại giả hợp. Cách diễn giải này mới đúng cách dạy của Phật.


* Chánh định là "nhiếp tâm vào một điểm... là điều tối cần nhờ đó tâm minh sát có thể nhận chơn được thực tướng của vạn hữu". đó là nguyên văn và toàn bộ sự định nghĩa chánh định của theo đại đức Thera.


Huỳnh Phú Sổ định nghĩa chánh định là "suy gẫm chân chánh", nghĩa là không để tư tưởng, tâm trí chạy theo sự giả huyển của thân xác và cuộc đời, ngược lại, phải suy nghĩ đến sự mong manh, vô thường của vạn pháp, và lấy thiền định phá tan vô minh để cho trí tuệ sáng suốt, giác ngộ xuất hiện. Nghĩ chánh định là nhiếp tâm vào một điểm như Narada cũng như nhiều tăng, ni, phật tử khác e rằng sai lạc.


Vì toàn bộ bát chánh đạo, một cách nhất quán, là gồm hai phần, cho cả tám con đường chân chánh: phần đầu là phần tiêu cực, đả kích những con đường tà và phần sau, là phần tích cực là làm hiển lộ, cỗ vũ, tuyên dương những con đường chánh, giống như phương pháp luận về ngũ giới (gồm ngũ ác và ngũ thiện) hay về thập giới (gồm Thập ác và Thập Thiện). Nên chánh định không có nghĩa là thiền định, là tập trung tư tưởng hay là ngồi thiền chung chung, mà có nghĩa là suy gẫm, trầm tư chân chánh, hay tập trung tư tưởng chân chánh, đúng theo sự thật, biết tất cả là vô thường, sẽ bị tan rã, tiêu diệt, biết mọi pháp đều vô ngã không có tự tính, chỉ do nhân duyên mà thành, biết tất cả đều trùng trùng liên hệ vào nhau, hòa nhập vào nhau v.v... Nếu định nghĩa chánh định là "nhiếp tâm vào một điểm" như học giả Narada Thera thì đức Phật chỉ nói Samadhi (định), chớ không cần phải nói Samma Samadhi (chánh định).


Chữ Samma có nghĩa là chân chánh, đúng với chân lý. đức Phật đã dùng Samma trước tất cả mọi chữ (Samma ditthi: chánh kiến, Samma Samkappa: chánh tư duy, Samma Vaca: chánh ngữ, Samma Kammanta: chánh nghiệp, Samma Ajiva:chánh mạng, Samma Vayama: chánh tinh tấn, Samma Sati: chánh niệm)... vì thời đức Phật, các đạo sư hay môn phái khác cũng có dạy về tri kiến, tư duy, niệm, định v.v... nhưng những lời dạy này không hoàn toàn phù hợp chân lý và mục đích giác ngộ, giải thoát, như các phương pháp Yoga (du già) cũng là cách để định, nhiếp tâm vào một điểm, nhưng nhằm mục đích khai mở bảy luân xa, chớ không phải để "ngộ nhập Phật tri kiến" như chánh định của đạo Phật.

 

Huỳnh Phú Sổ đã thấu hiểu và giảng giải chánh định cũng như toàn bộ bát chánh đạo một cách chính xác, đầy đủ và sâu sắc hơn cả một vị cao tăng Tích Lan. Tuyệt vời nhất là ông đã diễn giải một cách hợp căn cơ, trình độ và nhất là hợp thời đại, như cách ông định nghĩa chánh tinh tấn là: "tín ngưỡng chân chánh và lướt tới".

 

Giữ vững tín ngưỡng Phật Giáo chân chánh và lướt tới cứu vớt quần sanh thoát khỏi biển khổ.

 

Đó là thông điệp thống thiết của Phật tử Huỳnh Phú Sổ.

 

Giữ vững tín ngưỡng Phật Giáo chân chánh và dũng mãnh đi tới trên con đường phụng sự đất nước và dân tộc Việt Nam.

 

Đó là nhật lịnh hùng tráng của Bồ Tát Huỳnh Phú Sổ.

 

Giữ vững tín ngưỡng Phật Giáo chân chánh và tấn tới trên con đường từ bi, trí tuệ, giải thoát, quyết chí tu hành đắc thành đạo quả hầu dắt dìu bá tánh, cứu độ chúng sanh.

 

Đó là di chúc thiêng liêng của Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ.

 

Từ Thất Sơn, ông đã nhìn thấy Hy Mã Lạp Sơn.

 

Từ Cửu Long, ông đã thấy sông Hằng.

 

Ông đã thuyết pháp, hành động trong bónh anh linh của Chư Phật.

 

Chư Phật mười phương, chư Bồ Tát muôn triệu thế giới và chư Tổ, Thánh Tăng và tiền nhân Việt Nam bao thế hệ đã hiển hiện trong Huỳnh Phú Sổ. Cũng như trong mỗi chúng ta đã có sẵn chủng tử Phật tánh, trong mỗi tăng, ni, phật tử Việt Nam đang và sẽ sống trên thế gian đều có sẵn hình bóng, nguyện lực, thần trí, hùng tâm của chư Phật, Bồ Tát, chư Tổ, Thánh Tăng và tiền nhân bao thời đại.


Chỉ riêng phần luận về Chánh Tinh Tấn, bồ tát Huỳnh Phú Sổ đã rất gần gủi, nhưng về đạo tâm, và hùng lực, có phần siêu vượt hơn, bồ tát Mã Minh, tác giả vĩ đại của một tác phẩm vĩ đại Luận đại Thừa Khởi Tín trong phần luận về Thế nào là tu hành môn Tinh Tấn sau đây, theo bản dịch của Cao Hữu đính:


"đối với các việc lành, lòng không do dự lùi bước, ý chí kiên cường, xa lìa khiếp nhược, phải nhớ nghĩ rằng từ quá khứ lâu xa đến giờ, mình đã luống chịu quá nhiều đau khổ, hết thân tâm này qua thân tâm khác, mà chảng ích gì. Cho nên giờ đây, phải lo siêng tu các công đức lợi mình lợi người, để chóng thoát khổ... Cần phải dõng mãnh siêng năng, ngày đêm sáu thời, lễ bái chư Phật, thành tâm sám hối, khuyến thỉnh chư Phật thuyết pháp, tùy hỷ công đức và hồi hướng công đức về nơi quá Giác, thường xuyên như vậy, không ngưng không bỏ, thời nghiệp chướng mới tiêu tan và căn lành mới tăng trưởng".

 

Không những kế thừa và xiển dương hoàn mỹ những tinh hoa của chư Tổ Phật Giáo Việt Nam như Khuông Việt, Vạn Hạnh, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung... Huỳnh Phú Sổ còn tiếp nối và phát huy tinh thần Phật Giáo đại thừa vào thời đại, từ suối nguồn xa xưa của chư Tổ Phật Giáo thế giới như Duy Ma Cật, Mã Minh, Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước, Huệ Năng, Nhật Liên...

 

Nói đến giáo lý Phật Giáo căn bản mà không đề cập đến Thập Nhị Nhân Duyên thì đó là điều thiếu sót. Tuy nhiên giáo lý thập nhị nhân duyên đã là rất cao, phải có trình độ đại học hay căn cơ tu hành từ nhiều kiếp may mới thấu hiểu tường tận. Ngay từ khi 23 tuổi, năm 1942, Huỳnh Phú Sổ đã thuyết pháp về Thập Nhị Nhân Duyên một cách đơn giản, dễ hiểu như sau cho các tín đồ của ông, là những nông dân chất phác. ông tạm dùng một số từ ngữ thông dụng trong nhân gian như linh hồn, bản ngã để nói cho dễ hiểu, thật ra trong Phật Giáo không chấp nhận có linh hồn vĩnh cửu hay bản ngã trường tồn mà chỉ chấp nhận có "danh" và "sắc", tức Tâm và thân xác là hai thành phần cấu tạo con người và "thức tái sanh", theo giáo lý nguyên thủy hay A lại gia thức, theo đại Thừa. Chất chứa tất cả thiện nghiệp và ác nghiệp, là cái đưa đến sự tái sinh, luân hồi. Hay ông dùng một số chữ không còn thông dụng ngày nay như bảo thủ (nắm giữ) hay xúc động (cảm xúc).


Lê Hiếu Liêm

Nguồn: phatgiaohoahao.net

------------------------------------------------------------

Bài liên quan:

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (1)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (2)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (3)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (4)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (5)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (6)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (7)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (8)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (9)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (10)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (11)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (12)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (13)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (14)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (15)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (16)

Bồ Tát HUỲNH P