Đức Huỳnh Giáo Chủ (3) - Ra Tế Độ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3248 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Thiên thứ nhứt: Giai đoạn ra đời mở đạo (tiếp theo)


Chương III: Ra tế độ


Gây đức tin:
Sở dĩ Ngài trổ tài "dùng huyền diệu của tiên gia" chữa bịnh một cách thần diệu như thế là để chứng tỏ Ngài không phải là hạng phàm nhơn. Như mọi người đều biết; từ nhỏ đến lớn Ngài có học thuốc với ai đâu, thế mà nay bỗng dưng chữa bịnh, chữa đâu hết đó, nhứt là những bịnh đau tà hay điên cuồng thì càng làm cho người đời phải đặt ra câu hỏi : Đây có lẽ là một vị Tiên, Phật, Thánh, Thần chi chi mượn xác phàm để ra đời cứu thế chăng ?


Từ chỗ nghi ngờ phát sanh lòng  tin tưởng (Nghi sanh tín). Đức tin đó càng ngày càng tăng trưởng là do hành động hay phương pháp chữa trị của Đức Huỳnh Giáo Chủ.


a) Chữa căn chớ không chữa quả, nghĩa là bịnh nào đau căn thì Ngài nhận chữa, còn bịnh nào đau về quả thì Ngài từ chối. Như có lần (ở Nhơn Nghĩa) có một bịnh điên chở đến; Ngài cũng cho uống thuốc và làm cho con bịnh bớt điên, nhưng Ngài bảo thân nhân chở về nhà, rán cầu nguyện và làm phước may ra mới bớt. Điều này chứng tỏ Ngài soi rõ căn quả của con bịnh, bịnh nào thuộc về căn, bịnh nào thuộc về quả. Đó cũng là bằng chứng rằng Ngài là bực siêu phàm mới có năng khiếu ấy.


b) Trong lúc chữa trị, với những bịnh hung tợn, Ngài thường kêu gọi chư Thần, chư vị sai khiến, như bảo trói hay khảo tra thì liền sau đó con bịnh tự trói lấy, tự lấy roi đánh vào người rồi lăn lộn than khóc,van xin  Ngài đừng cho khảo tra nữa để nó cung khai. Ngài sai khiến được chư thần như thế, hẳn Ngài là bực phi phàm, Phật Tiên Thần Thánh chi chi mới có uy lực sai thần tróc quỉ như vậy.


c) Có nhiều chứng bịnh. Ngài không chữa bằng phương pháp huyền diệu như cho uống lá cây hay các thứ bông mà lại bằng phương pháp thường của một vị lương y như bao nhiêu lương y trong làng, nghĩa là ra toa, rồi cầm toa ấy đến tiệm thuốc bắc, hốt thuốc về sắc uống. Ngài có học thuốc bắc hồi nào đâu, thế mà Ngài viết các tên thuốc rất đúng, đến các thầy thuốc bắc cũng phải kinh ngạc. Điều này chứng tỏ Ngài không phải là hạng người thường nhơn.


d) Mỗi khi Ngài chữa bịnh, thường bắt con bịnh uống nước cúng Phật và khi lành mạnh, bắt phải lạy bàn thờ Phật. Ngoài ra Ngài còn dạy khi về nhà rán niệm Phật và cầu nguyện, làm lành lánh dữ. Sau ngày Ngài chánh thức mở đạo, nếu có ai muốn qui y thì thì Ngài nhận cho qui y và bắt phải học các bài nguyện rồi về lập bàn thờ Phật, hằng đêm lễ bái. Điều nầy chứng tỏ Ngài qui ngưỡng theo Phật, một vị siêu phàm trong hàng ngũ Phật Thánh.


đ) Từ ngày Ngài ra chữa trị, độ bịnh cứu đời, thường sai khiến chư thần chư vị thì những đồng bóng hay cốt ông nầy bà nọ không còn dám về đồng hay nhập cốt nữa. Chủ nhơn quá tha thiết cầu thỉnh thì có vị về cho biết rằng: Nay có Phật, Bồ Tát ra đời cứu dân độ thế, uy lực rất lớn nên chúng không dám về đồng hay bén mảng lại gần, vì tự nhận thấy mình là phần còn ăn thịt uống rượu, nên không dám lại gần các hàng Phật Thánh, sợ bị chư thần chư vị đánh đuổi.


Do đó mà người trong làng được biết đến phần thiêng liêng hay Đức Huỳnh Giáo Chủ về mặt siêu hình là một vị có phẩm trật cao siêu trong hàng Phật Thánh.


Do những phương pháp chữa trị huyền diệu, cũng như ngôn hành của Đức Huỳnh Giáo Chủ thi thiết đối với mà người ta nhận Ngài là một đấng siêu phàm Hoặc vì nhờ được " mạnh mà cảm lòng từ bi của chư vị với Trăm Quan", nên người đời qui ngưỡng theo Đức Huỳnh Giáo Chủ và đặt cả đức tin vào sự cứu độ  của Ngài.

Thuyết giảng:
- Để gây niềm tin vào tâm não của mọi người, ngoài phương pháp "dùng huyền diệu của Tiên gia", chữa bịnh, Đức Huỳnh Giáo Chủ còn thuyết giảng những giáo lý cao siêu của Đạo Phật " cho kẻ có lòng mộ Đạo qui căn, gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ", Ngài thuyết giảng cả ngày lẫn đêm mà không biết mỏi. Ngoài bịnh nhơn đến chữa trị, nay thêm hạng người đến nghe đạo lý xin thơ bài, thành thử nhà Đức Ông không còn chỗ chứa.


Chính phương pháp giảng thuyết đã thu hút đông người hơn lối chữa trị huyền diệu, vì trong những lời thuyết giáo có ẩn ý thiên cơ, thức tỉnh lòng người hầu ăn năn cải hóa làm lành lánh dữ.


Nhứt là Ngài ám thông tâm lý, biết rõ lòng người, nói rất đúng như người ở trong nhà. Không ẩn khúc nào có thể giấu giếm Ngài được. Ngài còn thấu cả tiền căn hậu kiếp của mỗi người qua thơ bài của Ngài viết tặng, càng làm mọi người khâm phục qui ngưỡng càng lúc càng đông. Chúng tin tưởng Ngài là một vị siêu phàm có sứ mạng xuống trần cứu dân độ thế.


Lối nói của Ngài rất hấp dẫn. Ai nghe cũng cảm, vì Ngài hết sức bình dị và luôn khiêm tốn, không hề xưng hô lớn lối. Vừa thuyết giảng, vừa cho bài thơ, đượm nhuần giọng văn tao nhã, sực nức lời lẽ cao siêu của Đức Phật, vì vậy có mãnh lực giác tỉnh phi thường người đời phát tâm Bồ Đề, qui đầu chánh pháp.


Sau một thời gian chữa bịnh và thuyết giảng đem niềm tin tưởng vào lòng người, Ngài cảm thấy cơ duyên đã đến cho Ngài thọ lấy sắc lịnh của Thiên Đình mở cơ phổ hóa, giác tỉnh quần mê hầu có hoàn thành sứ mạng tuyển chọn người hiền đến Hội Long Hoa và lập đời Thượng Nguơn an lạc.


Lễ Cáo Hoàng Thiên: - Phàm làm một việc gì, trước khi lãnh lấy trách nhiệm, như vị Tổng Thống hay Thủ Tướng chẳng hạn, phải làm lễ ra mắt, tuyên cáo quốc dân. Hồi thời xưa muốn đưa một vị tướng lên cầm quân , như  Văn Vương chọn Khương Tử  Nha hay Hớn Bái Công chọn Hàn Tín làm tướng đều có tổ chức lễ đăng đàn bái tướng để chánh thức phong tướng và đồng thời trao ấn tín cho vị tướng ấy có đủ uy quyền ra cầm binh khiển tướng, thi hành nghiêm lịnh.


Trường hợp của Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng thế. Trước khi chánh thức lãnh sắc lịnh của Thiên Đình ra cứu dân độ thế. Ngài cũng phải tổ chức lễ Cáo Hoàng Thiên để chánh thức nhận lấy trách nhiệm.


Ngài chọn ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão làm lễ CáoHoàng Thiên. Cứ theo lời ông Nguyễn Văn Truyền, nguyên Kiểm soát trong Ban Trị Sự xã Hòa Hảo kể lại thì chính ông lãnh việc trang trí một bàn hương án trước sân nhà Đức Ông. Trên bàn ấy có để ba cái chung nước, một chén bông, một lư hương và một cặp đèn.


Sau khi bàn hương án đã dọn, Ngài cho mời Đức Ông là chủ nhà ra chứng kiến, nhưng Đức Ông không chịu ra; đến khi bà Tám em Đức Ông và nhiều người thân thuộc lại yêu cầu nhiều lần cực chẳng đã, Đức Ông mới nhận, nhưng để mình trần ra ngồi bẹp xuống bực thềm trước nhà và nói một câu cụt ngủn: Đó, làm gì thì làm đi.


Đức Thầy bèn đốt hương xá bốn hướng rồi quay lại bàn hương án khấn vái một hồi lâu mới cắm hương và lễ bốn lạy. Thế là cuộc lễ Cáo Hoàng Thiên đã xong. Ông Truyền lại có phận sự dẹp bàn hương án như khi đã dọn ra.


Viết Sấm Giảng: - Đã chữa bịnh, đã thuyết giảng, tuy đã gây được niềm tin ở một số người, nhưng chưa chỉ pháp môn tu hành là điều mà những người muốn tu hành  cần phải có, để nương theo đó mà tu học hầu cho đắc thành quả vị Phật Thánh hay hoàn toàn giải thoát.


Vì vậy, sau khi làm lễ Cáo Hoàng Thiên, Ngài chăm chú vào việc viết Sấm Giảng, để trình bày hay phổ truyền giáo pháp của Ngài.  Người ta có thể do nơi đó để biết rõ Ngài có phải là một bực  Chơn Sư và giáo pháp của Ngài có phải là Chánh pháp không?


Ngài viết dễ dàng, không cần đến giấy nháp. Tác phẩm của Ngài phần lớn thuộc loại văn vần, với tác dụng là để cho hạn dân quê  ít học, dễ đọc và dễ nhớ. Vả lại loại văn vần có sức truyền cảm hơn loại văn xuôi.

Sau đây là những quyển giảng của Ngài đã viết:


1. Sấm Giảng khuyên người đời tu niệm. - Đây là quyển thứ nhứt có 912 câu, viết tại Hòa Hảo vào khoảng sau khi làm lễ Cáo Hoàng Thiên năm Kỷ Mão (1939). Trong quyển giảng nầy, đại ước, Ngài cho biết trước khi trực tiếp giáo độ chúng sanh, Ngài đã phương tiện hóa hiện dạo lục châu, giả dạng người già kẻ trẻ, kẻ buôn bán ăn xin, chèo đò rước khách . . . để có dịp đánh thức người đời rằng có Phật Tiên xuống thế.


Có nhiều bằng chứng xác nhận dấu vết cuộc châu du của Ngài.


Như trường hợp cô Lê Thị Cứng ở Hòa Hảo mất trộm được Ngài nhắc việc cô nầy coi bói ở những câu như sau :


Có người ở xóm bằng nay,
Bị mất trộm rày đồ đạc sạch trơn.
Du thần bày tỏ nguồn cơn,
Rằng người nghèo khó đang hờn phận duyên.
Điên nghe vội vã quày thuyền,
Dùng khoa coi bói giải phiền phàm nhơn.
Coi rồi bày tỏ nguồn cơn,
Xin cô đừng giận đừng hờn làm chi.


Cô Cứng xác nhận, sau khi mất trộm, có một chiếc ghe chở bốn người, trong đó có một người tự nhận làm thầy bói, ghé nhà cô để coi bói.


Một đoạn nữa trong Sấm Giảng nói về trường hợp ông chủ Phối ở lòng Ông Chưởng mà Ngài ghé nhà đàm đạo với ông Đạo Ba như Ngài đã đề cập trong Sấm Giảng :


Xuống thuyền xuôi nước thẳng xông,
Ghé nhà chủ Phối xem lòng Đạo Ba.
Ngồi chơi đạo lý bàn qua,
Mấy bà có biết lúa mà bay không ?
Có người đạo lý hơi thông,
Xin ông bày tỏ cho tôi hiểu rày.
Điên nghe liền mới tỏ bày,
Lúa bay về núi dành rày ngày sau.
Hỏi qua tu niệm âm hao,
Không biết câu nào trái ý Đạo Ba.
Buồn đời Điên mới bước ra,
Tay gây chèo quế dạo mà khắp nơi


Khi đọc đến đoạn giảng nầy ông Đạo Ba nhìn nhận có y như vậy.


Ngoài ra còn trường hợp của ông năm Hẳng ở làng Kiến An thường xưng là Quan Vân Trường mượn xác mà Ngài có ghé, như đoạn sau đây đã thổ lộ trong Sấm Giảng :


Thảm thương bá tánh lắm ôi !
Bồng Lai Tiên cảnh rao rồi một khi.
Nếu ai rảnh việc thời đi,
Còn mắc nợ thì ở lại dương gian.
Có người xưng hiệu ông Quan,
Tên thiệt Vân Tràng ở dưới Dinh Ông.
Thấy đời cũng bắt động lòng,
Ghé vào tệ xá thẳng xông lên nhà.
Mình người tu niệm vậy mà,
Nói chi lớn tiếng người mà khinh khi.
Người  nhà cảm tạ một khi,
Cúng năm cắc bạc tiền đi non Bồng.


Việc nầy ông năm Hẳng cũng nhìn nhận là đúng sự thật có một ông già râu tóc bạc phơ ghé nhà ông thuyết giảng và chính ông có cúng năm cắc bạc, tiền đi non Bồng.


Còn nhiều bằng chứng khác nữa ghi dấu Ngài có đi dạo Lục Châu, khi giả dạng người nầy người khác mà phần đông đều được mục kích hay đàm luận.

2. Kệ dân của người Khùng. - Đây là quyển thứ hai, có 476 câu, viết tại Hòa Hảo ngày 12 tháng 9 năm Kỷ Mão (1939)
Đại ý quyển nầy, Ngài chỉ vạch máy huyền cơ  cho nhơn sanh được biết, có sớm hồi đầu trở lại tinh tấn tu hành hầu được cứu rỗi trong ngày tận diệt hay vãng sanh Cực Lạc như đoạn giảng sau đây :


Nhìn cuộc thế đổi thay quá gắt,
Máy thiên cơ mỗi phút một thay.
Nẻo thạnh suy như thể tên bay,
Đường vinh nhục rủi may một lát.
Ai phú quí vào đài ra các,
Ta Điên Khùng thương hết thế trần.
Khuyên chúng sanh chẳng biết mấy lần,
Nào ai có tỉnh tâm tìm Đạo.


Hay là :
Đến chừng đó bốn phương có giặc,
Khắp hoàn cầu thiết thiết tha tha.
Vậy sớm mau kiếm chữ  Ma ha,
Thì Phật cứu khỏi nơi khói lửa . . .


Đồng thời Ngài đem chánh pháp vô vi của Đức Phật Thích Ca đối kháng lại giáo pháp  âm thinh sắc tướng của Thần Tú đang thạnh hành :
Khuyên sư vãi mau mau cải hối,
Làm vô vi chánh Đạo mới mầu.
Đạo Thích Ca nhiều nẻo cao sâu,
Hãy tìm kiếm cái không mới có.
Ngôi Tam Bảo hãy thờ Trần đỏ,
Tạo làm chi những cốt với hình,
Khùng nói cho già trẻ làm tin,
Theo Lục Tổ chớ theo Thần Tú.


Hay là :
Theo Thần Tú tạo nhiều chuông mõ,
Từ xưa nay có mấy ai thành.
Phật từ bi độ tử độ sanh,
Là độ kẻ hiền lương nhơn ái.
Xá với phướn là trò kỳ quái,
Làm trai đàn che miệng thế gian.
Kẻ vinh hoa phú quí giàu sang,
Mướn tăng chúng đặng làm chữ hiếu.
Thương bá tánh vì không rõ hiểu,
Tưởng vậy là nhơn nghĩa vẹn toàn,
Thấy lạc lầm Đây động lòng son,
Khuyên bổn đạo hãy nên tỉnh ngộ.

3. Sấm Giảng. - Đây là quyển thứ ba, gồm có 612 câu, viết tại Hòa Hảo vào năm Kỷ Mão (1939). Đại ý quyển câu đoạn đầu mách cho biết những tai nạn hãi hùng gớm ghê trong lúc biến di, như đoạn sau đây :


Thương đời Ta mượn bút nghiên,
Thở than ít tiếng giải phiền lòng son.
Bắt đầu cha nọ lạc con,
Thân nầy thương chúng hao mòn từ đây.
Minh Hoàng chưa ngự đài mây,
Gẫm trong thế sự còn dày gian truân.
Đò đưa cứu kẻ trầm luân,
Đặng chờ vận đến mới mừng chúa tôi,
Thảm thương thế sự lắm ôi !
Dẫy đầy thê thảm lắm hồi mê ly.


Hay là :
Lao xao bể Bắc non Tần,
Quân Phiên tham báu xa gần cũng qua.
Tranh phân cho rõ tài ba,
Cùng nhau giành giựt mới là thây phơi.
Khổ lao đà sắp đến nơi,
Thế gian bớt miệng kêu mời cõi âm.


Đồng thời dạy cho trai gái lớn nhỏ biết cách ăn thói ở đúng theo luân thường đạo nghĩa; có như thế mới mong sống sót trong những ngày lập hội, như đoạn giảng sau đây :


Nào là luân lý tứ ân,
Phải lo đền đáp xác thân mới còn.
Ai mà sửa đặng vuông tròn,
Long Hoa đến hội lầu son dựa kề.
Dạy về bổn phận làm trai :
Dạy rồi cái đạo tu hiền,
Làm trai nhỏ tuổi tình duyên đang nồng.
Cũng đừng ghẹo gái có chồng,
Cũng đừng phá hoại chữ  đồng gái trinh.
Ra đường chọc ghẹo gái xinh,
Nữa sau mắc phải yêu tinh hư mình.
Xử cho vẹn chữ nghĩa tình,
Vâng lời cha mẹ mà gìn gia cang.
Nghiêm đàng chịu lịnh cho an,
Loạn luân cang kỷ hổ han tiếng đời.
Anh em đừng có đổi dời,
Phụ phàng dưa muối se lơi nghĩa tình.

Dạy về bổn phận làm gái :


Lớn lên phận gái cần chuyên,
Làm ăn thì phải cho siêng mới là.
Phải gìn dục vọng lòng tà,
Đừng chiều theo nó vậy mà hư thân.
Nghe lời cha mẹ cân phân,
Tam tùng vẹn giữ  lập thân buổi nầy.
Tình duyên chẳng kíp thì chầy,
Chớ đừng cải lịnh gió mây ngoại tình.

4. Giác mê tâm kệ. - Đây là quyển thứ tư, gồm có 846 câu, viết tại Hòa Hảo ngày 20 tháng 9 năm Kỷ Mão (1939).


Đại để trong quyển nầy, Ngài tuyên giáo pháp môn hành đạo của Đức Phật Thích Ca như Tứ  Diệu Đế. Bát Chánh Đạo . . . cho người đời noi theo đó tu hành  cho đắc quả.


Ngài không dứt khuyên chúng sanh rán tìm diệu lý trong sấm kinh và rán làm tròn nhơn đạo, vì là thời kỳ chư Phật Thánh tuyển chọn người hiền đức. Và chỉ người hiền đức mới được sống còn sau ngày hoạidiệt của cõi thế gian.


Trong bá tánh muốn nơi cao quí,
Phải truy tầm huyền bí đạo cơ.
Từ sám kinh cho đến thi thơ,
Trong chốn ấy nhiều nơi trọng yếu.
Tạo làm chi những trung với hiếu,
Ấy là người bổn phận phải trau.
Khuyên dương trần đừng nệ cần lao,
Cũng rán sửa rán trau nền đạo.
Tu đầu tóc không cần phải cạo,
Miễn cho rồi cái đạo làm người.
Kể từ nay lỡ khóc lỡ cười,
Vì buồn bực thấy đời biến chuyển.
Các chư Phật từ đây lựa tuyển,
Coi ai là đức hạnh hiền từ.
Lời sách xưa cận thủy tri ngư,
Cận sơn lãnh trần gian tri điểu.
Trong Sấm giảng nếu ai không hiểu,
Tầm kệ nầy Ta chỉ nẻo đường;
Quyết dạy trần nên nói lời thường,
Cho sanh chúng đời nay dễ biết.

5. Khuyến Thiện. - Đây là quyển thứ năm, gồm có 756 câu, viết tại Chợ Quán năm Tân Tỵ (1941).

Trong quyển nầy, Ngài kể lại gương xuất gia tầm đạo của Phật Thích Ca:


Nói cho đời hiểu Phật Thích Ca,
Lòng tự giác xả thân tầm Đạo.
Ta cũng chẳng hoàn toàn thông thạo,
Nhưng phân cùng bổn đạo xa gần.
Có một điều già trẻ ân cần,
Là phải biết nguyên nhân Phật giáo.


Sau đó Ngài khuyên người đời tu theo pháp môn Tịnh độ để cầu sanh về Cực Lạc, vì trong thời kỳ mạt pháp nầy, đây là một Pháp môn cứu cánh, phù hạp với căn cơ của tất cả chúng sanh trong thời Nguơn hạ.


Môn Tịnh độ là phương cứu cánh,
Rán phụng hành kẻo phụ Phật xưa.
Lòng từ bi chẳng quản nắng mưa,